Chi tiết bài viết

Sửa hiến pháp 1992: Lấy ý kiến nhân dân từ 4-6 tháng

Kết thúc Hội thảo “Quy trình, thủ tục, cách thức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992” vào hôm qua 11.9, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết: Kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới, Ban soạn thảo sẽ có tờ trình Quốc hội đề nghị ban hành nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp 1992.

Cạnh đó, thời gian lấy ý kiến nhân dân có thể sẽ kéo dài từ 4-6 tháng chứ không phải 2 tháng như kế hoạch ban đầu”. GS-TS Trần Ngọc Đường - chuyên gia cao cấp của Quốc hội, cho rằng theo thông lệ, các lần sửa đổi Hiến pháp của nước ta đều phải tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân cả nước như là một khâu bắt buộc trước khi Quốc hội xem xét thông qua với đa số tuyệt đối.

Việc lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Hiến pháp lần này, cần phải tiến hành dựa trên một văn bản pháp lý dưới dạng là một nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó quy định các nguyên tắc, các hình thức, các bước tiến hành và đặc biệt là bước tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân sao cho đầy đủ, có hiệu quả.

Theo GS Đường, sở dĩ việc lấy ý kiến của nhân dân đối với Hiến pháp sửa đổi phải dựa trên một nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là để tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho nhân dân được nói, được đóng góp, được bàn bạc về những nội dung của Hiến pháp một cách dân chủ và tự do bày tỏ chính kiến, đặc biệt là những vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội, những vấn đề về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân...

Đồng thời đó còn là cơ sở pháp lý bắt buộc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là Quốc hội phải xem xét tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân trước khi thông qua. Việc này sẽ tạo điều kiện cho nhân dân tin tưởng rằng những ý kiến đóng góp của mình được các cơ quan nhà nước nghiên cứu, tiếp thu.

GS Đường cũng không nhất trí với kế hoạch đề ra là chỉ lấy ý kiến nhân dân trong vỏn vẹn 2 tháng, từ tháng 2-4.2013. “Bởi, hiện nay dân trí đã cao hơn trước rất nhiều, do đó phải lấy ý kiến nhân dân ít nhất 4 tháng, hoặc thậm chí là 6 tháng và phải làm cho đàng hoàng, thực chất thì mới toàn diện, đầy đủ” – GS Đường kiến nghị.

TS Đinh Xuân Thảo cho rằng, Hiến pháp là đạo luật cao nhất nên không thể nào lấy ý kiến giống như các luật khác mà cần phải lấy ý kiến kéo dài hơn. Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều vì dự kiến cuối năm 2013, Quốc hội đã phải thông qua Hiến pháp mới và kéo theo đó Quốc hội sẽ ban hành luật mới về tổ chức nhà nước, Quốc hội… nên vấn đề này Ban soạn thảo sẽ xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, trước khi lấy ý kiến nhân dân sẽ công bố toàn văn và hướng dẫn, giải thích, tuyên truyền cho nhân dân hiểu cặn kẽ để lấy ý kiến một cách thực chất, tuyệt đối không làm cho có, chiếu lệ, qua loa”.

theo danviet.vn