Chi tiết bài viết
Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào TPP
Sáng 12/11, theo giờ địa phương, tại thành phố Honolulu (bang Hawai, Hoa Kỳ), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Cuộc họp Cấp cao của các thành viên Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là Cuộc họp Cấp cao TPP lần thứ hai tiếp theo Cuộc họp đầu tiên tại Nhật Bản tháng 11/2010.
Tham dự Cuộc họp có các Nhà Lãnh đạo của 9 thành viên TPP, gồm Australia Brunei, Chile, New Zealand, Malaysia, Peru, Singapore, Hoa Kỳ, Việt Nam. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama làm chủ tọa. Bên lề Hội nghị, Chủ tịch nước cũng đã có các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga và Australia.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama
Hội nghị cấp cao thảo luận về TPP diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và khu vực phục hồi chậm lại với nhiều khó khăn và tồn tại những nguy cơ lớn trong các lĩnh vực hệ thống ngân hàng, nợ công, việc làm – đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Chính vì vậy việc đàm phán nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình triển khai Hiệp định được các nước đặc biệt quan tâm.
Sau khi thảo luận sôi nổi, các nhà lãnh đạo tham dự cuộc họp đã thông qua “Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo thành viên Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương”, khẳng định đàm phán đã đạt thỏa thuận về khung tổng thể của Hiệp định.
Các nhà Lãnh đạo đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan hữu quan các nước thành viên trong quá trình đàm phán gần 2 năm qua, và nhất trí tiếp tục nỗ lực để có thể cơ bản hoàn tất văn bản pháp lý của Hiệp định. Cuộc họp đã hoan nghênh nguyện vọng của Nhật Bản và một số nước trong khu vực mong muốn tham gia tiến trình đàm phán.
Phát biểu tại Cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, với quyết tâm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình đàm phán, góp phần tăng cường tiềm năng hợp tác và tính đa dạng của liên kết TPP.
Chủ tịch nước cũng đề nghị các thành viên cần cùng nhau nỗ lực bảo đảm tiến trình đàm phán hướng tới một Hiệp định cân bằng, thực sự đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của tất cả các thành viên, chú trọng thỏa đáng nguyên tắc “vì sự phát triển”, hợp tác nâng cao năng lực và quan tâm đầy đủ trình độ phát triển khác nhau và tính đa dạng của các thành viên.
Chủ tịch nước gặp nhiều lãnh đạo cấp cao các nước
Cùng ngày, bên lề Hội nghị Cấp cao APEC 2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Trong bầu không khí hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, Lãnh đạo hai nước đã trao đổi ý kiến và đạt nhất trí về những phương hướng lớn để tăng cường sự tin cậy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam- Trung Quốc cũng như về các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Hai vị Lãnh đạo đã bày tỏ vui mừng trước những phát triển trong quan hệ hai nước gần đây. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, việc không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là chính sách nhất quán mang tầm chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khẳng định Đảng, Nhà nước và Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng cùng Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước phát triển lên tầm cao mới.
Hai bên đánh giá cao kết quả chuyến thăm chính thức Trung Quốc gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; thúc đẩy hợp tác về kinh tế thương mại một cách thực chất và hiệu quả, thực hiện tốt Quy hoạch phát triển 5 năm về hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc 2011-2016; tăng cường giao lưu giữa nhân dân hai nước, kể cả ở cấp Trung ương và địa phương, trong đó chú ý đến các tổ chức chính trị -xã hội và thế hệ trẻ hai nước; tăng cường công tác tuyên truyền hữu nghị.
Lãnh đạo hai nước cũng đã trao đổi về vấn đề Biển Đông, nhất trí giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ trong quá trình giải quyết vấn đề Biển Đông, hai bên cần tuân thủ những nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai nước, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và DOC.
Hai vị Lãnh đạo cũng thống nhất sẽ phối hợp và hợp tác chặt chẽ để Hội nghị APEC lần này thành công và đảm bảo lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển trong tiến trình khu vực hóa, toàn cầu hóa kinh tế thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm Trung Quốc vào thời điểm thích hợp. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận lời và mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các đồng chí Lãnh đạo khác của Trung Quốc thăm Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cám ơn và cho biết, các đồng chí Lãnh đạo Trung Quốc sẽ sang thăm Việt Nam vào thời điểm thích hợp.
Tiếp đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Medvedev. Tại cuộc gặp, hai bên bày tỏ hết sức vui mừng trước những bước tiến mạnh mẽ của mối quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nga.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, mặc dù quan hệ phát triển rất tốt đẹp, song tiềm năng hai bên còn rất lớn, các bộ, ngành hai nước cần triển khai có hiệu quả những thỏa thuận của Lãnh đạo Cấp cao, chủ động tìm ra những biện pháp thiết thực để thúc đẩy quan hệ.
Chủ tịch nước đề nghị phía Nga đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam, nhất là lĩnh vực năng lượng, kỹ thuật quân sự, và đặc biệt cần đưa dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trở thành biểu tượng mẫu mực hữu nghị và hợp tác mới giữa hai nước.
Tổng thống Medvedev hoàn toàn nhất trí với các ý kiến của Chủ tịch nước ta và bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước và hai dân tộc. Tổng thống tin tưởng rằng, việc phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có như triển khai Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên năm 2012 và tăng cường hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ cấp Phó Thủ tướng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại Việt-Nga.
Hai vị Lãnh đạo cho rằng, truyền thống hợp tác trong lĩnh vực năng lượng rất tốt đẹp, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội mỗi nước. Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, đánh giá cao vai trò của mỗi nước trong các tiến trình, cơ chế hợp tác ở khu vực.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mời Tổng thống Medvedev, Thủ tướng Putin và các Lãnh đạo Nga khác sớm thăm chính thức Việt Nam. Tổng thống Medvedev đã vui vẻ nhận lời mời và mời Chủ tịch nước sớm thăm Liên bang Nga. Chủ tịch nước ta đã vui vẻ nhận lời thăm Nga vào thời gian thuận tiện cho cả hai bên.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Thủ tướng Australia Julia
Gillard. Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước trong thời gian qua, đặc biệt là trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, giáo dục-đào tạo, quốc phòng-an ninh, du lịch.
Chủ tịch nước cho rằng, quan hệ hai nước đang phát triển xứng tầm đối tác toàn diện, nhưng tiềm năng để thúc đẩy quan hệ còn rất to lớn. Lãnh đạo hai nước cần duy trì thăm lẫn nhau và tiếp xúc song phương bên lề các hội nghị quốc tế, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ để có các biện pháp thiết thực nhằm tăng cường quan hệ hai nước.
Thủ tướng Julia
Gillard hoàn toàn nhất trí với những đánh giá của Chủ tịch nước, nhấn mạnh Australia coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam - Australia.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ Australia ủng hộ những nỗ lực cải cách, đổi mới hiệu quả của Việt Nam, rất vui mừng được hỗ trợ Việt Nam trong các dự án phát triển.
Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước ta bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ to lớn và hiệu quả của Chính phủ Australia dành cho Việt Nam trong lĩnh vực ODA, đặc biệt là cầu Mỹ Thuận và dự án Cầu Cao Lãnh. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là các cơ chế do ASEAN làm trung tâm, EAS, APEC.
Cùng ngày, Chủ tịch nước đã dự Đối thoại diễn đàn doanh nghiệp Việt- Mỹ. Tham gia diễn đàn có đại diện gần 200 doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam. Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại học Tổng hợp Hawai tổ chức.
Chủ tịch nước đã trao đổi và trả lời nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp Mỹ về môi trường kinh doanh, các chính sách đầu tư, thương mại, du lịch, giáo dục-đào tạo… của Việt Nam, các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng đã chứng kiến Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ kỹ thuật trong đào tạo và Thỏa thuận về đào tạo thạc sỹ quản trị kinh doanh giữa Trường Đại học Tổng hợp Hawai và Đại học Huế; Thỏa thuận về hợp tác đào tạo giữa Đại học Tổng hợp Hawai và Đại học Ngoại thương.
Tối cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Phu nhân và các thành viên chính thức của Đoàn đại biểu cấp cao nước ta tham dự Chiêu đãi chính thức và biểu diễn nghệ thuật do Tổng thống Hoa Kỳ cùng Phu nhân chủ trì để chào mừng các vị Lãnh đạo thành viên APEC. Đây là hoạt động mở đầu chương trình hoạt động của Hội nghị Cấp cao APEC 19 sẽ diễn ra chính thức trong ngày mai tại Hawai (13/11 giờ địa phương)./.
theo vov.vn