Chi tiết bài viết

Việt Nam lọt top 15 thị trường sơ khai nhiều tiềm năng nhất

Tuy nhiên, thị trường các nước BRIC giờ đây cũng đã trở nên kém hấp dẫn hơn. Trung Quốc đối mặt với sự giảm tốc tăng trưởng, Ấn Độ thiếu sự linh hoạt cần thiết để kích thích nền kinh tế, Nga có khả năng chịu sự xáo trộn sau cuộc bầu cử tổng thống vào năm nay, còn Brazil thì đang vật lộn với lạm phát.

 

Theo trang Business Insider, trước khi được phân loại là một “thị trường mới nổi” (emerging market), một nền kinh tế thường được xem là một “thị trường sơ khai” (frontier market). Các thị trường sơ khai thường có cơ sở hạ tầng kém phát triển, hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện và thị trường vốn có mức độ thanh khoản thấp. Bởi thế, đây là các thị trường rủi ro có độ rủi ro lớn hơn nhưng thường đem lại cơ hội tăng trưởng hấp dẫn hơn các thị trường mới nổi có độ phát triển cao hơn.

 

Trong một báo cáo mới đây, chuyên gia Andrew Howell thuộc ngân hàng Citigroup đã liệt kê ra 15 thị trường sơ khai được cho là sẽ đem đến mức lợi nhuận cao cho giới đầu tư trong những thập kỷ tới. Một số thị trường trong số này, như ArgentinaVenezuela, đã nổi tiếng từ lâu, nhưng một số khác như Ghana hay Kazakshstan, tới nay vẫn là những cái tên còn xa lạ đối với các nhà đầu tư toàn cầu.

 

Dẫn thông tin từ báo cáo này, Business Insider đã điểm qua 15 thị trường hấp dẫn trên, xếp theo thứ tự alphabet, trong đó có Việt Nam:

1. Argentina

Tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn: 4,1%

GDP bình quân đầu người: 10.675 USD

GDP: 435,2 tỷ USD

Dân số: 40,8 triệu người

Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ: 98%

 

Ưu điểm của Argentina là có cơ sở hạ tầng tốt hơn các thị trường sơ khai khác. Nước này còn có một nền nông nghiệp mạnh. Tiêu dùng nội địa từ lâu là một động lực phát triển kinh tế tích cực của Argentina. Tuy nhiên, rủi ro tại thị trường này là lạm phát cao. Tình trạng tháo chạy gia tăng của các dòng vốn ngoại đẩy đồng Peso của Argentina vào nguy cơ mất giá mạnh. Những lo ngại liên quan tới chính sách cũng đã tác động bất lợi tới thị trường chứng khoán nước này.

 

2. Bangladesh

Tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn: 7,5%

GDP bình quân đầu người: 764 USD

GDP: 115 tỷ USD

Dân số: 150,5 triệu người

Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ: 56%

 

Bangladesh có xuất phát điểm thấp nên có nhiều cơ hội để tăng trưởng. Ưu điểm của thị trường này còn là lực lượng lao động trẻ, giá rẻ, đang phát triển nhanh. Ngoài ra, thị trường chứng khoán Bangladesh cũng lớn hơn và có độ thanh khoản tốt hơn các thị trường sơ khai khác. Mặc dù vậy, cơ hội tìm kiếm việc làm hạn hẹp đang đẩy ngày càng nhiều người Bangladesh ra nước ngoài tìm việc, cơ sở hạ tầng của nước này cũng cần được cải thiện nhiều. Ngoài ra, sự thiếu vắng các cơ chế giám sát và điều hành cũng đặt ra rủi ro đối với hệ thống tài chính của Bangladesh.

 

3. Ai Cập

 Tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn: 6,3%

GDP bình quân đầu người: 2.810 USD

GDP: 231,9 tỷ USD

Dân số: 82,5 triệu người

Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ: 66%

 

Dân số đang phát triển nhanh chóng của Ai Cập được hưởng một nền giáo dục tốt hơn so với tại các quốc gia láng giềng. Năng lượng, thương mại, giao thông và du lịch là những ngành mạnh của Ai Cập nhờ vị trí địa lý thuận lợi của quốc gia này. Điểm bất cập tại thị trường Ai Cập chính là những rủi ro về kinh tế và chính trị còn tồn tại sau phong trào nổi dậy “Mùa xuân Arab” hồi năm 2010. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn khỏi nước này. Tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ Ai Cập cũng là một vấn đề lớn mà chính phủ mới của nước này phải đương đầu.

 

4. Ghana

Tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn: N/A

GDP bình quân đầu người: 1.546 USD

GDP: 38,6 tỷ USD

Dân số: 25 triệu người

Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ: 67%

 

Việc phát hiện mỏ dầu Jubilee đã đưa Ghana vào nhóm các nước xuất khẩu dầu trẻ nhất trên thế giới. Trước đó, Ghana đã có thế mạnh về nhiều loại hàng hóa cơ bản như vàng, cocoa, kim cương và mangan. Không giống như các nước láng giềng, Ghana có một nền dân chủ hiệu quả. Điều mà Ghana cần tránh là rơi vào “cái bẫy tài nguyên” như nhiều quốc gia có tài nguyên thiên nhiên dồi dào nhưng lại có tốc độ tăng trưởng thấp hơn các nước ít tài nguyên. Ngoài ra, các cuộc bầu cử ở Ghana cũng thường kéo theo khủng hoảng tài khóa.

 

5. Iraq

 Tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn: 7,6%

GDP bình quân đầu người: 3.325 USD

GDP: 108,6 tỷ USD

Dân số: 32,7 triệu người

Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ: 78%

 

Sản lượng dầu lửa của Iraq được dự báo sẽ tăng mạnh hơn bất kỳ một quốc gia nào khác trong thập kỷ tới. Rủi ro là chính quyền khu tự trị người Kurd và Chính phủ Iraq tiếp tục bất đồng về luật áp dụng cho ngành dầu lửa. An ninh cũng tiếp tục là một rủi ro lớn ở Iraq sau khi quân đội Mỹ rút khỏi nước này.

 

6. Kazakhstan

Tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn: 4,5%

GDP bình quân đầu người: 11.115 USD

GDP: 180,1 tỷ USD

Dân số: 16,2 triệu người

Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ: 100%

 

Kazakhstan là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu lửa, vàng, đồng, kẽm và uranium. Giữa tháng 1 này, bầu cử sẽ diễn ra ở Kazakhstan và giới quan sát lo ngại về sự xáo trộn có thể xảy ra trong quá trình chuyển giao quyền lực. Hệ thống ngân hàng của Kazakhstan hiện vẫn đang nỗ lực giải quyết những khoản nợ xấu.

 

7. Kenya

Tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn: N/A

GDP bình quân đầu người: 868 USD

GDP: 36,1 tỷ USD

Dân số: 41,6 triệu người

Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ: 87%

 

Các mỏ khí đốt ngoài khơi của Kenya đã được phát hiện gần biên giới với Ethiopia, cùng ngành viễn thông đang tăng trưởng nhanh, là ưu điểm của thị trường này. Ngoài ra, Kenya cũng được xem là một trung tâm tài chính và công nghiệp của vùng Đông Phi. Mặc dù vậy, căng thẳng sắc tộc và bất ổn ở Somalia đã buộc Kenya phải can thiệp bằng quân sự. Chưa kể tới việc lạm phát tại Kenya đã lên tới 15% và sẽ còn tiếp tục bị đẩy lên do giá thực phẩm tăng và tình trạng hạn hán ở vùng Sừng châu Phi.

 

8. Mông Cổ

Tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn: 6,9%

GDP bình quân đầu người: 3.127 USD

GDP: 8,8 tỷ USD

Dân số: 2,8 triệu người

Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ: 97%

 

Mông Cổ cũng là một nước giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là đồng và than cốc - những loại hàng hóa mà nước láng giềng Trung Quốc rất cần. Mông Cổ còn có một dân số trẻ, đang phát triển, tỷ lệ tiết kiệm nội địa cao so với các thị trường sơ khai khác. Nhưng cũng giống như các nước giàu tài nguyên khác, Mông Cổ cần tránh “cái bẫy tài nguyên”.

 

9. Nigeria

Tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn: 8,4%

GDP bình quân đầu người: 1.521 USD

GDP: 247,1 tỷ USD

Dân số: 162,5 triệu người

Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ: 61%

 

Ngành ngân hàng của Nigeria đang phát triển vững vàng, có mức lợi nhuận tốt. Lạm phát ở nước này cũng đã đạt đỉnh. Tuy nhiên, Nigeria vẫn đang đối mặt với tình trạng căng thẳng tôn giáo gia tăng, với một số vụ tấn công quân sự của nhóm Hồi giáo Boko Haram ở vùng Đông Bắc. Cơ sở hạ tầng yếu kém là một vấn đề nữa cản trở tăng trưởng kinh tế nói chung của Nigeria.

 

10. Pakistan

Tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn: 4,9%

GDP bình quân đầu người: 1.155 USD

GDP: 204,1 tỷ USD

Dân số: 176,7 triệu người

Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ: 56%

 

Pakistan có dân số đông, trẻ và đang phát triển, cùng các lĩnh vực kinh tế đa dạng. Nhưng dân số của Pakistan cần được hưởng một nền giáo dục tốt hơn để không trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế. Các rủi ro chính trị và an ninh ở Pakistan vẫn ở mức cao, khi mà hoạt động quản trị chưa cho thấy dấu hiệu của sự cải thiện.

 

11. Romania

 Tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn: 3,5%

GDP bình quân đầu người: 8.645 USD

GDP: 185,3 tỷ USD

Dân số: 21,4 triệu người

Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ: 98%

 

Lĩnh vực xuất khẩu của Romania đã phục hồi kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu. Điểm cần lưu ý là 75% hệ thống ngân hàng của Romania vẫn nằm dưới quyền sở hữu của các nhà băng châu Âu, và bởi thế đối mặt nguy cơ rủi ro lan rộng từ cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay tại khối Eurozone. Tăng trưởng GDP của Romania cũng nằm trong thế rủi ro bởi tác động của các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà Chính phủ áp dụng.

 

12. Sri Lanka

Tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn: 6,6%

GDP bình quân đầu người: 2.795 USD

GDP: 58,8 tỷ USD

Dân số: 21 triệu người

Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ: 91%

 

Kể từ khi cuộc xung đột giữa nhóm nổi dậy LTTE và Chính phủ Sri Lanka chấm dứt, đầu tư nước ngoài vào nước này đã tăng mạnh. Xuất khẩu của Sri Lanka tăng nhanh đặc biệt trong các ngành dệt may và nông nghiệp. Tuy nhiên, đạo luật về thâu tóm tài sản của Chính phủ Sri Lanka cho phép nhà nước thâu tóm những tài sản trước đây từng thuộc về Chính phủ nước này đặt ra rủi ro đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

 

13. Ukraine

Tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn: 3,7%

GDP bình quân đầu người: 3.604 USD

GDP: 162,9 tỷ USD

Dân số: 45,2 triệu người

Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ: 100%

 

Ukraine sở hữu một trong những nền nông nghiệp tốt nhất ở châu Âu, cùng lực lượng lao động có trình độ cao có thể giúp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp. Rủi ro ở thị trường này nằm ở vấn đề tham nhũng và những tác động xấu mà cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đặt ra đối với hệ thống ngân hàng của Ukraine. Tình trạng mất giá đồng tiền cũng là một rủi ro trước mắt ở Ukraine. Ngoài ra, nước này còn quá phụ thuộc vào nguồn năng lượng do Nga cung cấp.

 

14. Venezuela

Tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn: 4,3%

GDP bình quân đầu người: 10.525 USD

GDP: 309,8 tỷ USD

Dân số: 29,4 triệu người

Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ: 95%

 

Venezuela là một trong nước có trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới, và cũng là một nước xuất khẩu dầu lửa hàng đầu thế giới. Nhược điểm của nền kinh tế này là một nửa nguồn thu của Chính phủ phụ thuộc vào xuất khẩu dầu lửa, nên kinh tế Venezuela dễ dàng hứng chịu rủi ro từ biến động giá dầu. Quyết định của Tổng thống Hugo Chavez quốc hữu hóa các ngành dầu lửa, xi măng, sắt thép và siêu thị đã dẫn tới sự sụt giảm mạnh của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nước này.

 

15. Việt Nam

Tốc độ tăng trưởng GDP dài hạn: 7,4%

GDP bình quân đầu người: 1.370 USD

GDP: 121,6 tỷ USD

Dân số: 88,8 triệu người

Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ: 93%

 

Việt Nam có lợi thế cạnh tranh ở những ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều nhân công. Xuất khẩu nông sản là một thế mạnh khác của Việt Nam. Tuy nhiên, nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam có tác dụng phụ là đẩy lạm phát tăng cao. Ngoài ra, Việt Nam còn bị đánh giá là có một hệ thống ngân hàng còn yếu.

Theo Dantri.com