Chi tiết bài viết

Vài vấn đề về chất xám của nước ta

Từ trước tới nay, trong quy hoạch chiến lược dài hạn và kế hoạch ngắn hạn, ta thường khẳng định rằng nhân tố chính là con người. Chắc chắn rằng chất xám của con người là thành tố không thể bỏ qua khi nói đến công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đánh giá đúng nguồn lực chất xám là bảo đảm một phần lớn thành quả của kế hoạch. Làm sao đánh giá nó cho thật sát với thực tế? Làm sao đánh thức nó, bồi dưỡng nó, và giữ nó để khỏi có sự thất thoát ra nước ngoài? Làm sao vận dụng và phát huy chất xám của mọi thành phần dân tộc?

2. Chất xám và bằng cấp

Nếu đánh giá chất xám của nước ta qua số bằng cấp thì Việt Nam hẳn là một nước “hiện đại” nhất Đông Nam Á. Có lẽ Bộ giáo dục và đào tạo không tài nào kiểm tra nổi. Sự thật rất phũ phàng. Mọi người đều biết nước ta còn đứng sau lưng nhiều nước mà trước đây ta coi như đàn em, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Phản ảnh cái nghịch cảnh này, báo chí trong nước đã nhiều lần tố cáo những gian lận trắng trợn trong thi cử, bằng giả, tiêu cực trong việc tuyển chọn sinh viên, kể cả sinh viên được cho đi du học nước ngoài. Làm sao ta không khỏi lo lắng suy nghĩ, vì mặt trận công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đòi hỏi đánh giá đúng tiềm lực và sức mạnh của ta, biết rằng đánh giá “sai một li, đi một dặm”.

2.1. Năm 1981, tôi về nước thăm bạn bè từ Bắc vào Nam. Không khí chiến thắng còn rạo rực. Tôi về với lòng tin tưởng vô biên. Người ta thường nói rất đúng: “Khi thương, trái ấu cũng tròn”. Vài bạn đồng nghiệp trong lĩnh vực điện tử hớn hở khoe là Việt Nam đã chế tạo được tran-xi-to hiệu ứng trường (FET = Fielded Effect Transistor). Tôi không nghi ngờ một giây phút nào cả: ai đã có thể tưởng được là mình đã chiến thắng Mỹ! Máy bay B52 mà mình còn bắn lộn nhào! Lúc bấy giờ có người tiết lộ là Việt Nam đã chế được máy phát sóng nhiễu (mà Trung Quốc và Liên Xô cũng chưa làm được) làm máy bay địch lạc đường để mình dễ bắn nó. Tôi đã tin và khâm phục Việt Nam mình. Tôi mừng lắm. Không mừng sao được?

Trong giới giảng dạy điện tử lúc bấy giờ, ai mà không biết rằng đây là một phát minh đánh dấu một bước nhảy vọt trong ngành? So với tran-xi-to germanium và silicium, công suất tiêu hao của loại mới này rất nhỏ vì điện trở vào của nó hàng ngàn lần lớn hơn các loại tran-xi-to trước đây, và đặc biệt cấu trúc của nó rất thuận lợi để tăng mật độ tran-xi-to trong mạch tổ hợp (mạch IC: integrated circuit). Thời điểm đó cũng là cao điểm của sự phát triển mạch IC tương tự và số. Tôi liền tin tưởng rằng đây là bàn đạp đẩy mạnh công nghiệp điện tử lên ngang hàng với các nước tiên tiến. Tôi mơ một ngày mai được về nước tham gia vào công nghiệp sản xuất linh kiện cao cấp cạnh tranh với Intel, Motorola, Fairchild...

Một thời gian sau, có dịp trở lại Hà Nội, tôi mạnh dạn xin Ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước cho phép đến thăm cơ sở sản xuất này. Tôi được dẫn đến một trường đại học. Vị giáo sư tiến sĩ đưa tôi lần lượt qua các lớp học, rồi mở cửa cho tôi vào một căn phòng nho nhỏ. Tôi nhận ra một số thiết bị và máy móc đo lường còn mới. Ngoài sân, sát ngay căn phòng, có vài bình khí đá, hình như có cả một máy phát điện. Không chờ lời giải thích của vị giáo sư, tôi hiểu ngay chính đây là xưởng chế tạo tran-xi-to FET của Việt Nam. Tôi thất vọng. Nhưng vẫn nghe giáo sư thuyết minh quy trình chế biến tran-xi-to.

Sau đó, tôi mới được biết rằng toàn bộ thiết bị máy móc, kể cả tinh thể bán dẫn, đều do một trường đại học nước ngoài biếu cho Việt Nam. Từ một bài thực tập, người ta thổi phồng lên thành một xưởng chế tạo. Có lẽ nhiều người đến tham quan, đã ra về hồ hởi. Nửa tin, nửa ngờ, tôi nghĩ rằng người ta đã hiểu lầm: đây chỉ là chuyện đùa cho vui. Nhưng đùa vui mà đến nỗi Ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước cho là thật thì quả là đùa dai.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

2.2. Chất xám là kết tinh của học và hành. Học mà không có hành thì chất xám trở thành vô dụng. Cái bệnh chung của các nước chậm tiến là ở đó. Học xong, chân ướt chân ráo đem mảnh bằng về nước, tưởng mình tài giỏi. Thêm vào đó, sống trong một xã hội sùng bái học hàm học vị một cách quá đáng, tưởng mình đã vào ngồi trong tháp ngà bất di bất dịch, chưa từng cọ xát với thực tế, lại thiếu khiêm tốn, không thèm học hỏi thêm. Mảnh bằng như thế chỉ là hư danh. Từ bàn thực tập của nhà trường đến cơ sở chế tạo sản xuất linh kiện là một quá trình phức tạp. Phải nhúng tay vào làm thì mới biết được. Nó lại càng khó khăn đối với một nước công nghiệp còn lạc hậu.

Ở nước ta, thầy thì vô số, thợ thì ít. Có biết bao nhiêu là tiến sĩ nhưng đã được mấy ông có một công trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Về nước không bao lâu đã được phong hàm giáo sư hoặc đề bạt lên chức vụ cao chót vót. Thậm chí có giáo sư chưa hề làm việc trong ngành mình giảng dạy. Bao nhiêu giáo sư điện tử có khả năng lắp ráp một mạch điện tử? Họ được phong giáo sư vì họ là tiến sĩ, dù là “tiến sĩ giấy”. Trong lúc đó, biết bao nhiêu kỹ sư không có may mắn đi học nước ngoài, âm thầm và cần cù vừa làm vừa học hỏi thêm. Trình độ và tay nghề ngày càng cao nhưng không ngóc đầu lên được, vì họ không có bằng tiến sĩ. Quả thật là trớ trêu! Bức tường bằng cấp đã vô tình cản trở và bóp nghẹt sự phát triển chất xám của Việt Nam. Đây là một nhược điểm mà ta nên khắc phục sớm vì nó hạn chế sự nảy nở nhân tài mà đáng lý ta phải nuôi dưỡng và nâng cao.

2.3. Ngày nay, người làm khoa học kỹ thuật ở cấp nào cũng cần vừa làm vừa học thường xuyên để khỏi bị lạc hậu. Ngay ở các nước phát triển, đã có nền giáo dục đào tạo hoàn chỉnh, có những nhà trường và công nghiệp sát cánh với nhau chặt chẽ, vấn đề “đào tạo thường xuyên” vẫn là chính sách hàng đầu để tăng hiệu suất công nghiệp và để đối phó với nạn thất nghiệp, vì thất nghiệp không phải do thiếu việc làm, mà chủ yếu là thiếu người có khả năng chuyên môn. Hầu hết các trường kỹ sư có hai nhiệm vụ đào tạo song song:

- Giảng dạy sinh viên.

- Đào tạo thường xuyên dành cho kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật đang làm việc ở các cơ sở công và tư.

Để có khái niệm về tầm quan trọng đó, tôi xin đơn cử thí dụ của một trường kỹ sư điện vùng lân cận Paris:

• Đào tạo kỹ sư mỗi năm 300 người.

• Đào tạo thường xuyên suốt năm, tổ chức xen kẽ với sinh viên trên 100 khóa học, mỗi khóa 1, 2 hay 3 tuần lễ, đề cập tới gần 100 đề tài. Mỗi năm, trung bình có từ 3000 đến 3500 học viên tham dự. Cơ sở vật chất của nhà trường được sử dụng tối đa. Những đề tài có tính cách thời sự và kỹ thuật đều do kỹ sư có kinh nghiệm ở xí nghiệp tới dạy. Nên nói thêm rằng những lớp đào tạo thường xuyên là nguồn thu nhập tài chính lớn cho nhà trường.

2.4. Về vấn đề đào tạo thường xuyên, tôi muốn đề nghị ta nên tổ chức sớm và đẩy mạnh việc này. Ở nước ta, nó sẽ có tác dụng không kém đào tạo sinh viên theo hệ thống chính quy. Khoa học kỹ thuật trong 20 năm nay tiến quá nhanh, nếu theo không kịp, ta sẽ thua thiệt rất nhiều. Để thuyết phục những bạn còn đắn đo, tôi lại xin đơn cử một thí dụ: trong mọi hệ thống có tính toán điện tử, bộ xử lý tín hiệu số DSP (Digital Signal Processor) là đầu não mà ai cũng biết, và trong vòng 20 năm nay, các nhà nghiên cứu của Intel, Motorola, Texas Instruments, v.v. liên tục nâng cao tốc độ tính toán, tăng thêm phần chức năng, thu nhỏ linh kiện. . . và trung bình, cứ hai năm lại có một thế hệ mới ra đời. Nhiều khi, có thế hệ chưa ra đời đã lỗi thời, đành phải bỏ để nghiên cứu một thế hệ mới.

Số kỹ sư trong nước rất nhiều, nhưng vì chưa có cơ sở khoa học kỹ thuật đầy đủ nên một số lớn chưa được bố trí đúng ngành nghề của mình, hoặc còn đang thất nghiệp. Họ trong lứa tuổi từ 35 đến 45. Đây là một lãng phí, thiệt thòi cho cả nền kỹ sư lẫn đất nước. Cần đánh thức họ dậy. Biết bồi bổ thêm chất xám bỏ quên này, ta sẽ có một nguồn lực trí tuệ quý báu, mà không đòi hỏi đầu tư nhiều.

Để tiến hành việc này, nhà nước nên có chủ trương và chính sách khuyến khích. Tuy nhiên, động cơ vẫn là các trường kỹ sư. Ngay ở ban giám đốc, nên có một ban đặc trách khâu này. Tôi nghĩ đây là một lĩnh vực mà chuyên gia Việt kiều có khả năng hợp tác đắc lực. Tốt hơn nữa, ta có thể triển khai chương trinh TOKTEN (Transfert of Knowledge Through Expatriate Nationals) (1) mà lâu nay hầu như bị bỏ quên. Rất uổng!

Về mặt tổ chức cụ thể, tôi hình dung sự đóng góp của ba thành phần:

- Trong nước, có các trường kỹ sư.

- Ở Pháp, có các chuyên gia Việt kiều, thông qua Hội người Việt Nam tại Pháp (với sự hỗ trợ của chương trình TOKTEN).

- Trong tương lai, ta có thể tranh thủ đặt nó trong khuôn khổ hợp tác khoa học kỹ thuật Việt-Pháp (mà tôi tin là phía Pháp sẽ ủng hộ).

Chương trình đào tạo thường xuyên chủ yếu nhằm hai đối tượng: kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật. Đây cũng là một thí điểm dẫn tới sự tham gia rộng rãi hơn về sau này của Việt kiều ở các nước khác.

3. Chất xám cá nhân và tập thể

3.1. Trong chế độ bao cấp, đào tạo đại học theo hệ thống dọc, ai cũng như ai, theo một khuôn mẫu nhất định, không phân biệt phong cách và sở thích từng cá nhân, và từ đó không phân biệt mục đích nghiên cứu, giảng dạy và sản xuất. Đã là đại học thì phương pháp giảng dạy, đào tạo giống nhau, chỉ khác nhau về mặt trình độ mà người ta đánh giá theo số năm học: tiến sĩ cao hơn thạc sĩ; thạc sĩ cao hơn kỹ sư, v.v. Học càng lâu, học vị càng cao. Học xong, ra trường, được nhà nước bố trí công tác. Chức vụ và lương bổng tùy thuộc vào học vị, chẳng khác gì trong quân đội. Người có năng khiếu giảng dạy, đi làm sản xuất cũng được; kẻ có năng khiếu sản xuất, đi giảng dạy cũng chẳng sao. Bố trí Zidane giữ gôn, đem Barthez đi chạy trung phong (2) rồi đâu cũng vào đó thôi? Ăn thua cũng do nhà nước xếp đặt vì nhà nước vừa đá banh, vừa thổi còi.

Nước ta không còn chế độ bao cấp nữa nhưng ảnh hưởng vẫn còn đây đó và rất tiếc là nền giáo dục của ta chưa chuyển biến để thích nghi với những đổi mới ngày nay.

3.2. Tháng 4 năm 2001, một tỉnh miền Trung đăng báo tìm cộng tác viên có bằng tiến sĩ, với những ưu đãi đặc biệt về nhà cửa, lương bổng, v.v. Người đọc nửa cười nửa khóc vì không biết biết tìm tiến sĩ gì, để làm công việc gì. Rõ ràng người ta muốn nâng cao trình độ trí thức của tỉnh. Nguyện vọng rất chính đáng. Nhưng ai đã gieo vào óc của người dân một sự hiểu lầm đáng tiếc: tiến sĩ là học vị cao nhất trong xã hội. Người ta đương nhiên xem ông tiến sĩ là nhà bác học. Đã là bác học thì làm gì mà chẳng được? Đúng là quan niệm bác học theo kiểu giáo sư Tournesol trong truyện hình vẽ Tintin. Trong phòng thí nghiệm, một mình một cõi, ông chế ra đủ thứ máy móc, cả hỏa tiễn tho Tintin lên cung trăng. . . Ai mà không ham làm được tiến sĩ như vậy! Đó chỉ là di tích của nền giáo dục thế kỷ 19.

Ngày nay, ai mà không biết rằng mọi sáng chế, mọi phát minh đều do sự tổng hợp của nhiều chuyên gia, kỹ sư, công nhân trong nhiều lĩnh vực.

3.3. Trong công nghiệp ngày nay, người kỹ sư không thể nào làm việc một mình được. Phương pháp đào tạo của nhà trường phải quan tâm tạo mọi điều kiện để sinh viên trao đổi ý kiến, làm việc chung với nhau: trước một đề tài giáo sư cho, một tập thể sinh viên gồm ba hay bốn người có thể phân công nghiên cứu, thảo luận rồi chia mỗi người thuyết trình một phần. Chất xám cần được bồi bổ, và cập nhật trong công việc làm. Nó phải biết hòa nhập với chất xám của cả nhóm mới có hiệu quả tốt. Riêng lẻ một mình, nó chỉ là một ngọn cỏ héo hon.

Trong công việc làm tập thể đó, thành đạt là do đóng góp của mỗi cá nhân. Thông minh và óc sáng tạo của cá nhân cần được nuôi dưỡng, bồi bổ và khuyến khích. Muốn được như thế, phương thức giáo dục, đào tạo nên đa phương, đa dạng, không gò bó sắp xếp thành một mô hình nhất định. Đại học khoa học kỹ thuật nên mở cửa ra nhiều hướng cho sinh viên có khả năng chọn lựa. Hướng đây không có nghĩa là chỉ phân khoa, phân ngành, mà phải còn đề cập tới phương thức đào tạo phù hợp với cá tính của sinh viên. Có sinh viên nhạy bén, lanh lợi, ưa kinh doanh, thích mạo hiểm. Lại cũng có người siêng năng, chăm chỉ, cần cù, chậm chạp, nhưng bền chí, đi xa không hề mỏi chân. Cả hai đều có đức tính tốt nhưng khác nhau, mỗi người có năng khiếu và sở trường khác nhau. Đặt họ đúng chỗ, họ sẽ phát triển rất tốt.

Chất xám của mỗi cá nhân càng nhiều màu sắc thì chất xám của tập thể lại càng phong phú.

4. Sự thất thoát chất xám

4.1. Từ nước nhỏ đến nước lớn, từ nước nghèo đến nước giàu, ai cũng ý thức phải đặt vấn đề đào tạo lên hàng quốc sách. Xét cho kỹ, người ta thấy một điều oái ăm: nước nhỏ và nghèo lại thường đào tạo chất xám để cung cấp cho nước lớn và giàu. Có nghĩa là khi mà mình chậm tiến thì lẩn quẩn khó thoát khỏi vòng chậm tiến, khó ngóc đầu lên nổi. Lấy thí dụ của một số nước Á-Phi và Ả-Rập, chính phủ tốn tiền của gửi sinh viên đi du học ở châu Âu và châu Mỹ. Học xong, đa số ở lại nước ngoài làm ăn sinh sống. Đào tạo một kỹ sư rất tốn kém, thí dụ ở Pháp trung bình mỗi năm học tại một trường kỹ sư tầm cỡ khá cao phải tốn gần 20000 ơ-rô cho một sinh viên, không kể chi phí ăn, ở, đi lại của sinh viên. Nước sở tại, không tốn tiền mà lại được sử dụng chất xám do họ vun xới đáp ứng với yêu cầu của họ.

Tất nhiên mọi việc đều tương đối thôi, vì biết bao nhiêu kỹ sư của Pháp cũng rời bỏ xứ mình đi làm ở xứ ngoài như Hoa Kỳ, Canađa... Tại sao?

Nếu chỉ thấy lý do tiền lương cao thuế vụ thấp thì quá thô thiển và máy móc. Người thanh niên làm khoa học kỹ thuật thường mơ ước một môi trường thuận lợi cho sự cầu tiến của họ trong lĩnh vực chuyên môn. Nếu họ ham mê nghiên cứu, họ tìm những viện nghiên cứu nổi tiếng. Nếu họ có năng động lớn ưa xông pha vào sản xuất thì họ tìm xí nghiệp có độ tăng trưởng cao hoặc có nhiều kinh nghiệm trong ngành. Ngoài môi trường vật chất, nghĩa là máy móc tối tân đầy đủ cho công việc làm, còn phải có môi trường nhân sự thoải mái tạo điều kiện cho những tiếp xúc lành mạnh và phong phú với những những người có văn hóa và trình độ.

4.2. Mấy năm gần đây, Nhà nước Việt Nam mở cửa cho phép hàng loạt sinh viên đi học ở nước ngoài. Có người được học bổng. Đa số đi du học tự túc. Chủ trương rất đúng và hợp thời. Hợp thời vì một khi nước ta đã hội nhập quốc tế, muốn đuổi theo kịp họ, nếu không làm giỏi hơn họ thì ít nhất phải cố gắng bằng người ta. Học như họ và làm như họ. Phần đông sinh viên của ta chọn các nước có nền công nghiệp phát triển. Họ học theo hệ thống chính quy, nghĩa là từ lúc thi tuyển cho đến thi cử ra trường, họ học tập hoàn toàn như sinh viên bản xứ, không có phân biệt đối xử, kể cả văn bằng tốt nghiệp. Khác với văn bằng dành cho sinh viên của chương trình hợp tác hữu nghị, không đủ tiêu chuẩn cũng được nhận học, rồi đến lúc thi ra trường cũng nhờ sự ưu ái ngoại giao để được bằng cấp.


Nước nhỏ và nghèo lại thường đào tạo chất xám 
để cung cấp cho nước lớn và giàu.

Điểm thuận lợi của sinh viên du học tự túc là họ tự do lựa chọn. Trong trường hợp ở Pháp:

a. Nếu họ có sở thích về nghiên cứu và giảng dạy, hướng đi tốt nhất là hệ đại học (université). Ở đây sinh viên khá tự do trong việc tổ chức học tập của mình. Những sinh viên giỏi tìm ở đây môi trường thuận lợi để phát triển nảy nở. Họ có thể ngừng học giữa đường hoặc tiếp tục đi nghiên cứu làm một luận án tiến sĩ. Họ không bị gò bó trong thời gian. Trường đại học mở cửa rộng, không hạn chế tuổi tác. Chế độ khá tự do này đưa lại tình trạng có kẻ học nhiều, có người học ít, cho nên cuối năm thi cử tỷ lệ đỗ không lớn

b. Ngược lại, sinh viên nào có năng khiếu về sản xuất thì chọn các trường kỹ sư mà ở Pháp người ta thường gọi là “trường lớn” (dịch từ Grandes écoles). Truyền thống của một số trường này là số điểm trung bình để thi đỗ là 12/20 thay vì 10/20. Mỗi trường có một số chỗ nhất định do đó đẻ ra vấn đề thi tuyển. Mỗi trường định chương trình, trình độ và phương thức tuyển của mình. Nhờ đó những sinh viên được chọn vào một trường đều có trình độ khá đồng đều. Nhà trường có nhiệm vụ đào tạo theo yêu cầu của công nghiệp. Xí nghiệp và nói chung tất cả những cơ sở sản xuất tư nhân hay quốc doanh là khách hàng chính sử dụng sản phẩm của nhà trường cho nên thường có một quan hệ đặc biệt nếu không phải là ưu tiên.

Nói chung một số “trường lớn” có những đặc trưng như sau:

• Đào tạo cho sinh viên có kiến thức rộng, tính toán và phân tích nhanh, có khả năng đối phó với mọi tình huống. Học tập hiệu suất cao, nhạy bén và sáng tạo.

• Nhà trường tạo mọi điều kiện để sinh viên tự học, tự tham khảo tự nghiên cứu. Thời gian giảng dạy lên lớp không nhiều. Không học thuộc lòng, không nhồi sọ.

• Học làm việc tập thể, học tập và làm việc sát cánh với công xí nghiệp bên ngoài, đặc biệt trong năm học cuối cùng.

Nhà trường quan tâm đến nhân cách của những kỹ sư tương lai, chủ trương rèn luyện sinh viên cho yêu cầu của công nghiệp. Sự rèn luyện này bắt đầu từ các lớp dự bị: sinh viên học tập căng thẳng, luôn luôn phấn đấu trong bầu không khí cạnh tranh trí tuệ. Sau hai năm dự bị, tùy năng khiếu và trình độ, họ thi vào trường mà họ chọn. Trong thị trường tự do, các trường được sắp xếp cao thấp tùy ở mức cung và cầu của thị trường nhân công, hoàn toàn không có sự can thiệp của nhà nước.

Sự đánh giá các trường được làm mỗi năm, qua các thống kê về lương bổng trung bình, tỷ lệ kỹ sư được tuyển dụng khi mới ra trường và vị trí của người kỹ sư trong xí nghiệp (3). Từ đó người ta hình dung sự tranh đua giữa các trường. Sinh viên xuất sắc được tuyển vào trường có tiếng tăm. Tương lai được bảo đảm, sáng sủa hơn. Trong thi tuyển, không phải chỉ có vấn đề trình độ, mà còn nhạy bén phân tích tính toán nhanh. Tuổi càng trẻ càng được ưu đãi trong tiêu chuẩn tuyển chọn. Điều kiện giới hạn tuổi khá nghiêm khắc, khác với chế độ hệ đại học.

Người ta không nên vội vàng so sánh sản phẩm của hai hệ đào tạo vì hai con đường đi khác nhau cho hai diện sinh viên, phong cách và năng khiếu khác nhau, dẫn đến vai trò và nhiệm vụ khác nhau. Giữa hai hệ đào tạo có những chiếc cầu bắc ngang để giúp sinh viên muốn đổi hướng đi giữa đường. Trong mục đích này, một số trường tổ chức dạy thêm master hoặc bằng cấp chuyên khoa (diplôme de spécialisation) nhằm mục đích tập trung chuyên ngành để mở đường cho sinh viên từ hệ đại học đổi hướng vào công nghiệp sản xuất.

4.3. Trong hiện tình của xứ ta, việc làm đầu tiên trong mọi cải cách đại học của lĩnh vực khoa học kỹ thuật có lẽ là nên xác định lại yêu cầu và mục đích của sự đào tạo ra để làm gì. Rồi từ đó mới vạch phương hướng tuyển chọn và phương pháp giảng dạy.

Phần trình bày 4.2. trên đây ngụ ý muốn giới thiệu hai hệ thống song song của Pháp: hệ đại học và hệ kỹ sư. Nó không toàn diện, nhưng nó nói lên quan tâm của chính sách đào tạo trong hệ thống đại học của Pháp. Tất nhiên mỗi nước, mỗi hoàn cảnh. Nhưng hầu hết khác nhau về mặt tổ chức, còn những vấn đề cơ bản thì đâu đâu cũng vậy thôi. Yêu cầu xây dựng công nghiệp thì nước nào cũng có, khác nhau nhiều ở mức độ.

Trong tổ chức của Pháp, tôi lưu ý hai điều mà tôi nghĩ rất thích hợp với hoàn cảnh của xứ ta:

• Xác định rõ vai trò và nhiệm vụ của người kỹ sư trong sản xuất, người kỹ sư là lực lượng chủ lực trong công nghiệp.

• Các trường được đặt dưới một chế độ tự trị khá rộng rãi để chuyển biến kịp thời theo tiến hóa của khoa học kỹ thuật.

Nói đến chế độ tự trị, có lẽ tiêu biểu nhất ở Pháp là trường Supélec (một trong năm trường tham gia vào chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật Việt-Pháp) hoàn toàn tự chủ trong tổ chức, quản lý, xây dựng chương trình và phương thức giảng dạy, định hướng nghiên cứu, tổ chức, đào tạo thường xuyên, v.v. Giám đốc của trường được bổ nhiệm thông qua đề nghị của tập đoàn công nghiệp mà Liên hiệp xí nghiệp điện và điện tử (4) giữ vai trò then chốt. Toàn bộ giáo sư do trường bổ nhiệm, không thông qua Bộ quốc gia giáo dục. Tiêu chuẩn của giáo sư là quá trình nghiên cứu và giảng dạy, không có sự ràng buộc về bằng cấp. Nhờ đó mà Supélec rất năng động, luôn luôn tiên phong trong lĩnh vực điện và điện tử của mình và được các giới công nghiệp đánh giá cao. Lĩnh vực nghiên cứu của trường là nghiên cứu ứng dụng với công nghiệp và phục vụ công nghiệp.

4.4. Với kinh nghiệm sẵn có, Supélec đã đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư ưu tú Việt Nam PFIEV (5) chấm dứt một thời gian khá dài (20 năm) độc quyền sử dụng một ngân khoản khổng lồ của chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật Việt-Pháp của Viện bách khoa Grenoble. Truyền thống đào tạo kỹ sư ưu tú (ingénieurs d’excellence, xin đừng lầm với excellents ingénieurs) là chủ trương của một số trường tiếng tăm của Pháp. Đa số lãnh đạo của công ty và xí nghiệp lớn xuất thân từ các trường này. Nó còn có tiếng là vườn ươm những chủ nhân mầm non giàu sáng kiến, rất năng động và ưa thích dấn thân vào mạo hiểm kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Chủ trương rất tốt. Hy vọng nó sẽ cung cấp một số kỹ sư mới có tầm vóc quốc tế, nâng cao vị trí của lớp kỹ sư để tạo ra một chuyển biến mới thúc đẩy công nghiệp hóa. Chỉ tiếc rằng tổ chức của chương trình còn nhiều chắp vá và chưa thích nghi với hoàn cảnh của Việt Nam. Cũng rất tiếc là chương trình này không được làm sớm hơn để tránh nhiều lãng phí trong 20 năm qua. Dẫu sao đây cũng là một cải cách quan trọng của hệ đào tạo kỹ sư. Ước mong rằng trên đà này, nền giáo dục và đào tạo tiếp tục hiện đại hóa, tạo điều kiện cho tài năng trẻ thi đua nảy nở, xã hội tiến tới công bằng hơn trong sự đối xử và trọng thị chất xám chân chính, dần dần loại bỏ các chức vị hư danh, thanh lọc hàng ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật để tạo nên một không khí lành mạnh và hấp dẫn, đoàn kết góp sức xây dựng nhanh một cơ sở khoa học kỹ thuật Việt Nam không thua kém ai. Có được như thế ta mới tránh được sự thất thoát chất xám sau này.

4.5. Gửi sinh viên du học nước ngoài là một đầu tư tốn kém cho gia đình và đất nước. Không khéo lời không có mà còn mất luôn cả vốn. Để ý thức rõ vấn đề này, có lẽ nên thành thật phân tích sức thu hút của thị trường nhân công trên các nước ngày nay.

Đâu đâu cũng có nạn thất nghiệp. Các nước ban hành nhiều luật lệ hạn chế người ngoại quốc vào định cư trong nước họ. Tuy nhiên vẫn có những biệt lệ, chứng minh được nhu cầu khẩn thiết thì chủ nhân có quyền tuyển dụng và ưu tiên dành cho kỹ sư. Thị trường nhân công trên các nước châu Âu ưu đãi người kỹ sư. Người ta vào tận trường để tuyển kỹ sư trong khi họ còn đang ở ghế nhà trường. Tình trạng này có lẽ khó hiểu đối với người Việt Nam trong nước.

Lương trung bình của kỹ sư khác nhau khá nhiều. Thí dụ: cũng là kỹ sư xây dựng nhưng lương của kỹ sư “cầu cống” Paris (Ecole des Ponts et Chaussées) lớn hơn khá nhiều so với kỹ sư xây dựng của một trường khác. Được hậu đãi, đa số sinh viên của một số trường lớn ra làm việc liền sau khi mãn khóa. Tỷ lệ sinh viên tiếp tục làm luận án tiến sĩ rất ít ỏi (ở Việt Nam ta, được đi nghiên cứu sinh là sự hậu đãi). Lấy thí dụ trường điện Supélec và trường viễn thông Télécom, tỷ lệ sinh viên này chưa tới 5%, trong số đó có những kỹ sư muốn đổi hướng đi nghiên cứu hoặc giảng dạy và một số đông gồm sinh viên ngoại quốc (Bắc Phi).

Đa số sinh viên làm luận án tiến sĩ xuất thân từ hệ đại học. Theo truyền thống tại đây người ta làm nghiên cứu cơ bản. Trường kỹ sư thì đặt trọng tâm vào nghiên cứu ứng dụng. Khác với thời xưa những đề tài khoa học kỹ thuật không có lợi ích công nghệ hoặc kinh tế, thì không được nhà nước ủng hộ và đài thọ nữa. Tình trạng này đã gây khó khăn cho nhiều phòng nghiên cứu.

Không được trợ cấp tiền đâu để trả lương cho nghiên cứu sinh, nghiên cứu giảm sút, báo cáo kết quả nghiên cứu cũng giảm sút, dần dần phải đóng cửa hoặc sát nhập vào một phòng nghiên cứu khác. Cho nên diện sinh viên tự túc và đặc biệt sinh viên của chương trình hợp tác (theo kiểu hợp tác khoa học kỹ thuật Việt-Pháp) là nguồn tài trợ vô cùng quý báu mà các trường và các viện nghiên cứu tranh giành nhau. Nên nói thêm rằng mỗi năm nhà nước Pháp dành cho sinh viên bản xứ một số học bổng để nghiên cứu những đề tài do một công nghiệp đề xuất, hầu hết những đề tài này thuộc lĩnh vực bí mật quốc phòng hoặc công nghệ.

Nếu phải tự túc, một nghiên cứu sinh cần có tối thiểu 800 ơ-rô mỗi tháng. Thời gian trung bình cho luận án là 4 năm. Đó là gánh nặng cho gia đình, con đường làm luận án sẽ gặp khó khăn. Trở về lại Việt Nam chăng? “Vô tiến sĩ” mà về nước là “vô tích sự”. Giải pháp hấp dẫn nhất là kiếm việc làm ở ngoại quốc. Giải pháp này cũng là đường đi nước bước của hầu hết du học sinh tự túc ở Pháp từ trước đến nay. Tiến thoái lưỡng nan, đó là tâm tư của người đi du học.

Nói rằng họ bị cuộc sống vật chất cám dỗ thì hơi hồ đồ. Thật sự người xa quê hương, lúc học xong chỉ mơ ước ngày về, sống cùng với gia đình, gặp lại bạn bè, với cỏ cây quen thuộc. Công việc làm trong nước dù lương bổng có ít đi nữa, nó có ý nghĩa cao đẹp và nó cũng là nguồn cổ vũ khuyến khích. Họ chỉ có một yêu cầu đơn giản và chính đáng: làm việc trong một xã hội văn minh, công bằng, trong một môi trường trong sạch và lành mạnh biết đánh giá con người theo nhân cách, khả năng và hiệu suất làm việc, chứ không theo sự sắp xếp trên văn bằng một cách máy móc, và tệ hơn khi phải chịu lép vế trước những văn bằng có vỏ mà không có ruột.

5. Xuất khẩu chất xám

Gần đây ngành công nghệ thông tin đưa ra bảy chương trình mục tiêu gồm có chương trình đào tạo 20000 chuyên viên tin học và một số sẽ được xuất khẩu.

Đúng là cách đây ba năm, báo chí đưa tin nước Đức muốn tuyển 20000 kỹ sư tin học từ Ấn Độ sang. Lúc bấy giờ công nghệ thông tin thế giới bung ra một cách đột ngột. Lấy thí dụ công ty Verisign (chuyên về an toàn chuyển ngân, chìa khóa điện tử, chứng chỉ xác thực...) vào thị trường chứng khoán tháng 1/1998 với cổ phiếu trị giá 3,5 USD, chỉ trong vòng một năm cổ phiếu vọt lên 160 USD. Công ty bành trướng như bong bóng, đẻ ra nhu cầu nhân công rất khẩn trương.

Thiếu kỹ sư tin học, nhiều nước ở châu Âu chới với, chứ không riêng gì nước Đức. Tại vì song song với nhu cầu phát triển nói trên, cộng đồng châu Âu còn phải gấp rút chuẩn bị chuyển qua đồng tiền chung euro. Nhưng công nghệ thông tin chỉ là một ngọn lửa rơm. Trong năm 2001, chỉ số Nasdaq của Wall Street đã có lúc tụt xuống dưới mức 1400 điểm, là việc chưa từng xảy ra từ ba năm nay (cao điểm của nó lên đến 5000 điểm). Nó kéo cổ phần các công ty dịch vụ tin học xuống dưới mức báo động.

Số phận của các công ty sản xuất phần mềm như Oracle, Business-object... cũng không sáng sủa gì hơn. Nhiều công ty phải cảnh báo thua lỗ (profit warning) rồi buộc lòng sa thải nhân công để bớt gánh nặng. Có lẽ chỉ có công ty Dassault-System tránh được sự sụp đổ nhờ nó sản xuất loại phần mềm tính toán KH mô phỏng quá trình tự nhiên và kỹ thuật. Các chuyên gia kinh tế hy vọng rằng sau cơn mưa trời lại sáng. Hy vọng hão huyền! Trong năm 2002, trời có thể bớt mưa, nhưng sáng lại như 2000 thì tôi nghĩ rằng không được đâu. Chân trời kinh tế mù mịt sau tai họa 11/9/2001 ở Mỹ, nó sẽ mù mịt ở các nước châu Mỹ La-tinh với sự sụp đổ của nền kinh tế Argentine. Ở châu Âu, Đức phấn đấu cho độ tăng trưởng trên 0, Pháp bằng 2... mọi nơi đều bi quan. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nhật Bản sẽ còn kéo dài và sẽ tác hại đến vùng Đông Nam Á mà trong đó có Việt Nam.

Chủ trương bán chất xám dưới dạng xuất khẩu chuyên viên tin học hơi chủ quan. Ở đây có hai vấn đề đặt ra: thứ nhất là nghiên cứu thị trường mà tôi không muốn đào sâu trong khuôn khổ của bài này, thứ hai là chủ trương xuất khẩu chất xám mà tôi nghĩ rằng mâu thuẫn với chủ trương công nghiệp hóa và hiện đại hóa của ta. Người ta có thể xem chất xám là một loại hàng hóa có thể xuất khẩu nếu ta sản xuất thừa thãi, nhưng đó chưa phải là trường hợp của xứ ta, vì còn biết bao cơ sở nghiệp vụ, hành chính, xí nghiệp, ngân hàng... vẫn chưa được tin học hóa.

6. Chất xám của người Việt ở nước ngoài

Trên khắp thế giới, không có một nước nào có một tiềm năng trí tuệ và phong phú rải rác khắp năm châu như Việt Nam. Số lượng và đặc biệt chất lượng cao. Lớn lên trong môi trường văn minh, có công nghiệp phát triển, với năng khiếu hiếu học sẵn có, họ thành đạt trong việc học tập, rồi hòa nhập với dân bản xứ trong mọi việc hằng ngày không thua kém ai. Tay nghề có, kinh nghiệm có. Lại có thêm tình gắn bó với quê hương.

Nước Do Thái nhỏ bé, người Do Thái cũng rải rác khắp thế giới, nhưng người Do Thái trong nước và ngoài nước là một. Nhờ đó mà họ chóng giàu mạnh, mau đạt đến một nền khoa học kỹ thuật không thua kém ai.

Trung Quốc cũng xã hội chủ nghĩa có thua gì Việt Nam đâu, tại sao cơ sở khoa học kỹ thuật của họ tiến nhanh chóng và đuổi kịp các nước tư bản? Họ không thông minh hơn ta, nhưng họ biết vận dụng chất xám trong và ngoài nước. Họ không mặc cảm. Họ đã khai thác chương trình TOKTEN một cách đúng đắn và đã thu hoạch những thành quả hợp tác có ý nghĩa lớn giữa những người trong và ngoài nước. Thí dụ này đáng làm cho ta suy nghĩ và hổ thẹn.

Các cấp lãnh đạo Việt Nam ý thức rõ vấn đề này. Nhưng chủ trương của nhà nước lại gặp sự đông giá ở cấp thừa hành. Thêm vào đó hình như trong giới khoa học kỹ thuật trong nước có người còn tự ti mặc cảm, yêu chuộng chuyên gia ngoại quốc hơn người Việt ở nước ngoài, mặc dù ngôn ngữ bất đồng, có lẽ người ngoại quốc vô tâm vô địa không làm sứt mẻ uy thế của họ chăng? Đã hơn 25 năm rồi, chất xám của người Việt ở nước ngoài đâu vẫn còn đó. Người ta nói Việt kiều là một bộ phận không tách rời được của dân tộc Việt Nam. Vậy thì chất xám của Việt kiều có phải là chất xám của dân tộc Việt Nam không? Không vận dụng để sử dụng nó, để xây dựng đất nước là một lãng phí lớn lao mà không ai hiểu được.

Thế hệ trẻ ngày nay không còn tin tưởng đến ngày về nước nữa, đành lòng hòa nhập sâu đậm vào nước sở tại. Khi rễ cây ăn sâu vào lòng đất của thiên hạ, dù có bản sắc cao đến đâu đi nữa thì việc về lại cội nguồn cũng chỉ để cưỡi ngựa xem hoa thôi.

7. Kết luận

Có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có dầu lửa dồi dào, nhưng nợ nần đầy đầu và không thoát khỏi vòng lạc hậu chậm tiến, đó là trường hợp của nhiều nước (Mexique, Algérie, Nigéria...) vì họ tưởng đang sống trong tháp ngà an toàn. Thời đại ngày nay, của cải vật chất và tài nguyên thiên nhiên không đủ để làm cho nước giàu và mạnh. Xu thế của thế giới là toàn cầu hóa, và khi đã hội nhập vào xu thế ấy rồi, dù muốn dù không ta phải theo cái đà tiến hóa của nó. Trong cái đà đó, kẻ khôn thì sống kẻ dại thì chết.

Công nghiệp hiện đại của thế kỷ 21 là công nghiệp đặt nền tảng trên chất xám. Sự thông minh và tài trí của dân là nguồn lực để xây dựng công nghiệp này. Đường lối xây dựng một công nghiệp hiện đại của ta là đường lối đúng. Ta nên tiến hành nhanh và mạnh để đuổi theo kịp người ta. Muốn được như thế, ta cần huy động toàn lực chất xám: đánh thức chất xám đã bị bỏ quên để bồi bổ nó, kích động sự nảy nở của mọi tài năng trẻ và mới, quan tâm trọng thị và đối xử đúng đắng những nhân tài chân chính, đánh giá nhân công qua khả năng đóng góp và hiệu suất làm việc chứ không qua văn bằng một cách máy móc, và vận dụng tối đa chất xám của người Việt định cư ở nước ngoài.

Tôi tin tưởng vào truyền thống khôn ngoan của ông cha ta để lại và hy vọng rằng sự khôn ngoan đó sẽ đưa nước Việt Nam ra khỏi cái vòng chậm tiến triền miên mà một số nước bất hạnh đã rơi vào