Chi tiết bài viết
Phát hiện nhân tài trong lĩnh vực lãnh đạo và quản lý từ địa phương xã phường lên đến toàn quốc.
Tham luận của TS. Mai Văn Bảy
Báo cứu quốc số 411 ra ngày 20 tháng 11 năm 1946 đăng lời dạy của Bác Hồ về Tìm người tài đức như sau:
Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài, trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.
Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.
Báo cáo phải nói rõ: tên, tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó.
Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ.
Bác Hồ là bậc thiên tài mà còn rất cần tìm người tài một cách cấp bách. Hạn trong một tháng các cơ quan địa phương phải báo cáo đủ với Bác. Ðất nước ta hiện nay rất cần nhiều người có tài, có đức, cho nên việc phát hiện nhân tài rất cần thiết và cấp bách.
Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Việt Nam được thành lập là thực hiện lời dạy của Bác Hồ và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn khách quan đặt ra.
I. Vấn đề phát hiện nhân tài trong lĩnh vực lãnh đạo và quản lý địa phương xã phường lên đến toàn quốc vì mấy lý do sau đây:
I.1. Nhân tài trong lĩnh vực hoạt động chính trị khó phát hiện hơn nhân tài ở lĩnh vực khác.
Hoạt động con người trong đời sống xã hội diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật, an ninh quốc phòng.
Mỗi lĩnh vực đều có nhân tài riêng, người ta được sinh ra và trưởng thành phải sồng bằng cái nghề chân chính: làm thợ, làm kỹ sư, bác sỹ,? nhà văn, nghệ sỹ v.v. Trong xã hội có một cái nghề làm lãnh đạo và quản lý hành chính các cấp từ phường xã lên đến toàn quốc - Nghề này có thể gọi là nghề chính trị.
Các nghề thông thường như làm thợ, làm kỹ sư, bác sỹ, làm nhà văn, làm nghệ sỹ, việc so sánh phát hiện nhân tài tương đối dễ hơn, vì các nghề này tạo ra những sản phẩm cụ thể. Lấy ví dụ như giáo sư Tôn Thất Tùng lúc sinh thời là nhân tài mổ gan mà những bác sỹ cùng thời khó sánh kịp.
Ở nước ta có cái nghề rất khó sánh ai tài hơn ai, đó là nghề chính trị. Nếu đưa việc làm của các Chủ tịch uỷ ban nhân dân xã, phường, quận, huyện, và tỉnh ra so sánh ai tài hơn ai, tất nhiên là so sánh cán bộ cùng cấp, thì rất khó chọn ra người tài hơn cả. Cái khó này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tuy là số ít, nguyên nhân đó là, bằng thủ đoạn cơ hội có người có thể len lỏi lên cương vị Chủ tịch UBND phường, xã, quận, huyện, tỉnh hoặc là cương vị quan trọng của một số Bộ. Ngược lại, trong khoa học công nghệ, dù thủ đoạn đến trình độ cao cỡ nào không có tài thì không thể tạo ra sản phẩm có giá trị cao như giáo sư Tôn Thất Tùng mổ gan cứu sống rất nhiều người và nhiều người nhớ ơn đời.
I.2. Nhân tài trong lĩnh vực chính trị có tác dụng chi phối sự phát triển của nhân tài các lĩnh vực khác.
Nhờ nhân tài trong Bộ chính trị của chúng ta đề ra đường lối đổi mới, kiên quyết xoá bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà đất nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng trầm trọng, lạm phát nặng nề, thoát ra khỏi cảnh đói nghèo cùng cực, chỉ ăn gạo mà không đủ no, phải ăn độn bo bo, khoai sắn.
Trong khi ở Việt Nam nhân tài lãnh đạo chính trị đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng và phát triển vững chắc thì ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu về sau này, do không có nhân tài mà thất đức trong lãnh đạo chính trị cho nên chế độ xã hội chủ nghĩa tại các nước này đã sụp đổ nhanh chóng, đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn, khủng hoảng toàn diện. Liên Xô là nước rất hùng mạnh về kinh tế và quốc phòng, ngang và có mặt hơn Mỹ từ năm 1960, sau khi sụp đổ thì thua Mỹ rất xa.
Việt Nam có nhân tài về chính trị, đề ra đường lối đổi mới, đưa nền kinh tế phát triển tạo tiền đề cho nhân tài các lĩnh vực khác phát triển. Còn ở Liên Xô không có nhân tài về chính trị tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Lê nin đã làm cho kinh tế suy sụp và từ đó nhân tài các lĩnh vực khác không thể phát triển được.
Tóm lại, nhân tài trong lĩnh vực chính trị có tác dụng thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển nhân tài lĩnh vực khác.
II. Dựa vào đâu để phát hiện nhân tài chính trị
Như trên đã nêu, mọi người phải sống và cống hiến bằng cái nghề chân chính. Ðãlàm nghề thì tạo ra sản phẩm cụ thể cho xã hội, sản phẩm vật thể và phi vật thể. Nếu không có kết quả lao động, không có sản phẩm thì không thể đánh giá được ai tài hơn ai và không thể phát hiện được nhân tài.
Nghề làm chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp từ xã phường lên đến toàn quốc cũng phải tạo ra sự chuyển biến tích cực đi lên. Sự chuyển biến được thể hiện qua các chỉ tiêu sau đây:
1. Thu nhập bình quân theo đầu người tăng lên bao nhiêu? theo từng thời gian nhất định.
2. Giải quyết việc làm cho bao nhiêu lao động?
3. Giảm tỷ lệ đói nghèo xuống đến mức nào? hoặc xoá hết đói giảm hết nghèo.
4. Giảm tệ nạn xã hội xuống đến mức nào?
5. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đến mức nào?
6. Ðến thời gian nào giải quyết xong nạn tham nhũngv.v...
III. Người tài trong lĩnh vực chính trị phải có phẩm chất đạo đức
Tất cả nhân tài đều phải có đức, nhưng đặc biệt trong lĩnh vực chính trị người tài mà thất đức thì gây ra tai hoạ vô cùng to lớn. Lịch sử nhân loại đã chứng minh điều này. Người đứng đầu một quốc gia mà thất đức thì gây ra tai hoạ khôn lường.
Nhân tài mà có đầy đủ phẩm chất đạo đức thì tài năng được nhân lên gấp bội. Bởi vì sức mạnh của người làm chính trị là ở chỗ tập hợp, đoàn kết được quần chúng nhân dân, phải thu phục được nhân tâm.
Muốn có được điều này phải trải qua thời gian khổ luyện lâu dài để có được tài cao, đức trọng, có uy tín lớn trong nhân dân.
Bác Hồ của chúng ta là tấm gương sáng về khổ luyện suốt đời để có tài cao đức trọng đến mức trở thành thiên tài.
Người làm chính trị là làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, phải làm đúng theo lời Bác Hồ dạy là: Cần kiện, liêm chính, chí công, vô tư, luôn luôn tâm niệm cán bộ là người lãnh đạo và là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Nếu ai đó thấy yêu cầu này của cách mạng quá cao, quá khó, không thể làm được thì đừng làm chính trị, nên đi làm việc khác. Nếu người làm chính trị mà tham nhũng thì thật là mỉa mai, bỉ ổi, đáng sỉ nhục.
Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Việt Nam phải tạo không khí mới về nhân tài. Ngày nào cũng nghe nói về nạn tham nhũng trong cán bộ lãnh đạo và quản lý xã hội, có người coi đây là quốc nạn. Bên cạnh việc chống tham nhũng, cần phải phát hiện người sống thanh liêm.
Ở Ðất nước này nếu muốn Ði tìm rác rưởi thì không khó, ngược lại nếu muốn tìm hoa thơm thì có rất nhiều. Bởi vì theo quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập: có chân chính thì có gian tà, có trung thì có nịnh, có anh hùng thì có tiểu nhân. Hai mặt đối lập này tồn tại trong một thể thống nhất.
Ngày xưa, thời phong kiến còn có nhiều quan thanh liêm, làm quan mà được dân tặng cho danh hiệu quan thanh liêm là quý. Bây giờ cán bộ là đầy tớ của dân dứt khoát phải là cán bộ thanh liêm. Nên nghiên cứu ra phương pháp phát hiện cán bộ thanh liêm và tạo dư luận tôn vinh cán bộ thanh liêm.
Bằng phương tiện thông tin đại chúng, đề cao cán bộ thanh liêm sẽ thúc đẩy cán bộ khác noi gương làm theo.
Hoạt động trong nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường bị tác động của quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh, chạy theo đồng tiền mà cán bộ giữ được thanh liêm, sống chỉ bằng đồng tiền lương theo Nhà nước quy định thì quả là tấm gương đáng khâm phục. Nên tổ chức thống kê xem tỷ lệ này chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số cán bộ công chức.
IV. Biện pháp phát hiện nhân tài trong lĩnh vực chính trị.
Nói chung, việc đi tìm nhân tài tương đối dễ hơn đi truy tìm tội phạm hình sự phức tạp. Người đứng đầu một địa phương mà có tài, sống thanh liêm thì nhiều nhiều người biết. Nếu chúng ta có phương pháp khoa học và dựa vào quần chúng thì sẽ phát hiện được nhân tài.
Cần dựa vào các điểm sau đây để phát hiện nhân tài
1. Dựa vào kết quả lao động có hiệu quả, tức là dựa vào sản phẩm của người làm chính trị.
2. Dựa vào sự tín nhiệm của quần chúng nhân dân bằng cách thăm dò dư luận.
3. Dựa vào sự hứa hẹn của họ trong các dịp tiếp xúc với cử tri trong các kỳ bầu cử và nên lưu trữ các lời hứa hẹn này để sau thời gian nhất định đánh giá xem thực hiện được đến đâu.
4. Cần phỏng vấn những vấn đề nóng bỏng của địa phương để đánh giá trình độ và năng lực giải quyết.
Muốn cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, nước ta phải có nhiều nhân tài trong lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tôi tin rằng Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Việt Nam sẽ làm việc với tất cả tâm huyết và động cơ trong sáng để góp phần phát triển nhân tài cho đất nước .
Xin cám ơn Ðại hội!