Chi tiết bài viết

Văn hóa đọc ở Việt Nam, cần dựng lại từ nền móng

 Việt Nam chưa có văn hóa đọc theo đúng nghĩa

Đó là một thực trạng buồn không chỉ tại hội thảo lần này mà từ trước đó, nhiều cuộc tọa đàm hội thảo, nhiều bài báo khác đã đề cập tới. Theo báo cáo của ngành văn hóa, trong năm qua, mỗi người Việt mua 3,3 quyển sách. Thế nhưng con số ấy mang nặng tính hình thức vì có tới 80% trong đó là sách giáo khoa, các loại sách còn lại chỉ chiếm 20%. Đã thế, việc mua sách giáo khoa không phải để phục vụ nhu cầu tự thân của người đọc mà nhiều khi vì bắt phải mua (học sinh, sinh viên). Như vậy, trên thực tế mỗi người Việt chỉ mua 0,6 quyển sách/năm.

Không thể phủ nhận thị trường sách Việt Nam đang ngày càng đa dạng và phong phú. Song, văn hóa đọc ở nước ta vẫn chưa cao, thậm chí nếu so sánh cách đọc sách của người Việt với người nước ngoài, sẽ dễ dàng nhận thấy vấn đề đọc sách của người Việt đang có "vấn đề" hay nói đúng hơn chúng ta chưa có văn hóa đọc theo đúng nghĩa.

Khó có thể định nghĩa đầy đủ về "văn hóa đọc". Nhưng chắc chắn một điều, văn hóa đọc không chỉ là việc tăng cường đọc sách văn học như một số người lầm tưởng, cũng không chỉ là đọc thật nhiều rồi ghi lưu niệm vào sách, hay sưu tầm sách cũ. Văn hóa đọc rộng lớn hơn rất nhiều. Những thư viện mênh mông mở cửa cả ngày, những tủ sách gia đình được giữ gìn cẩn thận và bổ sung qua nhiều thế hệ, những nhà xuất bản lớn có uy tín thật sự trong việc kiểm soát một cuốn sách từ khâu mua bản quyền đến khâu phát hành... là hình ảnh quen thuộc tại một quốc gia đã có được văn hóa đọc. Còn ở ta, các thư viện vốn đã ít lại chỉ mở cửa vào giờ hành chính và được canh gác quá kĩ càng. Những buổi triển lãm sách quý chỉ diễn ra ở vài quán café sách nhỏ. Các hiệu sách cũ thường nằm ở nơi ngõ hẻm đường vòng. Thông tin về sách mới thì ít ỏi hoặc theo kiểu truyền miệng... Tất cả chỉ có thể tác động đến những người có ý thức tự mình đi tìm, chứ không thể tác động đến đám đông. Sách bán chạy ở ta thường là sách mang tính chất giải trí thông thường, ít có giá trị tinh thần hoặc cung cấp cho người đọc kiến thức. Các sách có giá trị, đạt giải thưởng quốc tế thì bị xếp xó, tồn kho và phải bán giảm giá để thanh lý, khiến không ít nhà xuất bản lao đao và dần dà phải chấp nhận chạy theo dòng sách giải trí phục vụ nhu cầu của đa số độc giả nhằm đảm bảo độ an toàn trong kinh doanh. Những điều này khiến cho văn hóa đọc của Việt Nam khó được định hình, nếu có thì cũng mới chỉ là một nền văn hóa đọc giải trí và bình dân.

Cũng cần phải nói thêm một phần tối quan trọng của văn hóa đọc, đó là kỹ năng đọc. Hầu hết độc giả Việt Nam chưa có kỹ năng đọc sách. Trong các nhà trường, chưa có một môn học nào dạy cho học sinh kỹ năng này. Học thuộc lòng - trả bài - rồi quên luôn là một quy trình quen thuộc của học sinh, sinh viên. Điều này khiến cho học sinh ghét sách và không thu được gì nhiều từ sách dù chương trình học có nhồi nhét đến mấy. Trong gia đình, thói quen đọc sách cũng không có nhiều điều kiện phát triển. Đến nhiều nhà có thể gọi là "gia đình trí thức" - bố mẹ giáo viên, con cái đều học đại học - cũng rất hiếm khi thấy một tủ sách đúng nghĩa. Vài cuốn sách giáo khoa, giáo trình, truyện tranh và tạp chí - đó là một cấu trúc thường thấy. Khó để tìm được một tủ sách gia đình được duy trì qua nhiều thế hệ. Thói quen mua sách thường xuyên vẫn có vẻ là một việc làm quá xa xỉ.

Xây dựng văn hóa đọc - bắt đầu từ đâu?

Nhiều chuyên gia nghiên cứu và quản lý văn hóa khẳng định rằng: Chúng ta cần phải bắt đầu từ gốc rễ, phải xây dựng hạ tầng cơ sở cho văn hóa đọc. Muốn vực dậy và phát triển văn hóa đọc trong quần chúng, phải thay đổi cả hệ thống giáo dục và nhận thức của người dân. Không phải cứ in ra nhiều sách là xây dựng được văn hóa đọc. Nhìn nhận một cách công bằng thì việc xây dựng văn hóa đọc phải là ý thức chung của toàn xã hội. Một khi việc đọc sách được phổ cập rộng rãi từ nhỏ tới lớn, hình thành và phát triển theo cả một chặng đường dài và cả quãng thời gian sống, con người mới phát triển và định hình được văn hóa đọc cho cá nhân mình. Từ đó, mỗi người sẽ tự phân hóa, chọn lọc dòng sách mình cần và thấy phù hợp với bản thân qua từng giai đoạn cuộc sống. Lúc đó tự bản thân mỗi người sẽ thấy việc đọc cần thiết như ăn cơm, uống nước hằng ngày.

Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho văn hóa đọc, nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta cũng cần phải xây dựng môi trường trong sạch và lành mạnh cho văn hóa đọc phát triển. Điều này phụ thuộc vào các nhà quản lý chuyên ngành cấp quốc gia. Phải nhanh chóng lập ra một lộ trình cho việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc cả nước theo những chặng đường dài 10 - 20 - 30 năm/lần, tuyệt đối không để phát triển tự phát hoặc theo những kế hoạch ngắn hạn một vài năm hay thực thi theo kiểu đối phó và hài lòng với những con số tăng trưởng nhỏ lẻ. Đồng thời, các ban, ngành cần thống nhất đường hướng phát triển, vạch ra những phương án tối ưu để nâng cao chất lượng sách làm ra. Làm sao để sách đa dạng hơn, phong phú hơn, luôn cập nhật được những kiến thức mới nhất của nhân loại trên toàn thế giới?

Bên cạnh đó, việc giúp cho các đơn vị xuất bản tự tin sống đàng hoàng bằng nghề, chỉ chuyên tâm làm sách mà không phải lo đối phó với nạn sách lậu, sách giả, sách không bản quyền cũng là một vấn đề cần ưu tiên giải quyết. Chính phủ cần đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn nữa trong việc xử lý những sai phạm ở lĩnh vực phát hành. Đồng thời, phải tích cực tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ sách thật, sách có bản quyền, khuyến khích họ coi sách như một sản phẩm có đầy đủ giá trị như các sản phẩm tiêu dùng khác...

Không lúc nào là quá muộn để vực dậy nền văn hóa đọc cho một quốc gia. Tuy nhiên, việc Bộ VHTT&DL xây dựng chiến lược quốc gia để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng lần này chắc chắn sẽ đụng đến rất nhiều thành trì cố hữu trong giáo dục, xuất bản cũng như mọi thứ liên quan đến sách ở Việt Nam. Bởi vậy những người bi quan (hoặc thực tế) đều có lý do để lo lắng trước khi trông đợi vào thành công của chiến lược.