Chi tiết bài viết

Thomas J.Vallely - Nhà sáng lập Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard: “Hai quốc gia không thể kết nối một cách trừu tượng”

Thomas J.Vallely

Gặp Thomas J.Vallely - một người Mỹ được cho là rất hiểu biết và yêu Việt Nam - để trò chuyện về một người bạn thân của ông là Bob Kerrey. Tôi đề cập thẳng vào vấn đề, đó là hiện nay đang có những luồng dư luận khác nhau về vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác của Bob Kerrey ở Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) và vì sao lại chọn Bob Kerrey giữ chức vụ này?

- Trước hết, Bob Kerrey là người có kinh nghiệm trong giáo dục. Ông đã có 10 năm làm Chủ tịch ở Đại học New School và là người có nhiều sáng kiến. Bob Kerrey đến New School làm nhiệm vụ tái cấu trúc, ông đã đưa ra nhiều cải cách. Và tất nhiên, cải cách nào cũng sẽ làm tổn thương đến một bộ phận chịu ảnh hưởng trực tiếp, và Bob không phải là người muốn làm hài lòng người khác mà muốn mang lại hiệu quả cho công việc. Riêng về tài chính, trong 10 năm, Bob đã huy động được cho New School 500 triệu USD. Điều này chứng tỏ Bob Kerey là người có năng lực.

Bob Kerrey còn là người hiểu biết về cách xây dựng và tổ chức một trường đại học hiện đại. Sau khi rời Trường New School, ông làm Chủ tịch Điều hành Viện Nghiên cứu và Học thuật Trường Đại học Minerva. Theo tôi, đây là một trong những trường đại học có tính đột phá cao nhất thế giới hiện nay. Trường mới được thành lập và thử nghiệm mô hình giáo dục khai phóng, học phí rất thấp, hiện có một số sinh viên Việt Nam đang học tại đây. Chương trình đào tạo của Minerva áp dụng những tiến bộ mới nhất của ngành khoa học về phương pháp học. Minerva sử dụng những tiến bộ công nghệ mới nhất để giúp sinh viên và giảng viên tương tác với nhau một cách sáng tạo, hiệu quả, và thú vị hơn là những gì có thể làm trong một lớp học truyền thống. 

Cũng giống như ở New School, Bob Kerrey mạnh dạn sáng tạo và chấp nhận tranh cãi. Bob luôn là người tiên phong và sẵn sàng đối đầu khi đưa ra cái mới. Chúng ta không thể mang các trường đại học nổi tiếng của Mỹ sang Việt Nam, nhưng chúng ta có thể đưa một bộ óc có kinh nghiệm và có tầm nhìn xây dựng một trường đại học hiện đại đến Việt Nam.

Ông Vallely nói về kinh nghiệm giáo dục đại học của Bob Kerrey nhưng những dẫn dắt của ông cho thấy chính ông là người rất hiểu về giáo dục đại học và hiểu bạn ông. Ông Vallely có niềm tin về sự thành công của Bob Kerrey trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Tín thác của FUV còn ở khía cạnh khác bên cạnh kinh nghiệm về giáo dục. Ông phân tích thêm:

- Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề cập đến tên của Bob Kerrey, một người không nằm trong danh sách quan chức Chính phủ Mỹ. Điều này cho thấy uy tín cá nhân của Bob Kerrey và tầm ảnh hưởng của ông trong quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ. Trên thực tế, bộ ba John Kerry, John McCain và Bob Kerrey có vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Tất nhiên, nếu không có họ thì Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn đi đến bình thường hóa, nhưng theo tôi, chính nhờ những nỗ lực của họ mà tiến trình bình thường hóa của hai nước rút ngắn được cả chục năm.

Những nỗ lực của John Kerry, John McCain và Bob Kerrey trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được ông Vallely nói say sưa với tư cách là người chứng kiến và có vẻ như ông cũng chính là người trong cuộc. Hình như ông cố giấu mình sau chiếc bóng của những người bạn của ông.

- Một trong những việc mà họ quyết tâm làm như một nhiệm vụ quan trọng suốt mấy chục năm qua là tạo cơ hội cho sinh viên Việt Nam đến Mỹ học tập. Hai quốc gia không thể kết nối một cách trừu tượng mà phải là từ chính con người.

Bob và John McCain lập nên Quỹ VEF gồm 90 triệu USD dành cho sinh viên Việt Nam học sau đại học trong các ngành khoa học kỹ thuật, đến nay hơn 300 sinh viên đã học thạc sĩ và tiến sĩ trong các ngành khoa học ở Mỹ. Và nhiều bạn trẻ Việt Nam khác đã học bằng nhiều chương trình học bổng khác.

Mặc dù Việt Nam và Mỹ chỉ hợp tác trong giáo dục đại học trong một thời gian tương đối ngắn, nhưng kết quả rất đáng mừng. Ví dụ, có hơn 200 kỹ sư là công dân Việt Nam đang giữ những vị trí trọng trách tại các công ty công nghệ thông tin ở thung lũng Silicon Trong số đó có nhiều sinh viên được học từ chương trình học bổng VEF mà Bob Kerrey là người giữ vai trò chủ chốt trong việc kiến tạo chương trình. Tôi muốn khẳng định rằng, bộ ba John Kerry, John McCain và Bob Kerrey đã gieo mầm 20 năm trước để ra hoa kết trái hôm nay là FUV. 

Ông Vallely không né tránh vụ thảm sát Thạnh Phong và cho rằng rất dễ hiểu khi có những phán xét về Bob trong vụ thảm sát này. Ông Vallely cho rằng Bob đã phạm sai lầm nghiêm trọng và phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Ông Vallely chậm rãi:

- Sự kiện Thạnh Phong là quá khứ đau buồn của Bob, nhưng tôi thích thái độ ứng xử của Bob với vụ này. Tôi còn nhớ một điều như vừa mới xảy ra hôm qua, khi tôi đến với Bob sau vụ Thạnh Phong bị New York Times phanh phui năm 2001 - Bob nói: “Anh có thể giúp tôi với một điều kiện anh không được bào chữa cho tôi”. 

Tất nhiên chúng tôi không bào chữa cho Bob về vụ Thạnh Phong. Bob biết rằng không thể nào thay đổi những việc ông đã làm trong quá khứ, nhưng ông ấy muốn làm tất cả những gì có thể để giúp xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam. Bob đã trở lại Việt Nam, chúng tôi ủng hộ Bob trở thành Chủ tịch. Vai trò của Bob trong Hội đồng Tín thác là giúp thành lập và phát triển FUV trong các trường đại học ở Mỹ, Hội đồng Tín thác không phải là những người quản lý việc điều hành hằng ngày. Họ là những người cố vấn cho trường, và nhiệm vụ lớn nhất là huy động các nguồn tài trợ cho trường đại học. Tất cả các khoản tiền hiện nay của Đại học FUV là nhờ có sự giúp đỡ của Bob.

Ông Vallely kể về những việc mà Bob Kerrey làm cho giáo dục đại học Việt Nam như vẽ lại con đường quay trở lại Việt Nam đầy ý thức của Bob. Bob Kerrey đã không trốn chạy quá khứ, ông đối diện với nó. Trở lại Việt Nam chẳng khác gì mở toang vết thương cũ gần 50 năm nhưng ông vẫn can đảm trở lại. Và hình như Bob muốn làm lành vết thương đó theo cách của ông, cách mà ông đang làm. Bob đã xin lỗi bằng hành động, không chỉ bằng lời nói, như “món súp cá phải có cá”. Sẽ không độ lượng và công bằng khi không để cho Bob thực hiện một cuộc hành trình đến Việt Nam bằng tất cả tấm chân tình và tinh thần trách nhiệm.

Bắt tay Thomas J.Vallery và cảm ơn về buổi trò chuyện, nhìn thấy nụ cười thân thiện của ông - một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và những nỗ lực của ông trong suốt mấy chục năm qua cho Việt Nam - tôi chợt nghĩ không nên cầm tù suy nghĩ của mình bằng sự nặng nhọc của quá khứ, mà hãy nhìn về phía trước và bước đi, bước đi… 

Ông Thomas J.Vallely là nhà sáng lập Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard. 

Ông tham gia thành lập và phát triển Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua. Trong cuối những năm 80 và đầu những năm 90 ông là một trong những người Mỹ đã có nhiều đóng góp nhất cho quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ông cùng các đồng nghiệp tại Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright và các thành viên của Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam xây dựng Đại học Fulbright Việt Nam.

Lê Thanh Phong (thực hiện)

Theo laodong.com.vn