Chi tiết bài viết

VÌ SAO TINH GIẢN BIÊN CHẾ VẪN DẬM CHÂN TẠI CHỖ?

Để tinh giản biên chế có hiệu quả trước hết phải cơ cấu lại bộ máy tổ chức toàn bộ hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhân sự, đồng thời cần có biện pháp quyết liệt và đồng bộ...

Trong nhiều năm qua trên các phương tiện thông tin truyền thông và trên diễn đàn của các cơ quan Đảng, Chính phủ và Quốc hội, tinh giản biên chế đã trở thành vấn đề nóng bỏng của xã hội như: sau 5 năm giảm biên chế bộ máy cán bộ công chức đã "phình" thêm 20%; hơn 70% ngân sách Nhà nước dành cho gần 3 triệu người... tình trạng cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” chưa được khắc phục; việc thi cử, tuyển dụng cán bộ công chức còn mang tính hình thức; bộ máy của một số đơn vị trong hệ thống chính trị quá lớn, cồng kềnh, nhiều đầu mối, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, tương tự nhau về cơ cấu tổ chức; một số mô hình nhất thể hóa chức danh; thi tuyển lãnh đạo viên chức của một số địa phương, bộ, ngành chưa được tổng kết và nhân rộng; một số người đứng đầu tổ chức, cơ quan quản lý nhân sự và bộ máy chưa quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Chính phủ, chưa nhận thức đầy đủ vị trí của con người, sức mạnh của tổ chức bộ máy quyết định đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; một số nơi còn quan niệm cán bộ dưới quyền càng đông càng tốt, không quan tâm đến chất lượng, phân công nhiệm vụ chưa rõ ràng, buông lỏng quản lý, chưa có chính sách thu hút người tài vào làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội...

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tất cả những điều đó dẫn đến cán bộ công chức, viên chức tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa thực sự bảo đảm yêu cầu; nguồn chi ngân sách của Nhà nước tăng đến mức báo động trong khi năng suất lao động còn thấp.

Để làm tốt tinh giản biên chế, tái cấu trúc bộ máy tổ chức cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, quán triệt vấn đề tinh giản biên chế cần tiến hành song song với cơ cấu lại bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ công nhân viên chức, nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời làm cho mọi người nhận thức sâu sắc rằng tinh giản biên chế không chỉ giảm số lượng, giảm gánh nặng ngân sách, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà còn góp phần tăng năng suất lao động xã hội.

Hai là, người đứng đầu và các cơ quan quản lý nhân sự, bộ máy tổ chức của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, tổ chức chính trị xã hội, các DN Nhà nước, địa phương, cơ sở, các ngành, các cấp có vai trò, vị trí hết sức quan trọng quyết định đến thành bại trong tinh giản biên chế và hoàn thiện tổ chức bộ máy. Vì vậy đòi hỏi các cơ quan này quán triệt và thực hiện các mục tiêu, quan điểm, tư tưởng, chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng và các Nghị định của Chính phủ; thực hiện tinh giản biên chế gắn liền với tái cơ cấu bộ máy tổ chức. Đồng thời phải quy định trách nhiệm bắt buộc của người đứng đầu và cơ quan quản lý bộ máy nhân sự; xác định nhiệm vụ cho từng tổ chức, cán bộ; nghiên cứu đề xuất về các loại hình biên chế và hợp đồng có thời hạn; bổ sung hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, phương pháp đánh giá cán bộ làm cơ sở cho việc tăng giảm biên chế để bố trí nhân lực hợp lý…

Ba là, song song với các công việc trên, đề nghị Đảng, Nhà nước và Quốc hội thành lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực,... trước mắt tổng điều tra bộ máy và cán bộ từ Trung ương đến cơ sở trong toàn bộ hệ thống chính trị và các DN Nhà nước để làm căn cứ sắp xếp lại bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả tránh trùng lặp; tuyển lựa được đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tài năng đáp ứng cho việc triển khai kế hoạch 5 năm 2016-2020...

Làm được điều này chắc chắn chúng ta sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tăng năng suất lao động trong đội ngũ cán bộ công chức,viên chức, củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân.

TS. Hồ Văn Hoành

Phó Chủ tịch TW Hội Khoa học phát triển
nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam

(Bài viết đã đăng trên Báo Điện tử Chính phủ (có bổ sung một số tư liệu mới))