Chi tiết bài viết

Sẵn sàng trước thách thức

Liên quan đến giáo dục con người chưa bao giờ là hành trình dễ dàng, mà đòi hỏi tâm thế luôn sẵn sàng nhập cuộc trước bối cảnh mới, thách thức mới. Với cách đặt vấn đề như vậy, tọa đàm “Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội với việc đổi mới giáo dục phổ thông” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 29.10 mang tới cái nhìn tổng quan về quá trình thực hiện, bài học kinh nghiệm cũng như hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông lần này.
 

Đáp ứng yêu cầu bức thiết

Những năm trước, dư luận xã hội, nhân dân, cử tri, phụ huynh rất băn khoăn, lo lắng, có nhiều ý kiến phản ánh về yêu cầu cấp thiết phải đổi mới giáo dục. Giáo dục không đáp ứng yêu cầu mới. Chương trình bị đánh giá nặng nề, lạc hậu, thiên về dạy kiến thức, ít chú trọng kỹ năng, truyền tải kiến thức một chiều... Chúng ta gặp hình ảnh như 'cân cặp' của học sinh, chúng ta nghe nhiều câu chuyện về sự bất cập trong giáo dục...” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phạm Tất Thắng chỉ ra thực trạng dẫn đến sự ra đời của Nghị quyết 88. Ông phân tích, bấy giờ giáo dục phổ thông vẫn thực hiện theo Luật Giáo dục cũ, chưa phản ánh tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Vì vậy, Quốc hội đã tiến hành giám sát tổng thể về giáo dục phổ thông, từ đó ban hành Nghị quyết 88.

6 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều hoạt động để hiện thực hóa mục tiêu trong Nghị quyết 88, chuyển đổi cơ bản phương thức giáo dục từ nặng về dạy kiến thức sang phát triển năng lực của học sinh, từ dạy chữ sang dạy người, nhằm phát triển học sinh toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ dẫn chứng về việc biên soạn sách giáo khoa, nếu như trước đây sách giáo khoa được coi là “pháp lệnh”, thì bây giờ có nhiều sách giáo khoa để triển khai một chương trình. Như vậy cách tiếp cận đã rất khác.

“Việc thực hiện Nghị quyết 88 với việc đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thức đây là một nhiệm vụ quan trọng. Toàn ngành xác định đổi mới phải từ việc xây dựng nhà trường, đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới cách đánh giá và công tác quản lý theo hướng từ quản lý sang quản trị để giúp nhà trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo bảo đảm chất lượng”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Toàn cảnh tọa đàm “Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội với việc đổi mới giáo dục phổ thông”  

Ảnh: Duy Thông 

Tích của ba thừa số”

Đổi mới từ Trung ương lan tỏa tới địa phương, nhà trường, thấm vào từng giáo viên. Cô Đinh Duyên Thịnh, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Victoria Thăng Long, Thanh Oai, Hà Nội, cho rằng, đổi mới chương trình, sách giáo khoa là cơ hội tốt để giáo viên đổi mới mình. “Nghiên cứu sách hướng dẫn cho giáo viên chúng tôi nhận thấy tính kế thừa chương trình cũ, nhưng tích hợp nhiều yếu tố phù hợp với yêu cầu đào tạo thế hệ công dân mới. Đó là việc tuân thủ ba nguyên tắc: Huy động hiểu biết vốn có của học sinh; dạy học qua các trò chơi; có sự tương tác nhiều chiều giữa học sinh và giáo viên để các em được sống trong mỗi bài học. Kết quả là học trò yêu việc học, ý thức, nền nếp hơn”.

Đổi mới là cơ hội, cũng là thách thức liên quan đến đội ngũ giáo viên. Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Xuân Thành cho biết, muốn phát triển học sinh năng lực nào thì phải tổ chức cho học sinh những hoạt động tương ứng. Thay vì giảng cho học sinh nghe thì phải tổ chức cho học sinh làm. Vấn đề là bồi dưỡng để giáo viên vận dụng đúng phương pháp. “Vì vậy, chúng tôi đổi mới phương thức tổ chức bồi dưỡng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên cốt cán, từ đó lan tỏa trở về địa phương”.

Nhưng vấn đề không chỉ bồi dưỡng, đào tạo, mà còn tạo tâm thế sẵn sàng trước đổi mới. Từ thực tế Trường Tiểu học Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng Đào Chí Minh nhận định, giáo viên có tác động then chốt đến chất lượng đổi mới giáo dục, muốn họ thay đổi thì phải cho họ tâm thế sẵn sàng. Có điều, một bộ phận không nhỏ giáo viên còn e ngại tiếp cận cái mới. “Tôi rất tâm đắc với câu nói này: Năng suất lao động nói chung, năng suất sư phạm nói riêng là tích của 3 thừa số: Biết làm, tạo điều kiện để làm và tạo động lực để làm. Sẵn sàng cho đổi mới là chấp nhận hành trình gian nan, thách thức, vướng đâu gỡ đó”.

Nhận thức đúng, triển khai đồng bộ

Gian nan, thách thức của đổi mới giáo dục ở chỗ đó không phải hành trình ngày một ngày hai, và phụ thuộc vào nhiều đối tượng, từ nhà quản lý, nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh... Qua giám sát của Ủy ban hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về việc triển khai Nghị quyết 88, Ủy viên Thường trực Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa nhìn ra 4 ghi nhận bước đầu của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Thứ nhất, công tác triển khai, chỉ đạo của ngành xuống từng địa phương rõ ràng, bài bản; Thứ hai, tinh thần nhập cuộc một cách tích cực của các địa phương; Thứ ba, về cơ bản các địa phương đã lựa chọn được đội ngũ có năng lực để bảo đảm thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học đầu tiên; Thứ tư là triển khai tập huấn song song trực tiếp và trực tuyến. “Qua giám sát, bước đầu cho thấy việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới không khó. Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra một số vấn đề về đội ngũ và cơ sở vật chất...". 

Giáo dục phổ thông tác động trực tiếp đến khoảng 1/4 dân số đất nước, nên việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới giáo dục phải tiếp tục triển khai, hoàn thiện. Thách thức, khó khăn thời gian qua là cách để nhìn nhận, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Hàng loạt vấn đề đặt ra cũng đòi hỏi sự tập trung nguồn lực cần thiết tạo ra điều kiện tối thiểu cho cuộc đổi mới này.

“Phải tập trung đủ nguồn lực cần thiết, cũng như có nhận thức đúng và triển khai bài bản, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 88 trên phạm vi tất cả các địa phương. Có như vậy Nghị quyết 88 mới bảo đảm thực hiện thành công, đem lại hiệu quả như mong muốn”, Phó Chủ nhiệm Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.

Thái Minh

Nguồn: daibieunhandan.vn