Chi tiết bài viết

Sửa Hiến pháp phải cho dân có ý kiến!

PGS-TS Nguyễn Như Phát (Viện Nhà nước và Pháp luật), nhận định như trên tại Hội thảo “Quy trình, thủ tục, cách thức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992” diễn ra ngày 10.9 tại TP.Hồ Chí Minh.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, sửa đổi Hiến pháp nhất thiết phải để người dân thể hiện chính kiến.

Dân phải được tham gia

Bà Tào Thị Quyên - giảng viên chính (Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng hơn ai hết, chính nhân dân phải được tham gia vào quá trình xây dựng Hiến pháp. Bởi theo bà Quyên sẽ không thể có một bản Hiến pháp dân chủ nếu hoạt động xây dựng Hiến pháp không được tiến hành theo quy trình thực sự dân chủ với các phương thức dân chủ. Lấy ý kiến nhân dân là một trong những phương thức dân chủ rộng rãi nhất trong quy trình xây dựng Hiến pháp.

Còn theo GS-TSKH Đào Trí Úc (Đại học Quốc gia Hà Nội), đối với nhân dân Việt Nam, Hiến pháp trước hết là kết quả của quá trình hình thành chế độ dân chủ XHCN. Vì vậy, tham gia vào quá trình sửa đổi Hiến pháp được coi là quyền đương nhiên của mỗi người dân Việt Nam.

TS Đặng Minh Tuấn (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn chứng từ Nam Phi cho rằng: Trong giai đoạn một năm, việc tổ chức lấy ý kiến công chúng về các vấn đề Hiến pháp đều được đất nước này thực hiện. Hội đồng sửa đổi Hiến pháp đã đưa ra bản dự thảo Hiến pháp với khoảng 4,5 triệu bản, rồi phân phát cho người dân đóng góp với các điều khoản giải thích. Sau đó, 250.000 bản đóng góp ý kiến về dự thảo Hiến pháp đã được tiếp nhận và được biên tập thành các báo cáo chuyên đề gửi cho hội đồng. Ở giai đoạn cuối cùng, bản dự thảo đã được sửa đổi và sau đó được hội đồng bỏ phiếu thông qua.

Cần tham vấn toàn dân

Theo GS-TSKH Đào Trí Úc, thảo luận toàn dân là cách thức dân chủ, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân có thể tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Qua đó, người dân có thể thể hiện các quan điểm, chính kiến của mình đối với từng điều khoản cụ thể của Hiến pháp. Từ đó, người dân cảm nhận được vai trò của mình, sự gắn bó của mình với các vấn đề quốc gia, đại sự…

Theo GS-TS Trần Ngọc Đường - Chuyên gia cao cấp của Quốc hội, cơ quan lấy ý kiến nhân dân nên soạn thảo các nội dung cần lấy ý kiến đăng tải trên trang web, ghi rõ địa chỉ hoặc cách thức gửi thư hoặc bày tỏ ý kiến qua trang web này hay gửi thư qua bưu điện. Nhìn ở góc độ khác, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận định rằng đương nhiên phải nghe ý kiến nhân dân nhưng không thể “nghe” hết 90 triệu dân. Vì vậy, cần phải lấy ý kiến thông qua các cơ quan đại diện của dân như HĐND, Mặt trận Tổ quốc…

Kết luận hội thảo, TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng hơn ai hết, chính nhân dân phải được tham gia vào quá trình xây dựng Hiến pháp. Bởi vì nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, là chủ thể của quyền lập hiến và lập pháp. Thông qua việc góp ý, nhân dân trao quyền, ủy quyền thực hiện quyền lực của mình cho các cơ quan nhà nước. Vì vậy, phải làm sao để cuộc tham vấn toàn dân này trở thành một đợt sinh hoạt chính trị của toàn dân để lắng nghe ý kiến, tâm nguyện, mong muốn của nhân dân và biến những nguyện vọng thiêng liêng ấy thành kết tinh ý chí và trí tuệ của toàn thể nhân dân.

theo danviet.vn