Chi tiết bài viết

“Tiền thất thoát đủ để tăng lương cho công chức 10 lần!”

 
 Giám đốc sở Nội vụ Hà Nội, Trần Huy Sáng cho rằng, số tiền thất thoát xã hội rất lớn, có thể nuôi công chức gấp 10 lần hiện nay. Theo ông, để đẩy lùi tham nhũng, “quan chức” phải công khai tài sản “thực chất, chính xác”.
Ngày 5/10, Hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã bàn về chương trình “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011 - 2015”.
 
“Tham nhũng ở đâu đó, không phải ở chỗ mình!”
 
Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thành phố cho rằng, cơ chế chính sách hiện nay còn nhiều kẽ hở, bất hợp lý dẫn đến việc tạo cơ hội cho những cán bộ, đảng viên thoái hóa lợi dụng để tham ô, tạo ra những đặc quyền đặc lợi. Tiêu cực cũng được bắt nguồn từ cơ chế xin cho, thiếu công khai, minh bạch.
 

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho rằng việc công khai tài sản hiện nay làm nhưng chưa nghiêm túc

Theo Phó chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Lê Văn Hoạt, tham nhũng thực chất là lợi dụng chức quyền để trục lợi, trục lợi bằng chiếm đoạt tài sản, chiếm đoạt tiền vốn của người dân thông qua nhũng nhiễu thực thi công vụ và công tác cán bộ. “Trong đội ngũ cán bộ, công chức chúng ta không thiếu gì người làm những việc đó”, ông Hoạt nói.

Nói về vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng thừa nhận, còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến tham nhũng, lãng phí nhưng chưa được xử lý nghiêm. “Chủ đầu tư lại buông lỏng quản lý, nhà thầu rút ruột công trình, không đảm bảo tiến độ thi công gây biến động giá cả…”, ông Hùng chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới thất thoát tiền của Nhà nước.

Giám đốc Sở Nội Vụ Trần Huy Sáng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc tham nhũng là chưa có chế tài xử lý nghiêm minh và chất lượng đời sống cán bộ còn rất thấp. Ông Sáng cho rằng, số tiền thất thoát có thể nuôi cán bộ công chức gấp 10 lần hiện nay!.

“Muốn được việc cứ chi tiền bôi trơn là xong. Đây là mặt trái của cơ chế thị trường. Cán bộ chúng ta nhận thức tham nhũng, lãng phí là nội xâm - ai cũng rõ, nhưng hình như việc tham nhũng diễn ra ở đâu đó, chứ không phải xảy ra ở chỗ mình”, bí thư huyện uỷ huyện Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Thạch nói.

Phải minh bạch tài sản thực chất

Theo Phó chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Lê Văn Hoạt, tham nhũng, lãng phí tồn tại ở nhiều lĩnh vực khác nhau như cấp đất dự án, đầu tư xây dựng, hội họp, đề bạt thi tuyển công chức… gây mất niềm tin cho xã hội. Ông Hoạt cũng băn khoăn việc phần lớn các vụ việc phát hiện tham nhũng là do nhân dân tố cáo.

Để đẩy lùi tham nhũng, lãng phí Giám đốc Sở Nội Vụ Trần Huy Sáng cho rằng cần phải quyết liệt hơn nữa việc công khai tài sản cá nhân, cũng như gia đình. “Việc công khai tài sản cán bộ đã làm, nhưng vẫn chưa nghiêm túc, hiệu quả chưa cao. Để đẩy lùi tham nhũng phải làm việc này một cách thực chất, chính xác. Nếu không làm được sẽ dẫn tới việc thất thu thuế và là mầm mống dẫn tới tham nhũng. Để thực hiện điều đó rất khó nhưng nếu làm được sẽ tạo được sự minh bạch trong nhiều vấn đề”, ông Sáng phân tích.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra nhiều ý kiến về phòng chống tham nhũng  
 
Ngoài ra, ông Sáng cho rằng cần có chế tài khen thưởng thích đáng và xử lý nghiêm minh. Việc cụ thể hoá khen thưởng ở từng lĩnh vực, có giá trị rất lớn để động viên những cá nhân có thành tích chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những hành vi tham nhũng.

Bí thư Đảng bộ khối các cơ quan thành phố Đào Xuân Mùi, cho rằng: “Nếu cơ chế, chính sách của chúng ta không sát với thực tế thì sẽ xảy ra lãng phí, thì sẽ có tham nhũng”. Theo ông Mùi, vấn đề đặt ra hiện nay là phải lấy ngăn ngừa, phòng là chính, kết hợp với việc tăng cường kiềm tra, giám sát. Bí thư Đảng bộ khối các cơ quan thành phố cho biết, thực tế là có những vụ việc năm đến sáu tháng sau khi khởi tố thì Đảng uỷ mới biết.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho hay, hiện nay công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn ít, mới chỉ đưa vào định kỳ, đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Khi xảy ra vụ việc chưa xử lý kiên quyết, chưa kịp thời. Để làm tốt công tác phòng ngừa cần tập trung hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, tăng cường quản lý các lĩnh vực đầu tư, xây dựng…

Trong thời gian tới, Hà Nội cần có chế tài và biện pháp thực thi việc kê khai tài sản góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục thực hiện hợp lý quá trình cải cách tiền lương góp phần chống tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, thành phố cũng khuyến khích cũng như bảo vệ người tố cáo, có cơ chế khen thưởng người tố cáo đúng, xử lý người cố tình tố cáo sai.

Theo Dantri.com