Chi tiết bài viết
Sách "VĂN MINH VIỆT MỘT SỰ THẬT LỊCH SỬ " T8.2017 ( PHẦN III)
Giải nghĩa sự tích ở đây, một số học giả nói rằng Vua Bà là Trưng Nữ Vương, còn tướng Hiển Hiệu có họ là Đào, nguyên là em họ của Bắc Bình Vương Đào Kỳ lĩnh chức Đại Tư Mã thời Hai Bà Trưng. Còn tướng Đào Hiển Hiệu được phong chức Hổ nha Tướng quân dưới trướng của Nữ Tướng Phật Nguyệt - Tả tướng thuỷ quân. Bà khởi nghĩa ở Thanh Ba, Phú Thọ. Được Trưng Vương phong là Phật Nguyệt công chúa giữ chức Thao Giang Thượng tả tướng thuỷ quân, Chinh Bắc Đại Tướng quân, Tổng trấn khu Hồ Động đình - Trường Sa. Bà được ghi vào dã sử Việt Nam và chính sử Trung Quốc. Hiện di tích về Hai Bà Trưng ở Trung Quốc còn rất nhiều: Tại chùa Kiến Quốc thuộc Trường Sa, tại ngôi chùa trên núi Thiên Đài trong ngọn núi Ngũ Lĩnh. Trung Quốc gọi bà là Nữ Vương Phật Nguyệt, tài kiêm văn võ, được Trưng Vương phong là Thánh Thiên Công chúa, giữ chức Bình Bắc Đại Tướng quân, thống lĩnh binh mã trấn thủ vùng Nam Hải. Bà là một trong những nữ tướng đón đánh quân Đông Hán ngay ở biên ải phía Bắc nước ta lúc đó. ( Buổi ban đầu, Bà khởi nghĩa ở Yên Dũng, ngày nay vẫn còn có đền thờ Bà ở Ngọc Lâm, Yên Dũng, Bắc Ninh). Còn có một Nữ tướng có tên là Hoàng Thiều Hoa – Tả tướng Chinh Bắc Tướng quân lĩnh đạo Tiền quân trấn giữ Trường Sa và Hồ Động đình. Bình Bắc Đại tướng quân Phật Nguyệt đã sai Hiển Hiệu lĩnh đạo hậu quân từ Trường Sa rút về Nam đã đóng lại ở Thiên Đài. Nhưng khi Hiển Hiệu cùng quân sỹ lên núi thấy di tích thờ Quốc Tổ Kinh Dương Vương, Quốc Mẫu Thái Hoàng Hậu, đã không chịu lui quân, tất cả đã ở lại tử chiến, khiến quân Đông Hán chết mấy nghìn quân do tên bắn, đá lăn, cuối cùng là cuộc tử chiến bằng gươm đao làm quân Lạc Việt chết hết thì quân Đông Hán mới đi qua được nơi này.
Bản đồ núi Ngũ Lĩnh ( Nam Lĩnh) chạy dài từ Tây sang Đông chia địa giới nước Việt Thường – Lạc Việt thời cổ đại với Trung Hoa ở phía bắc sông Dương Tử (Trường Giang).
|
Ngày nay, ngoài cổng chùa có hai đôi câu đối :
Thoát thân Nam thành xưng sư tổ,
Thọ pháp Tây thiên diễn Phật kinh.
Hai câu này ca tụng công đức Thái-tử Tất Đạt Đa bỏ Nam thành đi tìm Đạo mà thành Phật.
Lại có đôi câu đối là:
Tam bảo linh ứng, phong điều vũ thuận,
Phật công hiển hách quốc thái an dân.
Nghĩa là:
“ Báu vật của Trời khiến mưa thuận gió hòa,
Phật lực linh thiêng nước thịnh mà dân yên”.
Nơi lưu di tích của Thiên Đài do vua Đế Minh lập đàn tế Trời, nay vẫn còn đôi câu đối khắc vào đá :
Thiên-đài đại đại phân Nam, Bắc.
Lĩnh địa niên niên giữ Việt-thường.
Nghĩa là:
“Thiên đài đời đời phân chia Nam – Bắc. Đất ngàn năm của Việt Thường”
Bên ngoài là miếu thờ của Đào Hiển Hiệu là một vị tướng của Hai Bà Trưng cùng một nghìn quân sỹ đã quyết tử tại ải hiểm yếu độc đạo tại Bắc núi Ngũ Lĩnh để ghìm chân đại quân Mã Viện do Lưu Long làm Phó tướng, tại đây vẫn còn đôi câu đối khắc trên đá:
Nhất kiếm Nam hồ kinh Vũ-đế,
Thiên đao Bắc lĩnh trấn Lưu Long.
Nghĩa là :
“Một kiếm đánh trận ở phía Nam hồ Động đình làm kinh sợ vua Vũ đế
(Ý nhắc đến sự kiện nữ tướng Phật Nguyệt của Hai Bà Trưng đón đánh Mã Viện ở phía Nam hồ Động-đình. Vũ đế là Hán Quang Vũ nhà Đông Hán).
Một nghìn tay đao Bắc Lĩnh giữ Lưu Long.
( nói về Hiển Hiệu tướng của Hai Bà Trưng trấn giữ ở Bắc núi Ngũ lĩnh ghìm chân Lưu Long là Phó tướng của Mã Viện tiến quân sang đánh Hai Bà Trưng).
Hết phần lược trích.
Năm 1435, (niên hiệu Thiệu Bình năm thứ hai) khi Nguyễn Trãi soạn Dư Địa chí (Quốc thư bảo huấn đại toàn ) dâng lên vua, ông chép: “HẢI CẬP VÂN, LINH DUY, THUẬN HÓA ( Hải , Nam Hải dã. Ải, sơn dã. Linh, thủy danh. Thuận Hóa, cổ Việt Thường thị Bộ…)Dịch nghĩa : BỂ CÙNG NÚI VÂN, SÔNG LINH LÀ Ở THUẬN HÓA- Bể là bể Nam Hải. Vân là Ải Sơn. Linh là tên sông. Thuận Hóa xưa là Bộ Việt thường. Họ Lý nói: Thuận Hóa là châu Bắc Cảnh của ta. Sau thời nội thuộc, tên Hoàn Ngọc nước Chiêm Thành thường quấy nhiễu chiếm hết phía nam. Triều Lý, triều Trần, vua thân chinh đánh Chiêm, thường bắt được vua. Người Chiêm phải đem ba châu Tư Ma, Minh Linh, Bố Chính chuộc tội. Vua ta đặt làm châu Thuận và châu Hóa, sau hợp làm một Thuận Hóa…” ( Ức Trai Tập, tập hạ, sđd, tr 786-788).Qua đó ta thấy Dư Địa chí ghi Linh Giang thuộc xứ Thuận Hóa, mà bấy giờ gồm 2 châu: châu Thuận và châu Hóa; ngày nay thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và một phần Quảng Nam.
Sách Tư trị Thông giám (資 治 通 鑒 / 资 治 通 鉴. Wade-Giles: Tzuchih T'ungchien) gồm 294 thiên, có hơn 3 triệu chữ của Tư Mã Quang (1019–1086), tự Quân Thật 君實, hiệuVu Tẩu 迂叟, là một Nhà Sử - Học giả lớn của Trung Quốc học, Thừa tướng thời nhà Tống) có viết chuyện người nước Việt Thường dâng chim trĩ cho nhà Chu. Ed. Chavannes nghiên cứu về Việt Chương, Việt Thường đã khẳng định Việt Thường ở đất châu Dương, đây vẫn là một chỉ dấu địa lý chưa thật xác định vì “Đất” Kinh – Dương là một vùng lãnh thổ vô cùng rộng lớn từ nam sông Dương Tử gồm từ Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam,… Trung quốc ngày nay. Sử ký Tư Mã Thiên viết: “Đất Cú Ðàn (nay thuộc Giang Lăng), đất Ngạc (nay thuộc Vũ Xương) và đất Việt Chương (?) là những nơi vua Sở phong vương cấp đất cho các con, đều ở miền Sở Man là đất sau thuộc châu Kinh và châu Dương. Đất Cú Ðàn và đất Ngạc là thuộc đất châu Kinh (Sở) thì đất Việt Chương cũng thuộc đất châu Dương hay còn gọi là Dương Việt (Man)”. Nước Sở quốc (楚 國), còn được gọi Kinh Sở ( Srikrung, chữ Hán: 荆 楚) là một nước có vị trị lãnh thổ giữa sông Hoàng Hà và sông Dương Tử. Lập quốc năm 1030 Tr.CN có vua là Sở Dục Hùng, đến năm 223 Tr.CN bị Nhà Tần diệt. Sau khi chư hầu nổi dậy chống Nhà Tần có lập một người thuộc tôn thất lên làm Sở Hùng Tâm (Nghĩa Đế) sau bị Hạng Vũ ( Hạng Tịch ) giết năm 208 Tr.CN. Vũ tự lập làm vua xưng là Tây Sở Bá Vương sau bị Nhà Hán đánh bại trong đại chiến Cai Hạ, Hạng Vũ tự đâm cổ chết bên bờ sông Ô Giang năm 202 Tr.CN, theo các thư tịch cổ, nay đối chiếu phân tích thư tịch cổ về đất của Người Việt thì Hạng Vũ (Hạng Tịch) có thể cũng là Người Việt.
史 記-司 馬 遷 我 蛮 夷 也 不 与 中 国 之 号 谥- “Hùng Cừ nói: Ta là dân man di, không cùng hiệu, thụy của Trung quốc”. Hùng Dịch (~1006 Tr.CN) là vua lập ra nước Sở, Hùng Cừ (~877 Tr.CN) là vua Sở về sau. Sở Man là tên nhà Thương - cũng là người Việt, Chu gọi dân Kinh Sở bản địa, Man tức là Man Việt, tên tộc Việt thời nhà Thương.
Chữ Sở quốc trên triện văn, năm 510 Tr.CN Chữ khắc trên di vật khảo cổ Sở có cùng một kiểu chữ với chữ Việt cổ tìm được ở Cảm Tang |
Thời hùng mạnh nhất của Sở là triều đại Sở Uy vương. Dưới thời đại của mình, Sở Uy vương mở rộng thế lực đến tận nước Ba, thôn tính nước Việt ở phía đông, đại thắng quân Tề ở Từ Châu. Sử ký Tư Mã Thiên viết như sau:"Sở là nước mạnh trong thiên hạ, ở phía tây có quận Kiềm Trung, quận Vu, phía đông có đất Hạ Châu, Hải Dương, phía nam có hồ Động Đình, quận Thương Ngô, phía bắc có cửa ải Hinh, đất Tuần Dương. Đất đai rộng hơn năm nghìn dặm, tướng sĩ mặc áo giáp trăm vạn người, xe nghìn cỗ, ngựa vạn con, thóc gạo đủ chi dùng mười năm. Đó là cái vốn để làm Bá làm Vương". Thời Tây Chu, vua nước Sở là Hùng Cừ phong cho con trai út của mình là Chấp Tì (執 疵) đất Việt Chương (越 章). Có một hiện tượng Sử học là các vua Sở đều có chữ Hùng, hiện chưa có lý giải một cách thuyết phục về 50 đời Vua Sở đều có chữ Hùng, lãnh thổ nước Sở lại tiếp giáp với đất Việt cổ. Vậy Hùng của vua Sở có liên quan gì tới Hùng Vương của Lạc Việt có Quốc hiệu Văn Lang? |
Sách Lĩnh Nam chích quái thời Trần, trong Truyện Rùa vàng viết:“滅 文 郎 國,改 號 甌 貉 國 而 王 之。築 城 於 越 裳 之 地 – Nghĩa là: Diệt Văn Lang quốc, cải hiệu Âu Lạc quốc nhi vương chi. Trúc thành ư Việt Thường chi địa”. Người Giao Chỉ có quan hệ với người Lạc Việt là Tổ tiên của chúng ta thì ý kiến của Đào Duy Anh phân tích trong Lịch sử cổ đại Việt Nam là rất đáng lưu ý. Như vậy địa danh Việt Thường, sau là Văn Lang, nay di tích thành Cổ Loa của An Dương Vương ở Đông Anh, Hà Nội. Trong truyền thuyết, trong sử sách và thực tế di tích thành Cổ Loa của An Dương vương, truyền thuyết về Mỵ Châu – Trọng Thủy đều rõ là đất cổ của Người Việt.
Vị trí của Nước Việt Thường, bài Tổng tự của Lê Tắc ghi rằng: “Nam Giao đời xưa, nhà Chu gọi là Việt Thường, nhà Tần gọi là Tượng quận, nhà Hán đặt làm ba quận: Giao Châu, Cửu Chân và Nhật Nam. Nhà Đường lại cải Giao Châu làm An Nam phủ, quận Cửu Chân làm Ái Châu, quận Nhật Nam làm Hoan Châu”, theo đó, Việt Thường là lãnh thổ một quốc gia sau được chia làm nhiều quận.
Về vị trí đất Việt Thường là ở phía Nam xứ Giao chỉ, An Dương Vương xây thành Cổ Loa ở đất Việt Thường (Việt Sử lược, Đại Việt Sử ký Toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục). Vậy Việt Thường là quốc hiệu xưa nhất của nước ta, có trước quốc hiệu Văn Lang và Âu Lạc. Sử sách còn ghi rõ:"Vua của Việt Thường gọi là Lạc Vương". Theo sử sách có ba tên gọi cho Vua của Người Lạc Việt là Lạc Vương, Hùng Vương, Đối Vương. Có nhiều ý kiến cho rằng ba tên gọi này là một, chính là Lạc Vương, các tên khác về sau chép nhầm chữ Lạc 雒 của Hán ngữ mà thành. Theo Giáo sư Vũ Thế Ngọc, chữ "Lạc" trong Lạc Việt bắt nguồn từ lak hay nak nghĩa là Nước trong tiếng Việt cổ nay vẫn còn ở một số dân tộc Mường, Tày. Cũng theo lập luận của ông, chữ "Lạc" và chữ "Hùng" trong "Hùng Vương" thực ra chỉ là hai phiên âm Hán của cùng một khái niệm Việt: "Lạc điền" là ruộng nước, dân Lạc Việt là dân biết trồng lúa nước sớm nhất trên thế giới, "Lạc tướng" là các tướng của dân Lạc Việt, nhưng khi phiên âm lại bằng tiếng Hán, chữ "Hùng" có ý nghĩa mạnh và đẹp hơn, nên Lạc Vương (vua của người Lạc Việt) được đổi thành Hùng Vương. Khảo chứng trong thư tịch cổ Trung Hoa thì Giao Châu ngoại vực ký là cổ nhất, ít nhất là trước đời Ngụy Tấn Thế kỷ thứ 3 sau CN, “Nam Việt Chí” soạn sau thời Bắc Ngụy, còn “Việt sử lược” có lẽ soạn thời Hồng Vũ năm 1358 sau CN, đời Nhà Minh. Vua của nước Lạc Việt ghi là Lạc Vương 雒 王, sau đọc Việt Sử lược, Nam Việt chí lại ghi là Đối Vương 碓 王, Hùng Vương 雄 王. Một số học giả Trung Hoa và Quốc tế ngờ rằng ba chữ 碓, 雄, 雒 - bộ thủ “Chuy” 隹 nguyên chỉ là chữ 雒 (Lạc) do mấy trăm năm sau sao chép nhầm phần các chữ ghép từ chữ Các 各 thành chữ Thạch 石 hay chữ Quăng 厷 mà ra.
Còn có cách lý giải về truyền thuyết tên gọi Hùng Vương là triều đại các Vua Hùng nước Sở, hai là Lạc Vương là Vua của Người Lạc Việt. Như vậy Hùng Vương không chỉ là truyền thuyết của Việt Nam, mà còn được ghi trong cổ sử Trung Hoa. Theo sách thư tịch và cổ sử, các tộc người Việt cổ còn gọi là Bách Việt định cư tại một vùng rộng lớn từ phía nam sông Trường Giang của Trung Quốc ngày nay đến vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã xuống tận nam Trung bộ Việt Nam. Kinh Dịch viết: “Phục Hy thị một, Thần Nông thị xuất”. Đại Việ Sử ký Toàn thư ghi rằng: “ Nhâm Tuất, năm thứ 1. Đầu là cháu ba đời của Viêm Đế Thần Nông thị là Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Rồi Đế Minh đi tuần Phương Nam lấy con gái Vụ tiên mà sinh ra vua Kinh Dương”.
Trong truyền thuyết có việc Vua Đế Minh đi tuần thú phương Nam có lập đàn tế Trời – Đất. Trước đây chúng ta đều cho đây là truyền thuyết. Ngày nay, báo cáo kết quả khảo cổ học tháng 1/2012 của Hội khoa học lịch sử Quảng Tây khảo sát chữ Việt cổ ở đàn tế của người Lạc Việt tại di tích Thiên Đài do Vua Đế Minh lập trên núi Đại Minh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Xét về niên biểu lịch sử của người Lạc Việt là đúng năm Nhâm Tuất, cách ngày nay 4,879. năm. Đàn tế này của Người Lạc Việt nay vẫn còn gọi là Thiên đài.
Như vậy, chúng ta thấy rằng Việt Thường là một tên gọi, một quốc hiệu rất cổ của Dân tộc Việt Nam rất cần nghiên cứu sâu hơn nữa trong Lịch sử hình thành Nhà nước Việt cổ đại để viết lại Chính Sử Việt đúng với hiện thực các bằng chứng khoa học đã được phát hiện và công bố trên Thế giới. Sách Lã thị Xuân Thu (291Tr.CN – 235 Tr.CN) sớm nhất thì có chép” Việt Lạc- 越 骆”. Việt Lạc có thể chính là nước Lạc Việt ghi trong sử sách. Hiện chưa rõ chữ Việt Lạc là cách ghi âm từ tiếng Việt cổ hay sau này các Nhà biên soạn sử học ghi theo Pháp – Việt?, chữ Lạc Việt là viết theo ngữ pháp Hán – Việt. Sách ghi như sau: 吕 氏 春 秋·孝 行 览·本 味 篇》:“和 之 美 者:阳 朴 之 姜,招 摇 之 桂,越 骆 之 菌。”高 诱 注:“越 骆,国 名。菌,竹 笋. “Lã thị Xuân Thu-Hiếu hạnh lãm, bản vị thiên:“Những thứ hoàn mỹ là gừng Dương Phác, quế Chiêu Diêu, Khuẩn (Măng) Việt Lạc” Cao Dụ chú giải:” Việt Lạc là tên nước, Khuẩn là măng tre”.
Từ thế kỷ III sau CN, sách Thủy kinh chuyên khảo về sông ngòi ở các vùng đất nay thuộc Đông Á có đoạn: “Xét Tấn thư Địa đạo chí có huyện Cửu Đức, Giao Châu ngoại vực ký nói: huyện Cửu Đức thuộc quận Cửu Chân, phía nam tiếp giáp với quận Nhật Nam. Người mang tên là Lô Dư ở đất này. Dư chết, con là Bảo Cường thay, cháu là Đảng, phục tòng sự giáo hóa của nước Ngô. Ngô đặt làm quận Cửu Đức, lại đem huyện ấy lệ thuộc vào quận”. Sách Lâm Ấp ký nói rằng: “Cửu Đức là tột cùng của Cửu Di, cho nên lấy để đặt tên quận. Chỗ đặt tên quận ấy là một nước Di của Việt Thường Thị thời nhà Chu”. Sách Hội Trinh chú: “Theo Tấn chí quận Cửu Đức là nước Việt Thường Thị thời nhà Chu. Theo Chu lễ Cửu Di là nước Việt Thường cực xa.”, sách Lương Sử lại viết chi tiết rằng: “huyện Tượng Lâm là cõi nước Việt Thường đời xưa.”. Riêng bộ đại sử Trung Quốc 294 Thiên gồm hơn 3 triệu chữ là Tư tri thông giám資 治 通 鑑 của Tư Mã Quang viết: “Phía Nam bộ Giao Chỉ có Việt Thường thị qua ba lần thông dịch, sang dâng chim trĩ trắng”. Phan Huy Chú (1782 - 1840) trong Lịch Triều Hiến chương Loại chí – quyển Dư địa chí đã viết: “châu Hoan xưa là nước Việt Thường”. Song khi viết Hoàng Việt địa Dư chí, mục Quảng Nam, Phan Huy Chú lại viết khác là: “Ngày xưa đất này thuộc nước Việt Thường.” Như vậy, Phan Huy Chú cũng cho rằng Việt Thường là tên của một vùng rộng lớn gồm nhiều tỉnh, nghĩa là tên của một nước. Đặc biệt, không chỉ có Sử quan Việt tự nhận dòng dõi Việt Thường mà dân Sản Lỳ hay Sa Lý ở tây nam Trung Hoa cũng vẫn giữ truyện tổ tiên họ cống chim trĩ trắng đời Chu Cơ Tụng. Một số người Lão Qua, Ai Lao và Miến (nay thuộc Myanmar) cũng tự nhận là người Việt Thường xưa.Thế kỷ X có sách Cựu Ðường thư 舊 唐 書 thời Hậu Tấn lại ghi Việt Thường ở quận Cửu Ðức. Gần 200 năm sau sách Văn Hiến Thông khảo thời Nguyên lại ghi là nước Việt Thường xưa tức là nước Lâm Ấp, sau là Chiêm Thành.
Sách Danh Nghĩa khảo ghi Tam Miêu là miền Kinh Dương (châu Kinh và châu Dương) là Trường Sa và Chiết Giang ngày nay, về vị trí đất của Tam Miêu là một nước nhỏ cũng không rõ ràng vì vùng Kinh Dương rất rộng lớn ở nam sông Dương Tử. Nếu từ thời Nghiêu - Thuấn đã đánh đuổi, chia cắt Tam Miêu, thì theo sách Hoài Nam Tử đến đời Nhà Thương vẫn còn Giao chỉ - là tên của khu vực rộng lớn cư trú của người Lạc Việt khi chưa bị chia thành quận, huyện. Đất Giao chỉ thời kỳ này bao gồm tỉnh An Huy, phần đông bắc tỉnh Hồ Nam cùng phía Bắc tỉnh Giang Tây - nghĩa là dưới miền hữu ngạn sông Trường Giang đến miền Bắc Việt Nam vào tận nam miền Trung Việt Nam.
Thời Nhà Chu, đối chiếu lịch sử địa chất vùng Trung, Nam bộ Việt Nam ngày nay đang là sình lầy không thể cư trú được. Học giả Hà văn Tấn sau nhiều năm nghiên cứu có chung một nhận định cương giới phía nam đến thế kỷ 1, thế kỷ thứ 2 sau CN mới xuất hiện nhà nước Chiêm Thành. Thời kỳ Văn Lang, vùng đất nam Trung Bộ là quận Nhật Nam và có thể còn xa hơn nữa về phía đồng bằng sông Cửu Long lúc đó đang là sình lầy ngập nước mặn. Vùng đồng bằng sông Cửu Long cách đây gần 5,000 năm chưa thể có người cư trú, cá nước lợ, cá biển thì nhiều nhưng cây lương thực kể cả lúa hoang, chưa thể sống trên vùng ngập mặn với thủy triều cao được. Mãi đến cuối thế kỷ thứ 2 sau CN mới có tộc người Malayo Polynesian từ nam bán đảo Đông Dương ( tên do Pháp đặt sau năm 1858 sau CN) xâm chiếm lập ra nhà nước Cham Pa. Vậy nên sách Cựu Đường thư và Văn Hiến Thông khảo thời Nguyên lại ghi là nước Việt Thường xưa tức là nước Lâm Ấp, sau là Chiêm Thành là một sự sai lầm nghiêm trọng về địa danh Sử học giữa tên Nước cổ với tên sau này của một địa phương.
Thục Thư ghi trong Tam Quốc Chí viết rằng, Hứa Tĩnh là người Phương Bắc, sau này làm Sử quan cho Lưu Huyền Đức (Lưu Bị) làm đến chức Tư đồ 司 徒. Trước trận Xích Bích, Tào Tháo sai người do thám hậu phương của Lưu Bị và Tôn Quyền. Hứa Tĩnh có thư gửi Tào Tháo ghi rằng: 许 靖 给 曹 操 的 信 说:从 会 稽 “南 至 交 州,经 历 东 瓯、闽 越 之 国,行 经 万 里,不 见 汉 地 ,Từ Hội Kế nam chí Giao Châu, kinh lịch Đông Âu, Mân Việt chi quốc, hành kinh vạn lý, bất kiến Hán địa / Tôi đi từ Hội Kê (Cối Kê – thành phố Hàng Châu ngày nay), qua Giao Châu, Đông Âu, Mân Việt, cả vạn dặm mà không thấy đất Hán. “Bất kiến Hán địa - 不 见 汉 地 “ Phía nam, đã thuộc Hán gần 400 năm nhưng vẫn là đất Việt. Địa giới phía Tây của nhà nước Văn Lang, Nhà nghiên cứu Nguyến Trúc Bình (Viện Dân tộc học năm 1970) có ý kiến về tộc người Kháng cư trú chủ yếu ở vùng Thuận Châu, Mường la, Quỳnh Nhai, Than Uyên, Mường Tè,.. ven sông Đà, có ngôn ngữ, phong tục ăn trầu, ăn đất, tị ẩm,… về nhân chủng học có vân tay giống người Việt cho rằng đó là một nhánh người Việt cổ. Như vậy cần nghiên cứu về cương vực phía Tây của nhà nước Việt cổ mà thư tịch cổ đã viết chưa đầy đủ.
Vu Việt 于 越 có từ thời Nhà Thương, sau chỉ gọi là Việt 越 国 vào thời Chiến quốc. Sử ký Tư Mã Thiên phần Việt Vương Câu Tiễn thế gia có ghi: ” Tổ tiên của Việt Vương Câu Tiễn là dòng dõi Vua Vũ, con thứ hai của vua Thành Thang đời Nhà Hạ, được phong ở đất Cối Kê để lo việc phụng thờ Vua Vũ, xăm mình, cắt tóc, phát cỏ mà lập ấp. Truyền được mười đời đến Doãn Thường”. Sử có ghi trước đó Việt làm tân khách của Chu Thành Vương 周 成 王 (1132 Tr.CN – 1083 Tr.CN). Nước Việt đã có một văn hóa dân tộc đặc sắc, gọi là Văn hóa Mã Kiều 馬 橋 文 化, mà các chứng tích đã tìm thấy khi khai quật di chỉ Thái Hồ 太 湖 地 區. Nước Việt định đô ở Cối Kê 會 稽 (Thiệu Hưng ngày nay) truyền đến đời Câu Tiễn句 踐 (496 Tr.CN – 464 Tr.CN) thì bành trướng lên phía Bắc. Năm 473 Tr.CN diệt nước Ngô, mở rộng bờ cõi Bắc chiếm Giang Tô 江 蘇, Nam chiếm được Mân Đài 閩 台 (tỉnh Phúc Kiến ngày nay). Nước Việt Câu Tiễn lúc đó Đông giáp Đông Hải 東海, Tây đến Hoàn Nam 皖 南 ( nam tỉnh An Huy ngày nay), hùng cứ một cõi Đông Nam. Đến năm 306 Tr.CN, nước Sở 楚 國 nhân nước Việt thời vua Vô Cương nội loạn, bèn liên kết với nước Tề 齊 國 tiến đánh chiếm được nước Việt, đổi thành Quận Giang Đông. Nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn tuyệt diệt và bị Sở hóa từ đó. Những sự kiện này được ghi chép tỉ mỉ trong bộ sử Ngô Việt Xuân Thu 吳 越 春 秋 do Triệu Diệp 赵 晔 thời Đông Hán soạn khoảng năm 25 sau CN.
Hai nước Ngô – Việt là một trong những tộc Bách Việt được ghi rất sớm trong thư tịch cổ Trung Hoa. Nước Ngô 吴 国,còn gọi là Cú Ngô 句 吴, Công Ngô 工 吴, 攻 吾 lập quốc vào thời Chu Vũ Vương vào khoảng năm 1250 Tr.CN, cách ngày nay khoảng hơn 3,300 năm. Kinh đô đặt Tô Châu 苏 州 tỉnh Quảng Đông bây giờ. Ngô Việt có Tổ là Ngô Thái Bá 吳 太 伯 truyền đến Phù Sai 夫差 thì bị Việt Vương Câu Tiễn diệt vào năm 473 Tr.CN.
Một số Học giả Phương Tây đã chứng minh đất của Người Ngô Việt sau khi bị nước Việt chiếm đã chạy loạn mang theo Văn hóa Ngô Việt ra biển sang Nhật Bản. Tiếng Nhật Bản đọc Hán tự theo cách đọc của Người Ngô (Việt), nên gọi là ごおん-là Go On- Ngô âm 呉音. Theo phát hiện của Jerry Norman và Tsu-lin Mei (Washington University và Cornell University) thì nhiều ngữ âm cổ của Lạc Việt vẫn được dùng trong tiếng Việt ngày nay.
Chữ Việt Thường trong Hán văn có ba cách viết: 越 裳, 越 嘗, 越 常. Học gia Đào Duy Anh suy luận rằng: "Việt Thường" là phiên âm của tên gọi của Việt Thường - nên địa danh Việt Thường có thể viết bằng bất kỳ chữ Hán nào có âm đọc gần giống nhau. Sách Thanh Nhất Thống chí viết: “An Nam là nước Việt Thường đời xưa thì là chỉ biết một bên”. Quốc thư năm Gia Long thứ nhất, thông hảo với nhà Thanh viết: “Trước khai thác Việt Thường, sau lấy được cả An Nam” cũng là chưa xét hết sử cổ. Ngày nay đối chiếu, tra cứu hệ thống tài liệu Sử học Việt thấy rằng Quốc Sử Quán Triều Nguyễn mặc dù đã hết sức chỉnh sửa Sử học Việt nhưng không tránh được nhiều hạn chế, nhầm lẫn do phương thức thông tin còn hạn chế, cách làm tra cứu thủ công thời bấy giờ. Thư tịch cổ Nhà Thương 商 朝 (1600 Tr.CN -1046 Tr.CN) còn lưu giữ có ghi chữ Việt 戉 (Rìu), chữ Việt còn được dùng chỉ một tộc người định cư trên một vùng đất rất rộng lớn ở phía Nam sông Dương Tử (Trường Giang) đến Giao chỉ, Cửu Chân (miền Bắc và miền Trung Việt Nam ngày nay). Đến thời Xuân Thu Chiến quốc 春 秋 戰 國 (722 Tr.CN - 221 Tr.CN) trong thư tịch có viết hai cách chữ Việt là 越 và 粤, đều chỉ tộc Việt, người Việt có nghĩa giống nhau được ghi là 越 粵互 通- Việt Việt Hỗ Thông. Về Hán ngữ chữ 越 là Việt có bộ tẩu 走 vì người tộc Việt đi và chạy nhanh. Còn chữ Việt 粤 có bộ mễ 米 là lúa vì người Việt trồng lúa, lúc đó người Hoa Hạ sau gọi là người Hán ở phía bắc sông Hoàng Hà chỉ trồng cao lương, không trồng được lúa.
Khảo sát lịch sử văn tự thì thấy rằng Việt 越 và Việt粵 âm đọc giống nhau, “Sử ký” viết là 越, “Hán thư” viết là 粤. Âm đọc 粤 là từ âm đọc của chữ Vu 于, người cổ đọc 越 là于. Vu 于 viết theo lối chữ triện 篆 là 亏, hài thanh là chữ vũ 雨-mưa, viết lên trên thành 雩. Trong “Hán Thư” còn tồn nhiều chữ cổ, nên chữ Việt 越 đều cải viết thành雩, sau theo lối chữ lệ 隶, chữ khải 楷 mới viết thành ra 粤, tức biến hóa hình chữ Vũ 雨 đặt trên chữ Vu亏. Tác động của dân tộc Việt đến văn minh Trung Hoa sâu sắc đến mức hai thứ nghi vệ cao quý nhất dùng riêng cho nhà vua của tất cả các triều đại phong kiến Trung Hoa thì một Nghi vệ làm hình cái rìu gọi là Phủ Việt, một Nghi vệ làm cờ cán cong gọi là Tiết Việt. Từ thời Nhà Minh (năm1368–1644 sau CN) đến nay có phân biệt hai chữ Việt bộ tẩu 越 là chỉ tên tộc người Việt xưa như Nam Việt, Lạc Việt, Âu Việt (Việt Nam ngày nay). Tại vùng Quảng Đông, ca kịch cổ gọi là Việt Kịch 越 剧. Chữ Việt 粤 có bộ mễ 米 dùng chỉ tộc Việt hiện ở Quảng Đông, Hongkong, Ma Cao. Tiếng Quảng Đông còn được gọi là Việt Ngữ - Cantonese. Ngày nay tại Quảng Châu các biển đăng ký xe oto đều bắt đầu bằng chữ Việt 粤 bộ mễ 米. Hiện nay, tại các vùng đất xưa của Người Việt ở phía nam sông Dương Tử, Trung quốc, tàn dư tiếng Việt vẫn được gọi là Việt ngữ (粵語) thường có tên là tiếng Quảng Đông, dù tiếng Việt đã bị biến thái, pha trộn nhiều vẫn là ngôn ngữ chính được sử dụng ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hongkong, Macao. Ngay về Nhân chủng học, họ không nhận là người Hán (Hoa Hạ). Nhiều lần chính quyền Bắc Kinh ra sắc lệnh phải dùng tiếng Bắc Kinh (tiếng Quan thoại), năm 2010 dân Quảng Đông biểu tình chống dùng tiếng Bắc Kinh, gần nhất là tháng 9/2014, sự phản kháng của dân miền Nam Trung Quốc dữ dội đến mức khiến Bắc Kinh không thực hiện được.
Trương Thái Du viết trong bài ”Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam” cho rằng vị trí của Việt Thường thị ở Nam Dương Tử: “Giao Chỉ nguyên nghĩa là một khái niệm nói về vùng đất phía nam vương quốc của Đường Nghiêu – Ngu Thuấn. Giao Chỉ đầu thời Chu chính là đất Sở (nay thuộc Hồ Bắc, Trung Quốc). Giao Chỉ cũng còn gọi là Cơ Chỉ hoặc Cơ Sở, nó hàm nghĩa luôn tên nước Sở thời Xuân Thu và Chiến Quốc. Giao Chỉ nửa cuối thời Chiến Quốc ở phía nam nước Sở. Giao Chỉ thời Tần là Tượng Quận, thời Tây Hán là Bắc Bộ Việt Nam. Chỉ đến thời Đông Hán, Giao Chỉ mới biến thành địa danh cố định và xác thực trên địa đồ”
Quan điểm của nhiều học giả trong đó có Học giả Hà văn Thùy thì Việt Thường là tiền thân nước Việt rất rộng lớn, trong đó có nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn. Khoảng 3.300 năm Tr.CN, nhà nước sơ khai của người Việt ra đời do vua Thần Nông có Kinh đô Lương Chử tại Thái Hồ. Năm 2.879 Tr.CN, Nhà nước Xích Quỷ cũng thành lập ở đây. Năm 2.698 Tr.CN, dân du mục Mông Cổ xâm chiếm vùng đất nam Hoàng Hà của người Việt, lập vương triều Hoàng Đế. Khi nhà nước Xích Quỷ tan rã, Kinh đô Lương Chử bị hoang phế. Phần còn lại của nước Xích Quỷ lập ra những tiểu vương quốc riêng của mình, trong đó có Việt Thường. Việt Thường (越 裳) là tên Nước được ghi trong sách cổ. Đến tận ngày nay, phong tục mặc váy của Người Việt Nam sông Dương Tử vẫn còn trang phục ở vùng Đông Á và Đông Nam Á như: Campuchia, Lào, Thái Lan tới Miến Điện, Srilanca... và cả một vùng rộng ở phía nam Trung Quốc,Việt Nam… đó là tàn dư Văn hóa Lương Chử của người Việt Thường. Đồ đá mài, đồ gốm, đồ ngọc…được chế tác tinh xảo. Học thuyết Âm Dương Ngũ hành, Lịch Tiết Khí, Kinh Dịch, chữ Giáp cốt,… đều là sáng tạo của người Việt.Từ cuộc Đại khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 sau Công Nguyên, đến nay các di tích vẫn còn lưu khá nhiều về Vua Bà cùng các Nữ Tướng của Hai Bà Trưng từ hồ Động Đình đến dẫy núi Ngũ Lĩnh và ở miền Bắc Việt Nam.
Các kết quả nghiên cứu sử học và khảo cổ học tại Việt Nam và Trung Quốc trong khoảng 40 năm cuối thế kỷ XX cho thấy thời cổ đại của Chu Vũ Vương và người em là Chu Công sau khi đánh bại nhà Thương tại Mục Dã đã đóng đô ở Tây An ( tỉnh Thiểm Tây ngày nay gọi là Nhà Tây Chu), gần sông Hoàng Hà, thời kỳ này vào khoảng cuối XI Tr.CN đến năm 771 Tr.CN. Vương triều Nhà Tây Chu đã tiến hành một số cuộc chinh phục nhỏ mở rộng lãnh thổ vào châu thổ sông Dương Tử. Đây là cuộc di dân đầu tiên của người Hoa Hạ vào vùng đất của người Bách Việt, nhưng các ảnh hưởng xung đột giữa các tộc người Hán – Việt chưa thấy dấu hiệu khốc liệt như thời nhà Tần trở về sau này. Như vậy tên Giao chỉ lúc ban đầu để chỉ vùng lãnh thổ của cả các dân tộc Bách Việt, sau này vẫn được dùng để gọi vùng lãnh thổ còn lại của người Lạc Việt (Việt Nam ngày nay), tên Giao Chỉ vẫn được sử sách Trung Quốc tiếp tục ghi trong gần 2,000. năm sau Công Nguyên như một danh từ chung chỉ đất của người Lạc Việt.
Về Bách Việt, sau khi nhà Tần bị diệt năm 208 Tr.CN, Triệu Đà lập tức đánh chiếm lấy cả Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ Vương, đóng đô ở Phiên Ngung là lưu vực sông Châu Giang thì lãnh thổ của Bách Việt liền kề là vùng nam sông Dương Tử ( Trường Giang). Tại thiên Nam Việt Úy Đà liệt truyện có ghi “Bấy giờ, Nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng quận để đưa những người bị đi đầy đến ở lẫn với người Việt. Như thế được mười ba năm”. Sử ký Tư Mã Thiên còn ghi nhiều sự kiện liên quan đến địa danh lãnh thổ người Việt trong Tần Thủy Hoàng bản kỷ:” Năm thứ ba mươi ba ( năm 214 Tr.CN) Thủy Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể, và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành Quế Lâm, Tượng quận, Nam hải. Cho những người bị đi đày đến đấy canh giữ”. Sau khi Bái Công lên ngôi Hoàng đế lập nên Nhà Tây Hán có sự kiện vào thời Hán Văn đế: ” Năm thứ 11 nhà Hán ( 196 Tr.CN) Hán sai Lục giả sang, nhân tiện phong cho Đà làm Nam Việt Vương,…bảo phải hòa hợp với Bách Việt, không được gây lo ngại ở biên giới phía Nam”. Như vậy đến thời Hán Văn Đế vẫn còn phần còn Bách Việt.
Trong các sách sử và thư tịch cổ Trung Hoa, đất Kinh Dương là tên gọi chung vùng lãnh thổ rất rộng lớn phía bắc giáp hữu ngạn sông Dương tử và hồ Động Đình, phía đông tiếp giáp biển Đông, phía tây đến hết vùng Vân Nam và Ba Thục ngày nay, phía nam xuống đến miền bắc Việt Nam và nam Trung bộ Việt Nam ngày nay. Chữ Kinh xuất phát từ vị vua đầu tiên của Lạc Việt là Kinh Dương Vương, vì vậy trong thư tịch cổ Trung Hoa còn gọi là đất Kinh Dương. Tại Thiên Nam Việt Vương Úy Đà liệt truyện, Sử ký Tư Mã thiên có ghi lại nội dung thư Triệu Đà gửi Hán Văn đế: ” Ở phía đông Mân Việt (nay là Phúc Kiến, Quảng Đông Trung quốc) chỉ vẻn vẹn nghìn người cũng xưng hiệu Vương,…Kiến nguyên (năm 137 Tr.CN) Đà mất, cháu Đà là Hồ làm Nam Việt Vương. Lúc bấy giờ vua Mân Việt là Dĩnh đem binh đánh các ấp ngoài biên của nước Nam Việt, Hồ dâng thư lên vua Hán:” Nay Mân Việt đem binh xâm lấn đất của thần,…” Thiên tử (Hán Vũ đế) bèn khen Nam Việt,… sai hai tướng đi đánh Mân Việt. Quân Hán chưa vượt núi Ngũ Lĩnh thì em của Mân Việt là Dư Thiện đã giết Dĩnh để hàng” Nước Mân Việt bị diệt và Hán hóa, sau sự kiện này không còn thấy sử sách Trung Hoa nhắc đến Mân Việt, duy Bách Việt vẫn còn được nhắc nhiều về sau.
Có một số quan điểm cho rằng Việt Thường thị là một dòng họ lớn ở đất Giao Chỉ lúc bấy giờ. Tra cứu trong Bộ Tự điển Hán Việt Từ nguyên của Bửu Kế, trang 2040 – 2044 có chú dẫn chữ Thị đọc đồng âm trong Hán văn có tới 08 cách viết khác nhau, nghĩa cũng khác như: Cách viết chữ Thị có các bộ Nhân, bộ Khẩu, bộ Cân, bộ Tâm, bộ Nhật, bộ Thị, bộ Kỉ, bộ Kiến. Rất có thể qua nhiều lần khắc ván, viết đã bị sai khác không phải là Một họ lớn như một số Học giả đã diễn giải ở trên. Thị ở đây phải hiểu là Thành Thị, lý giải này xác đáng khi đối chiếu với nhiều ghi chép trong sách cổ Trung Hoa ghi là “Nước Việt Thường, vua là Việt Vương,…”. Đương nhiên các học giả Trung Hoa rành chữ Hán hơn người Việt, ngay trong sử Việt cũng ghi chép Việt Thường là một địa danh, không phải là họ.
Các ý kiến tranh luận về Việt Thường của nhiều Học giả được dẫn từ nhiều thư tịch dưới đây: Sách Đại Nam phương Du chính biên về tỉnh Nghệ An có đoạn viết: “Nghệ An là đất Việt Thường đời Chu”,chép chuyện Việt Thường cống chim trĩ, Bài Tống tự của Lê Tắc viết: “Nam Giao đời xưa, nhà Chu gọi là Việt Thường, nhà Tần gọi là Tượng quận, nhà Hán đặt làm ba quận: Giao Châu, Cửu Chân và Nhật Nam. Nhà Đường lại cải Giao Châu làm An Nam phủ, quận Cửu Chân làm Ái Châu, quận Nhật Nam làm Hoan Châu”. Nguyễn Văn Siêu viết: “Đời gần đây có người cho núi Tam Điệp trở ra bắc là Giao Chỉ, núi Hoành Sơn trở vào là Lâm Ấp, tỉnh Thanh, tỉnh Nghệ là Việt Thường. Thế là họ hợp cả lời Đại truyện cùng Cổ kim chú lại, rồi tự ý phỏng đoán đấy mà thôi ”. Lương Sử ghi trong Thiên Lâm Ấp truyện như sau:” Biên giới cuối cùng của quận Nhật Nam có huyện Tượng Lâm là đất của Việt Thường đời xưa”. Học giả Bùi Dương Lịch (1757 - 1828) viết Yên Hội thôn chí và Nghệ An ký đều viết: “Vốn Nghệ An xưa thuộc đất Việt Thường” hoặc “họ Việt Thường” . Năm 1842 Nghi Xuân địa chí của Lê Văn Diễn chép là: “Nghệ An xưa là đất Việt Thường”. Các bài nghiên cứu có ghi một số Học giả phương Tây như Pelliot, Legge,… cho rằng, “Việt Thường xưa là Lâm Ấp.” Ed. Chavannes khẳng định: “Việt Chương là nơi vua Sở Hùng Cừ phong cho con út là Chấp Tỳ, có lẽ đây là đất Việt Thường xưa, vì hai tên ấy đồng âm” Tuy nhiên Ed. Chavannes lại không thể lý giải vị trí Việt Chương, Việt Thường ở vị trí nào.
Năm 1890 thế kỷ XIX có in sách Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) đã khảo nhiều nguồn tài liệu và cho biết: “Thuở quốc sơ Thánh triều (chữ dùng để nói thời vua Gia Long triều Nguyễn) gây cơ nghiệp ở Thuận Hóa, Quảng Nam, trước khai thác từ Phú Yên đến Bình Thuận là kiêm cả Lâm Ấp là đất bộ Việt Thường đời xưa, nằm ở phía đông nam Hoan Châu cũ, cách 4 dặm. Nước Ngô đặt làm huyện Việt Thường thuộc quận Cử Đức. Đầu đời Tấn bỏ huyện ấy, sau lại đặt ra vẫn thuộc quận Cửu Đức. Đời Tống, đời Tề theo như thế. Đời Tùy thuộc về Đức Châu, rồi lại thuộc về Hoan Châu. Đầu năm Đạo Nghiệp, Hoan Châu đạo hành quân tổng quán là Lưu Phương kinh lược nước Lâm Ấp, sai khâm châu thứ sử là Ninh Trường Chân đem quân bộ, quân kỵ sang Việt Thường, tức là huyện này. Đời Đường năm Vũ Đức thứ năm đặt làm Minh Châu và đặt ba huyện là Vạn An, Minh Hoành, Minh Định. Năm Trinh Quán thứ 12 mán Minh Châu làm phản, Giao Châu đô đốc là Lý Ngạn đánh dẹp yên được. Năm thứ 12 bỏ châu, đem ba huyện ấy dồn vào huyện Việt Thường, thuộc vào tri châu. Châu ấy liền bỏ, huyện ấy lại thuộc về Hoan Châu”.
Tuy những ghi chép trên còn nhiều phân tích khác nhau, nhưng cho thấy trong sử Việt đã xác nhận có quốc gia cổ của người Việt có tên là Việt Thường. Vị trí có nhiều chỉ dẫn khác nhau. Đối chiếu thấy những chú dẫn trong sách cổ Việt đều chép lại một chiều từ một số sách cổ Trung Hoa không có khảo chứng ngay nhiều sách cổ Trung Hoa lại ghi chép hoàn toàn khác. Số sách cổ Trung Hoa viết về Việt Thường rành mạch nhiều hơn các sách cổ khác ghi chép lẫn lộn. Phan Huy Chú (1782 - 1840) trong Lịch Triều Hiến chương Loại chí, quyển Dư Địa chí đã viết: “châu Hoan xưa là nước Việt Thường”. Song khi Phan Huy Chú viết Hoàng Việt địa Dư chí ở mục Quảng Nam lại viết rằng: “Ngày xưa đất này thuộc nước Việt Thường”. Đây là một hạn chế thông tin tương đối phổ biến của các Nhà Nho Việt dưới thời Nhà Nguyễn. Khi viết Bình Ngô Đại cáo Nguyễn Trãi (1380 sau CN – 1442 sau CN) thế kỷ XV, ghi rằng: “Duy, ngã Đại Việt chi quốc, thật vi văn hiến chi bang”. Bản dịch của Ngô Tất Tố: “Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Như vậy Nguyễn Trãi cũng không xác định nước Đại Việt có mấy ngàn năm văn hiến. Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, quyển III, Sử Thần Ngô Sĩ Liên ghi rằng: “Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương”. Trần Trọng Kim đã nhận định là sau khi lập nước Nam Việt, Triệu Đà đã “Đem văn minh nước Tàu sang truyền bá ở phương Nam, cho nên từ đó về sau người nước mình đều nhiễm cái văn minh ấy”. Vậy là sự tiếp thu nguyên văn những nhận định nô dịch của chính sách Hán hóa.
Sách Thủy Kinh chú |
|
Từ thế kỷ III (229-265 sau CN) sách Thủy Kinh chú chuyên khảo về sông ngòi ở các vùng đất ngoài Trung Nguyên có viết: “Xét Tấn thư địa đạo chí có huyện Cửu Đức”. Giao Châu ngoại vực ký ghi là: “Huyện Cửu Đức thuộc quận Cửu Chân, phía nam tiếp giáp với quận Nhật Nam. Người tên Lô Dư ở đất này. Dư chết, con là Bảo Cường thay, cháu là Đảng, phục tòng sự giáo hóa của nước Ngô. Ngô đặt làm quận Cửu Đức, lại đem huyện ấy lệ thuộc vào quận”. Lâm Ấp
ký chép rằng:” Cửu Đức là tột cùng của Cửu Di, cho nên lấy để đặt tên quận. Chỗ đặt tên quận ấy là một nước Di của Việt Thường Thị thời nhà Chu”. Hội Trinh ghi thêm: “Theo Tấn chí quận Cửu Đức là nước Việt Thường Thị thời nhà Chu”. Theo Chu lễ thì Cửu Di là nước Việt Thường thời cổ ở rất xa Trung Nguyên. Lương Sử còn viết về vị trí Việt Thường: “Huyện Tượng Lâm là cõi nước Việt Thường đời xưa. Mã Viện mới mở cõi phía nam, nhà Hán rộng thêm ra một huyện ấy, đất ấy rộng 600 dặm, cách quận Nhật Nam 400 dặm. Về phía nam đường thủy đường bộ có Tây Đồ Di, cùng Lâm Ấp cũng xưng vương. Mã Viện dựng cột đồng nêu cõi nhà Hán đến đấy”.
Năm 1890 sách Đại Việt địa dư Toàn biên của Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) đã khảo nhiều nguồn tài liệu sử học có được thời ấy đã viết: “Thuở quốc sơ Thánh triều ( Vua Gia Long Thái tổ Nhà Nguyễn) gây cơ nghiệp ở Thuận Hóa, Quảng Nam, trước khai thác từ Phú Yên đến Bình Thuận là kiêm cả Lâm Ấp là đất bộ Việt Thường đời xưa.” Huyện Việt Thường “nằm ở phía đông nam Hoan Châu cũ, cách 4 dặm. Nước Ngô đặt làm huyện Việt Thường thuộc quận Cử Đức. Đầu đời Tấn bỏ huyện ấy, sau lại đặt ra vẫn thuộc quận Cửu Đức. Đời Tống, đời Tề theo như thế. Đời Tùy thuộc về Đức Châu, rồi lại thuộc về Hoan Châu. Đầu năm Đạo Nghiệp, Hoan Châu đạo hành quân tổng quán là Lưu Phương kinh lược nước Lâm Ấp, sai khâm châu thứ sử là Ninh Trường Chân đem quân bộ, quân kỵ sang Việt Thường, tức là huyện này. Đời Đường năm Vũ Đức thứ năm đặt làm Minh Châu và đặt ba huyện là Vạn An, Minh Hoành, Minh Định. Năm Trinh Quán thứ 12 mán Minh Châu làm phản, Giao Châu đô đốc là Lý Ngạn đánh dẹp yên được. Năm thứ 12 bỏ châu, đem ba huyện ấy dồn vào huyện Việt Thường, thuộc vào tri châu. Châu ấy liền bỏ, huyện ấy lại thuộc về Hoan Châu”.
Tra cứu cổ văn thấy rằng huyện lỵ cũ của huyện Kim Linh ở phía tây nam huyện Việt Thường cổ, đời Tiêu Lương đặt ra. Thời Tùy, năm Khai Hoàng thư 18 đổi làm Tri Châu. Đầu năm Đại Nghiệp bỏ châu, huyện Kim Ninh lại thuộc quận Nhật Nam. Đời Đường thuộc về Tri Châu. Năm thứ 13 dồn vào huyện Việt Thường”. Trong quyển thượng Đại Nam Phương du Chính biên viết về tỉnh Nghệ An có ghi: “Nghệ An là đất Việt Thường đời Chu” rồi có chép lại một cách chi tiết hơn chuyện Việt Thường cống chim Trĩ nhưng không ghi là rõ sự chi tiết ấy chép từ đâu ra hay chỉ nhất thời phóng tác? Truyện Lâm Ấp ghi trong Lương sử có chép rằng: “Biên giới cuối cùng của quận Nhật Nam có huyện Tượng Lâm là đất của Việt Thường đời xưa”. Rồi suy diễn vu vơ rằng: “Có lẽ Việt Thường chỉ là bộ lạc nho nhỏ phụ thuộc vào Giao Chỉ. Đại khái các nước ven biển ngoài Ngũ Lĩnh từ đời Hán mới khai thác ra. Dùng chữ Hán mà dịch những chữ gần giống ra mới có các danh hiệu ấy”. Qua đây thấy rằng vào thời Nhà Nguyễn, cách viết sử, biên soạn sử, khảo chứng đã có những sự tùy tiện phần nào thua kém các Sử gia thời Lê Trung Hưng trở về trước.
Hùng Vương xưng đế và đặt tên nước là Văn Lang. Dư địa chí của Nguyễn Trãi cho biết: “Các bộ của Văn Lang mới thành lập là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Ðịnh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Ðức và Văn Lang là nơi Hùng Vương đóng đô.” . Sự ghi chép của Nguyễn Trãi là một xác nhận tên nước Việt Thường có trước tên nước là Văn Lang. Theo đó, Nhà nước Văn Lang trải 18 đời vua Hùng, chấm dứt vào năm 258 Tr.CN.Việt Thường được đặt tên cho một bộ trong 14 bộ của nước Văn Lang. Như vậy đối chiếu các cổ sử Trung Quốc viết nhiều về Việt Thường đã củng cố cho chúng ta một nhận thức Việt Thường là tên Quốc hiệu cổ xưa nhất của người Lạc Việt. Lịch sử một Quốc gia – Dân tộc toàn Thế giới tù thời cổ đại đến nay đều thay đổi nhiều lần Quốc hiệu là lẽ đương nhiên. Không riêng ở Việt Thường, Văn Lang, Âu Lạc, Đại Việt, Việt Nam,… nhiều nước trên Thế giới cũng như vậy, sau khi thay đổi Quốc hiệu mới thì họ lấy tên Nước cũ đặt cho một thành phố hay một địa phương là rất thông thường.
Sau cuộc xâm lăng của Hoàng Đế, người Việt vẫn hoài niệm về lịch sử Việt trong ca dao: “Công Cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa Mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra”. Trên đất Việt Nam ngày nay không có núi nào có tên là Thái Sơn. Thái Sơn 泰山, có tên tối cổ là Đại Sơn hay Đại Tông đến thời Xuân Thu mới bắt đầu gọi là Thái Sơn. Núi Thái Sơn thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc còn gọi là Đông Nhạc vì núi ở hướng Đông nhìn ra biển Hoa Đông Trung Quốc. Núi Thái Sơn nằm ở tỉnh Sơn Đông (giản thể: 山东; phồn thể: 山東) phía Bắc thành Thái An với tổng diện tích 426 km2. Núi Thái Sơn rất hùng vĩ. Thái Sơn là một trong 5 dẫy núi linh thiêng của Trung Quốc là: Hằng Sơn, Hành Sơn, Thái Sơn, Hoa Sơn và Tung Sơn. Năm dãy núi này được gọi là Ngũ Đại Danh Sơn hay Ngũ Nhạc, Ngũ Linh Sơn. So với các dãy núi kia trong Ngũ Đại Danh Sơn thì núi Thái sơn không cao bằng, ngọn núi chính ở đây là núi Thiên Trụ có đỉnh Ngọc Hoàng cao 1545m, chưa bằng 1/2 đỉnh Phan-Xi-Păng có độ cao 3.143m ở miền Bắc Việt Nam. Vùng núi Thái Sơn là quê hương của Khổng tử. Phía Nam núi Thái Sơn là Khúc Phụ chính là nơi Khổng Tử sinh ra và lớn lên. Cho nên núi Thái Sơn được coi là linh thiêng nhất, đứng đầu Ngũ Nhạc, là nơi tái sinh vạn vật. Lịch sử Trung Quốc đã có nhiều Danh nhân đến du ngoạn ở Thái Sơn, hiện còn để lại bút tích nhiều bài thơ, phú ngâm vịnh ca ngợi Thái Sơn như Khổng Tử với:"Đăng Thái Sơn nhi tiểu thiên hạ", Đỗ Phủ: "Hội đương quân tuyệt đỉnh, nhất lản chúng sơn tiểu". Tại Thái Sơn có nhiều di tích, di sản văn hóa từ cổ đại lưu lại đến nay. Trong dẫy núi Thái Sơn có hàng vạn cây cổ thụ trên 100 năm tuổi, đặc biệt cây Ngân Hạnh ở sân đền trong núi có niên đại 2000 năm tuổi được mệnh danh là " hóa thạch sống" cho hệ thực vật tiêu biểu của Thái Sơn. Núi Thái Sơn được công nhận là Di sản Thế giới.
(Còn Tiếp)