Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 4, 18/09/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

BỘ MÁY CỨ PHÌNH TO- TINH GỌN ĐỂ HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ, TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN QUẢN LÝ TỔ CHỨC NHÂN SỰ...

Bài 1 Bộ máy cứ phình to...

Việc thực hiện tinh giản biên chế vừa qua chủ yếu là với những người sắp nghỉ hưu

Qua quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế (TGBC) và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC); Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ về chính sách TGBC, cho thấy vẫn chưa tạo ra chuyển biến về chất và chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

86% tinh giản là sắp nghỉ hưu

Báo cáo chuyên đề TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CB-CC-VC của Bộ Nội vụ công bố mới đây cho thấy tính đến ngày 26-5-2017, tổng số đối tượng giải quyết TGBC là 24.804 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 và 5 tháng đầu năm 2017 là 7.103).

Bộ Nội vụ cũng nêu rõ những hạn chế trong quá trình thực hiện, đến nay vẫn còn 3 bộ, ngành và 22 địa phương chưa phê duyệt kế hoạch TGBC từ năm 2015- 2021 và của từng năm, dẫn đến tình trạng đề xuất giải quyết chính sách TGBC không theo quy định.

Cán bộ - công chức UBND quận Bình Thạnh giải quyết thủ tục hành chính Ảnh: TẤN THẠNH

Đáng chú ý, việc TGBC mới chỉ tập trung tới đối tượng nghỉ hưu trước tuổi (21.385 người/24.804 người, chiếm 86,22%), chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ CC-VC theo đề án vị trí việc làm. "Với tiến độ và cách làm như hiện nay thì khó có thể thực hiện được mục tiêu Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị" - báo cáo của Bộ Nội vụ đánh giá.

Ngày 7-8, đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 đã có buổi làm việc với Chính phủ để hoàn thiện các nội dung của dự thảo báo cáo kết quả giám sát. Dự thảo báo cáo giám sát nêu một loạt con số, từ năm 2011-2016, số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tăng 28 đơn vị, các đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị.

Theo Ban Tổ chức Trung ương, qua quá trình thực hiện Nghị quyết số 39, tổng biên chế cả nước lại tăng hơn 11.000 người, chứng tỏ tinh giản chưa hiệu quả. Năm 2016, các cơ quan quản lý biên chế của trung ương được giao là 3.725.559 người. Tuy nhiên tính đến ngày 30-10-2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị là 3.734.302 người.

Nhiều đối tượng cần tinh giản

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến nay cả nước có 269.084 biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước từ trung ương đến cấp huyện (khối Chính phủ quản lý, không bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an). Hiện nay, có 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế được Bộ Nội vụ giao.

Tổng số người làm việc trong hơn 56.000 đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương được giao năm 2016 là 2.093.313 người (tăng so với năm 2011: 121.736 người). Trong đó, ở trung ương là 201.901 người; địa phương là 1.891.412 người. Tuy nhiên số viên chức có mặt tại thời điểm 31-12-2016 là 2.102.477 người (tăng hơn 9.164 người).

Ông Bùi Đức Thụ, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng TGBC cần tập trung vào các đơn vị sự nghiệp công ích nhà nước, cần có quy định rõ những vấn đề có thể cho tư nhân tham gia, xã hội hóa được thì nên thực hiện ngay. Theo ông Thụ, nên giao quyền tự chủ cho các đơn vị dịch vụ công.

Theo Bộ Nội vụ, tính đến tháng 12-2016, số lượng CB-CC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố tính đến tháng 12-2016 là gần 1,3 triệu người. Trong đó: 234.217 CB-CC cấp xã (bình quân 21 người/xã) và 200.923 người người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (bình quân 18 người/ xã). Ngoài ra, có 837.657 người hoạt động không chuyên trách tại 135.019 thôn, tổ dân phố. Tổng quỹ lương, phụ cấp của khối này là 32.404 tỉ đồng/năm.

Hiện Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến hoàn thiện trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về CB-CC và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Dự thảo này đề xuất dự kiến tinh giản từ 2.000-7.600 người cán bộ cấp xã; 28.000-67.000 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; 432.600 ở thôn, tổ dân phố, giảm một nửa so với số lượng hiện nay. "Hiện nay, cả nước có hơn 11.000 xã, phường, thị trấn, chỉ cần mỗi đơn vị tăng lên một người thì sẽ có thêm hơn 11.000 người hưởng lương" - ông Thụ nói.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm

Theo PGS-TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân, cần phải nhận thức rõ thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây là do chúng ta chi quá nhiều chứ không phải do hụt thu. Chi thường xuyên mỗi năm đã gấp khoảng 4 lần chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên thì cho rằng: "Mặc dù khoán lương thấp nhưng số lượng biên chế cùng với hệ thống các cơ quan khác rất lớn nên khoản chi cứ phình ra, không kiểm soát được".

Theo Bộ Nội vụ, từ nay đến năm 2021, mỗi năm bộ, ngành, địa phương thực hiện giảm từ 1,5% - 2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015. Các bộ, ngành, địa phương chưa giảm được biên chế sự nghiệp năm 2016 so với biên chế được giao năm 2015 thì năm 2017 phải giảm tối thiểu 3% của biên chế được giao năm 2015. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hay giao nhiệm vụ mới thì bộ, ngành, địa phương tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế công chức hoặc biên chế sự nghiệp được cấp có thẩm quyền giao.

Riêng đối với giáo dục và đào tạo, y tế, phải tự cân đối trong tổng số biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao; nếu không thể tự cân đối thì phải có đề xuất gửi Bộ Nội vụ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Nội vụ cũng cho rằng người đứng đầu bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện TGBC. Nếu không hoàn thành kế hoạch TGBC đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải bị xử lý trách nhiệm về Đảng, nhà nước.

Gây áp lực về tài chính công

Trong báo cáo đánh giá chi tiêu công Việt Nam do Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, biên chế khu vực công của Việt Nam tăng khá nhanh trong thời gian qua, góp phần làm chi lương tăng mạnh.

Quỹ lương tăng nhanh, chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách, chủ yếu do tăng lương cơ sở và tăng số lượng CC-VC, đặc biệt ở địa phương, với tốc độ cao hơn tốc độ tăng dân số. Số CC-VC ở trung ương tăng 2,8% và 3,9% trong các năm 2009 và 2011; số công chức ở địa phương tăng 5,1%/năm từ năm 2009-2013, cao hơn so với tốc độ tăng dân số 1,1%. Nếu duy trì tốc độ tăng như vậy, tài chính công sẽ chịu áp lực lớn.

Văn Duẩn - Tô Hà - Minh Chiến

 Nguồn: nld.com.vn

Bài 2

A-Tinh gọn để hoạt động hiệu quả

Tinh gọn bộ máy là một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. (Ảnh minh họa, theo Vfpress)

Tinh gọn bộ máy là một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, được dư luận rất quan tâm trong hai ngày qua. Nhiều ý kiến lên tiếng ủng hộ, Đảng sẽ sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đã có nhiều ý kiến bàn đến vai trò và hoạt động của ba Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên. Các ban này có tổ chức tương đương cấp bộ, ra đời trong hoàn cảnh nhất định, đã có những đóng góp nhất định, nhưng đến nay có thể tính toán sắp xếp lại hợp lý hơn.

Nội dung này rất được người dân quan tâm, bởi vì muốn tinh gọn bộ máy thì không thể mở rộng mà phải sắp xếp theo hướng thu gọn lại các cơ quan, tổ chức.

Ở mỗi địa phương đều có cấp ủy, chính quyền, hội đồng nhân dân các cấp. Vậy thì có thêm một ban chỉ đạo sẽ có sự chồng chéo trong chỉ đạo, thậm chí không rõ về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.

Cần phải có tổng kết, đánh giá một cách thẳng thắn và cụ thể về hiệu quả hoạt động của các ban chỉ đạo trong thời gian qua, không nói chung chung. Vai trò và sự đóng góp của các ban chỉ đạo trong một giai đoạn nhất định, nhưng đặt trong điều kiện, yêu cầu mới, liệu có phù hợp hay không? Sắp xếp lại 3 ban chỉ đạo tương đương cấp bộ, sẽ giảm biên chế và tiết kiệm được một phần ngân sách.

Tương tự, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp đã cùng với các cơ quan, tổ chức khác, tham gia đóng góp cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992 và ban hành các luật liên quan đến các cơ quan tố tụng. Nhưng đến nay, khi thể chế đã hoàn thiện một bước, thì cần tinh gọn theo hướng sắp xếp, sáp nhập với Ban Nội chính Trung ương. Hai tổ chức khác là Đảng ủy Khối cơ quan trung ương và Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương cũng phải nghiên cứu để sắp xếp, trên tinh thần tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Nhiều cơ quan, tổ chức ra đời để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ trong một giai đoạn lịch sử, nhưng khi chuyển sang một giai đoạn mới, khi có yêu cầu mới, thì tổ chức cũ không nhất thiết phải tồn tại. Sự đổi mới là không ngừng, là đòi hỏi của thời đại, và đó cũng là quy luật của phát triển.

Nếu như sắp xếp, tinh gọn được bộ máy thì các cơ quan Đảng sẽ hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn. Và đây cũng là cơ sở để tiếp tục triển khai cải cách hành chính, tinh giản biên chế, sáp nhập các cơ quan của Chính phủ và các tổ chức chính trị xã hội khác.

 

B-Giảm 1/3 trong 2,5 triệu biên chế là thắng lợi lớn

 Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII là thảo luận việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

 

Một trong những nội dung tinh gọn bộ máy được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra là: Hiện nay, chưa kể đến tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước, cả nước đã có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế; giữ vai trò chủ đạo, cung cấp hầu hết dịch vụ sự nghiệp công, liên quan đến mọi người, mọi nhà và toàn xã hội.

Vì vậy, việc đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là hết sức cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân văn hết sức sâu sắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng XHCN, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu có cần đến 2,5 triệu biên chế cho sự nghiệp công lập, dịch vụ hành chính công? Vì thực tế còn có nhiều cách làm khác theo bài toán tối ưu hóa.

Bài toán tối ưu là xã hội hóa dịch vụ công nhưng không thương mại hóa. Hành chính công được xã hội hóa dịch vụ sẽ giảm bớt biên chế và các cơ quan trong bộ máy hành chính công nhưng vẫn kiểm soát được hoạt động và bảo đảm thực hiện đúng pháp luật thì tất nhiên phải làm.

Một đất nước hơn 90 triệu dân nhưng phải sử dụng đến 2,5 triệu biên chế thì tiền thuế nào mà chi đủ được. Chi tiêu công không thể giảm khi phải gánh bộ máy hành chính công quá nặng nề.

Cách mạng công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một yêu cầu của thực tế khách quan, quốc gia nào không theo kịp vào “chuỗi giá trị toàn cầu” này thì dứt khoát sẽ bị loại trừ.

Một hệ thống cơ khí ôtô hay máy bay, bắt buộc phải có các linh kiện được cải tiến ở trình độ cao nhất, ai sản xuất được linh kiện theo đúng tiêu chuẩn đó thì sẽ hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hệ thống hành chính công cũng tương tự, luôn có những tiêu chuẩn cao nhất vào thời điểm nhất định và có tính tạm thời nhưng phải chấp nhận bị loại trừ theo quy luật phát triển.

Quốc gia nào tiếp cận được công nghệ hiện đại nhất để vận dụng vào quản trị đã là tốt, nhưng cao hơn là phát minh ra “công nghệ” quản trị mới có chất lượng vượt qua các giá trị hiện tại.

Nếu chúng ta chưa làm được ở mức độ phát minh, thì cũng thụ hưởng được giá trị cao nhất của hiện tại.

Giảm được 1/3 trong 2,5 triệu biên chế là một sự thắng lợi lớn.

LÊ THANH PHONG

Nguồn:laodong.vn

 

 

Bài 3

Trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan quản lý tổ chức nhân sự...

 Để tinh giản biên chế có hiệu quả trước hết phải cơ cấu lại bộ máy tổ chức toàn bộ hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan quản lý tổ chức nhân sự, đồng thời cần có biện pháp quyết liệt và đồng bộ...

Trong nhiều năm qua trên các phương tiện thông tin truyền thông và trên diễn đàn của các cơ quan Đảng, Chính phủ và Quốc hội, tinh giản biên chế đã trở thành vấn đề nóng bỏng của xã hội như: sau 5 năm giảm biên chế bộ máy cán bộ công chức đã "phình" thêm 20%; hơn 70% ngân sách Nhà nước dành cho gần 3 triệu người... tình trạng cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” chưa được khắc phục; việc thi cử, tuyển dụng cán bộ công chức còn mang tính hình thức; bộ máy của một số đơn vị trong hệ thống chính trị quá lớn, cồng kềnh, nhiều đầu mối, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, tương tự nhau về cơ cấu tổ chức; một số mô hình nhất thể hóa chức danh; thi tuyển lãnh đạo viên chức của một số địa phương, bộ, ngành chưa được tổng kết và nhân rộng; một số người đứng đầu tổ chức, cơ quan quản lý nhân sự và bộ máy chưa quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Chính phủ, chưa nhận thức đầy đủ vị trí của con người, sức mạnh của tổ chức bộ máy quyết định đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; một số nơi còn quan niệm cán bộ dưới quyền càng đông càng tốt, không quan tâm đến chất lượng, phân công nhiệm vụ chưa rõ ràng, buông lỏng quản lý, chưa có chính sách thu hút người tài vào làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội...

(Ảnh minh họa)