Chi tiết bài viết
Tương lai sẽ là cuộc giằng co 50/50?
Sách điện tử đang có những cơ hội lớn để thay đổi thói quen đọc sách kiểu truyền thống của người Việt. Ảnh: Thu Hương
Về tương lai mối quan hệ giữa sách in và sách điện tử, chúng tôi xin giới thiệu quan điểm của PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái và TS xã hội học Trịnh Hòa Bình, cũng nhằm đưa ra một vài nhận định để bạn đọc tham khảo.
Sách in không thể biến mất
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái: Trong lịch sử đọc sách dài dặc của nhân loại, sách in quả là nguồn vô tận cho việc kiếm tìm tri thức, làm giàu tri thức, trên tinh thần tự đọc để tự học. Riêng tôi, tôi vô cùng biết ơn những cuốn sách mà tôi đã đọc, đã học trong đời mình, với hằng hà sa số những điều quý giá mà không có chúng, tôi chẳng thể thành tôi như tôi đã trưởng thành. Cũng vì thế, việc đọc sách trở thành một văn hóa với độc giả toàn cầu, trong đó bao hàm việc chọn sách, việc suy ngẫm, học hỏi, rút kinh nghiệm quý báu từ sách, đối chiếu chúng với sự đời…
Tuy nhiên, sự xuất hiện của sách điện tử dù muốn dù không cũng đã, đang và sẽ thách thức với văn hóa đọc của người đọc hôm nay, nhất là những người đọc giỏi sử dụng CNTT. Tôi không nghĩ nhân loại sẽ thay thế việc đọc sách in bằng sách điện tử, song, số người đọc sách in, cả báo in đang ít hẳn đi, nếu không muốn nói là rất thưa vắng. Sách in đã trở thành nhiêu khê vì cách tiếp cận nó khá phức tạp: Phải mua, phải mang theo, phải ứng xử với nó cưng nựng hơn nhiều so với sách điện tử, thế nhưng, tôi đảm bảo rằng chúng không thể bị biến mất và CNTT không thể nhấn chìm chúng trong việc bùng nổ sách, báo điện tử. Vẫn cần có những thư viện to lớn, khang trang, tràn đầy những quyển sách chứa đựng bao điều kỳ thú mà ta phải tìm về, tìm đến và say mê bất tận trong hạnh phúc được lặng yên chìm trong thú một mình… đọc sách.
Vì thế văn hóa đọc sách in không mất đi. Ngược lại, nó sẽ được chắt lọc tinh chất hơn và tự nó có khả năng điềm tĩnh chịu đựng sự mất ngôi thống soái, trong san sẻ với ngôi vị đang lên của sách điện tử. Tôi cho rằng tương lai của quan hệ sách in và sách điện tử này sẽ là cuộc giằng co 50/50 cho hai loại sách này. Và văn hóa đọc sách in vẫn là cội rễ của việc đọc sách, cho dù là loại sách này hay sách kia trong tương quan trên.
Cũng vì thế, báo in không thể được dự đoán: Sẽ bị “thất sủng” trong tương lai không xa. Nó chỉ nhường chỗ cho một hình thái khác hơn, đương đại hơn về công nghệ, còn người đọc vẫn phải/luôn luôn phải đọc sách và vẫn phải suy ngẫm học hỏi ở sách, trên nền tảng của văn hóa đọc. Đây là nền tảng không thể thay thế, càng không thể đánh tráo khái niệm: Đọc sách điện tử thì kiến thức ùa vào sẽ nhanh hơn và việc sử dụng chúng trong cuộc đời cũng nhanh có kết quả hơn(!?). Hơn nữa, chữ là cái không hữu hình, là phi vật thể, nên người đọc phải hình dung và tưởng tượng rất nhiều trên chính các con chữ phi vật thể ấy. Cho nên, việc đọc - về bản chất - vẫn là sự cô đơn, một mình đối diện với chữ và chữ. Sự phi vật thể của chữ, cùng với sự cô đơn của người đọc trước con chữ, đã tự nhiên cộng hưởng và tạo ra thứ hạnh phúc suy tưởng rất tự do, khinh khoái của cá nhân người đọc. Ngay cả khi nghe “sách nói” cũng thế thôi. Ai biết quý sự suy tưởng của mình thì sẽ thành người đọc thông minh hoặc được sách dạy cho sự suy tưởng mà dần dà trưởng thành, thành… nhân, để sống tốt hơn, sâu sắc và phong phú hơn trong cuộc đời này.
Văn hoá đọc sách in vẫn luôn tồn tại
TS Trịnh Hòa Bình: Sách điện tử ra đời, phổ biến nhanh trong đời sống xã hội cùng với sự bùng nổ CNTT đang trên đà “lấn sân” vị thế và tương lai của sách in, cùng với nó đó là văn hóa đọc của xã hội đương đại của chúng ta. Nhưng hiện nay, văn hóa đọc sách in của một bộ phận lớn thành viên trong xã hội chúng ta có vấn đề, có vấn đề ngay cả khi chưa tính đến sự “đe dọa” của sách điện tử và những thành tựu của CNTT. Nghĩa là có sự suy giảm, thậm chí thiên lệch trong sử dụng và hưởng thụ sản phẩm văn hóa sách báo. Điều đó có căn nguyên từ nhiều tác nhân khác.
Dù vậy, cũng phải thừa nhận rằng, tương lai của văn hóa đọc sách in không phải là gam màu sáng, sự suy giảm là đương nhiên. Có điều, văn hóa đọc sách in vẫn luôn tồn tại và có sức sống mạnh mẽ của nó. Đọc con chữ trên báo in có thú vị riêng mà không loại sách báo điện tử nào có thể thay thế được. Và hoàn toàn có thể nói rằng, đây là một yếu tố để cho văn hóa đọc sách in không thể bị tiêu vong.
Cũng phải nói thêm rằng, việc đọc con chữ cụ thể trên sách – báo in mới giúp ích được nhiều hơn cho quá trình cảm thụ, tiếp nhận thông tin, xúc cảm, khi cần người đọc còn có thể “nhâm nhi”, xem xét kỹ lưỡng, toan tính đầy đủ… Điều này là khó, nếu không nói là không thể có khi người ta đọc các văn bản điện tử. Vì thế, văn hóa đọc sách in không thể bị diệt vong. Nó sẽ chỉ bị núng thế, suy giảm vị thế, nhưng rồi sẽ dần lấy lại vị trí của mình – cho dù phải chia sẻ “thị phần” cho sách điện tử cũng như những tài liệu, sản phẩm điện tử khác.
Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng lâu nay, bên cạnh việc gia tăng số lượng các bản, các nguồn sách in – có thể xem như thành tựu thì chất lượng, mức độ quy chuẩn v.v… của sách in nói chung của chúng ta cũng xuống cấp, suy giảm, góp thêm vào hiện tượng “thất sủng” của sách in.
Ngày 18.8, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc hội thảo về sách điện tử với chủ đề “Đọc sách trong thời đại công nghệ số”. Xin lược ghi một số ý kiến tại hội thảo: Bà Nguyễn Thị Thu Hà – GĐ NXB Thông tin và Truyền thông - tâm sự, bà đã vô cùng sung sướng khi biết thông tin về Luật Xuất bản năm 2004 cho phép các NXB được phép công bố xuất bản phẩm trên mạng. Từ đây sẽ mở ra một cơ hội lớn cho các NXB, công ty sách đưa toàn bộ tác phẩm của mình - bấy lâu nay là sách in truyền thống - trở thành sách điện tử và lập thành một cơ sở dữ liệu khổng lồ. Độc giả sẽ được mua với giá rất rẻ, vì sách điện tử không mất chi phí in ấn (ít nhất chiếm 30% giá thành), lưu kho bãi… Nói về tương lai phát triển của sách điện tử tại VN, bà Hà nhận định: “Chỉ lấy một ví dụ về doanh thu sách điện tử của Hãng Amazon đang cao gấp 3 lần so với sách in cũng đủ thấy sự phát triển của sách điện tử trong thời đại hiện nay. Điều này cũng dự báo một tương lai mà sách in dần đi chậm lại và song hành cùng e-book, thậm chí e-book sẽ vượt sách in”. Sách điện tử có một ưu điểm lớn là góp phần vào việc sử dụng và phát triển sản phẩm, công nghệ xanh của VN và thế giới… Ông Trần Trọng Thành - Chủ tịch HĐQT Vinapo, đơn vị sáng lập hệ thống phân phối sách điện tử toàn cầu Alezza - cũng đánh giá cao những ưu điểm của sách điện tử: Sách điện tử được phát hành rộng rãi trên toàn thế giới, chứ không còn bị “đóng thùng” như sách in và đương nhiên người được hưởng lợi vẫn là độc giả. Với một cuốn sách điện tử, đi đến đâu độc giả cũng có thể mở ra đọc. TS Nguyễn Mạnh Hùng - CEO Cty sách Thái Hà - tiết lộ kết quả một cuộc phỏng vấn bỏ túi với 10.000 người, do ông thực hiện. Theo đó, những người trên 40 tuổi thì thích đọc sách in, còn độc giả dưới 40 tuổi thì thích đọc sách điện tử hơn. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho sự phát triển và lan toả của sách điện tử. Đối với ảnh hưởng của sách điện tử tới ngành công nghiệp in, các ý kiến đều cùng quan điểm rằng e-book sẽ chỉ khiến ngành in đi chậm lại, sách in không thể “chết”, vì có những thứ điện tử được, có những thứ không thể điện tử được và sách in vẫn là bộ sưu tập tuyệt vời. Thu Hương ghi |
theo laodong.com