Tăng cơ hội cho người học
Mặc dù còn 5 tháng nữa mới đến kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 nhưng thời điểm này, nhiều trường trên cả nước đã công bố phương án cùng chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể với từng ngành đào tạo. Theo tìm hiểu của phóng viên, trong kế hoạch tuyển sinh đại học hệ chính quy năm nay, nhiều trường đã chủ động mở thêm 3-4 ngành và chương trình mới trở lên.
Thông tin từ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, năm 2020, trường dự kiến tuyển 5.800 chỉ tiêu đào tạo hệ chính quy, tăng 150 chỉ tiêu so với năm 2019. Dựa trên nhu cầu của thị trường, trường mở thêm một số ngành và chương trình mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học, trong đó có 3 chương trình mới đào tạo bằng tiếng Anh, gồm: Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế, Kinh tế học tài chính, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng tích hợp chứng chỉ quốc tế. Cùng với đó, nhà trường đưa ra 3 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2020, tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và tuyển thẳng (xét tuyển kết hợp) theo đề án tuyển sinh của trường.
Bên cạnh các ngành đào tạo truyền thống, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động, mùa tuyển sinh năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển sinh 10.000 sinh viên hệ đại học chính quy và thêm 17 ngành học mới; trong đó nhiều ngành học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, như: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật điện tử và tin học, Công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường, Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, Khoa học và công nghệ thực phẩm… Căn cứ vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào tương ứng đối với thí sinh sử dụng kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 để xét tuyển.
|
Thí sinh tại Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019. |
PGS, TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết: “Năm 2020, trường tuyển sinh 5.700 chỉ tiêu, trong đó tại Hà Nội là 4.200 chỉ tiêu và phân hiệu tại TP Hồ Chí Minh là 1.500 chỉ tiêu. Trường mở thêm 3 ngành học mới: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Kiến trúc. Đây là những ngành mà nhà trường đã đào tạo từ trước và được nâng cấp lên ngành nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực và xu thế phát triển của xã hội. Để mở thêm ngành học mới, nhà trường đã có sự chuẩn bị về đội ngũ giảng viên trong 5-7 năm cũng như sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, như: Phòng học, học liệu, giáo trình cùng các tài liệu khác. Bên cạnh đó, trường vẫn giữ các phương thức tuyển sinh của năm 2019 là: Tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia và xét học bạ, trong đó tỷ lệ xét học bạ thấp, chỉ chiếm 20% chỉ tiêu. Việc mở thêm ngành học mới và đa dạng các phương thức tuyển sinh sẽ mang lại nhiều cơ hội học tập hơn cho người học”.
Xây dựng thương hiệu bằng chất lượng đào tạo
Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, về cơ bản, quy chế tuyển sinh năm 2020 giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020 như đã được công bố với thí sinh và xã hội. Tuy nhiên, dự thảo Quy chế tuyển sinh có sửa đổi một số nội dung nhằm thực hiện Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020). Đáng chú ý, năm 2020 dự kiến Bộ GD&ĐT sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm trình độ trung cấp; trình độ cao đẳng, mà chỉ giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non. Tích hợp các nội dung của công tác tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... vào cùng một quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng, ngành giáo dục mầm non để bảo đảm mặt bằng chất lượng tuyển sinh trong cùng trình độ, đồng thời dễ tra cứu, áp dụng pháp luật.
Có thể thấy, hiện nay, các trường đã được tự chủ cao trong xác định phương thức tuyển sinh. Thực tế, các trường đã sử dụng những phương thức rất đa dạng: Xét tuyển từ điểm thi, điểm học bạ, từ thành tích thi học sinh giỏi THPT, tổ chức thi riêng các môn năng khiếu, thi đánh giá năng lực, xét tuyển từ các chứng chỉ đánh giá của tổ chức quốc tế và phương thức kết hợp… Đó cũng là xu hướng tất yếu của quá trình tự chủ. TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: “Bộ GD&ĐT không yêu cầu các trường phải lấy kết quả thi THPT để xét tuyển, chỉ yêu cầu các trường công khai phương thức trong đề án tuyển sinh để người học chủ động đăng ký, chuẩn bị. Bộ đang dự thảo những quy định có tính định hướng để bảo đảm chất lượng tuyển sinh trong điều kiện các trường tự chủ sẽ tiếp tục đổi mới sau năm 2020, nhằm bảo đảm các trường có trách nhiệm giải trình về tính hợp lý, công bằng, không gây tốn kém hay làm xáo trộn xã hội”.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, GS, TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhìn nhận: “Việc các trường mở thêm ngành học mới, mở rộng nhiều phương thức tuyển sinh là phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Trước bối cảnh sự biến đổi ngành nghề nhanh chóng như hiện nay, các chuyên gia dự báo trong 10 năm tới sẽ có hơn 60% ngành nghề thay đổi để phù hợp với thị trường lao động. Tuy nhiên, bên cạnh việc mang lại lợi thế cho thí sinh là thách thức đối với các trường đại học, bởi song song với mở ngành học mới, các trường phải đa dạng phương thức đào tạo, làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá để tiếp tục khẳng định thương hiệu qua chất lượng đào tạo”.
Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI
Nguồn: qdnd.vn