Chi tiết bài viết

Quảng bá điểm đến quốc gia qua Internet

 Điểm đáng chú ý trong bài giới thiệu của ông chính là việc ngành du lịch Malaysia đã tận dụng những tiện ích của Internet vào việc quảng bá các điểm đến của quốc gia.
 
Khi nhấp chuột vào www.tourismmalaysia.gov.my, người sử dụng Internet không chỉ thấy thông tin về các sự kiện diễn ra trong hai năm 2011 và 2012 mà Tổng cục Du lịch Malaysia muốn quảng đến du khách quốc tế, bao gồm cả khách Việt Nam, mà còn có thể đọc được những lời hướng dẫn về các điểm đến tại nhiều vùng, miền khác nhau của đất nước này.
 
Không chỉ quảng bá sự kiện
 
Trang web nói trên được trao nhiệm vụ như một “hướng dẫn viên du lịch địa phương” đối với du khách các nước. Sau vài bước đăng ký thông tin căn bản tại mục “plan your trip” (hoạch định chuyến du lịch của bạn), người truy cập Internet có thể tự thiết kế cho riêng mình một chuyến đi du lịch Malaysia thông qua những điều gợi ý về điểm đến. Lẽ dĩ nhiên, chương trình được lập trình sẵn sẽ hỏi khách về sở thích, vùng miền muốn tới và cả khoản chi phí mà khách có thể trả cho chuyến đi này.
 
Tương tự, trên trang web của Tổng cục Du lịch Singapore (STB) tại địa chỉ www.yoursingapore.com, ngoài các thông tin về sự kiện liên quan đến ngành du lịch xuất hiện ngoài trang chủ thì các chuyên mục “Trải nghiệm”, “Duyệt xem”, “Dự tính” còn cung cấp thêm dữ liệu để bất cứ một người nước ngoài nào có chút kinh nghiệm đi du lịch cũng có thể tự thiết kế một chuyến đi cho riêng mình tại đảo quốc này.
 
Các địa chỉ mua sắm, ăn uống, tham quan, khuyến mãi cùng những lời gợi ý theo dạng nên xem gì và đi đâu, thông tin về phương tiện đi lại, các chương trình bán vé máy bay giá rẻ kèm hình ảnh minh họa nhiều màu sắc… đều có thể tìm thấy tại phiên bản tiếng Việt của trang web nói trên hay tại www.yoursingapore.com/content/traveller/vi/browse.html.
 
Bà Geraldine Yeo, Giám đốc STB tại thị trường ASEAN, cho biết một trang web du lịch đúng nghĩa phải cung cấp đầy đủ thông tin đến người truy cập và giúp họ có thể tự xây dựng một chuyến đi theo sở thích và túi tiền. Trang web cũng là một phần quan trọng trong chiến lược của STB nhằm quảng bá Singapore ra thế giới.
 
“Hiệu quả bước đầu của trang web mới này mang lại ngoài mong đợi”, bà Yeo nói, và liệt kê lượng người truy cập trang web đã tăng lên hơn 5 triệu chỉ sau vài tháng được giới thiệu lần đầu tại hội chợ du lịch quốc tế Berlin (Đức) và sau đó tại các thành phố của Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Nga, Mỹ, Anh, Úc, Thái Lan, Hàn Quốc và Việt Nam.
 
Yoursingapore.com đã thu hút lượng người truy cập tăng gấp ba lần trang web cũ trước đây của STB, và ở góc độ lớn hơn, nó cũng góp phần đáng kể trong việc thu hút khách quốc tế và mang lại doanh thu cho ngành công nghiệp không khói này của Singapore.
 
STB ước tính doanh thu du lịch của Singapore trong năm 2010 vào khoảng 17,5 đến 18,5 tỷ đô-la Singapore (280.400 tỷ đồng), tăng hơn 4,7 tỷ đô-la Singapore so với năm trước đó. Ở Malaysia, cả lượng khách quốc tế và doanh thu từ ngành du lịch cũng bắt tay nhau tăng trưởng trong vài năm gần đây, từ 15,7 triệu lượt khách và 29,7 tỷ ringgit (190.000 tỷ đồng) của năm 2004 lên 23,6 triệu và 53,4 tỷ ringgit (khoảng 340.000 tỷ đồng) của năm 2009, trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế.
 
Nhận định về hiệu quả mà các trang web du lịch quốc gia mang lại, các chuyên gia trong ngành cho rằng đây là một trong những cách thức quảng bá có hiệu quả nhất về các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, khách du lịch cá nhân và công ty du lịch nước ngoài cũng xem đây là các cổng thông tin cung cấp dữ liệu đáng tin cậy để hoạch định các chuyến du lịch phù hợp cho cá nhân hoặc cho khách hàng của công ty.
 
Giải pháp cho ngành du lịch Việt Nam
Ông Matthew Lourey, Phó trưởng Nhóm du lịch của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Business Forum), đánh giá rằng việc quảng bá du lịch Việt Nam thông qua trang web chính thức của cơ quan du lịch chưa thực sự hữu hiệu. Theo ông, nhiều du khách quốc tế và cả người dân Việt Nam vẫn chưa biết Tổng cục Du lịch Việt Nam (VNAT) đang sử dụng phương tiện Internet hay các kênh truyền thông hiện đại nào để quảng bá các điểm đến tại thị trường này.
 
Ông Lourey chia sẻ rằng khi ông vào Google và gõ cụm từ “Vietnam - The hidden charm” (Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn) để tìm kiếm trang web chính thức quảng bá cho khẩu hiệu (slogan) của ngành du lịch Việt Nam thì kết quả đầu tiên mà ông nhận được là www.vietnamhiddencharm.com, nhưng khi truy cập vào trang này thì ông mới biết rằng nó thuộc một công ty du lịch có trụ sở tại Hà Nội, chuyên cung cấp các tour du lịch ở Việt Nam và Lào. Các kết quả kế tiếp cũng không cung cấp thông tin từ VNAT mà chỉ là các video clip về Việt Nam trên trang YouTube.Sau quá trình truy cập vào http://www.vietnamtourism.gov.vn (tiếng Việt) và www.vietnamtourism.gov.vn/english (tiếng Anh) để tìm hiểu thông tin, ông Lourey nhận xét các trang web này giống các trang tin nhiều hơn mà chưa có những nội dung thu hút sự tò mò, chú ý của người truy cập về du lịch Việt Nam.
 
Theo ông, những công ty du lịch nước ngoài đang tìm kiếm những ý tưởng mới cho việc thiết kế tour cho khách hàng của họ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc ghi nhận thông tin, dữ liệu từ hai trang web kể trên để phục vụ kế hoạch của họ.
 
Cùng quan điểm với ông Lourey, ông Miquel Angel Perez, Giám đốc phụ trách bất động sản của Công ty Knight Frank, người đã có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực du lịch - khách sạn ở Việt Nam, nhận xét rằng phần lớn thông tin chưa đáp ứng nhu cầu của những người muốn đến đây du lịch. Mặt khác, thông tin lại tương tự như tin trên các trang web khác, không có yếu tố chuyên biệt của ngành dịch vụ không khói.
 
Ông Lourey nói rằng không có bất cứ một mô hình chung nào cho trang web quảng bá du lịch, nhưng có yêu cầu chung là nó phải cung cấp cho người truy cập các thông tin mới nhất và hỗ trợ họ tự thiết kế, đặt mua tour, đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay, tàu xe… Ở góc độ một chuyên gia, ông cho rằng, việc xây dựng một trang web có tính tương tác cao sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể về quảng bá ngành du lịch của một quốc gia, bao gồm các công tác khác như tiếp thị, tổ chức sự kiện, phân phối sản phẩm và dịch vụ…
 
Về phía mình, ông Perez, người xem Internet là một công cụ hữu hiệu trong việc quảng bá các dịch vụ và điểm đến du lịch, đề xuất ngành du lịch Việt Nam cần tìm cách tận dụng các kênh thông tin như mạng xã hội, nhật ký điện tử (blog), diễn đàn (forum) để quảng bá “vẻ đẹp tiềm ẩn” đến du khách tiềm năng. Internet cũng giúp giảm chi phí trung gian cho khách và nhờ vậy sẽ tăng thêm tính cạnh tranh cho ngành.
 
Dẫn chứng kết quả một số cuộc nghiên cứu, ông Lourey nói rằng ở một số quốc gia lân cận, hơn 60% sản phẩm, dịch vụ du lịch được bán qua kênh Internet vì giúp khách du lịch ba-lô (backpacker) có thể mua được vé máy bay và các tour với chi phí thấp. Từ đó, các công ty du lịch cũng có thể hoạch định các sản phẩm phù hợp cho từng nhóm khách hàng của họ.
 
Đối với khách hạng thương gia, Internet là công cụ hỗ trợ đắc lực các thư ký của họ trong việc đặt phòng khách sạn, sắp xếp một vài điểm tham quan, vui chơi hay mua sắm. Như vậy, một trang web tốt sẽ phải là kênh mà có thể đáp ứng các yêu cầu kể trên, nhất là khi Việt Nam đang tìm cách thu hút nhiều khách quốc tế đến để hội họp, dự triển lãm và tham quan (MICE).
 
Nguồn: Theo TBVTSG