Chi tiết bài viết
Sửa đổi Hiến pháp 1992: Phải kiểm soát quyền lực nhà nước?
GS TSKH Phan Xuân Sơn – Phó Viện trưởng Viện Chính trị học (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) trao đổi với PV NTNN về việc sửa đổi Hiến pháp 1992.
Vừa qua, nhiều ý kiến đề xuất, “lần sửa đổi Hiến pháp kỳ này phải giải mã rất rạch ròi 3 quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp”! Ông có thể lý giải ngắn gọn về đề xuất này?
Đại biểu Tô Văn Tám tham gia ý kiến về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. |
- Đây là một câu chuyện dài và không đơn giản. Trong bất kỳ một tổ chức nào, để đảm bảo cho tổ chức đó hoạt động được bao giờ cũng phải thực hiện 3 loại hoạt động chung: Một là ra quyết định, hai là thực hiện các quyết định, ba là xét xử những ai vi phạm các quyết định.
Tách riêng 3 loại hoạt động này và trao cho 3 cơ quan, chúng ta thấy sẽ có 3 cơ quan quyền lực, là cơ quan lập pháp (theo nghĩa ban đầu là ra quyết định); cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Cách tổ chức bộ máy nhà nước như trên gọi là “phân lập các quyền” (hay còn gọi là phân quyền “cứng”).
Cách này thường thấy ở các nước Cộng hòa tổng thống như Mỹ, Philippines, Indonesia… Cách thứ hai là nhà nước được tổ chức thành 3 cơ quan quyền lực, nhưng lập pháp và hành pháp chỉ độc lập tương đối và đều nằm trong tay đảng chiếm đa số hoặc liên minh đa số trong nghị viện. Riêng tư pháp thì độc lập hoàn toàn...
Cách thứ ba là 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp được tổ chức thành một cơ quan, gọi là “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan đại diện cao nhất của toàn dân”. Cơ quan này sẽ phân công các bộ phận trong cơ quan quyền lực cao nhất (Quốc hội hoặc Xôviết tối cao) thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp với tư cách là các cơ quan chấp hành của Quốc hội (hay Xôviết).
Việt Nam ta đang áp dụng mô hình này, gọi là mô hình “Tập quyền XHCN”. Cũng như bất kỳ mô hình nào khác, mô hình này cũng có ưu điểm, nhược điểm riêng. Đó là sự trùng lặp nhân sự, thiếu rạch ròi về quyền hạn và trách nhiệm, chồng chéo chức năng, thiếu chuyên nghiệp, nguy cơ lạm quyền và nhược quyền cao…
Để khắc phục những nhược điểm trên đây, ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cho rằng nên “giải mã rạch ròi” là muốn nói cần đổi mới cách tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta. Nhưng đổi mới như thế nào là điều rất cần bàn...
Ông Phan Xuân Sơn
Phải chăng, đổi mới ở đây chính là phải đặt ra vấn đề có sự “kiểm soát” các cơ quan quyền lực nhà nước vì bản Hiến pháp 1992 sửa đổi chỉ dừng lại ở yêu cầu có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan quyền lực?
- Vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước không chỉ có ý nghĩa ở chỗ chủ thể quyền lực nhà nước kiểm soát quyền lực của mình đã ủy thác nó cho Nhà nước, mà ý nghĩa lớn lao hơn ở chỗ, nhân dân chỉ có thể tin tưởng vào Nhà nước, tự nguyện tuân thủ sự quản lý của Nhà nước như là tuân thủ ý chí chung, khi họ kiểm soát được cơ quan nhà nước và công chức nhà nước. Nhân dân sẽ thấy rằng họ đã không mạo hiểm và phí phạm lòng tin khi trao quyền cho các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH của Đảng (sửa đổi bổ sung năm 2011) đã bổ sung nội dung “kiểm soát quyền lực” trong tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước phải được kiểm soát, mà trước hết là kiểm soát ngay từ bên trong Nhà nước, ngay trong quá trình tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước, sau đó là sự kiểm soát của nhân dân bằng các hình thức giám sát, phản biện xã hội khác nhau.
Hiến pháp 1992 nói rằng, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, duy nhất lập hiến, lập pháp. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng một nội dung cần sửa đổi lần này là phải làm rõ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân được quyền phúc quyết Hiến pháp?
- Về mặt logic, “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” không mâu thuẫn với “chủ quyền nhà nước thuộc về nhân dân”. Nhân dân là người có chủ quyền nhà nước và chủ quyền này là tối thượng. Nhưng nhân dân không thể tự mình thực thi mọi quyền lực nhà nước, mà phải ủy quyền cho các cơ quan quyền lực thay mặt mình đề thực hiện chủ quyền nhà nước.
Quốc hội nước ta là một cơ quan được ủy quyền để trở thành một cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Với tư cách là người đại diện cao nhất của nhân dân, Quốc hội “ghi lại ý chí của nhân dân và công bố thành những đạo luật”...
Về chức năng lập hiến, Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 không quy định chức năng này của Quốc hội. Nhưng Quốc hội có quyền (mà không quy định là duy nhất) làm và sửa đổi Hiến pháp theo một thể thức nhất định. Hiến pháp 1946 còn quy định những điều sửa đổi của Hiến pháp, sau khi Nghị viện (Quốc hội) thông qua, phải được nhân dân phúc quyết.
Từ Hiến pháp 1980 đến Hiến pháp 1992 quy định Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến (Điều 82 Hiến pháp 1980, Điều 83 Hiến pháp 1992) và không quy định phải được nhân dân phúc quyết. So với Hiến pháp 1946, đây là một bước lùi.
Để đảm bảo nguyên tắc chủ quyền nhân dân, để Hiến pháp thực sự là một “Khế ước” giữa nhân dân và các cơ quan đại diện của nhân dân, là nền tảng cho một nhà nước dân chủ, pháp quyền, nhân dân phải là một bên “làm ra” Hiến pháp (với các cách thức khác nhau) và phải phúc quyết Hiến pháp.
Xin cảm ơn ông!
theo danviet.vn