Chi tiết bài viết

Vì một cộng đồng ASEAN gắn kết và cường thịnh

Tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 và các Hội nghị Cấp cao liên quan lần này đã một lần nữa khẳng định sự đóng góp tích cực của Việt Nam vào thành công chung, qua đó góp phần thúc đẩy ASEAN gắn kết chặt và hoạt động hiệu quả hơn.

Chuyến đi tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 và các Hội nghị cấp cao liên quan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc thành công tốt đẹp.

 

Các nhà lãnh đạo ASEAN trong lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 27. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với thời gian vẻn vẹn 2 ngày (từ 21-22/11), tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác đã có một chương trình nghị sự dày đặc các hoạt động, từ sáng sớm cho tới tận tối muộn, qua hàng chục hội nghị cấp cao, các cuộc gặp, các sự kiện quan trọng liên quan.

Tại các Hội nghị, đã có gần 60 văn kiện được ký kết, thông qua, ghi nhận, trong đó có 3 văn kiện được ký kết, gồm: Tuyên bố Kuala Lumpur về việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, Tuyên bố Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Công ước ASEAN về chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Liên bang Nga Medvedev. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo

Tận dụng từng khoảng trống thời gian bên lề các Hội nghị theo lịch trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp song phương với nhiều nhà lãnh đạo các nước, như: Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Thủ tướng Liên bang Nga Medvedev, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Australia Malcom Turnbull, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha;…

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc hình thành Cộng đồng ASEAN. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sự kiện lịch sử trọng đại, được trông đợi nhất

Có lẽ một trong những sự kiện quan trọng và được mong đợi nhất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 là việc các nhà lãnh đạo ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015 và cùng với đó là thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 làm cơ sở và khuôn khổ cho liên kết ASEAN trong 10 năm tới.

Tuyên bố được ký kết đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử mới trong quá trình phát triển của ASEAN, phản ánh sự lớn mạnh của ASEAN sau gần 48 năm hình thành, phát triển và vươn lên trở thành một cộng đồng liên kết chặt chẽ trên cả 3 trụ cột là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội với vị thế ngày càng cao ở cả khu vực và thế giới; một sự kiện mà theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 là: “Dấu mốc lịch sử, thể hiện nhận thức chung và quyết tâm của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc nâng liên kết và hợp tác lên tầm cao mới, phản ánh sự trưởng thành mạnh mẽ của Hiệp hội sau 48 năm phát triển, khẳng định giá trị của đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN”.

Cũng nói về ý nghĩa của việc hình thành Cộng đồng ASEAN, trong phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 27, Thủ tướng nước chủ nhà Malaysia Najib Tun Abdul Razak nhận định “đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, được mọi người dân ASEAN mong đợi và tự hào”.

Lãnh đạo các nước đối tác cũng hoan nghênh và đề cao ý nghĩa lịch sử của việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015; cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 27. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Bên cạnh đó, thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 27, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh kết quả triển khai Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015), đề cao ý nghĩa của việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, coi đó là dấu mốc lịch sử trong tiến trình liên kết khu vực, đánh dấu bước chuyển mình chiến lược của ASEAN và khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới ở tầm cao hơn của ASEAN.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN là một tiến trình liên tục, nhất trí rằng ASEAN cần tiếp tục củng cố và đưa liên kết ASEAN lên tầm cao mới trên cơ sở tiếp nối và phát huy các thành tựu đã đạt được. Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và ba kế hoạch tổng thể triển khai Tầm nhìn trên 3 trụ cột với chủ đề "ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước" định hướng và tạo cơ sở và khuôn khổ cho liên kết của ASEAN trong 10 năm tới.

Các nhà lãnh đạo cam kết triển khai hiệu quả các văn kiện này, đồng thời cũng nhất trí cần tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể về kết nối và Sáng kiến liên kết ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển để hỗ trợ cho tiến trình xây dựng cộng đồng.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao Đông Á. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng, hiệu quả hơn nữa giữa ASEAN và các đối tác

Cùng với Hội nghị Cấp cao ASEAN 27, các Hội nghị Cấp cao liên quan gồm: Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) với 8 nước đối thoại, các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Liên Hợp Quốc và Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-New Zealand.

Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc

 

Tại các Hội nghị nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN, lãnh đạo các nước, tổ chức đối tác đã tập trung kiểm điểm tình hình hợp tác và đề ra các định hướng nhằm tiếp tục tăng cường hợp tác trong thời gian tới, trong đó tập trung vào những lĩnh vực các bên có lợi ích chung như kinh tế, thương mại, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó các thách thức phi truyền thống và xuyên biên giới.

Các đối tác khẳng định sự coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác nhiều mặt với ASEAN. Đặc biệt, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 27, các quốc gia thành viên của Hiệp hội đã thảo luận, nhất trí và đạt sự thống nhất cao với quan điểm cần tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong đẩy mạnh quan hệ với các đối tác, nâng cao hiệu quả của các tiến trình hiện có, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với các đối tác cũng như trong việc định hình cấu trúc khu vực.

Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Qua các hội nghị lần này, quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ và ASEAN-New Zealand đã chính thức được nâng lên tầm đối tác chiến lược, đưa tổng số đối tác chiến lược của ASEAN từ 5 nước lên 7 nước (các nước đã là đối tác chiến lược của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia) và đồng thời Kế hoạch Hành động ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hoa Kỳ và ASEAN-New Zealand giai đoạn 2016-2020 với các nội dung và biện pháp hợp tác cụ thể cũng đã được thông qua.

Đây là dấu mốc mới, bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa ASEAN và các đối tác của mình.

Hội nghị Cấp cao ASEAN+3. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Trao đổi sâu rộng tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm

Tình hình khu vực và quốc tế cũng đã được các nhà lãnh đạo trao đổi hết sức sâu rộng, thẳng thắn tại các hội nghị, trong đó vấn đề khủng bố quốc tế, các thách thức an ninh biển, tình hình Biển Đông là những chủ đề lớn được sự quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo các quốc gia.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy thành công hợp tác trên mọi lĩnh vực và cũng là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN, các đối tác và cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng đã chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, nhất là các hoạt động bồi đắp và xây dựng quy mô lớn đã gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và an ninh khu vực; nhấn mạnh các bên cần tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc về kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; đề nghị các bên cam kết không theo đuổi quân sự hóa ở Biển Đông, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhất là cụ thể hóa Điều 5 và đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC); hoan nghênh các đề xuất và đóng góp xây dựng của các nước nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 18. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

“Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN cũng như các nước trong và ngoài khu vực”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ quan điểm.

Phát biểu hoặc đề cập về vấn đề Biển Đông ở các mức độ khác nhau, song hầu hết lãnh đạo các quốc gia ASEAN, các đối tác đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến phức tạp ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, khẳng định việc giải quyết các tranh chấp phải bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). 

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng kêu gọi các bên tự kiềm chế và không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng, nhất trí cần phát huy hơn nữa vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề này.

Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 17. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Không chỉ tại diễn đàn ở các hội hội nghị, vấn đề Biển Đông cũng được các nhà lãnh đạo các quốc gia như Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Thủ tướng Liên bang Nga Medvedev, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Australia Malcom Turnbull, Tổng thống Indonesia Joko Widodo,… chia sẻ sâu rộng khi gặp gỡ, tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề các hội nghị.

Các nhà lãnh đạo đều chia sẻ lo ngại về tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến phức tạp, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, không tiến hành quân sự hoá Biển Đông.

Tóm lại, có thể khẳng định, năm 2015 là một năm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các quốc gia thành viên ASEAN, năm chứng kiến một bước ngoặt lịch sử mới trong chặng đường 48 năm hình thành, phát triển và vươn lên của ASEAN với việc Cộng đồng ASEAN ra đời và cũng trùng khớp với dấu mốc 20 năm Việt Nam gia nhập và gắn bó với ASEAN (1995-2015).

Tiếp tục phát huy tinh thần chủ động và trách nhiệm, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 và các Hội nghị Cấp cao liên quan lần này một lần nữa khẳng định sự đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam vào công việc và thành công chung của Hiệp hội, thúc đẩy ASEAN gắn kết chặt và hoạt động hiệu quả hơn, vì một cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển cường thịnh, vững mạnh cũng như khẳng định uy tín, vai trò, vị thế quan trọng của ASEAN ở khu vực và trên toàn cầu./.

 

Theo Báo điện tử Chính phủ