Chi tiết bài viết

"VƯỢT SÓNG"CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

“Vượt sóng” cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

 

 


Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại Trường đại học FPT.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) được đánh giá đem lại cơ hội lớn cho nước ta, khi lần đầu được tham gia một “sân chơi” không biên giới, không khoảng cách, sau ba lần lỡ nhịp các cuộc CMCN về cơ khí, điện khí hóa và tự động hóa trước đó. Nếu không chớp được cơ hội vàng này, dự báo những nguy cơ, thách thức mà chúng ta phải đối mặt sẽ hết sức khốc liệt.

Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp, chúng ta cần tìm cho mình bước đi phù hợp, tầm nhìn bao quát và dài hạn, nhất là cần có những giải pháp hết sức cụ thể, căn cơ, đúng và trúng mới nâng cao hiệu quả, tăng khả năng thích ứng của quốc gia với “làn sóng” công nghệ mới, tận dụng tốt thời cơ để phát triển đột phá.

Bài 1: Tìm mũi nhọn đột phá

Theo dự báo của các chuyên gia, cuộc CMCN 4.0 sẽ có tác động lớn, toàn diện đến mọi đối tượng, mọi ngành hay lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn hạn hẹp, rất khó để hỗ trợ tất cả các ngành cùng thích nghi và tiến bộ, nếu đầu tư dàn trải là cầm chắc thất bại. Thay vào đó, các chuyên gia kiến nghị, Chính phủ cần lựa chọn một số ngành có lợi thế, tiềm năng để tập trung đầu tư, trở thành mũi nhọn đột phá, là “đầu tàu” kéo theo các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Bắt đầu từ công nghệ “lõi”

Khoảng bảy năm trước, mặc dù đã đạt được thành công mỹ mãn với việc trở thành doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin (CNTT) hàng đầu đất nước, nhưng trên thực tế, đà phát triển của Tập đoàn FPT lúc này bắt đầu đến ngưỡng “tới hạn” của chính mình, nhất là ở kế hoạch vươn ra thế giới. Trong lúc bí lối, lãnh đạo tập đoàn xác định cần phải tìm sự đột phá và FPT đã chọn công nghệ của tương lai làm “mũi dùi” xuyên thủng lớp “áo giáp” trì trệ đang bó kín quanh mình.

Công nghệ của tương lai chính là điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo,... những công nghệ cốt lõi ứng dụng cho in-tơ-nét vạn vật (IoT) - nền tảng của CMCN 4.0. Vượt khỏi sự kỳ vọng, bước chuyển mình đúng hướng của FPT lập tức được những tập đoàn danh tiếng trên thế giới như AT&T, Boeing hay Airbus,… mở rộng cánh cửa đón nhận. Đến nay, sau gần bảy năm tham gia cuộc chơi mới, riêng trong lĩnh vực các giải pháp IoT, Tập đoàn FPT đủ khả năng làm chủ “cuộc chơi”, cạnh tranh trực tiếp với các cường quốc về CNTT, trở thành đối tác của những tập đoàn hàng đầu trên toàn cầu. Hằng năm, doanh thu từ công nghệ “lõi” của FPT đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 70 đến 100% và “cán mốc” một tỷ USD/năm hoàn toàn trong tầm tay.

Chia sẻ về bí quyết thành công, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết: Thực tế, hồi đó FPT chưa có thế lực lớn trong mảng CNTT. Thậm chí, trên thế giới, tên tuổi của tập đoàn lúc đó còn thua xa những DN cùng lĩnh vực của Ấn Độ. Tuy nhiên, nhu cầu của các sản phẩm hỗ trợ IoT rất cao trong khi nguồn cung quá thiếu, vì thế ngay từ khi FPT đặt vấn đề, đã được các đối tác chấp nhận ngay và hưởng ứng nhiệt tình.

Điểm mạnh duy nhất FPT có được lúc bấy giờ là nguồn nhân lực, nhưng không phải nguồn nhân lực chất lượng cao, mà chỉ những kỹ sư CNTT ham hiểu biết, học hỏi. Vừa làm, vừa học, trau dồi kiến thức, giờ đây, FPT đang đứng vị trí thứ hai của thế giới khi có trong tay gần 600 kỹ sư có bằng cấp, chứng chỉ cao nhất trong lĩnh vực IoT. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 1.000 kỹ sư trong năm nay và khi đó, FPT càng có thêm sức mạnh để dễ dàng hợp tác với các tập đoàn hùng mạnh nhất toàn cầu.

Câu chuyện về hướng đi của FPT đã gợi mở những điều hoàn toàn mới mẻ cho Việt Nam, đó là tập trung phát triển mảng CNTT hỗ trợ IoT. Là nền tảng của CMCN 4.0, IoT chính là mối quan hệ giữa vạn vật (các sản phẩm, dịch vụ, địa điểm,…) và con người thông qua công nghệ kết nối cũng như các nền tảng khác nhau. Trong tương lai không xa, hàng tỷ thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng, ô-tô, máy móc, vật dụng trong gia đình,... sẽ được kết nối đồng bộ với nhau, cho phép giám sát và tối ưu hóa tài sản cũng như các hoạt động ở mức rất chi tiết. Điều này sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách thức mà chúng ta đang quản lý chuỗi cung ứng, từ đó tác động làm biến đổi tất cả các ngành công nghiệp, từ sản xuất đến cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe,... Do đó, việc đầu tư cho IoT đã trở thành “làn sóng” ở hầu khắp các nước phát triển.

Theo dự báo của một hãng phân tích kinh tế, đến năm 2020, các nền kinh tế sẽ tăng cường đầu tư cho các giải pháp để phát triển hệ sinh thái IoT ước khoảng 6.000 tỷ USD - một thị trường đầy tiềm năng. Với đà phát triển vũ bão đó, IoT sẽ thúc đẩy tăng trưởng hết sức mạnh mẽ đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, theo nhận định của ông Trương Gia Bình, sức cạnh tranh trong lĩnh vực này chưa thật sự khốc liệt do các doanh nghiệp CNTT lớn chuyên gia công phần mềm của thế giới chưa “để mắt” tới lĩnh vực mới này.

Do đó, Việt Nam đang đứng trước nhiều lợi thế nếu chủ động tham gia sớm vào cuộc chơi, một hướng đi không những mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, mà còn giúp tạo lập một nền tảng vững vàng về công nghệ 4.0 mang tầm quốc gia, hình thành bệ đỡ quan trọng thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Quan trọng hơn, để hình thành nền tảng này, cũng không cần quy mô đầu tư lớn như với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp hoàn cảnh nguồn lực đất nước còn hạn hẹp như hiện nay. Ngoài ra, sự phát triển của IoT còn đóng vai trò quyết định trong việc phát triển hệ sinh thái sáng tạo tại Việt Nam.

Giải bài toán nhân lực “Chỉ bằng chi phí xây dựng 30 km đường, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành trung tâm trong cuộc CMCN mới của thế giới”. Cách nói ví von tưởng như đùa của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình mà thật 100% khi trả lời câu hỏi Việt Nam cần làm gì để tận dụng tốt cơ hội do “làn sóng” công nghệ mới mang lại. Theo lý giải của ông Trương Gia Bình, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề án hỗ trợ đào tạo khoảng 400 nghìn “lao động số” gồm các kỹ sư CNTT cũng như lao động trong các lĩnh vực khác, có khả năng thao tác ứng dụng công nghệ, nhằm phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước trong “kỷ nguyên 4.0”.

Theo đề án, chương trình đào tạo kỹ năng cho “lao động số” trong 18 tháng, mỗi tháng học viên được Nhà nước hỗ trợ hai triệu đồng, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 14.500 tỷ đồng. Theo tính toán, suất đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khoảng 460 tỷ đồng/km, khoản hỗ trợ đào tạo cho “lao động số” này chỉ tương đương chi phí xây dựng khoảng 30 km đường hiện nay.

Đúc kết từ thành công của FPT khi tham gia cuộc chơi CMCN 4.0, ông Trương Gia Bình khẳng định: Nếu kế hoạch thành công, với lực lượng “lao động số” hùng mạnh nêu trên, Việt Nam đủ khả năng là “điểm hút” công nghệ và mô hình kinh doanh của tương lai. Riêng trong lĩnh vực CNTT, chỉ cần đáp ứng đủ hai điều kiện là nước ta sẽ có ngay mũi đột phá. Thứ nhất là tư duy sẵn sàng triển khai những ý tưởng mới, mô hình kinh doanh mới, thứ hai là sự đáp ứng về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính đánh giá, nước ta luôn nằm trong nguy cơ thiếu hụt lớn về nhân lực CNTT.

Nhu cầu nhân sự ngành CNTT đang ở mức cao nhất trong lịch sử với gần 15 nghìn việc làm được tuyển dụng trong năm 2016. Dự báo, đến cuối năm 2018, so với nhu cầu thực tế, Việt Nam vẫn thiếu khoảng 70 nghìn nhân lực về CNTT và đến năm 2020 dự báo thiếu khoảng 500 nghìn nhân lực. Một vấn đề khác là chất lượng nguồn nhân lực còn yếu, bởi sau khi tiếp nhận các DN thường phải tổ chức đào tạo lại mới sử dụng được.

Để giải quyết bài toán này, phải thật sự coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu. Cục trưởng CNTT (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Sơn Hải cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng cơ chế đổi mới về chính sách đào tạo đặc thù cho ngành CNTT trong giai đoạn mới với mục tiêu tăng quy mô cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, có nhiều giải pháp mới như không quy định chỉ tiêu đào tạo mà để đầu ra quyết định; thay đổi cơ chế về giảng viên, thỉnh giảng để tạo điều kiện cho các kỹ sư cùng tham gia giảng dạy, nhất là về thực hành; tạo liên kết chặt chẽ giữa DN và nhà trường, DN có thể đặt hàng nhân lực với cơ sở đào tạo theo mong muốn, đồng thời tham gia vào quá trình biên soạn giáo án và xây dựng chuẩn đầu ra nhằm tăng cường chất lượng đào tạo sát với yêu cầu của thị trường;...

Không chỉ chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành CNTT, chúng ta còn phải lo cả cho các ngành kinh tế khác để sẵn sàng ứng phó biến đổi do CMCN 4.0 mang lại. Theo dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới, đến năm 2020, lao động nhà máy và sản xuất sẽ giảm 1,63%; khối hành chính và văn phòng giảm 4,91%. Trong khi đó, lao động ngành IoT tăng trưởng 5%, dữ liệu lớn (Big Data) tăng khoảng 4,9%; điện toán, toán học tăng khoảng 3%,...

GS Hồ Tú Bảo (Viện Khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản - JAIST) nhận định: Dưới tác động của CMCN 4.0, nhiều loại lao động sẽ tăng lên, nhiều loại sẽ giảm đi và cùng với đó, có nhiều lao động mới dự báo sẽ xuất hiện. Do đó, để thích ứng, người lao động cần phải sở hữu nhiều kỹ năng như quản lý, kỹ thuật số và cả những kỹ năng mềm. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho thời chuyển đổi số là bắt buộc và cấp thiết. Chúng ta cũng phải thay đổi rõ nét về mục tiêu, nội dung và cách thức đào tạo để tương thích với thời đại mới.

Đối với lao động CNTT, cần đề cao tính sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. Còn những lao động phổ thông khác, cần có kỹ năng làm chủ bản thân thời chuyển đổi số, kỹ năng tin học cũng như làm việc tập thể,... Ngoài ra, cần có những chính sách tốt nhằm thu hút nhân tài, nuôi dưỡng lực lượng khoa học tinh hoa, gắn họ với mục tiêu phát triển của đất nước. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có đủ lực lượng để chèo chống “con tàu” Việt Nam vượt qua “cơn sóng” CMCN 4.0, đồng thời tận dụng tốt những cơ hội đem lại để có bước phát triển đột phá.

CMCN 4.0 là cuộc cách mạng của tri thức nên điều kiện tiên quyết là phải có tri thức, giáo dục. Mặc dù công nghệ, máy móc hết sức tiên tiến, nhưng cuối cùng vai trò của con người vẫn là quan trọng nhất bởi chính con người phải đưa ra những quyết định cuối cùng.

NGUYỄN TRUNG CHÍNH, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC

Thi công lắp đặt vách lò số 1 Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1.

Bài 2: Doanh nghiệp loay hoay trong "cơn bão" -

Thực tế, những doanh nghiệp (DN) trong nước có khả năng chớp được cơ hội đến từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) như FPT còn quá ít. Hầu hết trong số họ còn chưa hiểu rõ khái niệm CMCN 4.0 là gì, xu thế ra sao và sẽ tác động thế nào đến chính bản thân mình chứ đừng nói đến việc lên kế hoạch để ứng phó. Nếu tiếp tục như vậy, rất có thể các DN này sẽ bị quét bay khi "cơn bão" công nghệ chính thức đổ bộ.

Chưa chuẩn bị sẵn sàng

Ðến thăm Công ty cổ phần Vilaco Hải Phòng, một DN chuyên về các chất tẩy rửa dạng lỏng và bột giặt các loại, chúng tôi được Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hương giới thiệu về dây chuyền sản xuất bột giặt hiện đại mà công ty vừa đầu tư. Tất cả đều được lập trình và vận hành hoàn toàn tự động, từ khâu cân đong nguyên liệu bằng chíp điện tử rồi đưa vào thùng phản ứng, trộn thành keo, phun áp lực, sấy nhiệt đến đóng gói,... Con người chỉ còn phụ trách khâu cuối cùng là xếp thùng lên pa-lét và chuyển về kho. "Gia công cho P&G - tập đoàn đứng đầu thế giới về sản xuất bột giặt nên Vilaco có được cơ hội cập nhật hầu hết các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này. Hệ thống dây chuyền máy móc chúng tôi đang sử dụng hiện đại không thua kém gì so với thế giới, thậm chí còn hiện đại hơn nhiều các nhà máy cũng gia công cho P&G của Trung Quốc. Toàn bộ hệ thống kế toán, lưu kho, bán hàng của công ty cũng được quản lý liên kết bằng phần mềm tin học hóa" - bà Hương cho biết.

Sự chủ động trong tiếp cận công nghệ vào sản xuất của Vilaco tạo ấn tượng mạnh mẽ với chúng tôi. Thế nhưng, khi được hỏi về cuộc CMCN 4.0 bà Hương lại chia sẻ: "Mặc dù có nghe qua thông tin về CMCN 4.0 qua ti-vi, đài báo, biết được một số khái niệm như trí thông minh nhân tạo hay rô-bốt thông minh,… nhưng tôi thật sự chưa hiểu rõ đó là gì. Tôi chỉ có cảm giác e ngại nếu các nước như Nhật Bản, Mỹ,... đã phát triển đến tầm hiện đại như trên ti-vi nói thì DN Việt Nam khó có thể cạnh tranh được. Còn về việc Vilaco có triển khai ứng dụng các công nghệ 4.0 hay không thì tương lai chưa biết thế nào, nhưng hiện tại là hoàn toàn không có khả năng".

Có thể thấy, với dây chuyền máy móc nêu trên, Vilaco đã thuộc về nhóm những DN đi đầu về ứng dụng và đổi mới công nghệ ở Việt Nam. Trình độ kỹ thuật sản xuất của công ty thực tế đã đạt chuẩn của công nghiệp 3.0 (tự động hóa) và hoàn toàn có đủ điều kiện cũng như tiềm lực để tiếp cận ngay với CMCN 4.0. Tuy nhiên, đội ngũ lãnh đạo của Vilaco đã không tự ý thức được điều đó chỉ vì thiếu những thông tin cần thiết để nắm bắt và hiểu rõ hơn về xu hướng của trào lưu công nghệ mới này. Ðây cũng là tình trạng chung của hầu hết các DN Việt Nam, chưa chuẩn bị sẵn sàng khi CMCN 4.0 đã tới rất gần. Nhiều DN vẫn bị động với xu thế mới, chưa nắm rõ được bản chất CMCN 4.0 là gì cũng như sự liên quan của các trào lưu công nghệ mới đến ngành, lĩnh vực của mình. Một cuộc khảo sát được Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội thực hiện với 2.000 hội viên cho thấy, về chiến lược, có đến 79% số DN trong số này trả lời rằng họ chưa có động thái gì để đón làn sóng CMCN 4.0, 55% cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu, 19% đã xây dựng kế hoạch và chỉ có 12% DN đang triển khai.

Thực chất, không phải ở đâu xa, CMCN 4.0 từ lâu đã hiện hữu trong từng ngóc ngách của cuộc sống người dân Việt Nam. Ðó là mạng xã hội, dịch vụ Mobile Banking hay đơn giản là thương mại điện tử,... Những thành tựu bước đầu của CMCN 4.0 cũng đang được không ít DN ứng dụng thành công tại nước ta. Nhưng buồn thay, đây hầu hết đều là những DN nước ngoài và lúc này, công nghệ hiện đại lại trở thành thứ vũ khí hữu hiệu nhất giúp họ chiếm lĩnh thị trường trong nước. Minh chứng sống động nhất gần đây có thể nói đến câu chuyện của Grab và Uber, hai DN ngoại đã tiến công thị trường Việt Nam bằng dịch vụ "ta-xi công nghệ". Chỉ sau gần bốn năm, với việc sử dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ ta-xi tiện ích, minh bạch và an toàn hơn cho khách hàng, Grab và Uber đã hoàn toàn chiếm thế thượng phong, giành phần lớn thị phần ta-xi tại các thành phố lớn, đẩy nhiều thương hiệu ta-xi truyền thống một thời lẫy lừng như Vinasun, Mai Linh,... vào cảnh điêu đứng. TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) nhận định: Trước làn sóng công nghệ đang thay đổi chóng mặt như hiện nay, nếu các DN còn tiếp tục thờ ơ, đứng ngoài cuộc chắc chắn sẽ tụt hậu. Trong thương trường, tụt hậu có nghĩa là doanh thu sụt giảm, hàng hóa, dịch vụ không bán được, mất thị trường và bị đào thải.

Chủ động thích ứng

Trong thời gian ngắn trở lại đây, chúng ta bắt đầu nghe nhiều đến CMCN 4.0 và giải pháp đưa ra cho các DN bất kể quy mô lớn hay nhỏ đều phải đầu tư vào khoa học - công nghệ. Ðây dường như là cách thức định hướng chủ đạo để bước vào CMCN 4.0. Nhưng thực tế, đầu tư thế nào lại không hề đơn giản khi phần lớn DN Việt Nam hiện nay vẫn sử dụng công nghệ cũ kỹ. Qua khảo sát, 52% số DN đang sử dụng thiết bị vô cùng lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình và chỉ 10% sở hữu thiết bị hiện đại. Cả nước chỉ có khoảng hơn 2.000 DN khoa học - công nghệ, trong đó có khoảng 400 DN công nghệ cao (bằng 0,06% tổng số DN cả nước). Những con số này cho thấy các DN còn ở khoảng cách rất xa về năng lực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học hay công nghệ số,... trong khi cuộc CMCN 4.0 đã đến rất gần.

Thêm nữa, năng lực đổi mới công nghệ của DN cũng gặp nhiều hạn chế, chủ yếu do thiếu nguồn lực về vốn. Theo thống kê của Vinasme, chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học - công nghệ của DN Việt Nam bình quân chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, trong khi ở Ấn Ðộ là 5%, Hàn Quốc 10% và Nhật Bản 50%. Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Duy Thành (huyện Ðông Anh, TP Hà Nội) Nguyễn Thành Duy chia sẻ: Nguồn vốn đầu tư để đổi mới công nghệ đòi hỏi rất lớn, thường ngoài tầm với của DN. Trong trường hợp tìm nguồn vốn hỗ trợ thì chuyện vay vài trăm triệu đồng thay mới hệ thống máy móc hư hỏng, xuống cấp còn chật vật, nói gì đến ước mơ viển vông có tiền đầu tư rô-bốt vào sản xuất. Trước những thách thức đó, việc DN nội khi cạnh tranh DN ngoại có nền tảng công nghệ tốt hơn, tính chuyên nghiệp cao hơn cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì việc bị thua trên sân nhà là rất dễ hiểu. Do vậy, quá trình gia nhập cuộc chơi CMCN 4.0 của Việt Nam không chỉ đặt ra những bài toán khó đối với cộng đồng DN, mà còn cho cả các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tìm ra những giải pháp hỗ trợ DN hiệu quả. TS Vũ Ðình Ánh đề xuất: Trước hết, chúng ta cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu khoa học, nhằm trang bị cho cộng đồng DN những kiến thức CMCN 4.0 thực chất là gì, xu thế ra sao, gây tác động cụ thể nào đến từng ngành, lĩnh vực kinh tế. Tiếp đó cần tính toán và chọn lựa kỹ những thành quả nào có thể áp dụng hiệu quả tại Việt Nam, đặc biệt, đối tượng áp dụng ở đây phần lớn sẽ là DN. Ðến đây, phải tiếp tục phân tích cụ thể hơn thành quả của CMCN 4.0 là những gì, nếu áp dụng thì chi phí thực hiện ra sao và lợi ích mang lại như thế nào để DN tự cân nhắc. Cuối cùng, đối với các DN đã quyết định bước vào cuộc chơi thì không thể thiếu các công cụ hỗ trợ từ phía Nhà nước. Từ đó, việc tiếp cận CMCN 4.0 mới mang lại được hiệu quả cho từng DN rồi dần lan tỏa ra cả nền kinh tế.

Một số chuyên gia khác kiến nghị: Ðể hỗ trợ DN "vượt sóng" CMCN 4.0, Nhà nước cần có thêm nhiều cơ chế thúc đẩy khối DN đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; đồng thời, khuyến khích DN đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, cần phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ; áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa,... Về phía các DN, cần đầu tư sâu hơn vào nghiên cứu các công nghệ tiên tiến của CMCN 4.0 cũng như khả năng ứng dụng nhằm cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị. Trong tương lai, đổi mới về công nghệ sẽ tạo ra "phép màu" cho dịch vụ cung ứng, cải thiện năng suất và hiệu suất về lâu dài. Các DN cần linh động điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng, tích hợp các công nghệ tiên tiến để cải tiến quy trình sản xuất, giảm thời gian giao hàng, đồng thời vẫn phải bảo đảm khả năng quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Chỉ có như vậy, DN mới có thể thích ứng tốt hơn với CMCN 4.0, vượt qua các thách thức đang hiện hữu, tận dụng tốt thời cơ để phát triển vững mạnh.

Ba cuộc cách mạng trước đều được hình thành từ các nước tiên tiến và rất lâu sau mới lan sang các nước nghèo, các nước không phát triển hoặc đang phát triển. Nhưng với CMCN 4.0 lần này thì rất khác vì tốc độ lan tỏa sang tất cả các nước gần như ngay lập tức, kể cả những nước kém phát triển. Một đặc điểm khác của cuộc cách mạng lần này là những nước nghèo hoặc đang phát triển sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất vì nội hàm của CMCN 4.0 là công nghệ, kết nối và thông minh hơn, đặc biệt trên nền tảng in-tơ-nét.

Hoàng Nam Tiến

Chủ tịch FPT Software

Dây chuyền gia công áo vest cao cấp tại Công ty cổ phần May Hồ Gươm.

Bài 3: Cần có bước đi thích hợp -

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang trở thành cuộc chạy đua đầy quyết liệt giữa các quốc gia, tập đoàn lớn trên thế giới. Những kế hoạch phát triển đầy tham vọng đã được nhiều nước triển khai để hỗ trợ CMCN 4.0.

Trong khi đó, do vẫn còn “lơ mơ”, chưa đánh giá được những tác động sâu sắc đến từng ngành kinh tế, cho nên Việt Nam vẫn chưa định hình rõ ràng để thúc đẩy CMCN 4.0 hay sản xuất tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối. Đã đến lúc cần có chiến lược cụ thể, bài bản ở tầm quốc gia, triển khai hành động thiết thực trước khi quá muộn, bởi chậm chân lúc này đồng nghĩa là chết.

Thực tế khác dự báo

Khi nói về CMCN 4.0, nhiều chuyên gia thường lấy ngành dệt may làm dẫn chứng miêu tả về tính tác động và gây biến đổi nhanh, mạnh mẽ của “cơn bão” công nghệ mới này. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên lớn nhất khi chúng tôi tiếp xúc với các doanh nghiệp (DN) dệt may là mặc dù nhận thấy nguy cơ, nhưng nhiều DN đều cho rằng thách thức sẽ không nặng nề như những gì đang cảnh báo. Nhận định về ý kiến cho rằng CMCN 4.0 sẽ khiến DN dệt may trong nước lao đao vì phải đầu tư quá lớn vào thay đổi thiết bị, công nghệ; hàng loạt người lao động sẽ mất việc làm do bị máy móc thay thế; các đơn hàng sẽ bị cắt giảm...

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho rằng: Kịch bản của CMCN 4.0 đối với ngành dệt may Việt Nam sẽ không hoàn toàn như vậy. Thực tế, để đối phó với khó khăn thường xuyên của ngành dệt may là “khát” nhân lực, Hugaco luôn hướng tới mục tiêu tự động hóa được càng nhiều khâu sản xuất càng tốt. Đến nay, tỷ lệ tự động hóa của công ty mới đạt khoảng 10% và sắp tới cao nhất cũng chỉ 20%.

Nguyên nhân, do đặc thù của sản phẩm may mặc là chạy theo thời trang, mẫu mã thay đổi liên tục cho nên nhiều khâu trong quá trình sản xuất phải cần đến bàn tay khéo léo của con người; máy móc và quy trình tự động hóa không thể thay thế hoàn toàn được. Đơn cử, máy móc tự động hóa chỉ có thể thực hiện những động tác lặp lại, cứng nhắc, thích hợp sản xuất theo lô lớn những loại quần áo đơn giản, ít chi tiết như áo thun, sơ-mi không họa tiết,... Ở một số khâu như cắt vải hiện có thể tự động hóa, nhưng theo tính toán, việc đầu tư vẫn chưa đem lại hiệu quả cao hơn so với sử dụng nhân công cho nên DN vẫn phải cân nhắc. Bên cạnh đó, nếu xu hướng tiêu dùng sắp tới tập trung nhiều vào cá thể hóa thì càng khó có khả năng sử dụng dây chuyền tự động vốn chỉ thích hợp với sản xuất theo lô hàng lớn.

Lập luận của ông Dương có thể trái ngược với ý kiến của nhiều chuyên gia, nhưng đây cũng là những đúc kết có được từ chính thực tiễn sản xuất của DN. Báo cáo tổng hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ về tác động của CMCN 4.0 đối với Việt Nam cũng chỉ ra rằng, đối với ngành dệt may, có nhiều thông tin cho rằng rất khó thay thế lao động bằng rô-bốt trong nhiều công đoạn, vì thế cần có sự đánh giá thật sự khoa học về mức độ tác động từ các nguy cơ để đưa ra kế hoạch ứng phó thích hợp nhất. Ngoài ra, một số ngành kinh tế khác cũng sẽ chịu tác động biến đổi thực tế khác so với dự báo.

Thí dụ, trong lĩnh vực cơ khí, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) Lê Văn Tuấn cho biết: Ở những nước có nền công nghiệp cơ khí phát triển như Đức thì khả năng áp dụng công nghệ của CMCN 4.0 sẽ rất hiệu quả vì máy móc đã được sản xuất hàng loạt, thích ứng áp dụng dây chuyền tự động. Riêng những hàng lẻ hoặc chi tiết phi tiêu chuẩn, khó có khả năng tự động hóa thì từ trước đến nay hầu hết đều được đẩy sang những nước thứ ba như Việt Nam sản xuất. Do đó, dù nắm được xu hướng của các công nghệ mới, nhưng do đặc thù chuyên sản xuất hàng phi tiêu chuẩn cho nên để ngành cơ khí trong nước áp dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất là rất khó.

“Không phải là không thể đầu tư công nghệ vào ngành cơ khí, nhưng khả năng đuổi kịp các nước phát triển là rất thấp, cộng thêm chi phí quá cao, nhất là trong bối cảnh hệ thống chấp hành (máy móc, thiết bị) của chúng ta còn rất lạc hậu, chủ yếu vẫn dừng ở giai đoạn 2.0. Bên cạnh đó, nếu CMCN 4.0 càng phát triển, máy móc được sản xuất càng nhiều, đồng nghĩa với việc nhu cầu các linh kiện phi tiêu chuẩn cũng càng lớn. Do đó, không lo ngành cơ khí trong nước sẽ hết việc” - ông Tuấn tự tin khẳng định.

Chiến lược phát triển tổng thể

Trong bối cảnh thực tiễn của Việt Nam, không phải ngành kinh tế nào cũng sẽ chịu tác động nhanh và mạnh mẽ như những gì đã được dự báo. Do đó, mặc dù đầu tư và ứng dụng công nghệ sẽ là yếu tố tiên quyết mang đến thành công trong CMCN 4.0, song trong làn sóng rô-bốt hóa, ngoài việc cẩn trọng chọn lựa đầu tư, DN còn phải hiểu và nhận thức rõ thế mạnh riêng để có quyết định đúng đắn nhất, chứ không phải chạy theo xu hướng. Từ thực tế nêu trên, cần sớm có những nghiên cứu khoa học chi tiết hơn nhằm đánh giá lại cụ thể, chính xác về tác động của làn sóng CMCN 4.0 đến từng ngành và lĩnh vực riêng biệt để lấy đó làm căn cứ xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể cho cả quốc gia với mục tiêu hợp lý, hiệu quả và ít lãng phí nguồn lực. Không thể tiếp tục hô hào phát triển ồ ạt các mũi nhọn kiểu “gai mít” mà phải biết “liệu cơm gắp mắm”, chọn những ngành thật sự có tiềm lực và thế mạnh để đầu tư có trọng điểm.

Với sức lan tỏa của “làn sóng” công nghệ đang ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, cuộc đua giữa các quốc gia để chiếm lĩnh lợi thế cũng sẽ càng trở nên gay cấn. Điều đáng nói là rất nhiều nước từ lâu đã bắt đầu triển khai các giải pháp trong thực tế để hỗ trợ cho CMCN 4.0. Thí dụ, ngân sách liên bang của Mỹ hằng năm đang cung cấp khoảng ba tỷ USD để mở rộng nghiên cứu và phát triển (R&D) về quy trình sản xuất tiên tiến, vật liệu công nghiệp mới hay khoa học người máy. Nước Đức đang theo đuổi chiến lược “Industrie 4.0” (công nghiệp 4.0), là tầm nhìn tương lai của ngành công nghiệp, nơi các nhà máy thông minh sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để số hóa toàn bộ quy trình sản xuất.

Nhiều quốc gia khác như Anh, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ hay Trung Quốc cũng đang hối hả thực hiện những kế hoạch táo bạo nhằm bứt phá cuộc cách mạng công nghệ lần này. Trong khi đó, ở nước ta, ngoài Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0, vẫn chưa có một chiến lược cụ thể nào để triển khai các giải pháp trong thực tế. Đâu đó, trong từng lĩnh vực cũng có thể tìm thấy một vài chính sách liên quan CMCN 4.0, nhưng hoàn toàn không trực diện và đồng bộ.

Các chuyên gia lo ngại, nếu các động thái của Chính phủ vẫn chậm chạp, thiếu tính quyết đoán trong việc đưa ra được một chiến lược phát triển khoa học thì sẽ bỏ lỡ cơ hội tốt nhất để Việt Nam có thể thành công “vượt sóng” CMCN 4.0. Vụ trưởng Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đàm Bạch Dương nhấn mạnh: Trước xu thế mạnh mẽ của CMCN 4.0, Việt Nam cần chủ động tiếp cận ngay bằng những hành động cụ thể, với những thay đổi mang tính cách mạng. Trước hết, cần sớm kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trở thành cơ quan đầu não thực hiện nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo và giám sát các chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT, tạo thuận lợi cho triển khai CMCN 4.0 ở Việt Nam. Chúng ta phải có sự bứt phá thật sự về CNTT và để làm được, cần phát huy tốt hơn vai trò tiên phong, dẫn dắt của các DN trong lĩnh vực này trong việc hỗ trợ DN ở các lĩnh vực khác chuyển đổi nhanh chóng, bắt kịp làn sóng công nghệ mới.

Ngoài việc cung cấp các giải pháp tổng thể, DN mảng CNTT cần tập trung nhiều hơn trong đầu tư nghiên cứu ứng dụng mới theo xu thế tất yếu của công nghệ như IoT, Cloud, AI, Big Data,... với mục tiêu cao nhất là duy trì và phát triển sức cạnh tranh của các DN, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh tiết kiệm hơn, nhanh hơn, thông minh hơn, chất lượng cao hơn, bảo vệ môi trường và an toàn hơn. Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) Nguyễn Phú Cường nhận định, nếu không bắt kịp CMCN 4.0, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực lớn chưa từng có như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, dư thừa lao động, gây ảnh hưởng xấu, lan nhanh đến toàn bộ tình hình kinh tế - xã hội đất nước,... Do đó, chúng ta không thể tiếp tục thờ ơ mà cần nhanh chóng đi vào hành động.

Cơ quan quản lý cũng cần nhận diện những thế mạnh sẵn có để có đối sách hợp lý. Đó là trong CMCN 4.0, Việt Nam có khả năng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất và lắp ráp thiết bị, linh kiện kỹ thuật số phục vụ cho sự kết hợp kỹ thuật số vào các ngành công nghiệp, cho phép Việt Nam trực tiếp tham gia. Nó có thể làm chuyển dịch xuất khẩu của Việt Nam thông qua phát triển sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, góp phần tăng khả năng xuất khẩu sang thị trường quốc tế với giá trị gia tăng cao hơn,... Trước sự lan tỏa ngày càng mạnh của CMCN 4.0, Việt Nam bắt buộc phải chủ động cùng tham gia “cuộc chơi” công nghệ toàn cầu nếu không muốn bị tụt hậu. Tuy nhiên, để vượt qua những thách thức to lớn do cuộc cách mạng này mang lại, chúng ta phải ngay lập tức hành động, với những bước đi được tính toán chặt chẽ và khoa học. Nếu làm được điều đó, đất nước mới nắm bắt được cơ hội để chuyển mình thành một quốc gia hùng cường. Quan trọng nhất là phải xây dựng được cơ chế đột phá, tầm nhìn vượt trội, thậm chí phải hơi khác thường và rất cần những con người phi thường.

 

Việt Nam đã mất nhiều năm để theo đuổi các tiêu chí CMCN 2.0 và phải mất thêm nhiều thời gian nữa để đuổi kịp CMCN 3.0, nhằm hoàn thành mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trước yêu cầu của CMCN 4.0, việc nhận diện đầy đủ các cơ hội và thách thức nhằm có những điều chỉnh kịp thời trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp Việt Nam có được cơ hội bắt kịp tiến bộ của nhân loại, hòa nhịp theo làn sóng CMCN 4.0.

ThS TRẦN VIỆT HÒA
 

Phó Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương)

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

Nguồn: nhandan.com.vn