Lá cờ Tổ quốc đã được kéo lên vị trí cao nhất và Quốc thiều vang lên giữa ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Những hình ảnh, những tấm gương thi đấu quyết liệt, tinh thần vươn lên chinh phục đỉnh cao của các vận động viên xuất sắc tại Thế vận hội nói chung và của vận động viên, Đại tá Hoàng Xuân Vinh nói riêng thực sự đã đem lại niềm tự hào, cổ vũ không chỉ cho thể thao mà cho mọi con người, mọi lĩnh vực cuộc sống.
Sau thành công xuất sắc của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc), chúng ta đã biết rõ hơn những khó khăn, thiếu thốn cũng như những lỡ làng, thất bại mà anh cùng tập thể bộ môn bắn súng đã phải trải qua. Bài học từ kỳ tích và bản lĩnh chiến sĩ vươn lên đỉnh cao thế giới của anh chính là ý chí vượt khó, tự tin theo đuổi đến cùng mục tiêu.
Hoàng Xuân Vinh giành huy chương vàng nội dung 10 m súng ngắn và huy chương bạc nội dung 50 m súng ngắn bắn chậm tại Olympic 2016.
Ảnh: Getty Images.
Nếu như sự tự tin, ý chí vượt lên mọi khó khăn, thách thức từ cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, nhân dân ta đã trở thành nền tảng tinh thần để thể thao Việt Nam từng bước tiến bộ, phát triển thì những thành tích, những chiến thắng của thể thao trên các đấu trường trong nước, khu vực, châu lục và thế giới đã đem lại niềm vui, truyền niềm hứng khởi trở lại cuộc sống. Nếu như thành công của bộ môn bắn súng cùng nhiều bộ môn khác dần làm sáng tỏ cách làm trọng điểm, cách tận dụng những điều kiện mới trong hội nhập quốc tế để phát triển thể thao thì đó cũng chính là con đường lớn của sự kiên định và sáng tạo mà mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực của đất nước hướng tới trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước.
Thể dục thể thao là hoạt động thường xuyên để rèn luyện mỗi con người, để “dân cường nước thịnh” như Bác Hồ nhắn nhủ, cổ vũ toàn dân ngay từ khi đất nước mới giành được độc lập. Thể thao đỉnh cao là lá cờ vẫy gọi cho hoạt động ấy, là sự khám phá những giới hạn thể chất, tinh thần con người Việt Nam. Tiếp sau những thành công trên đỉnh cao thế giới về tâm hồn, trí tuệ của Đặng Thái Sơn trong âm nhạc, Ngô Bảo Châu trong toán học, Huy chương vàng và kỷ lục Ô-lim-pích của Hoàng Xuân Vinh cùng các thành tích cao ở các kỳ Thế vận hội trước đây đã cho thấy con người Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên tầm cao thế giới trong một số bộ môn thể thao.
Khác với nhiều hoạt động của cuộc sống, mọi hoạt động thể thao đỉnh cao đều phơi lộ ra trước con mắt xã hội, được ngợi khen và phải chịu đựng sự phán xét tức thời. Không làm chủ được cảm xúc, không biết lắng nghe sự góp ý và phê phán, không biết xây dựng cách làm khoa học, bài bản, thể thao đỉnh cao của chúng ta không thể nâng tầm.
Đón nhận thành công đặc sắc của Hoàng Xuân Vinh, chắc chắn những người làm thể thao Việt Nam nói chung và bộ môn bắn súng nói riêng sẽ rà soát lại công việc của mình, nhất là các nội dung đầu tư trọng điểm. Trong các cuộc tiếp xúc, mừng công, Thủ tướng Chính phủ cùng các lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu lên những yêu cầu mới cùng những động viên, khích lệ mới để thể thao Việt Nam đạt được những thành tích mới.
Có hậu thuẫn mới từ Nhà nước, từ xã hội, có niềm tự hào và tự tin mới, chúng ta có quyền tin vào những thành công mới của thể thao Việt Nam. Đó cũng chính là mục tiêu, là thông điệp của phong trào Ô-lim-pích thế giới.
Việt Nam giành giải cao chưa từng có tại Olympic Tin học Quốc tế 2016
Đoàn học sinh Việt Nam đã giành giải cao nhất từ trước tới nay khi tham dự kỳ thi Olympic Tin học quốc tế 2016.
Ngày 18/8/2016, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) nhận được thông tin chính thức từ Cộng hoà Liên bang Nga về kết quả dự thi Olympic Tin học quốc tế năm 2016 của đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Theo đó, cả 4/4 thí sinh dự thi đều đoạt Huy chương, gồm: 02 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc và 01 Huy chương Đồng.
Em Phan Đức Nhật Minh, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội: Huy chương Vàng.
Em Phạm Cao Nguyên, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội: Huy chương Vàng;
Em Trần Tấn Phát, học sinh lớp 12, Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: Huy chương Bạc;
Em Lê Quang Tuấn, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội: Huy chương Đồng.
Theo cách xếp hạng không chính thức dựa trên số Huy chương đạt được, Việt Nam đứng thứ 7/81 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự
Olympic Tin học quốc tế lần thứ 28 năm 2016 tổ chức tại Cộng hoà Liên bang Nga với tổng số 308 thí sinh đến từ 81 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có 154 thí sinh đoạt Huy chương (26 HC Vàng 51 HC Bạc và 77 HC Đồng), chiếm 50,0% số thí sinh tham dự.
Các nước có 03 Huy chương Vàng là Nga, Mỹ, Trung Quốc; 05 nước có 02 Huy chương Vàng là Việt Nam, Iran, Nhật Bản, Ba Lan, Hàn Quốc.
Theo cách xếp hạng không chính thức dựa trên số Huy chương đạt được, Việt Nam đứng thứ 7/81 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Đây cũng là kết quả cao nhất của đội tuyển quốc gia Việt Nam trong các kỳ tham dự Olympic Tin học quốc tế từ năm 2000 đến nay.
Việt Nam giành 4 Huy chương tại Olympic Sinh học quốc tế
Cả 4 thành viên của đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2016 đều đạt huy chương. Trong đó có 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng.
Cụ thể, huy chương Vàng thuộc về em Vũ Thị Chinh (Trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội).
|
Đoàn Việt Nam tại IBO 27. Ảnh: Thanh Hùng
|
Một huy chương Bạc thuộc về em Lê Thị Hồng Hoa (Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam).
Các em Nguyễn Ngọc Minh Hải (Trường THPT Chuyên Hạ Long, Quảng Ninh) và Nguyễn Đắc Hiếu (Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) giành được huy chương Đồng.
Năm nay có 23 thí sinh giành được huy chương Vàng.
Ngoài ra, thí sinh gốc Việt Lưu Hoàng Kim Ngân (trong đội tuyển Hungary) cũng đạt được huy chương Bạc.
IBO 2016 là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai một kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế.
IBO 2016 có sự góp mặt của 71 đoàn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Trong đó có 238 giáo viên và 264 học sinh tham dự. Đây là con số kỷ lục trong lịch sử các kỳ IBO về số đoàn và số thí sinh.
Việt Nam tham dự IBO lần đầu tiên năm 1996. Tính đến nay các thế hệ học sinh Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ với 1 huy chương vàng, 10 huy chương bạc và 45 huy chương đồng.
IBO 2016 là lần thứ tư Việt Nam tổ chức kỳ thi Olympic quốc tế sau các môn Toán, Vật Lí, Hóa học.
Việt Nam đoạt 2 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc Olympic Hoá học quốc tế năm 2016
Đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic Hoá học quốc tế năm 2016 đoạt 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc.
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) vừa nhận được thông tin chính thức từ Gruzia về kết quả dự thi Olympic Hoá học quốc tế năm 2016 của đội tuyển quốc gia Việt Nam. Kết quả có 3/4 thí sinh dự thi đoạt huy chương, gồm: 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc.
Cụ thể như sau:
Em Đinh Quang Hiếu, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đoạt Huy chương Vàng. Em Nguyễn Khánh Duy, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hoá đoạt Huy chương Vàng; Em Nguyễn Thành Trung, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định đoạt Huy chương Bạc.
|
Đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic Hoá học quốc tế năm 2016 |
Olympic Hoá học quốc tế năm 2016 lần thứ 48 tổ chức ở Tbilisi thủ đô của Gruzia, có 75 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự với tổng số 280 thí sinh.
Trong kỳ thi, Trung Quốc đoạt 4 Huy chương Vàng; các nước Nga, Rumani, Hàn Quốc, Đài Loan cùng đoạt 3 Huy chương Vàng. Việt Nam cùng Thái Lan, Sigapore, Ấn Độ và Iran cùng được 2 Huy chương Vàng.
Điểm thi của các thí sinh của Việt Nam đoạt Huy chương đều xếp thứ hạng cao trong cuộc thi: Em Đinh Quang Hiếu đạt 89,764 điểm, đứng thứ 7/280 thí sinh; Em Nguyễn Khánh Duy đạt 86,116 điểm, đứng thứ 16/280 thí sinh; Em Nguyễn Thành Trung đạt 79,212 điểm, đứng thứ 38/280 thí sinh.
Riêng em Phạm Đức Minh, học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam, Thành phố Hà Nội do bị ốm từ ngày thi thực hành nên ảnh hưởng không tốt về tâm lí dẫn đến điểm thi chỉ đạt 43,68 điểm./.
Thí sinh Hồ Đắc Thanh Chương của Quốc học Huế đã vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2016. Bốn nhà leo núi đến từ Hà Nội, Nam Định, Huế và Đắk Lắk.
|
Thí sinh Thanh Chương - Trường THPT Quốc Học Huế xuất sắc giành quán quân đường lên đỉnh Olympia năm 2016 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Thanh Chương đã giành chiến thắng thuyết phục ở trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2016. Chương dẫn đầu ngay từ khi "xuất phát" và về đích một mình. Ngay phần thi khởi động, Chương đã vượt lên dẫn đầu, với 110 điểm. Chương tiếp tục thắng ở phần Vượt chướng ngại vật khi mở thành công ô chữ, nâng tổng điểm lên 160 điểm.
Ở phần Tăng tốc, Chương cũng là người giành được nhiều điểm nhất, với 90 điểm, và tiếp tục dẫn đầu với 250 điểm, bỏ xa hai người đứng nhì là Vũ Tuấn và Duy Bách đến 80 điểm. Trong phần Về đích, Chương chọn gói 60 điểm, không đặt ngôi sao hi vọng và trả lời đúng hết, giành trọn 60 điểm, nâng tổng điểm lên 310.
Sau đó, trong phần Về đích của Tiến Tùng, khi Tùng trả lời sai, Chương giành quyền trả lời và có đáp án đúng ở câu 30 điểm, có thêm 30 điểm để nâng tổng điểm lên thành 340 và trở thành nhà vô địch sớm, trước khi người cuối cùng Duy Bách bước vào phần thi Về đích.
|
Thanh Chương hạnh phúc trong vòng tay của người thân và bạn bè - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
|
Tham gia trận chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 16 là bốn chàng trai: Lê Duy Bách (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội), Hồ Đắc Thanh Chương (THPT chuyên Quốc học, Thừa Thiên - Huế), Lâm Vũ Tuấn (THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định), Phan Tiến Tùng (THPT chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk).
Theo thông tin từ BTC, cùng với không khí thi đấu tại trường quay, khán giả sẽ được dõi theo không khí cổ vũ tưng bừng, náo nhiệt tại 4 điểm cầu là các trường THPT mà 4 nhà leo núi đang theo học với sự đồng hành của các MC Trần Ngọc, Mai Trang, Đức Bảo và Quỳnh Trang.
Dẫn chương trình trận đấu quan trọng này tại trường quay S14 vẫn là hai gương mặt quen thuộc BTV Tùng Chi và BTV Ngọc Huy.
Trong đó, Nam Định và Đắk Lắk lần đầu tiên có học sinh tham gia chung kết Olympia. Đây cũng là một trận đấu khá thú vị khi hai thí sinh sinh năm 1998 (được tính là lớp 12) sẽ đối đầu hai thí sinh sinh năm 1999 (tính là lớp 11).
Lần cuối cùng một trận chung kết Olympia có hai học sinh lớp 11 “đấu” cùng hai học sinh lớp 12 là chung kết Olympia năm thứ 6 (năm 2005).
Như mọi năm, bốn trường THPT có học sinh tham gia chung kết là bốn điểm cầu truyền hình, cùng với điểm cầu chính đặt tại trường quay S14 - Đài truyền hình Việt Nam, và nhà vô địch vẫn nhận được suất học bổng trị giá 35.000 đôla Mỹ.
Cũng theo ban biên tập chương trình, “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 17 sẽ chính thức lên sóng từ ngày 28-8-2016 trong khung giờ quen thuộc vào lúc 13g chủ nhật hằng tuần.
Ngoài sân khấu mới, luật chơi mới, Olympia năm thứ 17 còn hai điểm mới khá quan trọng: từ năm thứ 17, sân chơi này chỉ dành cho học sinh lớp 10 và 11 (thay vì dành cho lớp 11 và 12 như từ năm thứ 16 trở về trước) và MC Tùng Chi sẽ tạm rời vị trí “dẫn đường” và người đồng hành cùng các thí sinh Olympia năm thứ 17 sẽ là MC Diệp Chi.
Văn phòng TW Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam tổng hợp theo www.qdnd.vn; www.vtc.vn; vietnamnet.vn; vov.vn; tuoitre.vn