Chi tiết bài viết

Ngành năng lượng cần chiếc áo mới

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị khuyến khích tư nhân tham gia phát triển năng lượng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo. Nguồn: Điện lực VN

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị khuyến khích tư nhân tham gia phát triển năng lượng,

thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo. Nguồn: Điện lực VN

 

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ra đời đã thể hiện sự quan tâm của Đảng trong vấn đề phát triển năng lượng, đặc biệt là trong bối cảnh mới của thế giới cũng như trong nước. Nghị quyết 55 không những chỉ rõ vai trò của Nhà nước trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn mở cánh cửa cho tư nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực điện năng, giải quyết bài toán phát triển năng lượng bền vững cho Việt Nam trong tương lai.

Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan thường trực, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 55.

Chưa từng có tiền lệ: Tư nhân tham gia đầu tư hệ thống truyền tải điện quốc gia

3 tháng kể từ khi ra đời, Nghị quyết 55 đã mở ra nhiều cơ hội cho thành phần kinh tế tư nhân được tham gia vào lĩnh vực năng lượng. 

Tất nhiên không phải đến thời điểm Nghị quyết 55 ra đời, tư nhân mới tham gia vào lĩnh vực này. Theo số liệu của Bộ Công Thương, chúng ta đã đạt được nhiều dấu ấn rất tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội, tư nhân phục vụ phát triển năng lượng. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực điện năng, 28% tổng công suất phát đến từ khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN), dưới các hình thức đầu tư đa dạng và hiệu quả.

Tuy nhiên, khi Nghị quyết 55 được ban hành đã thật sự mở cánh cửa cho DN tư nhân được tham gia đầu tư hạ tầng năng lượng, trong đó có hệ thống truyền tải điện quốc gia vẫn được xem độc quyền của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Đáng chú ý, một DNTN đã đề xuất với tỉnh Ninh Thuận muốn thay Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và đường dây 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân dài 15,5km. Đường truyền tải điện xưa nay vẫn được coi là vùng cấm, độc quyền nhà nước. 

Trên tinh thần của Nghị quyết 55, mới đây, Bộ Công Thương có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ xây dựng Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích Luật Điện lực nội dung Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải.

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đang xây dựng, chưa ban hành để có thể cho tư nhân đầu tư dự án truyền tải, Thủ tướng Chính phủ cần xem xét, kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giải thích làm rõ quy định tại Luật Điện lực về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải theo hướng “nhà nước chỉ độc quyền trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải”.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị giao cho bộ này thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật điện lực theo tinh thần Nghị quyết 55 mà không thực hiện việc xây dựng nghị quyết giải thích Luật Điện lực về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải.

Khuyến khích tư nhân nhưng không coi nhẹ vai trò của DNNN

Theo ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, từ lâu Đảng đã rất quan tâm đến vấn đề phát triển năng lượng. Đảng ta xác định, năng lượng phải đi trước một bước. Để năng lượng đi trước 1 bước, ngành Năng lượng cần phải tăng trưởng trung bình trên dưới 10%/năm. 

“Để đảm bảo mức tăng trưởng năng lượng từ nay đến năm 2030 như vậy, chúng ta cần khoảng 150 tỉ USD, trung bình mỗi năm chúng ta cần 15 tỉ USD. Đối với ngân sách và đất nước ta, đây là con số rất lớn. Với nhu cầu đầu tư vào năng lượng như vậy, chúng ta cần một chiếc áo mới - một cơ chế chính sách mới thì chúng ta mới đáp ứng được vấn đề này” - ông Nguyễn Văn Bình phân tích. 

Và Nghị quyết 55 ra đời đã đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Đề cập đến hai quan điểm có ý nghĩa then chốt của nghị quyết này, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ: Thứ nhất, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội. Ưu tiên phát triển ngành Năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi điều kiện độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.  

Theo đó, chỗ nào cần bảo đảm quốc phòng an ninh cũng như đảm bảo những vấn đề cốt yếu về an ninh năng lượng quốc gia thì chỗ đấy nhà nước phải làm. Còn những cái khác có thể giao cho tư nhân làm, khuyến khích tư nhân tham gia. 

“Trong phát triển ngành Điện, chúng ta phải thấm nhuần quan điểm này. Không có tư nhân không thể phát triển ngành Điện nhanh được. Không có nhà nước thì không thể thực hiện tốt an ninh năng lượng và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Chúng ta phải phối hợp hết sức nhuần nhuyễn trong phát triển ngành Điện” - ông Nguyễn Văn Bình nói.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh, quan điểm nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chuyển đổi số ngành Năng lượng, xây dựng các nhà máy điện và lưới điện thông minh; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng; coi việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. 

PHẠM DUNG

Nguồn: laodong.vn