Chi tiết bài viết

VƯỢT LÊN " ƯƠC MƠ NHỎ"

Vượt lên “ước mơ nhỏ”

Ấn tượng là câu hỏi của Thủ tướng: “Bà Rịa - Vũng Tàu có quyết tâm, có giải pháp đột phá để vươn lên trở thành địa phương giàu có, sánh vai với các thành phố có điều kiện tương tự ở Đông Nam Á, ở châu Á hay chỉ thỏa mãn với mức độ tăng trưởng cao hơn trung bình cả nước một vài phần trăm”?

Nhà văn Nguyễn Khải từng viết rất hay về những người đứng ở “khoảng giữa”. Cái khoảng giữa an toàn, không ai chê được và cũng ít người ghét được. Không cần quá trăn trở, tư duy, chẳng cần sáng kiến gì cho vất vả. Nước nổi thì bèo nổi. Cứ “bằng lòng với những ước mơ nhỏ” là một “triết lý sống” không chỉ bây giờ mới có. Cứ theo lối nghĩ ấy, thì Bà Rịa - Vũng Tàu cứ êm đềm đứng trong các tỉnh phát triển ở top trên là ổn. Nhưng nguồn lực tài nguyên, địa lý, con người, cả môi trường kinh doanh năng động đã tạo dựng ở vùng đất có cảng biển trung chuyển đi quốc tế, tỉnh còn có thể làm nhiều hơn thế. Và chắc chắn, những người đứng mũi chịu sào mảnh đất năng động này cũng ước mơ lớn lao hơn thế.

Thủ tướng đã chỉ đến tận nơi: “Trở ngại lớn nhất trong thực hiện một ước mơ lớn không phải là những khó khăn hay thách thức lớn mà là sự bằng lòng với những ước mơ nhỏ”. Nhưng để có “ước mơ lớn”, Bà Rịa - Vũng Tàu lại cần ở Trung ương sự hỗ trợ cần thiết. Ví như cơ chế quyết đáp, những ưu đãi mở rộng đầu tư, nguồn ngân sách để lại địa phương dành cho phát triển… Cơ chế phải rõ ràng, sự ủng hộ phải nhất quán và mạnh mẽ. Chưa kể, trong làm ăn kinh tế, còn có rủi ro. Nếu “khi vui thì vỗ tay vào”, lúc khó khăn chỉ còn cấp dưới chịu trận thì chắc chắn không thể khuyến khích tư duy sáng tạo, vươn lên.

Nhìn rộng ra cả nước, các tỉnh có điều kiện phát triển phải vươn lên hơn nữa, hỗ trợ chung cho ngân sách. Các tỉnh top sau cũng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, không trông chờ, ỷ lại Trung ương. Tránh lối tư duy “khoảng giữa”, an toàn, động viên người “dám nghĩ” và “biết làm”. Thực tế, những địa phương biết làm ăn, đi lên mạnh mẽ đều gắn với những người lãnh đạo năng động, nhiệt huyết, không an phận với “ước mơ nhỏ”, trông chờ, ngó trước, ngó sau để rồi đến cuối nhiệm kỳ lại kêu ca: “thời gian còn đâu mà làm” như ông cựu Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao - Du lịch ngày nào. Vượt lên “ước mơ nhỏ”, nghĩ cái lớn cho đất nước, cần cơ chế rõ ràng, hành lang pháp lý chuẩn chỉ, khắc phục lối tư duy nhiệm kỳ đã hằn thành đường mòn ở không ít người. Đó lại là vai trò của Chính phủ kiến tạo đúng nghĩa chứ không chỉ là câu chuyện của các địa phương!

Trực Ngôn

Nguồn:daibieunhandan.vn