Chi tiết bài viết

Vì sao Bộ LĐ-TB&XH 'muốn' chi 800 tỷ cho đào tạo lao động

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế, có khoảng 12,4 triệu lao động giản đơn (chiếm 20% tổng số lao động); lao động có kỹ năng trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp 9,2 triệu người (chiếm 14,9%); công nhân kỹ thuật vận hành máy và thợ lắp ráp 7,7 triệu người (chiếm 12,4%); lao động thủ công 7,5 triệu người; lao động chuyên môn bậc trung 1,8 triệu người (chiếm 2,9%) Đồ họa: Quốc Anh, Ảnh: Phạm Thanh
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế, có khoảng 12,4 triệu lao động giản đơn (chiếm 20% tổng số lao động); lao động có kỹ năng trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp 9,2 triệu người (chiếm 14,9%); công nhân kỹ thuật vận hành máy và thợ lắp ráp 7,7 triệu người (chiếm 12,4%); lao động thủ công 7,5 triệu người; lao động chuyên môn bậc trung 1,8 triệu người (chiếm 2,9%) Đồ họa: Quốc Anh, Ảnh: Phạm Thanh
Trước tác động của dịch COVID-19, những thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ thời 4.0, thị trường lao động sẽ thay đổi, nhiều công việc sẽ mất đi, nhiều việc làm mới ra đời. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải chủ động thích ứng để giải quyết việc làm cho lao động (NLĐ), giảm thất nghiệp. Đây cũng là lý do Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ 1 Đề án về đào tạo lao động thí điểm với chi phí hơn 800 tỷ đồng.

Thí điểm đào tạo và đào tạo lại 25.000 người

Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất Chính phủ thực hiện Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại để nâng tầm kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Dự thảo đề án đặt mục tiêu thí điểm đào tạo ít nhất 20 ngành nghề mới (hoặc kỹ năng mới) ở trình độ trung cấp và cao đẳng với khoảng 4.800 người học. Thí điểm đào tạo lại gắn với chuyển đổi việc làm cho NLĐ bị tác động bởi công nghệ mới, với số lượng ít nhất 20.000 lượt người đang làm việc tại khoảng 100 DN.

Việc đào tạo theo đề án sẽ do các trường cao đẳng, trung cấp nghề đảm nhận trên cơ sở đặt hàng của Nhà nước. Tổng kinh phí dự kiến cho chương trình này khoảng 839 tỷ đồng, lấy từ: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn khác.

Các nghề mới (nghề hình thành trong tương lai) dự kiến được thí điểm đào tạo thời công nghiệp 4.0 gồm: Giải pháp Blockchain; kết nối hệ thống Robot; kết nối vạn vật; thiết kế thời trang số; trang trại số. Bên cạnh đó, chương trình còn đề xuất đào tạo cập nhật kiến thức, kỹ năng cho lao động ở một số nghề như: Công nghệ thông tin; điện tử viễn thông; tự động hóa; công nghiệp chế biến; nông - lâm nghiệp công nghệ cao; ô tô, cơ khí; năng lượng, du lịch, dệt may... Đào tạo lại nhóm LĐ thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, cơ khí, dệt may, da giày, khai khoáng, điện tử... để chuyển đổi nghề.

Lý giải cho đề xuất xây dựng đề án trên, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, thời công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội về kinh doanh các ngành nghề mới, kéo theo việc làm mới. Sự thay đổi này cũng khiến nhiều ngành nghề mất đi, máy móc thay thế con người. Trong khi đó, thực tế chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Kiến thức, kỹ năng học viên học được trong trường dù đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, có thể không hữu dụng với nền kinh tế thay đổi, dễ bị máy móc thay thế trong tương lai gần.

Thống kê của cơ quan quản lý và các tổ chức quốc tế cho thấy, năm 2018, năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 7,3% của lao động ở Singapore, bằng 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44% của Indonesia và bằng 55% của Philippines (số liệu của Bộ KH&ĐT). Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, Việt Nam cần giải pháp chủ động để ứng phó với những tác động, giải quyết việc làm cho lao động dư thừa và chặn nguy cơ công nghệ lạc hậu được nhập từ nước ngoài về.

Nhiều tồn tại phải thay đổi

Công ty TNHH Compal Việt Nam (vốn Đài Loan, Trung Quốc) hiện tiếp tục mở rộng quy mô để trở thành 1 trong các doanh nghiệp (DN) điện tử lớn nhất tỉnh Vĩnh Phúc (sản xuất máy tính, máy tính bảng, điện thoại...). Dự kiến, tới cuối năm nay, DN này sẽ sử dụng lên hơn 12.000 lao động. Ông KC.Chen, Phó Tổng giám đốc cấp cao của công ty này cho hay, riêng lao động (LĐ) kỹ thuật cao đã qua đào tạo, mỗi năm công ty cần tuyển 300-400 người để vừa làm vừa huấn luyện, tiến tới thay thế các vị trí LĐ là người nước ngoài. Để chuẩn bị cho điều đó, DN đã liên kết với một số trường cao đẳng nghề tại Vĩnh Phúc và Hà Nội, tham gia đào tạo và tuyển dụng khi sinh viên ra trường.

Ông KC.Chen đánh giá, với nhóm LĐ dù có bằng cấp nhưng chưa thực tập tại DN sẽ mất khoảng 2 tháng để đào tạo lại và làm quen với dây chuyền, máy móc. Với các em đã qua 2-4 tháng thực tập tại DN khi tốt nghiệp sẽ làm việc được ngay. Do đó, DN này rất quan tâm liên kết với các trường tham gia từ khi đào tạo, để sinh viên học xong có thể làm việc ngay, thay vì tuyển trên thị trường sẽ mất thời gian đào tạo thêm. Lãnh đạo DN này đánh giá, LĐ là người Việt rất chịu khó, học nhanh, nhưng kỹ năng mềm, ngoại ngữ và làm việc nhóm còn yếu.

Về phần đào tạo, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Quang Khuê, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh cho rằng, muốn người học ra trường làm việc được ngay phải gắn với DN. Dù trường có đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, cũng gặp khó trong chi phí vật tư, phần mềm cho sinh viên thực hành. Chưa kể, công nghệ trong nhà máy chỉ 2-3 năm đã thay đổi, cập nhật, nhà trường khó đuổi kịp.

Ông Khuê thẳng thắn nhìn nhận, lâu nay việc dạy nghề vẫn thiên về đào tạo người thợ cơ bản, đứng máy, công việc mang tính rập khuôn. Trong khi, thời công nghệ 4.0, công việc yêu cầu thợ máy cũng phải tính toán, sáng tạo, tay nghề cao và kiến thức tích hợp tốt, vừa sản xuất vừa nghiên cứu, không chỉ bảo sao làm vậy.

Theo khảo sát gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại 5 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam), có 5 lĩnh vực LĐ đang dần bị thay bằng máy móc (do tự động hóa) đó là: Sản xuất lắp ráp ô tô, điện, điện tử, dệt may, bán lẻ... Riêng Việt Nam, trong 10 năm tới, có 70% số việc làm gặp rủi ro cao bị thay thế bởi máy móc (như nông nghiệp, dệt may, lắp ráp, thủ công...). Trong khi những ngành nghề giản đơn này thâm dụng LĐ, dẫn tới nguy cơ gia tăng LĐ thất nghiệp.

Làm sao để sử dụng ngân sách hiệu quả?

Theo các chuyên gia, để chương trình đào tạo lại lao động mang lại hiệu quả, cần chính sách tăng chi hỗ trợ cho chính DN tự đào tạo lao động của mình, để duy trì việc làm, thay vì sa thải lao động cũ và tuyển mới. Vì chỉ DN mới nắm được đúng nhu cầu sử dụng lao động, sử dụng công nghệ đào tạo theo yêu cầu… Tuy nhiên, việc thực hiện này không dễ, vì trên thực tế, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã có quy định chi hỗ trợ DN đào tạo nâng cao tay nghề lao động để duy trì việc làm, nhưng tới nay vẫn chưa chi được theo quy định này.

Thậm chí ngay gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ lao động và DN vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 (đang còn hiệu lực), cũng dự chi khoảng 3.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ trực tiếp cho DN đào tạo nâng cao trình độ lao động, nhằm duy trì việc làm cho họ. Song, tới nay, khoản dự kiến chi này cũng không giải ngân được.

Tại gói hỗ trợ an sinh lần 2 đang xây dựng, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đề xuất chi 3.000 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho DN đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động, với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, trong 6 tháng. Để nhận được khoản tiền hỗ trợ này, DN phải có phương án đào tạo lại lao động để duy trì việc làm; đóng đủ Bảo hiểm thất nghiệp từ 12 tháng liên tục trở lên; doanh thu giảm từ 20% trở lên… Với các điều kiện đó, theo các chuyên gia, cũng không dễ để DN nhận được hỗ trợ.

Lê Hữu Việt

Nguồn: tienphong.vn