Chi tiết bài viết
TPP: Hiệp định thương mại của thế kỷ 21
Khi tham gia “sân chơi” lớn này chúng ta sẽ được những gì và sẽ phải đối mặt với thách thức nào, PV Báo Điện tử Chính phủ sẽ có các bài viết phản ánh về vấn đề này.
Hiệp định thương mại tự do thế hệ thứ 2
Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, tên tiếng Anh: "Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement", viết tắt: TTP, là một hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được coi như một hiệp định thương mại tự do thế hệ thứ 2 với mục tiêu thiết lập một mặt bằng tự do chung cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phạm vi điều chỉnh của TPP rất rộng, một thoả thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do bao gồm trao đổi hàng hoá, các quy định về xuất xứ, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền về vấn đề môi trường, lao động, chống tham nhũng...
Lần đầu tiên, 4 nước Singapore, Chile, Newzealand, Brunei ký Hiệp định này vào ngày 3/6/2005 và TPP có hiệu lực ngày 28/5/2006.
Tháng 9/2008, Hoa Kỳ tỏ ý định muốn tham gia đàm phán TPP, sau đó tháng 11/2008 các nước Australia, Peru cũng tuyên bố tham gia, tiếp đến là Canada tham gia vào tháng 10/2012 và mới đây nhất, Nhật Bản tham gia đàm phán vào tháng 3/2013.
Việt Nam đã tuyên bố tham gia TPP với tư cách là thành viên đầy đủ từ ngày 13/11/2010.
Như vậy, đến thời điểm này, TPP gồm 12 nước thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Newzealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Với sự tham gia của các nền kinh tế lớn trên thế giới (như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia...), TPP trở thành khu vực kinh tế hơn 790 triệu dân, đóng góp 40% GDP và chiếm 1/3 thương mại toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, khác với các vòng đàm phán trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đàm phán Hiệp định TPP có phạm vi rộng hơn nhiều. Nếu như WTO chỉ đàm phán về thị trường hàng hoá, dịch vụ, một số vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, thì trong đàm phán TPP, bên cạnh các vấn đề trên, các vòng đàm phán còn đề cập cả vấn đề mua sắm chính phủ, vấn đề lao động, môi trường, vấn đề doanh nghiệp nhà nước,...
Nếu như Hiệp định WTO mang tính đàm phán một chiều, Việt Nam phải mở cửa thị trường cho các nước thành viên WTO và không có quyền đòi hỏi họ mở cửa cho mình thì Hiệp định TPP là một hiệp định “có đi có lại”, theo ông Trần Quốc Khánh, "các nước muốn mình mở thị trường cho họ và họ cũng mở thị trường cho Việt Nam".
Hiện 12 nước thành viên TPP đang tiếp tục bàn thảo nhằm đạt sự thống nhất rộng rãi vào tháng 10 và sẽ ký Hiệp định vào cuối năm nay.
Việt Nam được lợi gì?
Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế, khi tham gia "sân chơi" này, Việt Nam sẽ là một trong những nước có lợi nhiều nhất vì mục tiêu chính của TPP là giảm thuế và những rào cản hàng hoá cho dịch vụ. Khi các dòng thuế giảm xuống, Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu quần áo, giày dép và nhiều mặt hàng khác vốn là thế mạnh của mình vào các thị trường lớn, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ mà không phải cạnh tranh với sản phẩm của một số nước khác.
Đánh giá tác động của TPP, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, những nước mức phát triển thấp hơn sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Trong nhiều nghiên cứu định lượng của chuyên gia nước ngoài, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn từ TPP (phần lớn các nước có lợi khoảng 1-2 điểm % từ TPP, riêng Việt Nam khoảng 5%). Tuy nhiên theo ông Thành, đánh giá này cũng chưa tính được đầy đủ những chuyển biến thể chế của cải cách trong nước, những cải cách có thể hỗ trợ cho quá trình này.
Bên cạnh đó, trong số 11 đối tác đang đàm phán với Việt Nam, hiện có 7 đối tác có quan hệ thương mại tự do với nước ta; 4 đối tác còn lại (Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru), chưa thiết lập quan hệ thương mại tự do nên cơ hội chủ yếu của Việt Nam sẽ mở rộng ở 4 thị trường này.
Điều đáng nói Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, nếu xét theo cơ cấu kinh tế của các nước đang đàm phán với Việt Nam, họ có cơ chế kinh tế mang tính bổ sung cho Việt Nam nhiều hơn. Vì vậy, tác động cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam có thể có nhưng không lớn như ta lo ngại.
Cũng theo ông Trần Quốc Khánh, qua một số nghiên cứu mang tính định tính cho thấy ngành hàng trong nước có thể gặp khó khăn đầu tiên là ô tô nếu chúng ta mở cửa thị trường hoàn toàn cho Hoa Kỳ và Nhật Bản. Cùng với đó, ngành nông nhiệp với các mặt hàng thịt gà , lợn, bò là ngành lợi thế của Hoa Kỳ hoặc mặt hàng đường là thế mạnh của Australia thì các ngành hàng tương ứng của ta cũng có thể gặp khó khăn.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh Hiệp định TPP rất rộng, vì thế các vấn đề được đề cập không chỉ gói gọn trong phạm vi biên giới mà còn phải tính toán cả các vấn đề sau biên giới. Điều quan trọng là cần đưa ra chính sách minh bạch và điều này sẽ mang lại lợi ích vô cùng to lớn cho doanh nghiệp trong nước.
Phương Minh