Chi tiết bài viết
Tín hiệu nhỏ - Tiếng vang lớn
Tháng 8/2000, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tám mươi chín tuổi, nhưng bà con Quảng Bình tính theo tuổi ta thì người con ưu tú của quê hương đã là chín mươi. Nhiều người kéo ra Hà Nội mừng thọ Đại tướng. Khi tôi, nhà báo Kim Cúc, Duy Hưng, Thanh Tâm cùng Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đến thì phòng khách của gia đình Đại tướng đã đông.
Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Quốc gia báo cáo với Đại tướng là chiều 2/9/1945, phát thử sóng kỹ thuật chỉ 300W, thế mà ngày nay tổng công suất phát sóng của Đài đã gấp hàng nghìn lần. Đại tướng cười vui: “Ngày đầu tín hiệu của Đài tuy còn nhỏ, nhưng tiếng vang lớn lắm. Các thế hệ Đài Phát thanh Quốc gia cố gắng làm cho tiếng Đài vang xa hơn”.
Nghe tôi kể lại chuyện, nhà báo lão thành Trần Lâm, Tổng Biên tập đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam suy nghĩ một lúc rồi rành rọt: “Đại tướng nói vậy là sâu sắc lắm đấy”. Như một cú hích ban đầu, câu chuyện của ông Trần Lâm về những ngày đầu của Đài cứ thế tuôn trào theo lời kể sôi nổi.
“Các cậu có biết áp lực, sự hối thúc lúc ấy là cái gì không? Thời gian. Này nhé, trên đường hành quân từ Thái Nguyên về Hà Nội, Bác Hồ nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là phải có gấp Đài phát thanh. Khi Bác Hồ về đến Phú Thượng (Từ Liêm, Hà Nội), ông Xuân Thủy giao nhiệm vụ cho chúng tôi thành lập Đài Phát thanh Quốc gia.
Biết trước là ngày 2/9 làm lễ Quốc khánh mà Đài mới cải tiến xong máy phát tín hiệu cỡ nhỏ thành máy phát sóng phát thanh. Phòng bá âm đơn sơ đang bộn bề. Bộ phận biên tập đang hình thành. Tôi hỏi ông Nguyễn Cung, phụ trách kỹ thuật, có cách nào để truyền không khí của buổi đại lễ Quốc khánh lên sóng không? Ngẫm nghĩ một lúc, ông Nguyễn Cung quả quyết là có vài cách, nhưng phải làm mới biết được. Cuối cùng, ông Nguyễn Cung dẫn tổ kỹ thuật đưa máy phát sóng 300W lên nhà số 4 Đinh Lễ để truyền không khí cuộc mít tinh ở quảng trường Ba Đình về bằng đường dây trần. Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập được truyền lên không trung…”.
Đoàn cán bộ, phóng viên Đài TNVN tới mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tháng 8/2000
Sóng phát thanh Quốc gia ban đầu còn rất nhỏ, ở xa không nghe rõ, nhưng thời khắc lịch sử ấy như vỡ òa không gian nước Việt, làm xao xuyến đến nghẹn ngào mọi con tim Việt. Nhiều phóng viên nước ngoài có mặt ở Hà Nội nghe được tiếng nói đầu tiên của Bác Hồ đọc Tuyên ngôn dựng nước Việt Nam mới đã truyền đến nhiều nước. Người long trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Lần đầu tiên thế giới biết đến một nước Việt Nam độc lập. Điều mà nửa tháng trước, Bác Hồ đã căn dặn: sóng đối ngoại của Đài Phát thanh có thể vượt qua biên giới quốc gia, không cần hộ chiếu để chọc thủng bức màn bưng bít của chủ nghĩa đế quốc về tình hình cách mạng ở Việt Nam… nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Sau này, Đài Tiếng nói Việt Nam xin ghi âm lại tiếng Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập để giữ lại cho muôn đời sau, Người vẫn xúc động như ngày đầu. Trần Dân Tiên kể lại: “Cụ Hồ nói, trong đời Cụ đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới được viết một bản Tuyên ngôn như vậy. Bản Tuyên ngôn Độc lập là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường”.
Độc lập - Tự do với đầy đủ ý nghĩa cao đẹp và tối thượng của nó được Bác nhắc lại nhiều lần. Nhưng mạnh mẽ nhất, hào sảng nhất là khi vận nước trước họa xâm lăng lớn. Ngày 17/7/1966, Hồ Chủ tịch kêu gọi: “Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Độc lập - Tự do, lần đầu tiên cất lên giữa trời Thu Hà Nội, thiêng liêng và khát vọng. 21 năm sau, cũng một ngày Thu, giữa thủ đô Hà Nội, phát đi lời hiệu triệu mạnh mẽ và đỉnh đạc: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Vẫn một giọng nói: Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Xứ Nghệ. Vẫn là Người: anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Tiếng nói ấy, lần đầu tiên được truyền qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, mà Bác Hồ là người khai sinh. Đài Phát thanh Quốc gia được vinh dự nhận lãnh sứ mạng phát đi tín hiệu đầu tiên Tuyên ngôn Độc lập, tự do. Đài cũng là nhân chứng lịch sử./.
Theo VOV.vn