Chi tiết bài viết

Sách "VĂN MINH VIỆT MỘT SỰ THẬT LỊCH SỬ " T8.2017 ( PHẦN I)

TÁC GIẢ

Vũ Ngọc Phương  sinh ngày 14/9/1950, ông là con trai út của Nhà văn Vũ Ngọc Phan (1902 – 1987) và Nhà thơ Lê Hằng Phương ( 1908 – 1983), cả hai thân sinh ông đều là Danh nhân Văn hóa Việt Nam thế kỷ XX. Toàn quốc kháng chiến chống Pháp 1946, gia đình Nhà văn Vũ Ngọc Phan tản cư vào Liên khu IV, Vũ Ngọc Phương được sinh ra tại xã Thọ Ngọc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Khi sinh, mẹ không có sữa, nuôi ông bằng nước cơm, nước cháo và cơm nhá qua tuổi ấu thơ.

Chi họ Vũ nhà ông vốn có Thủy Tổ là các vị Anh Du Hộ quốc Tướng quân Cao Minh Đại Vương Vũ Công Bách và Linh ứng Võ Hộ quốc Tướng quân Cao Sơn Đại Vương Vũ Công Điền người gốc Việt Thường, định cư từ những năm 300 trước Công Nguyên tại vùng đất cổ Phong Châu (Phú Thọ), cả hai Cụ đều là Đại Tướng quân thời Hùng Duệ Vương ( Hùng Vương thứ 18), năm 208 Tr.CN đã cùng với Cao Lỗ Vương đánh thắng 50 vạn quân Tần xâm chiếm Lạc Việt. Sau khi hóa, hai Vị được thờ tại đình làng Đông Mật, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc,được các triệu đại Việt Nam sắc phong là Thượng Đẳng phúc Thánh. Đời sau của hai Cụ, Chi họ Vũ sang định cư ở xã Phượng Lâu (nay là thành phố Việt Trì) bên hữu ngạn dòng sông Lô, tỉnh Phú Thọ, tại đây có Thầy thuốc – Nhà giáo Vũ Công Chất sinh năm 40 Tr.CN có vợ là Cụ bà Hoàng thị Mầu đã sinh ra Uy viễn Đông nhung Đại tướng quân Vũ thị Thục Nương - Người đã cầm quân khởi nghĩa chống giặc Đông Hán trước 3 năm khởi nghĩa của Hai Bà Trưng rồi tử tiết khi mới 26 tuổi. Bà hiển linh là Thánh Mẫu được nhân dân khắp nơi lập đền thờ, ngày nay vẫn còn mộ của Bà trong Hậu cung Đền Tiên La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Sau loạn Đông Hán, một phần chi họ Vũ Phượng Lâu về định cư ở dưới chân núi Thiên Thai, làng Đông Cao, xã Đông Cứu, huyện Gia Lương ( nay là Gia Bình) tỉnh Bắc Ninh. Tại Đông Cao, một trong các Cụ Tổ 7 đời là Thái Lĩnh Hầu Tứ Thành Mật sát Vũ Bân có người thứ phu nhân Nguyễn thị Duyên sinh người con trai tên là Vũ Diệm hiệu là Thông Mẫn Công (1797 – 1855). Gặp khi nước loạn, năm Giáp Ngọ (1834), Thông Mẫn công Vũ Diệm ra Hà Nội lập nghiệp tại xóm Đông Thành làm nghề nhuộm điều (mầu đỏ) lập nên Phường Đồng Lạc – tức là phố Hàng Đào bây giờ. Nay ở phố Hàng Đào, Hà Nội vẫn còn Đền thờ Thành Hoàng họ Vũ. Đến đời Vũ Ngọc Phương đã ở Hà Nội được 6 đời.

Kháng chiến chống Pháp năm 1946, cả gia đình Nhà văn Vũ Ngọc Phan đã cùng với  Đoàn Văn hóa Kháng chiến Liên khu IV tản cư vào Thanh Hóa. Để nuôi sống cả gia đình gồm con, cháu hơn một chục người, Nhà thơ Lê Hằng Phương cùng hai người em, các con và hai cháu là Phan Vịnh, Phan Diễn (con Phan Thanh và Lê thị Xuyến bên họ ngoại gửi nuôi)  làm ruộng, làm giấy dó bán ở chợ Rừng Thông để nuôi đại gia đình. Sau này nhớ lại, Phan Diễn được sống từ nhỏ trong gia đình Vũ Ngọc Phan – Lê Hằng Phương, đã nói với các em:” Kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời là hồi anh ở Thanh Hóa, đi học về, thay quần áo rách treo ở trái nhà rồi mấy anh em đi mò cua, bắt ốc”. Tại đây, trong kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ, người con trai thứ năm là Vũ Hồng Côn đau ruột thừa mất năm 16 tuổi, người con gái thứ tám Vũ Ái Châu, chị của Vũ Ngọc Phương, sốt biến chứng vào phổi mất khi mới 3 tuổi. Cả hai người con mất đều vì không có thuốc chữa. Nhà thơ Lê Hằng Phương có bài thơ thắt ruột:” Hồng Côn con yêu của mẹ” nổi tiếng sau này. Ngay sau khi liên tiếp mất hai người con, Nhà văn Vũ Ngọc Phan sau 18 năm đau dạ dầy phải mổ, không có thuốc mê, chỉ gây tê được mấy phút đầu, để bác sỹ mổ tiếp, Nhà văn Vũ Ngọc Phan cắn chặt răng không rên la, đau quá ngất đi, may có Đại đoàn 308 hành quân qua cho một chai máu khô của Mỹ góp công cứu sống ông. Giáo sư bác sỹ Hoàng Đình Cầu thường nhắc lại ca mổ cho Nhà văn là: “ Thành công nhất trong cuộc đời làm y học của tôi là mổ dạ dầy cho anh Phan”. Một năm sau, người con trai cả Vũ Hoài Tuân trở lại bộ đội, sau này tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã chỉ huy đánh đồi C1, hình ảnh ông còn được ghi lại đứng trên tháp xe tăng chạy giữa hai hàng nhân dân reo mừng trong phim tài liệu” Chiến thắng Điện Biên”.

Cũng thời gian 1951, các con và cháu lớn được Đảng cho sang Trung quốc học, người em rể cũng là người bên họ là Lưỡng Quốc Tướng quân Vũ Nguyên Bác - Nguyễn Sơn – Hồng Thủy, cũng trở lại Trung Quốc. Nhà văn Vũ Ngọc Phan, Nhà thơ Lê Hằng Phương cùng 3 con nhỏ Vũ Phi Hồng, Vũ Triệu Mân, Vũ Ngọc Phương theo đường bộ đi vòng từ Thanh Hóa – Hòa Bình lên chiến khu Việt Bắc. Đại gia đình ấy với ống nứa” Thịt Việt Minh - 2 phần muối,1 phần thịt”, đeo vai, tất cả đã đi bộ tham gia vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ của cả Dân tộc Việt Nam.

Ngay từ 8 tuổi, Vũ Ngọc Phương được cha mẹ chỉ bảo làm tất cả mọi việc từ khâu vá, đi  chợ, nấu cơm, rửa bát, lau dọn trong nhà,… cùng với sự khuyến khích đọc sách, tự học để có thể tự lập, chịu đựng được gian khó trong cuộc đời. Cách giáo dục trẻ con  như vậy, ngày nay chúng ta chỉ thấy ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan,… và một số nước ở Châu Âu. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, những năm cuối đời, hai vợ chồng Nhà văn Vũ Ngọc Phan – Lê Hằng Phương vẫn trong cảnh sống đạm bạc cùng với sự khó chung của cả nước. Người con trai thứ 3 – Giáo sư Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng vẫn thường nhắc lại với các em:” Bữa cơm khá nhất của Cha Mẹ là có thêm quả trứng luộc”. Nhà văn Vũ Ngọc Phan là người giản dị, lịch lãm, khi ông sinh thời, không có bàn là nên mỗi lần giặt, phơi quần áo đã khô, ông vuốt cho thẳng, gập lại rồi đặt dưới gối nên trang phục của ông giản dị nhưng lúc nào quần áo cũng có ly, phẳng phiu.

Khi đã trưởng thành, vào những năm đầu thập niên 80/ Thế kỷ XX, Vũ Ngọc Phương đã được Đảng - Nhà nước chú ý đào tạo, tham gia một số công tác đặc biệt thời kỳ trước và sau Đổi Mới. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng – Nhà nước giao và có những đóng góp nhất định cho Công cuộc cải cách hành chính, kinh tế đất nước. Ông vừa có khả năng quản lý, tổ chức thực hiện, vừa có trình độ tổng hợp lý luận và thực tiễn. 

Hoàn cảnh công tác đặc biệt cùng với gia phong đã hình thành cho Vũ Ngọc Phương có một nếp sống thanh bạch, làm việc lặng lẽ, kín đáo.Gần hết cuộc đời ông trải qua hai cuộc chiến tranh,  sống trong gian khổ chung của cả xã hội. Đã không ít lần ông có mức sống ở tận cùng của lớp người nghèo khổ, vừa để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng – Nhà nước giao, vừa làm nhiều việc khác nhau để kiếm sống nuôi gia đình, vừa tự học, ông đã tích lũy được khối lượng tri thức sâu  rộng ở nhiều lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Trong quãng đời đã đi qua, trước tác của ông trong nhiều  lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật,…. Có những giá trị nhất định.

Các tác phẩm của ông đang được biên tập ở nhiều thể loại có khối lượng khá lớn lên đến gần hai  vạn trang. Một trong những tác phẩm đó, sẽ được đưa vào xuất bản lần đầu tiên là bộ sách VIỆT NAM SỬ LIỆU 07 quyển và bộ KHẢO CỨU TRIẾT HỌC CỔ ĐẠO THÁNH MẪU VIỆT NAM gồm 12 quyển. Tác giả Vũ Ngọc Phương có một cách nhìn khác về lịch sử và xã hội Việt Nam. Nhân đây, để góp phần thông tin, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một chương “ Văn minh Việt – Một sự thật lịch sử”là một trong các bài viết của ông trong VŨ NGỌC PHƯƠNG TRƯỚC TÁC hơn 500 trang chuẩn bị xuất bản năm 2018.

 

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2017.

 

Giáo sư Phong Lê

Nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

(Còn Tiếp)