Chi tiết bài viết

Thành quả 10 năm đổi mới giáo dục Đại học

Giáo dục đại học đã có bước phát triển rõ rệt về quy mô, loại hình trường và đa dạng hình thức đào tạo…
Tân cử nhân Học viện Quản lý giáo dục. Ảnh: NTCC
Tân cử nhân Học viện Quản lý giáo dục. Ảnh: NTCC

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo (Nghị quyết 29), giáo dục đại học đã có bước phát triển rõ rệt về quy mô, loại hình trường và đa dạng hình thức đào tạo…

Những chuyển động tích cực

TS Trịnh Thị Anh Hoa - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam viện dẫn, năm 2013, cả nước có 214 cơ sở giáo dục đại học; trong đó 156 cơ sở công lập (72,9%) và 58 cơ sở tư thục (27,1%). Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, cả nước có 242 trường, tăng khoảng 12,1%; trong đó có 176 cơ sở công lập (72,7%) và 66 cơ sở tư thục (27,3%), trong đó 5 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học được mở rộng, một mặt đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, mặt khác góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, cần tăng cường kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Cùng đó, thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc những vấn đề nóng mà dư luận xã hội quan tâm.

Cùng với tốc độ tăng số lượng trường, TS Trịnh Thị Anh Hoa nhìn nhận, quy mô đào tạo cũng phát triển. Tính đến năm học 2021 - 2022, có hơn triệu 2 sinh viên đại học, tăng khoảng 48% so với năm học 2012 - 2013.

Các cơ sở giáo dục đại học công lập giữ được vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; trong đó quy mô đào tạo công lập chiếm khoảng 80,6%; tư thục chiếm 19,4%.

Ngoài ra, 10 năm qua, quy mô đào tạo sau đại học tăng nhanh. Trung bình mỗi năm tăng 4.310 thạc sĩ và 574 tiến sĩ. Các cơ sở đào tạo sau đại học trong nước đã và đang cung cấp nguồn nhân lực trọng yếu trình độ cao trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống xã hội, giữ vững an ninh và chủ quyền quốc gia.

Phần lớn số tiến sĩ, thạc sĩ đào tạo trong nước là giảng viên, cán bộ nghiên cứu của các cơ sở đào tạo sau đại học và viện nghiên cứu. Số còn lại làm việc trong bộ máy quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành và địa phương. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của đào tạo sau đại học đối với việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Cũng theo TS Trịnh Thị Anh Hoa, 10 năm qua, giáo dục đại học chứng kiến sự đổi mới về chương trình và phương pháp đào tạo. Theo đó, nhiều trường phát triển chương trình đào tạo có sự tham gia của các nhà quản lý, sử dụng lao động; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra theo từng ngành. Qua đó, đào tạo kết hợp với doanh nghiệp được xem là đột phá của nhiều trường trong các hoạt động xây dựng chương trình giảng dạy, thực tập, kiến tập…

Các cơ sở giáo dục đại học đã tích cực, chủ động đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng ứng dụng và thực hành, chú trọng đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội; đồng thời quan tâm hơn đến phát triển các kỹ năng mềm, hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên phát triển năng khiếu và tính sáng tạo, chủ động hòa nhập và chấp nhận cạnh tranh.

Song song với sự gia tăng về quy mô giáo dục, đội ngũ giảng viên cũng được bổ sung. TS Trịnh Thị Anh Hoa viện dẫn, theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến năm học 2021 - 2022, tổng số giảng viên cơ hữu của tất cả các trường đại học, cao đẳng trong cả nước gần 78.200 người, tăng hơn 16 nghìn người so với năm học 2012 - 2013. Số giảng viên có trình độ tiến sĩ hiện chiếm 13,86%. Tỉ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS cũng tăng đều trong 10 năm qua; trong đó GS tăng từ 0,4% lên đến 0,9%; PGS tăng từ 2,8% lên đến 6,5%.

Tân sinh viên nhập học Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường ảnh 1

Tân sinh viên nhập học Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường

Diện mạo mới cho giáo dục đại học

Khẳng định, Nghị quyết 29 đem lại sự tiến bộ đáng kể cho các trường đại học ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Đông Phong – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, điều này không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, mà còn đảm bảo rằng cán bộ, giảng viên, sinh viên có cơ hội tiếp cận kiến thức và kinh nghiệm quốc tế; từ đó phát triển môi trường học tập đa văn hóa và toàn cầu hóa.

Sau khi Nghị quyết được ban hành, các trường đại học ở Việt Nam đã chủ động, nỗ lực hợp tác quốc tế, giao lưu học thuật và đạt tiến bộ đáng kể. Đơn cử như: Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã thiết lập liên kết với hơn 100 trường đại học và viện nghiên cứu từ nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm các đối tác danh tiếng như: Đại học Harvard, Đại học Berkeley (Mỹ); Đại học Melbourne, Đại học Monash (Australia). Các đối tác quốc tế cung cấp cho cơ sở giáo dục này cơ hội tiếp cận kiến thức mới, phương pháp giảng dạy tiên tiến và kinh nghiệm trong quản lý chất lượng giáo dục.

Theo GS.TS Nguyễn Đông Phong, việc hợp tác nghiên cứu quốc tế diễn ra sôi nổi, số lượng dự án nghiên cứu chung và các hoạt động hợp tác nghiên cứu với đối tác quốc tế tăng cao. Các trường đại học ở Việt Nam tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu quốc tế tập trung vào những lĩnh vực chủ đề quan trọng trong y học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ thông tin, và kinh tế.

Sự hợp tác này tạo điều kiện cho giảng viên và nhà nghiên cứu tiếp cận các mạch lưu thông nghiên cứu quốc tế, đồng thời tham gia vào những dự án nghiên cứu quan trọng và công bố bài báo khoa học chất lượng cao.

Ngoài ra, các trường đại học ở Việt Nam đã hợp tác với nhiều trường và đối tác quốc tế để cung cấp cơ hội đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp giảng viên phát triển kỹ năng và kiến thức mới để nâng cao chất lượng giảng dạy. Số lượng giảng viên, viên chức được tham gia các khóa đào tạo quốc tế và các chương trình trao đổi chuyên gia đã tăng lên, giúp nâng cao trình độ chuyên môn và cải thiện khả năng hợp tác quốc tế.

Nhắc đến thành quả nổi bật của giáo dục đại học sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, bà Hoàng Thị Xuân, Viện Giáo dục Kỹ năng và Trí tuệ Sáng tạo, Trường ĐH Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) ghi nhận, tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học thông qua việc triển khai Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014.

Nếu như trước đây chỉ có hai đại học quốc gia được giao quyền tự chủ cao, thì từ năm 2014 đã có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Mô hình quản trị đại học đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong mọi mặt hoạt động.

Cùng với hai đại học quốc gia, hầu hết các trường thí điểm tự chủ đã có bứt phá mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Kể từ khi các trường này được giao tự chủ, số lượng đề tài khoa học đấu thầu thành công, những công bố trong nước, quốc tế tăng; chương trình mở mới nhiều hơn, quy mô đào tạo ổn định, thu nhập giảng viên, người lao động tăng. Chất lượng của đội ngũ giảng viên cũng được nâng lên theo chuẩn quốc tế.

Nếu như trước đây, việc công nhận học hàm giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ không bắt buộc phải có bài báo công bố quốc tế, thì từ năm 2018, quy chế mới đòi hỏi ứng viên phải có công bố quốc tế nằm trong danh mục các tạp chí có uy tín như: ISI hoặc Scopus... Nghiên cứu khoa học của các trường có nhiều chuyển biến rõ rệt, số công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế tăng mạnh. Năm 2019, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam được công bố trên hệ thống ISI/ Scopus là hơn 12.400 bài, đứng thứ 49 trên thế giới, tăng 2,7 lần so với năm 2015.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiên cứu khoa học. Ảnh: NTCC ảnh 2

Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiên cứu khoa học. Ảnh: NTCC

Tạo đột phá cho giáo dục đại học

Khẳng định, giáo dục đại học có tầm quan trọng đặc biệt và là động lực của sự phát triển kinh tế xã hội, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, nền giáo dục đại học của mỗi quốc gia có mối quan hệ nhân quả với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, nên đổi mới giáo dục đại học không thể tách rời yêu cầu của kinh tế - xã hội và theo nhịp của tiến bộ khoa học và công nghệ.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục đại học Việt Nam đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về chất lượng và hiệu quả trong đào tạo ở các trình độ của giáo dục đại học. Việc tuyển sinh và tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục đại học tăng mạnh về quy mô. Chất lượng đào tạo được nâng cao, cơ bản đáp ứng nguồn nhân lực trình độ cao; nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và nhu cầu học tập của người dân; góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước từng bước phát triển bền vững.

Cũng theo ông Dũng, chương trình đào tạo giáo dục đại học đã được chú trọng xây dựng theo hướng đa dạng, mềm dẻo giúp củng cố kiến thức, phát triển năng lực, phẩm chất cho sinh viên, nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định của Khung trình độ Quốc gia và chuẩn chương trình đào tạo. Nhiều năm qua, việc giáo dục chính trị và giáo dục quốc phòng an ninh trong các cơ sở giáo dục đại học phát huy hiệu quả, góp phần giữ ổn định tư tưởng trong toàn khối giáo dục đại học, bảo đảm an ninh, quốc phòng cho đất nước.

Ghi nhận bức tranh giáo dục có nhiều điểm sáng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) đặc biệt ấn tượng với giáo dục đại học ngày càng nâng cao tính hội nhập và quốc tế hóa. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục có thứ hạng cao và tăng bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy, 5 đại diện có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2024 của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS). 9 cơ sở giáo dục đại học vào bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của Times Higher Education (THE); trong đó, tăng 2 cơ sở giáo dục đại học so với năm trước và đông nhất từ trước đến nay.

Dưới tác động của làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà cốt lõi là chuyển đổi số, bà Hà cho rằng, giáo dục đại học cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ. Đây là yếu tố quan trọng nên cần được nghiên cứu, phân tích, nhìn nhận thấu đáo. Trên cơ sở đó, ngành Giáo dục xác định quan điểm, định hướng phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2045.

Mong muốn, ngành Giáo dục thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nhìn nhận, giáo dục đại học đóng vai trò nòng cốt trong thực hiện chiến lược đột phát về phát triển nhân lực. Cùng đó là các giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 29. Đặc biệt, ngành Giáo dục cần thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, đào tạo.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cần rà soát và bảo đảm các điều kiện thực hiện quyền tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình, thực hiện kiện toàn Hội đồng trường theo thời hạn quy định. Mặt khác, phát triển các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo chất lượng cao, tiến tới đạt chuẩn khu vực và thế giới, nhằm thu hút sinh viên có nhu cầu và điều kiện du học ở nước ngoài về học tập trong nước. Ngành Giáo dục cũng cần rà soát, chỉ đạo giải quyết, khắc phục dứt điểm những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực giáo dục đại học.

GS.TS Nguyễn Đông Phong đề xuất, cần tăng cường tính tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học và ý thức việc xây dựng thương hiệu. Cần tính đến giải pháp tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học và tăng % ngân sách cho lĩnh vực này. Nên chăng ban hành nghị quyết riêng về lĩnh vực giáo dục đại học.

Minh Phong

Nguồn: giaoducthoidai.vn