Vẫn còn nhiều khó khăn
Thực tế, tỷ lệ bỏ học ở các cấp từ tiểu học đến THPT ở ĐBSCL đều cao hơn so với cả nước. Cụ thể, cấp tiểu học 0,45% (cả nước 0,16%); tỷ lệ bỏ học cấp THCS 3,26% (cả nước 1,37%); tỷ lệ THPT 3,94% (cả nước 1,79%). Với những con số thống kê trên thì ĐBSCL đã tụt hậu ít nhất 5 năm so với mặt bằng chung cả nước.
Để giải bài toán về nguồn nhân lực mà cụ thể là phát triển giáo dục-đào tạo và dạy nghề ở ĐBSCL là không hề đơn giản. Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Giáo dục&Đào tạo) thì ĐBSCL vẫn nằm trong vùng trũng về giáo dục. Sau 5 năm thực hiện Quyết định 1033 của Chính phủ về “Phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015”, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn nhiều chỉ tiêu tưởng chừng như không khó mà vẫn không đạt được. Cụ thể việc phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi chưa đạt tỷ lệ 100% theo kế hoạch.
Giờ thực hành của sinh viên xưởng ô tô Trường Cao đẳng nghề TP Cần Thơ.
Phân luồng học sinh sau THCS, tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Chỉ tiêu tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp mới đạt khoảng gần 8%, thấp hơn nhiều với chỉ tiêu đặt ra từ 10 đến 15%. Toàn vùng còn 1.905 phòng học tạm và 2.068 phòng học nhờ, mượn, thiết bị đào tạo chậm đổi mới…
Về công tác dạy nghề, mạng lưới cơ sở dạy nghề cũng như quy mô tuyển sinh dạy nghề hàng năm đạt rất thấp, chỉ 56%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chỉ đạt 35,2%, thấp hơn so với bình quân cả nước 40,6%. Phòng học thiếu, chất lượng giáo dục còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập về chất lượng. Riêng chính sách đối với giáo viên dạy nghề còn chung chung, chưa có chính sách đặc thù cho giáo viên của vùng ĐBSCL.
Ngoài ra, đối với các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số như An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang…, tỷ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số đến trường chưa như mong đợi. Nguyên nhân là do chính sách hỗ trợ nội trú và miễn giảm học phí cho học sinh cử tuyển chỉ bó hẹp trong nhóm đối tượng học sinh dân tộc thuộc diện nghèo và cận nghèo. Vì vậy rất khó để vận động các bậc phụ huynh đồng bào dân tộc đồng ý cho các em đến trường. Một người đi học là gia đình mất đi một lao động, lại tốn thêm các khoản chi phí nhà ở, đi lại, học phí...
Đối với chính sách phát triển nghề nghiệp, theo ông Trần Hồng Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thì, những trung tâm dạy nghề ở huyện cũng chưa phát huy tác dụng khi người dân ngại đi học, có tâm lý thích lên các tỉnh ở vùng Đông Nam Bộ tìm việc làm. Trong khi giáo viên giỏi nghề lại không chịu về dạy do thu nhập quá thấp so với làm ở cơ sở bên ngoài nên những trung tâm này có rất ít người học.
Cần có những chính sách “mềm”
Trước thực trạng giáo dục-đào tạo và dạy nghề của ĐBSCL, ông Trần Hoàng Nhân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An nhận định: Đến nay chưa thấy quy định nào buộc doanh nghiệp kết hợp với ngành và địa phương để làm tốt công tác dạy nghề dù doanh nghiệp là đơn vị thụ hưởng sản phẩm giáo dục.
Ông Trần Hoàng Nhân cho rằng: “Chúng ta nói nhiều tới việc nhiều cử nhân sư phạm ra trường không có việc làm, trong khi đó giáo viên mầm non, tiểu học thì lại thiếu. Vì thế, Nhà nước và ngành giáo dục cần phải có chính sách chuyển đổi làm sao, sử dụng các cử nhân này phục vụ cho bậc mầm non và tiểu học như vậy mới không lãng phí và không bị chênh lệch”.
Đồng quan điểm trên, bà Tăng Thị Ngọc Mai, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh khẳng định: Hiện nay, những ngành nghề trong chương trình hướng nghiệp cho học sinh hệ THPT đã lỗi thời. Mặt khác, hướng nghiệp không thể áp dụng chung một mô hình cho cả nước vì mỗi vùng có đặc điểm địa lý, dân cư, văn hóa khác nhau. Cụ thể, ĐBSCL là vùng sông nước, cư dân mạnh về nông nghiệp và ngư nghiệp. Vì thế, hướng nghiệp cần định hướng phát triển các nghề thế mạnh của địa phương, kết hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thực tế cho thấy, các mô hình nông-ngư nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa-vi tính hóa trong các ngành thủ công đang chứng minh hiệu quả và từng bước mang lại đời sống kinh tế ổn định cho người lao động. “Chỉ có được đào tạo những công việc địa phương cần thì người lao động mới không lo thất nghiệp ngay chính trên sân nhà. Hướng nghiệp phải bám sát thực tế và cập nhật thường xuyên, thống kê lại trên địa bàn cần nghề nào và khả năng đáp ứng cho doanh nghiệp để chọn lựa ngành nghề đào tạo”, bà Ngọc Mai nhấn mạnh.
Đối với An Giang, tỉnh có đề án phân luồng học sinh sau THCS (70% sau khi tốt nghiệp sẽ vào các trường THPT, 30% vào trường tư thục và trung tâm dạy nghề). Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh vào trường công lập và trung tâm dạy nghề không đạt. Nguyên nhân do tâm lý học sinh và phụ huynh khi học nghề ra trường cũng không xin được việc làm. Trước thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Kim Hường, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang kiến nghị: “Trung ương cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp để họ liên kết với nhà trường, miễn học phí cho học sinh học nghề. Nên miễn hoàn toàn học phí cho học sinh THCS tham gia học trung cấp. Giảm 50% học phí đối với học sinh THPT đi học cao đẳng, đại học; cần nâng cao tay nghề cho giáo viên dạy nghề… thì mới mong thu hút được học sinh”.
Một vấn đề không kém phần quan trọng đó là các chính sách đặc thù cho đội ngũ giáo viên vùng Tây Nam Bộ. Giáo viên ở đây đang sống trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, di chuyển khó khăn. Việc tiếp cận, học tập nâng cao trình độ cũng không dễ dàng. Vì thế, Chính phủ cần nghiên cứu để có chế độ ưu đãi về lương, đặc biệt là nhóm giáo viên mầm non dạy bán trú và nhóm giáo viên trình độ cao đẳng giảng dạy tại vùng sâu, vùng xa, vùng địa hình nguy hiểm, khí hậu khắc nghiệt.
Trước thực trạng trên, ông Trương Anh Dũng, Phó cục trưởng Cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, cần có những chính sách đặc thù để phát triển giáo dục trong vùng ĐBSCL. Trong giáo dục nghề nghiệp, chỉ tiêu đào tạo nghề không đạt được là do phân luồng không đạt. Chính sách ban hành nhưng lại thiếu sự phối hợp thực hiện. "Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai đề án phân luồng và rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành địa phương. Để phát triển giáo dục và dạy nghề cần có kế hoạch cụ thể ở từng địa phương, lộ trình cụ thể cho từng năm để thực hiện. Cần thực hiện liên kết trước hết là trong từng đơn vị giáo dục và các cơ sở dạy nghề ở tỉnh với các trung tâm của huyện nhằm khai thác hết tiềm năng, nguồn lực ở các đơn vị cơ sở. Sau đó là liên kết giữa các tỉnh với nhau”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bài và ảnh: THÚY AN
Theo www.qdnd.vn