Chi tiết bài viết

Tìm giải pháp ngăn tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc

Để ngăn chặn thực trạng trên, sáng 8/9, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh tổ chức buổi tọa đàm tìm “Các biện pháp ngăn ngừa lao động đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS trốn và ở lại làm việc bất hợp pháp” tại huyện Nghi Xuân.
Có khoảng hơn 200 người lao động đến từ các huyện có phong trào xuất khẩu mạnh
của tỉnh Hà Tĩnh tham dự buổi tọa đàm.
 
Đau đầu lao động bỏ trốn
Theo báo cáo của Cục quản lý lao động ngoài nước, từ năm 2004 đến nay, Việt Nam có gần 63.000 người sang Hàn Quốc lao động theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của đất nước đông Á này (Chương trình này được gọi tắt là EPS). Thống kê cho thấy, tổng chi phí cho một lao động khi làm thủ tục xuất cảnh là 710 USD, và mức thu nhập trung bình của mỗi lao động Việt Nam trên đất Hàn Quốc đạt trên 1.000 USD/người/tháng.
 
Lợi ích thu được từ lực lượng lao động trên là rất lớn, tuy nhiên, tình trạng lao động bỏ trốn khi hết thời hạn hợp đồng, vừa nhập cảnh tại sân bay đang là vấn đề gây nhiều búc xúc trong xã hội Hàn Quốc, làm đau đầu cơ quan quản lý trong việc hoạch định chính sách lao động và quản lý người nước ngoài của nước này.
 
“Thống kê của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, trong tổng số trên 60.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc, có tới 8.780 người đang cư trú bất hợp pháp tại nước này... Nghiêm trọng hơn, tình trạng lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc ngày một tăng cao” - ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng, Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết.
 
Tình hình càng xấu đi, làm thất vọng các cơ quan chức trách ở Hàn Quốc như đại diện của Trung tâm lao động ngoài nước khẳng định, từ đầu năm 2011 đến nay có 25 lao động vừa nhập cảnh vào nước này đã lập tức bỏ trốn.
Phía Hàn Quốc đưa ra con số, gần 50% lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng không trở về nước mà bỏ trốn sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc; ngoài ra, lao động Việt Nam được xếp vào tốp dẫn đầu so với các nước khác về yêu cầu đòi chuyển đổi chỗ làm việc với các lý do không chính đáng (chiếm tỷ lệ 32%).
Lao động Việt Nam chuẩn bị xuất cảnh sang Hàn Quốc (ảnh: Internet)
 
Thực trạng này theo ông Jung Jin Joung, Giám đốc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết là đã gây nhiều khó khăn cho các chủ sử dụng lao động tại Hàn Quốc, gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế của nước này.
 
Ông Joung đưa ra cảnh báo: “Mỗi năm bình quân mỗi lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng. Nếu Chính phủ Việt Nam không đưa ra được biện pháp ngăn ngừa tình trạng lao động làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì nước này sẽ đóng cửa thị trường đối với lao động VN. Khi đó các bạn sẽ thiệt thòi rất lớn”.
 
Còn ông Đào Công Hải thì lo lắng: “Mỗi năm người lao động tại Hàn Quốc gửi về nước trên 700 triệu USD. Nếu thị trường Hàn Quốc bị tạm ngưng sẽ thiệt thòi rất lớn cho người lao động. Thực trạng này cũng gây ảnh hưởng tới khoảng 50.000 lao động đã học tiếng Hàn chờ xuất cảnh”.
 
Giải pháp: Vận động và xử phạt?
 
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ trốn khi vừa nhập cảnh được xác định do người lao động gian lận về sức khoẻ, sợ bị phát hiện do đánh tráo hồ sơ, và đặc biệt là thu nhập cao hơn với hợp đồng ký kết trước đó. Để loại bỏ thực trạng trên tại buổi tọa đàm, nhiều giải pháp và khuyến cáo đã được đưa ra.
Ông Hoàng Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, một trong những xã có số nhiều lao động nhất tại Hàn Quốc đề xuất giải pháp vốn được chính quyền xã này vận dụng đạt hiệu quả cao trước đó. Ý tưởng này nhận được sự đồng tình cao của hàng trăm người tham dự buổi toạ đàm.
Ông Jung Jin Joung, Giám đốc cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam khẳng định, những giải pháp tại buổi toạ đàm hôm nay sẽ được báo cáo lên Quốc hội Hàn Quốc xem xét
 
Cụ thể, trước đây, UBND xã Cương Gián đưa ra quy định, một lao động xuất cảnh, gia đình sẽ tự nguyện viết đơn cam kết với chính quyền địa phương không cho con em họ bỏ trốn; trước khi xuất cảnh, UBND xã giữ bìa đất, giấy tờ, hồ sơ của người thân trong gia đình; nếu lao động bỏ trốn, những người thân trong gia đình sẽ bị đưa vào “danh sách đen”của xã như không ký bất cứ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động; khi lao động hoàn thiện hợp đồng trở về, UBND xã trả lại bìa đất cho gia đình.
 
“Khi đối chiếu lại với hệ thống pháp luật Việt Nam thì ý tưởng này lại trái với các quy định pháp luật. Nhưng theo tôi, đây là ý tưởng được người dân đồng tình cao, đề nghị các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu để áp dụng vào thực trạng hiện nay”, ông Hùng nhấn mạnh.
 
Từ nhận định người lao động Việt Nam bỏ trốn, lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc có nghĩa là học đã tự đánh mất tư cách pháp nhân, từ bỏ quyền được pháp luật nước bạn bảo vệ, phải sống chui lủi nơi đất khách quê người ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh đưa ra khuyến cáo các gia đình có con em đang bỏ trốn ở Hàn Quốc hãy điện sang bảo họ tự giác về nước rồi làm lại thủ tục đi xuất khẩu lao động tiếp.
 
Tại buổi toạ đàm, nhiều giải pháp đáng chú ý được phía người lao động và lãnh đạo các cơ quan chức năng đưa ra, như yêu cầu người lao động đặt cọc tiền thế chấp, phạt hành chính lao động và người liên quan, xử phạt chủ sử dụng lao động bất hợp pháp của Hàn Quốc…
 
Các đại biểu cho rằng, những giải pháp nêu ra là rất thực tiễn, muốn cánh cửa đón lao động Việt Nam của nước bạn không dần khép lại không chỉ có nỗ lực của nhiều cơ quan chức năng, sự giúp đỡ của phía Hàn Quốc mà còn từ chính ý thức của người lao động.
 
Theo Dantri.com.vn