Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Chủ nhật, 29/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

NHỮNG TÀI NĂNG TRẺ NƯỚC VIỆT 2016

Việt Nam đạt thành tích cao nhất trong các lần dự Olympic Vật lý châu Á

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT tặng bằng khen cho các học sinh tham dự Olympic Vật lý châu Á năm 2016. Ảnh: VGP/Đăng Lương

Cuộc thi Olympic Vật lý châu Á năm 2016 được tổ chức tại Hong Kong từ ngày 1-9/5. Tại cuộc thi này, Việt Nam xếp thứ 7/26 đoàn và cả 8 thí sinh tham dự đều đoạt giải, trong đó có 3 HCB, 3 HCĐ và 2 bằng khen (giải khuyến khích). Thành tích của đoàn Việt Nam năm nay cũng có nhiều điểm đặc biệt.

Đinh Thị Hương Thảo (học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) là nữ sinh đạt điểm cao nhất của cuộc thi. Em được 36,3/50 điểm và được nhận giải thưởng đặc biệt của Hội Vật lý châu Á-Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên một nữ sinh Việt Nam đạt giải thưởng này.

Em Nguyễn Thế Quỳnh (học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, Quảng Bình) đạt điểm cao nhất trong 8 học sinh của đội tuyển với 37,25/50 điểm, trong đó có một bài thi lý thuyết đạt điểm tuyệt đối 20/20 điểm.

Lần đầu tiên Việt Nam có thí sinh đạt điểm lý thuyết cao nhất. Đó là em Nguyễn Quang Nam, Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội có điểm lý thuyết 47/60 điểm, trong đó có một bài đạt điểm tuyệt đối 20/20 điểm.

Nếu xếp hạng theo tổng số huy chương thì Việt Nam xếp thứ 7/26 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, đứng sau Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Hong Kong, Đài Loan. Đây cũng là thành tích cao nhất trong các lần tham dự Olympic Vật lý châu Á của học sinh Việt Nam.

Năm 2018, Olympic Vật lý châu Á lần thứ 19 sẽ do Việt Nam đăng cai tổ chức.

Việt Nam xuất sắc giành Huy chương vàng Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương

Cuộc thi Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 do Hàn Quốc đăng cai tổ chức gồm 30 nước và vùng lãnh thổ tham dự.

Theo Quy chế, các thí sinh thi trực tuyến tại nước mình từ ngày 07 đến ngày 09/5/2016; mỗi nước được chọn 6 thí sinh có điểm cao nhất để xét giải. Đội tuyển quốc gia Việt Nam gồm 15 thí sinh dự thi; Kết quả: cả 6/6 thí sinh được tham gia xét giải đều đoạt giải, gồm: 01 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc và 03 Huy chương Đồng. Cụ thể như sau:

Em Phan Đức Nhật Minh, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội: Huy chương Vàng;

Em Lê Quang Tuấn, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông chuyên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Huy chương Bạc;

Em Trần Tấn Phát, học sinh lớp 12, Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: Huy chương Bạc;

Em Phạm Cao Nguyên, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội: Huy chương Đồng;

Em Nguyễn Việt Thắng, học sinh lớp 12, Trường Trung học Phổ thông chuyên Vĩnh Phúc, Tỉnh Vĩnh Phúc: Huy chương Đồng;

Em Nguyễn Hy Hoài Lâm, học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc học, Tỉnh Thừa Thiên - Huế: Huy chương Đồng.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, trong kỳ thi Olympic Tin học Châu Á năm 2016, năm nay, trong số 169 thí sinh của 30 quốc gia và vùng lãnh thổ dự thi được tham gia xét giải, chỉ có 84 thí sinh đoạt huy chương (chiếm 49,7%). Trong khi đó, cả 6/6 thí sinh Việt Nam đều đoạt huy chương chiếm 100%. Xếp theo số lượng và chất lượng huy chương, đội tuyển Việt Nam xếp thứ 5 tại Olympic Tin học Châu Á (sau Nhật Bản, Trung Quốc, Iran, Hàn Quốc) và đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Tại Olympic, chỉ có 6 nước có thí sinh đoạt Huy chương Vàng. Em Phan Đức Nhật Minh, đội tuyển quốc gia Việt Nam có số điểm 226/300, đồng hạng xếp thứ 5 toàn cuộc thi.

Với thành tích trên, đội tuyển quốc gia Việt Nam duy trì kết quả 100% học sinh tham gia xét giải đoạt huy chương của những năm trước; tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông nói chung và chất lượng của công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi nói riêng.

Việt Nam giành 6 Huy chương Vàng Olympic Toán châu Á - Thái Bình Dương

Đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic Toán châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 (APMOPS 2016) tại Singapore từ ngày 26/5 đến ngày 29/5 giành 6 Huy chương Vàng và đứng đầu cuộc thi Olympic Toán châu Á - Thái Bình Dương vòng II.

Đoàn học sinh Việt Nam gồm 10 học sinh đại diện của các trường THPT và THCS Việt Nam bao gồm: Nguyễn Hoàng Trung, Cao Thúy An, Phạm Trường Đạt (THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam), Ngô Quý Đăng (Archimedes Academy), Trần Đắc Nhật Anh (THCS Nguyễn Trường Tộ), Trần Xuân Bách (Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm) và 4 bạn khác từ trường THCS Giảng Võ, THCS Phương Mai, THCS Lê Quý Đôn.

6 học sinh Việt Nam giành HCV Olympic Toán châu Á - Thái Bình Dương (Ảnh: Báo NLĐ)

6 Huy chương Vàng của Việt Nam ở các thứ hạng 1, 3, 4, 8, 9, 11. Xếp hạng đồng đội không chính thức, đoàn Việt Nam đứng đầu trong 13 đội tuyển quốc gia và vùng miền.

6 học sinh giành huy chương Vàng lần lượt là các em: Ngô Quý Đăng, Trần Xuân Bách, Nguyễn Hoàng Trung, Cao Thúy An, Phạm Trường Đạt và Trần Đắc Nhật Anh. Trong đó có 5 em lọt vào Top 10 cùng với 2 học sinh Thượng Hải, 2 học sinh Đài Loan và 1 học sinh Singapore.

 


Học sinh nhỏ tuổi nhất Trần Xuân Bách nhận Huy chương Vàng. Ảnh: Vnexpress.net

Học sinh ít tuổi nhất của Việt Nam là Trần Xuân Bách được đặc cách dự thi và đứng đầu APMOPS vòng I tiếp tục chứng minh sự ổn định khi xếp thứ 3 trong các thí sinh dự thi vòng II. Đây cũng là Huy chương Vàng thứ 5 em giành được trong các cuộc thi Toán quốc tế năm học 2015-2016.

Tham dự kỳ thi APMOPS vòng II năm nay, có khoảng 260 thí sinh đại diện cho 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vòng II, các thí sinh phải giải 6 bài toán tự luận bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung trong 120 phút.

Ban Tổ chức trao 40 Huy chương Vàng cho các học sinh có điểm số cao nhất (không trao Huy chương Bạc và Đồng), vinh danh Top 10 học sinh xuất sắc kèm phần thưởng tiền mặt.

Trao giải cho hơn 200 học sinh trong kỳ thi Toán quốc tế tại Việt Nam

Ngày 15/5, hơn 200 thí sinh đoạt giải kỳ thi “Đánh giá năng lực tư duy Toán học quốc tế (IMAS 2015 – 2016)” và kỳ thi “Toán quốc tế Kangaroo (IKMC 2016)” đã được vinh danh trao giải tại trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Kì thi “Đánh giá năng lực tư duy Toán học quốc tế - IMAS” là hệ thống đánh giá năng lực toán học quốc tế dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở do Ủy ban điều hành IMAS (đại diện Bộ giáo dục một số quốc gia và đại diện các hiệp hội Toán học, các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức giáo dục trên thế giới) tổ chức. Đây là lần đầu tiên, cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam.

Vượt qua 1.000 thí sinh, 27 học sinh đạt kết quả cao nhất đã được vinh danh trong lễ trao giải, trong đó 5 em giành huy chương vàng là: Lã Châu Anh, Phạm Việt Hưng (cùng trường Tiểu học Ngôi sao), Quách Bảo An (trường Tiểu học Nguyễn Siêu), Nguyễn Quang Anh (trường tiểu học Quan Hoa) và Nguyễn Việt Hoàng (trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam).


Các thí sinh đạt giải của kì thi IMAS

Các thí sinh đạt giải của kì thi IMAS

Trong khi đó, cũng là lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, kỳ thi Toán học Quốc tế Kangaroo (International Kangaroo Math Contest - IKMC) đã thu hút hơn 6.000 học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở đến từ khắp các tỉnh thành trên toàn quốc tham gia.

Đây là dịp tốt để các học sinh có cơ hội tham gia kì thi chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học toán, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu.

Đề thi chuẩn hóa quốc tế gồm 18 câu hỏi trắc nghiệm (đối với học sinh lớp 1- 2), 24 câu (đối với lớp 3 – 4) và 30 câu (dành cho lớp 5 – 6) được thể hiện bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, với cấu trúc 3 phần, từ dễ đến khó với thang điểm khác nhau, đòi hỏi khả năng tư duy và kĩ năng giải quyết vấn đề của học sinh.


Và vinh danh các thí sinh đạt giải kì thi Toán quốc tế Kangaroo.

Và vinh danh các thí sinh đạt giải kì thi "Toán quốc tế Kangaroo".

Và trong lễ trao giải vàng, bạc, đồng ngày hôm qua (15/5), đáng chú ý là trong hơn 60 thí sinh lọt top 1% thí sinh có số điểm cao nhất, có tới 11 bạn nhỏ đang học lớp 1 bao gồm Dương Quang Sử, Nguyễn Bảo Linh (cùng trường tiểu học Đoàn Thị Điểm), Nguyễn Phước Hiền (trường Phổ thông Song ngữ Wellspring), Nguyễn Trọng Huy Khánh, Nguyễn Vũ Phương Uyên (cùng trường tiểu học Ngôi sao), Đoàn Ngọc Thiên Trí (trường Tiểu học Bàu Sen), Nguyễn Tiến Minh (trường Tiểu học Kim Đồng), Đặng Anh Kiệt (trường Tiểu học Nguyễn Siêu), Bùi Nguyễn Duy Anh (trường Tiểu học Thăng Long), Nguyễn Đức Minh (trường Tiểu học thị trấn Yên Viên), Vũ Đình Gia Khánh (trường tiểu học Trung Văn).

Kì thi Toán Quốc tế Kangaroo (International Kangaroo Math Contest - IKMC) được tổ chức lần đầu tiên tại Pháp vào năm 1991. Đây là kì thi Toán học có số lượng thí sinh tham dự lớn nhất trên thế giới – thu hút trên 6.000.000 thí sinh đến từ khoảng 50 quốc gia trên thế giới mỗi năm. Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên kì thi này được tổ chức và dành cho học sinh khối tiểu học.

Lễ trao thưởng “đặc biệt” vào lúc… 12h đêm

Ngay sau khi các học sinh đạt kết quả xuất sắc Hội thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế về đến sân bay Nội Bài, Bộ GD-ĐT đã tổ chức đón đoàn và thưởng “nóng”. Lễ đón đoàn năm nay vô cùng đặc biệt khi nó được tổ chức tại trụ sở Bộ GD-ĐT vào lúc… 12h đêm.

Ông Lê Trọng Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trường đoàn cho hay: Hội thi Intel ISEF năm nay có 1.776 học sinh dự thi đến từ 77 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia với tổng số dự án là 1.374. Đoàn Việt Nam dự thi với 6 dự án và đã xuất giành được 4 giải Ba lĩnh vực.

Các dự án đạt giải gồm: Dự án “Nghiên cứu tổng hợp một số phức chất có khả năng ức chế tế bào ung thư từ tinh dầu hương nhu và bạch kim” của Nguyễn Hà My, Nguyễn Quang Long (Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội); Dự án “Nghiên cứu tận dụng Phytolith trong rơm rạ để cố định một số kim loại nặng và giảm phát thải CO2 từ đất” của Phạm Vũ Tuấn Phong, Nguyễn Bảo Ngọc (Trường THPT chuyên KHTN- ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội); Dự án “Thiết bị di chuyển chuyên dụng vượt địa hình cho người già và người khuyết tật” của em Nguyễn Hoàng Ngân, Phạm Thanh Trúc (Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong- TPHCM).

Dự án “Nghiên cứu khả năng gắn và tiêu diệt một số tế bào ung thư của kháng thể kháng nhân” của Nguyễn Thu Minh Châu, Hoàng Lữ Đức Chính (Trường THPT Chuyên Thăng Long- Đà Lạt- Lâm Đồng).

Đây là các giải Ba thuộc các lĩnh vực Hóa học, Kỹ thuật Môi trường, Kỹ thuật cơ khí, Sinh học tế bào và phân tử.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh: Kết quả dự thi của Việt Nam trong những năm qua tương đối tốt, là một trong khoảng 50% số quốc gia, vùng lãnh thổ có giải hằng năm. Riêng năm nay, Việt Nam có 4 dự án đạt giải Ba, tăng 3 giải so với năm 2015 (năm 2015 có 1 giải Tư), chiếm tỷ lệ đạt giải là 70% số dự án dự thi (trong khi đó tỷ lệ dự án đoạt giải của cuộc thi là 26%). So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, thành tích của Việt Nam năm nay có phần vượt trội hơn: Singapore đạt 1 giải Ba và 1 giải Tư; Thái Lan đoạt 1 giải Nhì, 1 giải Ba; Malaysia đạt 1 giải Ba.

Ngoài ra, học sinh Việt Nam cũng có kết quả tốt hơn so với học sinh một số nước khác rất mạnh về khoa học kĩ thuật: Australia đạt 1 giải Ba, 4 giải Tư; Trung Quốc đạt 2 giải Ba, 2 giải Tư; Hồng Kông đạt 2 giải Ba, 1 giải Tư; Nhật đạt 1 giải Nhất, 2 giải Nhì; Hàn Quốc đạt 1 giải Ba, 4 giải Tư; Nga đạt 01 giải Nhì, 1 giải Ba; Ý đạt 1 giải Tư; Pháp đạt 1 giải Ba; Đức đạt 1 giải Nhì, 3 giải Tư.

Đánh giá chung với cả thế giới thì Việt Nam có tỷ lệ dự án đạt giải rất cao. Đối với các nước Đông Nam Á thì Việt Nam có giải nhiều nhất, Thái Lan, Singapor chỉ có 2 giải…Có thể khẳng định, Bộ GD-ĐT và tất cả chúng ta đang làm rất tốt việc tham gia thi Intel ISEF để tạo sân chơi cho các em, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Các học sinh đạt giải được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen và nhận thưởng theo quy định
Các học sinh đạt giải được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen và nhận thưởng theo quy định
Trung ương Đoàn cũng tặng bằng khen động viên các học sinh đạt giải
Trung ương Đoàn cũng tặng bằng khen động viên các học sinh đạt giải

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: "Chúng ta mới tham gia vào sân chơi Intel ISEF nhưng phong trào nghiên cứu trong trường học phát triển rất là nhanh. Chính Ban tổ chức Intel ISEF cũng rất ngỡ ngàng với Việt Nam đó là phong trào tổ chức nghiên cứu khoa học kỹ thuật phát triển nhanh và lan rộng. Đặc biệt từ cấp học THCS cũng đã bắt đầu tham gia và số lượng dự án dự thi cấp quốc gia hàng năm tăng nhanh...Đây chính là tiềm năng của chúng ta và cũng là kết quả của việc cố gắng, đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức dạy học, đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá để làm sao phát huy cho học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp (dạy học tích hợp) kiến thức kỹ năng giải quyết các vấn đề của cuộc sống”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

 

Văn phòng TW Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam tổng hợp theo chinhphu.vn; dantri.com.vn; dangcongsan.vn

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển