Chi tiết bài viết
TRẢ LỜI BÀI VIẾT CỦA ÔNG VŨ MINH GIANG ( CẦN THẬN TRỌNG KHI SỬ DỤNG TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN NHƯ MỘT NGUỒN SỬ LIỆU ĐĂNG TẠI TRANG 3 THÔNG TIN DÒNG HỌ VŨ – VÕ VIỆT NAM SỐ 3/ QUÝ II NĂM 2012 )
Quyển sách “ THÔNG TIN DÒNG HỌ ” của Hội đồng Vũ – Võ Việt Nam số 30/ Quý II – 2012 có bài viết: “ Cần hết sức thận trọng khi sử dụng truyền thuyết dân gian như một nguồn sử liệu” của Giáo sư – Tiến sỹ Khoa học Vũ Minh Giang có Chú thích tại trang 5 ông Vũ Minh Giang có tới 8 chức danh khoa học rất đáng khâm phục, đặc biệt 3 chức danh: Phó Chủ Tịch hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ Tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Liên ngành Lịch sử, khảo cổ, Nhân học,…rất đáng nể trọng. Vì thế, tôi đã đọc bài viết trên của ông với sự cẩn trọng hiếm thấy. Sau khi đọc xong, suy nghĩ của tôi đã đi từ nhận thức khâm phục sang ngạc nhiên về tư duy lịch sử có phần ấu trĩ của Giáo sư Vũ Minh Giang.
Tôi xin trả lời như sau:
Văn minh cổ đại của Người Việt:
Một là sự nhận xét “ Không có gì nghi ngờ, hệ thống tên, họ mà người Việt đang sử dụng rộng rãi hiện nay, là sự mô phỏng hệ thống tên họ của người Hán” ( trích nguyên văn dòng thứ 43 ~ 46 trang 4 bài viết trên) là do ông Vũ Minh Giang bận họp, ít thông tin hay ông cũng bị tập quán nô lệ “Bắc thuộc” hàng nghìn năm chi phối cứ cái gì của Tây – Tàu là văn minh, còn Việt là Di – Mọi nên không thấy rằng trên phương diện khảo cổ và lịch sử đất Bách Việt xưa rất rộng lớn ở từ vùng Bắc Việt Nam lên tận vùng nam sông Hoàng Hà đã có một nền văn hóa rất rực rỡ, có chữ viết riêng kiểu Khoa đẩu.
Thư tịch cổ Trung quốc từ đời nhà Thương trở về trước đều có ghi tên Giao chỉ, sang đến Nhà Chu thì xuất hiện chữ " Di Việt". Sách Thế Bản ghi rõ:" Người Việt họ Mi, cùng tổ với Sở Vương".
Căn cứ sử liệu cho ta thấy cách đây hơn 4,400.(Bốn nghìn bốn trăm) năm và xa hơn nữa các tộc người Việt cổ đã có họ. Vì có họ nên mới có tên, việc này ghi chép rất nhiều trong các thư tịch cổ.
Thời nhà Chu (Năm 1046 - 256 trước Công Nguyên – cách đây 3058) đã có các học thuyết sâu sắc về triết học như Lão Tử, Khổng Tử, Mặc Địch, Dương Chu,... và các Nhà Pháp gia như Thân Bất Hại, Hàn phi tử, Thi Giảo, Điền Biền.Vũ Vương nhà Chu đã dặt ra Quan chế, Pháp chế, Binh chế, Điền chế và Học Hiệu chia ra Đông Tự làm Đại Học, Tây Tự làm Tiểu học. Đã sản xuất ra đồ sắt, thủy tinh, sứ, vải lụa gấm vóc,…
Đó là chưa nói tới các công trình nghiên cứu hơn 20 năm qua tại Việt Nam đã công bố là vào thời kỳ Văn Hóa Phùng Nguyên cách đây hơn một vạn năm, người Việt Cổ đã có chữ viết là các ký tự hình học trên đá ở cao nguyên đá Sapa và Đồng Văn, trên đồ gốm và đồ đồng ( in trên thân trống Lũng Cú) Gò Mun và Đông Sơn.
Năm 1930, Nhà khảo cổ M - Colan phát hiện ở vách đá Lan Gan - Hòa Bình nhiều hiện vật gốm quý hiếm, trong đó có 2 đĩa gốm cổ có khắc chữ Việt cổ có trước đến 6000 năm chữ Giáp - Cốt đời Ân - Thương (1392 - 1122 trước Công nguyên).
Nhà văn hóa Phạm Thận Duật nửa cuối thế kỷ 19, khi ông làm Tri Châu ở Tây Bắc năm 1855 có tìm ra được chữ Việt cổ viết theo chiều ngang, gồm 18 chữ cái theo vần bằng và 18 chữ cái theo vần trắc. Việc này, đối chiếu với cuốn" Tự điển Việt - Bồ - La" của Alexanre de Rode viết:" Đối với tôi, người dậy tài tình nhất là một thiếu niên bản xứ. Trong vòng 3 tuần anh ta đã hướng dẫn cho tôi tất cả các thanh của ngôn ngữ ấy và cách đọc các từ". Đến nay, với các kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy chữ Quốc Ngữ ngày nay có thể là sự kết hợp giữa chữ Việt cổ và chữ La tinh.
Những cuốn sách Quốc Ngữ đầu tiên xuất bản khoảng những năm 1618 đến 1651 hiện không thể đọc được, chỉ sau khi giải nghĩa được chữ Việt cổ - Chữ KHOA ĐẨU mới hiểu nghĩa phần nào chữ Quốc Ngữ thời kỳ đầu tiên như Sinunua: Xứ Hóa ( Thuận Hóa) Quignin: Qui Nhơn, Omgne: Ông Nghè,....
Ngay tại Trung Quốc, Hội nghiên cứu văn hóa Lạc Việt tỉnh Quảng Tây công bố khám phá khảo cổ học:
" Thật là một tin vui lớn nhưng không quá bất ngờ vì khi hiểu chữ Việt cổ đã biết sự kiện sau:
1/ Văn bản chữ Việt cổ trên bình gốm di chỉ Bán Pha 2, gần An Huy, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc có tuổi 12,000.năm. Chữ khắc trên yếm rùa di chỉ Giả Hồ tỉnh Hồ Nam Trung Quốc có tuổi 9,000.năm.
2/ Một số chữ tượng hình cổ phát hiện ở Sơn Đông là nơi cư trú của người Việt cổ.
3/ Lịch sử hình thành dân cư Trung Quốc mới phát hiện, thì thời gian này trên địa bàn Trung Quốc chỉ có người Việt sinh sống, người Hoa Hạ chưa ra đời, chứng tỏ rằng đó là chữ của người Lạc Việt từ bãi đá Sapa đi.
Nhà Thương là một dòng dõi Việt sống ở nam Hoàng Hà nên cùng sở hữu chữ viết tượng hình này. Sau này trên cơ sở Giáp cốt và Kim văn, cộng đồng người Việt và Hoa trong Vương triều Chu chung tay xây dựng chữ tượng hình Trung Hoa"
(Trích nguyên văn Báo cáo nghiên cứu Khảo cổ học Trung Quốc ngày 20/2/2012).
Chúng ta hết sức trân trọng sự khách quan khoa học của các Nhà Khoa học Trung Quốc, thì càng thấy buồn cho một số ít vị “ Sử Gia” Việt Nam không rõ tại sao tự coi thường Lịch sử Dân tộc Việt Nam đến mức quái gở!
Chúng ta hãy đọc tiếp ở điểm 1 là:” Thậm chí đến tận sau khởi nghĩa Hai Bà bị đàn áp vào năm 43 SCN, vẫn còn tồn tại chế độ Lạc tướng” (Trích nguyên văn), tiếp ngay sau đó là điểm 2 cùng bài viết trên:” Trong các cổ thư Trung Quốc biên soạn sau thời kỳ này,…cũng chưa thấy xuất hiện người Việt nào có họ tên đầy đủ như vậy,….Việc một số sách sử chép tên chồng Bà Trưng là Thi Sách,… chỉ là một sự sai lầm”- Lại nữa tại điểm 3 tiếp ngay sau “ Hệ thống tên họ hoàn chỉnh nêu trên,…..Điều này khó xuất hiện ở thời hai Bà Trưng, khi mà nhiều tài liệu cho thấy chế độ mẫu hệ còn đang ảnh hưởng rất mạnh” (Trích nguyên văn bài viết trên).
Để khẳng định suy luận, ông Vũ Minh Giang còn phân tích cũng tại phần 3 chú thích giải nghĩa chữ Hán. Rất may cho tôi sinh ra trong một Chi họ Vũ gốc Việt và cả bên họ Nội – Ngoại đều là trí thức truyền thống. Ông Cha đời đời là Danh Nho và Đại thần trải nhiều triều đại ít nhất được biết theo Gia phả đến nay là hơn 800 năm.
Ngay đến thời hiện đại sau Cách mạng tháng Tám 1945, mẹ tôi Nhà thơ Lê Hằng Phương còn cùng cụ Cao Xuân Huy dậy và đào tạo lớp Hán văn đầu tiên của Viện Văn Học năm 1966 tại thôn Mã Cháy xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) vì vậy mời Chuyên gia để phân tích giải nghĩa chữ Hán cổ không phải là khó. Tuy nhiên cũng cần phải thấy “MỐT” bây giờ là hay lấy mấy chữ Hán dọa thiên hạ đã trở thành phong tục của không ít người.
Quy luật lịch sử xã hội cho ta thấy dân tộc nào có chữ viết riêng thì có triết học – Đây là logic được cả hệ thống được khoa học Quốc tế công nhận. Thật ấu trĩ khi cho rằng gần 2000 năm trước người Việt không có họ, vậy Bắc sử ghi tên, họ là sự bịa đặt, suy đoán? Những tên họ ghi trong sách sử thời Xuân Thu cũng bịa? Sử Việt cũng như Bắc sử đều ghi tên Lý Tiến và Lý Cầm người Giao chỉ đỗ mậu tài, hiếu liêm đời vua Linh đế nhà Đông Hán ( 168 – 189 sau CN) cũng không có thật? Sử Việt do các vị Danh Nho Phan Huy Chú, Ngô Sỹ Liên đều sai? Bằng cách bất chấp hiện thực lịch sử để bác bỏ Văn minh Việt thường của ông Giáo sư – Tiến sỹ có 8 chức danh to về khoa học lịch sử nhằm mục đích gì?
Chúng ta hãy cùng đọc từ câu” Trở lại nhân vật Đại tướng Đông Nhung bát nạn,…..” ở trang 5 cùng bài viết trên trở đi ông Giáo sư – Tiến sỹ Vũ Minh Giang còn lớn tiếng kết luận:”Những chi tiết không thể kiểm chứng thì thường không đáng tin cậy. Riêng về tên họ, thì như trên đã nói, không chỉ thiếu căn cứ mà còn không phù hợp với hoàn cảnh lịch sử’ ( Trích nguyên văn bài viết trên )
Hoàn cảnh lịch sử của ông Vũ Minh Giang gán cho là CHẾ ĐỘ MẪU HỆ với ngầm ý là làm sao Bà cao tổ Vũ thị Thục Nương lại có Bố đẻ là Cụ Vũ Công Chất và Mẹ là Bà Hoàng thị Mầu – Cần thấy đây là sự tai ác cá nhân rất tệ hại không tự nhiên mà có. Tại sao thời Hai Bà Trưng lại là Mẫu hệ khi mà nước Việt ta đã có chữ viết theo chính phát hiện của Khảo cổ học Trung quốc là 12.000,năm ( Một vạn hai nghìn năm) và đã chuyển sang thời đại kim khí với trống đồng Đông Sơn, hay trống Đông Sơn cũng là giả như kiểu lập luận của ông Vũ Minh Giang (?)
Kiểu tư duy xuyên suốt bài viết của VỊ Giáo sư – Tiến sỹ Vũ Minh Giang là: Truyền thuyết không phải là căn cứ sử liệu. Ta hãy khoan phân tích, chỉ xin nhắc lại nguyên văn của Nhà Bác học và là một trong những Sử gia lớn thời hiện đại ở Việt Nam là Danh nhân Văn hóa Đào Duy Anh viết tại Chương I trang 14 sách Cổ Sử Việt Nam:
” Vì truyền thuyết là phản ánh của sự thật khách quan thông qua cái kính tam lăng trí tưởng tượng của dân chúng” (Trích nguyên văn – sách đã dẫn). Đây là một luận cứ chung đối với truyền thuyết của cả nền khoa học Thế giới không riêng Việt nam, lại càng không phải của Đào Duy Anh – Ông chỉ nhắc lại quan điểm khoa học của Thế giới mà thôi.
Hãy lấy ví dụ truyền thuyết của Đạo Kito về hạt của Chúa Trời tạo ra vũ trụ - Cứ theo ông Giáo sư Tiến sỹ Vũ Minh Giang là chuyện bịa có lẽ cả nền khoa học Thế giới đã không mất công sức tiền của cực lớn ròng rã suốt gần 45 năm để tháng 5/2012, tại Geneva, các cơ quan nghiên cứu nguyên tử Châu Âu từ máy gia tốc hạt( Large Hadron Collider – LHC) đã công bố phát hiện hạt boson Higgs – đây là một trong những phát minh lớn nhất của thế kỷ XXIđể tìm ra lý thuyết tốt nhất về sự vận hành của vũ trụ. Có thể sự phát hiện hạt boson Higgs sẽ tìm ra sự kỳ lạ hơn. Tất cả mọi vật chất chúng ta có thể nhìn thấy chỉ chiếm 4% vũ trụ,phần còn lại được tạo bởi vật chất và năng lượng đen. Hạt Higgs có thể là cầu nối để hiểu 96% phần vũ trụ chưa biết đến.Giáo sư Stephen Hawking nói với BBC News :” Đây là một kết quả quan trọng và ông Peter Higgs đáng được tặng giải Nobel”.
Đến đây tôi rất nghi ngờ học thuật của ông Vũ Minh Giang.
Còn đây là mục đích ẩn sâu sau bài viết của ông Vũ Minh Giang:
Ông Giáo sư Tiến sỹ Vũ Minh Giang cần thấy rằng bài viết đọc tại Lễ tôn vinh Bà Cao Tổ Vũ thị Thục Nương chỉ là lời chúc mừng trong một ngày lễ, không phải là tranh luận hội thảo khoa học nên không cần phải dẫn giải sách dài dòng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn viết rõ trên trướng thư “ … Bà Tổ Mẫu Vũ thị Thục,…”. Chúng tôi hiện còn lưu bản gốc bút tích viết tay của Anh hùng Dân tộc đương thời Võ Nguyên Giáp. Mọi sự trích dẫn đều vô nghĩa với Lịch sử Anh hùng Dân tộc Vũ thị Thục Nương đã bất tử trong lòng nhân dân Việt Nam suốt 1969 năm qua.
Ông Giáo sư Tiến sỹ Vũ Minh Giang này, bằng bài viết của ông đã xúc phạm nghiêm trọng đến sự tôn kính của toàn Đảng, toàn Dân đã xác nhận di tích Đền Tiên La và lễ hội Thánh Mẫu Vũ thị thục Nương là cấp Quốc Gia. Tất cả Vua Chúa, Đại thần đến các nhà Lãnh đạo cao nhất Việt Nam ở tất cả các thời kỳ lịch sử đến tận ngày nay đều về dâng hương tại Đền này.
Ý định của ông Vũ Minh Giang lộ rõ ở phần kết luận bài viết:
” Tuy nhiên, nếu không có cách nhìn đúng đắn thì rất dễ nảy sinh những hệ quả trái chiều do thói cục bộ, ghen ghét, tranh giành ảnh hưởng – những hạn chế vốn có trong quan hệ dòng họ”
Chúng ta cần phân tích cho rõ các từ ngữ:” THÓI CỤC BỘ - GHEN GHÉT – TRANH GIÀNH ẢNH HƯỞNG” của ông Giáo sư Tiến sỹ này.
Dư luận rộng rãi trong cả nước ta đều biết sau lễ tôn vinh Bà Cao Tổ Vũ thị Thục Nương – Thánh Mẫu, Đại tướng Đông nhung Bát nàn tại Đền Tiên La Thái Bình đầu năm 2012 do Trung ương và địa phương cùng Hội đồng Vũ Võ việt Nam đồng tổ chức rất thành công. Mục đích của Lễ tôn vinh NỮ ANH HÙNG ĐẦU TIÊN của Dân tộc Việt vì Bà Cao Tổ Vũ thị Thục Nương khởi nghĩa đánh Tô Định trước Hai Bà Trưng – Lễ tôn vinh Bà là một nhiệm vụ chính trị nhằm nâng cao giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần Đại đoàn kết dân tộc trước đây do lịch sử để lại không được tôn vinh xứng đáng. Bất ngờ là sự phản ứng thái quá của một số cá nhân gọi là phụ trách trong Hội đồng dòng họ Vũ – Võ Việt Nam, mọi người đều biết rõ họ tên.
Tại sao có sự việc này? Đó là vì mấy cá nhân này đã chót tôn vinh một vị họ Vũ gốc Trung Quốc làm Thủy Tổ họ Vũ – Võ Việt Nam để tôn tạo xây đền thờ lăng mộ đã huy đồng tiền của trong toàn dòng họ Vũ – Võ Việt Nam, nhân danh việc đó để ăn chia bớt xén đến độ không sòng phẳng thì đơn thư kiện đấu thấu xây cất đền miếu lăng mộ Cụ tổ,… lên Chính phủ, chúng tôi hiện có tài liệu này.
Vì vậy nội dung bài viết của ông Vũ Minh Giang không có gì mới, nội dung chưa viết của bài này đã được HAI ÔNG T & H của họ Vũ – Võ Việt Nam phát biểu nhiều lần trước khi được ông Vũ Minh Giang chấp bút chép lại. Vậy thế nào là Đạo đức dòng họ? Thế nào là Cục bộ, Ghen ghét, Tranh giành,… ông Giáo sư Tiến sỹ Vũ Minh Giang hẳn biết rõ hơn ai hết.
Dưới đây, chúng tôi chỉ ở trình độ Đại học – như bây giờ gọi là xóa mù (!) xin được chép dẫn nguyên văn sách sử để bạn đọc gần xa và ông Vũ Minh Giang đối chiếu:
Phân tích Khoa học:
Vấn đề họ, tên của một dòng họ thường gắn liền với nơi cư trú từ thời Nguyên thủy, với lịch sử phát triển Dân tộc thì các dòng họ trở thành vận mệnh của Dân tộc đó, không thể tùy tiện và xem thường.Vì vậy, vấn đề đầu tiên xác nhận dòng họ phải tra cứu thư tịch lịch sử làm cứ liệu.
Xét trong Đại Việt sử ký toàn thư phần Ngoại kỷ có ghi:" Buổi đầu vua Hoàng đế dựng muôn nước, đặt Giao chỉ ở phía Tây Nam, ở xa miền Bách Việt. Vua Nghiêu sai họ Hy đến ở Nam Giao định đất Giao chỉ ở phương Nam. Vua Vũ chia đất chín châu. Dương châu là miền Bách Việt, Giao chỉ thuộc về đó"
Về tên Giao chỉ:
Sách Lễ Ký của Khổng Dĩnh Đạt đời Đường chú thích:" Giao chỉ là hình dung từ về người Man khi nằm trở đầu ra ngoài, hai chân gác chéo vào nhau". Sách Hậu Hán thư của Lưu Tống lại giải thích theo cách:" Vì tục con trai, con gái cùng tắm một sông nên gọi là Giao chỉ". Đỗ Hựu đời Nhà Đường có ghi trong sách Thông Điền quyển 182, phần châu quận 14 là:" Giao chỉ là ngón chân cái mở rộng, nếu hai chân cùng đứng thì hai ngón cái giao vào nhau" - Đây là lần đầu tiên sách cổ ghi cách giải thích như vậy, rồi sau như là cách giải thích chính thức tên Giao chỉ. Nhân chủng học lại cho thấy ngón chân cái bị vẹo, choạc rộng là một tật có ở tất cả các giống người, nhưng không phải ai cũng bị.Vậy nên cách giải thích Giao chỉ là ngón chân bị tật choạc ra thỉnh thoảng mới có không thể là cách gọi tên một dân tộc.
Hán tự viết chữ Giao là Giao chỉ, Giao là Giao Long nguyên xưa thông dụng vậy thì tên Giao chỉ do người Hán gọi liên quan đến tục thờ Giao Long của một tộc người ở nam sông Dương Tử.
Vậy Giao chỉ là vùng đất nào? Vị trí ở đâu vào thời cổ?
Về đất Giao chỉ và Việt thường:
Trước hết, chúng ta phải căn cứ vào thư tịch cổ của Trung Quốc vì thư tịch cổ Việt Nam trải qua binh lửa của hơn 1000 năm Bắc thuộc với sự cấm của Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp, rồi đến cuộc tận thu đồ đồng của Mã Viện năm 43 sau Công nguyên, đến thời nhà Minh xâm lược nước ta đầu thế kỷ 15 đã cướp phá sách gần hết sách Việt, năm 1875 cuộc tấn công của Pháp vào Mang cá đốt hết thư khố quốc gia triều Nguyễn đã làm thư tịch cổ Việt Nam muốn tra cứu mất rất nhiều công sức.
Xét từ thời Nghiêu Thuấn thế kỷ XXIV đến Nhà Thương thế kỷ XII trước Công nguyên ở Trung Quốc các sách Thư kinh, Thượng thư Đại truyện có ghi :" Vua Nghiêu đặt quan xem thiên văn, định lịch pháp, sai Hòa Thúc ở phương bắc gọi là U Đô,sai Hy Thúc đến phương Nam gọi là Nam Giao" , sách Sử ký ghi:" vua Thuấn đi tuần thú đến Giao chỉ ở phương Nam".
Sách Hàn Phi Tử có chép:" Vua Nghiêu có thiên hạ, đất phía Nam đến Giao chỉ, phía Bắc đến U Đô". Đối chiếu với địa chí cổ thì trước Nhà Chu biên giới phía Bắc là Bắc Nhạc tức U Đô là dẫy núi Hằng Sơn ngày nay ở đông bắc tỉnh Hà Bắc và Sơn Tây là miền U Châu trong thiên Vũ Cống. Nam nhạc là núi Hành sơn ngày nay ở đông nam tỉnh An Huy, địa giới của Trung Hoa cổ đại ở phía Bắc sông Hoàng Hà.
Về vị trí Giao chỉ ghi trong Thư kinh, Vũ Cống, Hàn phi Tử, Mặc tử và Sử ký thì không thể xa hơn tỉnh An Huy ngày nay - Quyết không phải là miền Bắc Việt Nam ngày nay.
Tại sách Thư kinh, Sử ký và Đế điển có việc vua Nghiêu sai vua Thuấn đuổi người Tam Miêu đến miền đất Tam nguy ở phía Tây rồi chia miền bắc Tam Miêu. Vua Vũ đánh Tam Miêu thì thư tịch Trung quốc chép rất nhiều. Sử ký và Ngô Khởi truyện ghi rõ vị trí: " Nước Tam Miêu bên tả là hồ Động đình ( Liền sát hữu ngạn sông Dương Tử) bên hữu là hồ Bành Lãi".
Sách Danh Nghĩa khảo ghi Tam Miêu là miền Kinh Dương là Trương Sa và Giang Nam ngày nay. Nếu từ thời Nghiêu - Thuấn đã đánh đuổi, chia cắt Tam Miêu nhưng theo sách Hoài Nam Tử thì đến đời Nhà Thương vẫn còn Giao chỉ, vậy có nghĩa là đất Giao chỉ xưa bao gồm tỉnh An Huy, phần đông bắc tỉnh Hồ Nam cùng phía Bắc tỉnh Giang Tây - nghĩa là miền Châu Kinh Dương tại sách Vũ Cống ở vào vùng Hoa Nam, miền hạ lưu sông Dương Tử.
Thời ấy, vùng đất Kinh Dương còn ngập nước và đầm lầy nên người Giao chỉ sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Sách Trang tử thiên Tiêu diêu du có ghi là:" Người Việt ở đất châu Dương cạo tóc xăm mình" Các sách Sử ký, Tiền Hán Thư, Địa lý chí cùng ghi là: " Người Việt cạo tóc, xăm mình". Ứng Thiệu ở thế kỷ thứ II sau Công Nguyên và Cao Dụ đều viết: " Người ta rạch mình ra lấy mực bôi vào thành hình trạng giao long". La Hương Lâm viết trong Cổ đại Việt tộc khảo cũng cho rằng tục xăm mình của người Việt là do sự sùng bái vật tổ ( Totem) mà ra. Như vậy tục xăm mình là tục chung cho người Việt ở vùng Kinh Dương.
Vậy người Giao Chỉ có quan hệ gì với tổ tiên Lạc Việt của chúng ta?
Sách Thông giám Cương mục của Chu Hi đời Tống, sách Thượng thư Đại truyện, Ngự phê thông giám (quyển 1) soạn lại cổ sử có ghi:" Năm Mậu Thân đời Đường nghiêu thứ 5 ( Năm 2353 trước Công Nguyên), Nam di có Việt Thường hiến rùa lớn". Sách Thông chí do Trịnh Tiêu nhà Tống ghi rõ hơn:" Đời Đào Đường, Nam di là Việt Thường thị qua nhiều lần thông dịch đến hiến một con rùa thần. Rùa nghìn tuổi,rộng hơn 3 thước,trên lưng có chữ khoa đẩu chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Quy Lịch"
Đến sách Sử ký có chép: "Năm Tân Mão (1109 trước Công Nguyên – cách đây 3121) vua Chu Thành Vương có nước Việt Thường ở phía Nam xứ Giao chỉ đem cống chim bạch trĩ. Nhà Chu phải có người thông ngôn mấy lần mới hiểu được. Quan nhà Chu là Chu Công Đán chế ra xe chỉ nam để đưa sứ Việt Thường về nước". Sách Thượng thư Đại truyện có ghi:” Ở phía nam Giao chỉ có nước Việt Thường”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rằng đất Giao chỉ đến đời Chu Thành Vương ( 1042 – 1021 trước công nguyên) thì gọi là Việt Thường. Khâm định Việt sử cương mục ghi:” An dương Vương xây thành Cổ Loa ở đất Việt thường”.
Vậy Việt Thường là một dân tộc riêng ở vùng Âu Lạc tại Bắc bộ Việt Nam ngày nay, khác với Ngô Việt ở Nam sông Hoàng Hà, Mân Việt ở vào khoảng Quảng Châu và Bách Việt ở vào khoảng Quảng Tây và lưu vực sông Tây giang, Quế Lâm, Nam Hải. Như vậy tộc Việt thường không liên quan gì đến tộc Giao Chỉ, có chăng chỉ là sự hôn phối giữa các bộ tộc.
Bởi vậy, năm Quý Tỵ (207 trước Công nguyên) Triệu Đà đánh được An Dương Vương Thục Phán thì nhập nước Âu Lạc vào quận Nam Hải ( Vùng đất Giao Chỉ) lập ra nước Nam Việt đóng đô ở Phiên Ngung tại cửa sông Tây Giang gần Quảng Châu ngày nay.
Bách Việt lìa tan:
Năm 221 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung quốc (Bắc sông Hoàng Hà) kết thúc thời Chiến quốc. Nhà Tần là một đế quốc tập quyền hùng mạnh. Năm 218 trước Công nguyên, Nhà Tần phái Hiệu úy Đồ Thư cầm 50 vạn quân chia làm 5 đạo vượt sông Hoàng Hà tiến về phía Nam đánh Bách Việt. Chỉ 3 năm, quân Tần đã chiếm được Mân Việt, Đông Việt, Nam Việt. Nhà Tần phát những người bị tội vào ở lẫn lộn với người Bách Việt 13 năm (Sách Hoài Nam tử của Hoài Nam Vương Lưu An viết năm 190 trước Công nguyên). Quân Tần tiến vào Tây Âu ( ở vào vùng Quảng Tây Trung Quốc bây giờ) giết được Quận trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống.
Năm 214, quân Tần vào đất Lạc Việt, bị khốn hơn 10 năm, người Lạc Việt không chịu hàng bỏ vào rừng ăn ở với cầm thú, đêm ra đánh, lâu ngày quân Tần hết lương, bèn phá tan quân Tần chết mấy chục vạn, giết được Đồ Thư. Năm 207 trước Công nguyên, Nhà Tần mất.Từ sau thời Tần, trong các sách cổ sử không còn thấy nhắc đến tên Bách Việt, chỉ còn Việt thường, Lạc Việt.
Người Lạc Việt và Việt Thường:
Sau cuộc xâm lược của Nhà Tần, người Việt di cư ồ ạt xuống phương Nam. Sách Việt giang lưu vực nhân dân sử của Nhà sử học Từ Tùng Thạch thì về mặt Nhân chủng học các giống người Chuỳnh, Dao, Xá, Đản, Lê, Lái ở Quảng Đông, Quảng Tây bây giờ đều là di duệ của các nhóm Việt tộc. Sách Sử ký ẩn viết rằng người Mân Việt (Phúc Kiến) họ Lạc. Xét chữ Lạc trong chữ Hán là chỉ một giống chim Lạc tương tự ngỗng trời (?) Trên các trống đồng Việt cổ có khắc hình chim Lạc, có phải là vật tổ ( Totem ) của người Việt Thường rồi lấy làm họ? Đây là vấn đề còn phải nghiên cứu thêm. Chỉ biết rằng, Lạc Việt hay Việt Thường là những tộc người Việt cổ cư trú tại vùng Bắc bộ Việt Nam ngày nay và có một nền văn minh sớm, rực rỡ về chữ Viết, nghề đúc đồng rất tinh xảo, nghề nông và nghề sông biển!
Vậy mà, ngay tại ở Việt Nam lại có HỌC GIẢ ( !) có ý kiến cho rằng hơn 2000 năm trước đây người Việt không có họ quả là sự ấu trĩ cố hữu, miệt thị chính Dân tộc mình mà không biết gì đến sử học của Nước nhà. Ý kiến như vậy không khỏi làm hổ thẹn giới trí thức và sử học! Ngầm ý của mấy vị Học Giả này là để bác bỏ nhân vật lịch sử Anh Hùng Dân tộc Vũ thị Thục Nương đã cất quân khởi nghĩa đánh quân Đông Hán trước khởi nghĩa Hai Bà Trưng và đội quận tinh nhuệ của Bà còn cầm cự 54 ngày sau khi Hai Bà Trưng thất bại - Là Tổ Mẫu họ Vũ Võ gốc Việt Thường như bức thư chúc mừng của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
Họ Vũ - Võ là một họ lớn, có nhiều Chi Họ trong Đại gia đình Dân tộc Việt Nam, những đóng góp to lớn của Họ Vũ - Võ vào lịch sử dựng Nước và giữ Nước ta đã được Lịch sử Việt Nam và Bắc sử ( Trung Quốc) ghi nhận. Lịch sử là quá khứ không thể thay đổi và bác bỏ được.
Những lý sự không có cơ sở khoa học chỉ nhằm để bảo vệ cho lý thuyết của các vị này là Cụ Vũ Hồn là Thủy tổ duy nhất họ Vũ - Võ việt Nam.
Về Lịch sử, Đại Việt Sử ký toàn thư – Ngoại kỷ, quyển 5, kỷ thuộc Nhà Đường có ghi rõ: “Tân Dậu ( năm 841 sau Công nguyên) Đường Vũ Tôn Viêm, Hội xương năm thứ 1. Nhà Đường xuống chiếu lấy Vũ Hồn làm kinh lược sứ thay Hàn Ước ( Xem Tân Đường thư, quyển 8,Bản kỷ, Hàn ước truyện – Việt sử lược) .
Quý Hợi (năm 843 sau Công nguyên), Hội xương năm thứ 3. Kinh lược sứ là Vũ Hồn bắt tướng sỹ sửa đắp phủ thành, tướng sỹ làm loạn,đốt lầu của thành, cướp kho phủ. Vũ Hồn chạy sang Quảng Châu. Giám quan là Đoàn Sĩ Tắc dụ yên được bọn làm loạn
( Xem Tân Đường thư quyển 8, Bản kỷ 8, Năm Hội Xương thứ 3)
Như vậy, về lý mà xét bối cảnh xã hội lúc đó thì Cụ Vũ Hồn không thể định cư ở Việt Nam, nhất là lại từ quan, thân cô, thế cô không còn quyền hành gì càng dễ bị trả thù.
Lại xét xứ Hải Dương vào năm 843, cách đây 1169 năm ghi trong An Nam chí lược quyển 1 – Quận, Ấp của Lê Tắc đời Trần nước ta có 15 lộ, thì Hồng lộ là Hải Dương có tên vào năm 1469 đời Lê Thánh Tông (Xem Chính sử - Cương mục,sách đã dẫn). Về tên gọi Hải Dương, Phạm Đình Hổ ( 1768 – 1839) quê làng Đan Loan, huyện Dường An, phủ Bình Giang trấn Hải Dương ( Tỉnh Hải Dương bây giờ) là một danh Nho viết về thiên Xứ Hải Dương trong Vũ Trunng tùy bút: ” Xứ Hải Dương đời cổ là Hồng Lộ và Sách Giang lộ. Thuộc Minh mới đặt ra bốn phủ: Thương Hồng, Hạ Hồng, Kinh Môn, Nam sách,….Đời Trần, đời Lý gọi là Uy Lộ. Thế thì xứ Hải Dương ta khi xưa chỉ là hai lộ với một phủ. Phủ Kinh Môn là những nơi đất liền với bể Đông,…Cổ nhân cho rằng phía Nam có núi, phía Bắc có sông bể thì gọi là Dương. Sách Cổ chí mới biết địa thế nước ta,…đời xưa cửa bể còn ở cuối sông Hoàng Giang “ Như vậy chỉ mới nửa cuối thế kỷ 18 địa giới Hải Dương vẫn có chỗ liền với biển.
Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết thời Lê Sơ ( Lê Thái Tổ - Lê Lợi) có ghi vùng Bình Giang Hải Dương nước ngập. Cần tra cứu để xác nhận vị trí đất Mộ trạch trong các bản đồ cổ nước ta. Sử sách có ghi” Năm Tân Mão và năm Nhâm Thìn (1171 – 1172 sau Công nguyên) Lý Anh Tông đi chơi xem xuyên sơn hiểm trở, đường sá xa gần và sự sinh hoạt của dân gian rồi sai quan làm quyển địa đồ nước An Nam”.Đời Trần và các triều đại sau cũng có làm địa đồ nhưng đến nay không còn thấy dấu tích các bản đồ ấy.Duy có đời Lê Thánh Tông ( 1460 – 1497) “ Thánh Tông bèn sai quan ở các đạo xem xét ở hạt mình có những núi sông gì,hiểm trở thế nào phải vẽ địa đồ ra cho rõ ràng và chỗ nào có những sự tích gì phải ghi chép tường tận, rồi gửi về Bộ Hộ để làm quyển địa dư nước ta” – Đây là Hồng Đức bản đồ còn lại đến ngày nay.
Nhiều thế kỷ sau năm 843 sau Công Nguyên, có thể vào trước hoặc sau năm 1000 sau Công nguyên , lớp cháu chắt nhiều đời sau Cụ Vũ Hồn mới sang định cư ở Mộ Trạch thì về mặt sử học hợp lý hơn vì theo các bản sắc phong thần còn lưu ở đình làng Mộ trạch thì sắc phong sớm nhất là vào đời nhà Trần ( Chưa rõ năm).Vinh quang, hiển hách, huy hoàng của một dân tộc, một dòng họ, một chi họ không liên quan Lịch sử dài hay ngắn mà chính là sự đóng góp cho văn hiến xã hội, cho dân tộc,… như hiện thực xã hội đã chứng minh. Vì vậy văn hiến lớn nhất của Làng Mộ Trạch là sự đóng góp, xây dựng nền văn minh Đại Việt với 18 văn bia tiến sỹ Mộ Trạch trong 82 văn bia tại Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội.Các bậc Tiên Liệt dù ở bất cứ dòng họ nào cũng đều rất đáng kính trọng, tuy nhiên phải đặt đúng vị trí CHA – ÔNG vào lịch sử Dân tộc thì mới thật vững bền.
Về Nữ Anh hùng Dân tộc – Thánh Mẫu Vũ thị Thục Nương, chúng ta chỉ cần đến trước Đền Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình để kính cẩn trước ANH LINH của Bà Vũ thị Thục Nương đã được nhân dân vùng duyên hải Bắc bộ và toàn dân nước Việt thờ cúng trải suốt 1969 năm không dứt, Đền thờ và Lễ Hội của Bà đã là cấp Quốc Gia, sẽ thấy công đức của Bà, uy linh của Bà hiển hách đến chừng nào.
Cả một giải đất Việt Nam với 54 Dân tộc và hàng trăm dòng họ từ hơn 4000 năm qua của các tộc người Mân Việt, Ngô Việt, Bách Việt, Việt Thường và cả những người Hán di cư xuống phương Nam đã chung sức dựng nước và giữ nước Lạc Việt đời đời bền vững đều xứng đáng tôn vinh, thờ phụng !
Vũ Ngọc Phương