Chi tiết bài viết
Nội tệ và Nội lực
Vụ bắt giữ trên minh chứng cho một sự thật đáng báo động trong việc quản lý tiền tệ ở nước ta. Việc mua bán, giao dịch tiền mặt và ngoại tệ bằng hình thức trao tay, hợp đồng viết tay diễn ra quá dễ dàng. Có quy định về việc cấm niêm yết và giao dịch bằng đô la song người không tuân thủ không bị xử phạt. Từ nhà hàng, dịch vụ làm đẹp, đại lý bán vé máy bay, các tua du lịch nước ngoài đến đóng học phí, giá phòng khách sạn, bất động sản... tất thảy đều được niêm yết giá bằng đô la. Còn một thái độ kỳ lạ khác với đồng nội tệ cũng không hề bị xử lý. Đó là việc công khai từ chối sử dụng tiền xu Việt Nam ở rất nhiều nơi.
Nhưng không ai thích ngoại tệ suông nếu không có quyền lợi đi kèm. Đồng nội tệ của các nước trong khu vực (Trung Quốc, Thái, thậm chí cả Myanmar) mấy năm gần đây đều tăng giá so với đồng đô la. Chỉ có tiền đồng Việt Nam là liên tục mất giá. Mất giá so lạm phát. Túi tiền của mình không ai thò tay vào lấy nhưng mỗi ngày mua được ít hàng hơn. Mất giá do thâm hụt thương mại. Nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu nên nỗi lo thiếu ngoại tệ lúc nào cũng thường trực. Vì vậy, giữ nội tệ đồng nghĩa với việc nghèo đi. Giữ đô la được coi là một loại hình đầu tư an toàn.
Theo như Ngân hàng thế giới ước tính, người dân Việt Nam đang găm giữ hơn 3 tỉ USD. Thời báo kinh tế Sài gòn trích lời Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết số dư tài khoản ngoại tệ của các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại lên tới 21 tỷ USD. Như vậy, xét góc độ vĩ mô, chưa hẳn nền kinh tế đã dư cầu thiếu cung.
Vậy chúng ta thiếu gì? Lòng tin vào nội tệ phản ánh lòng tin vào nội lực đất nước. Người dân, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tung tiền ra làm ăn và đầu tư, tạo giá trị gia tăng cho xã hội nếu các cơ hội kinh doanh, các hoạt động sản xuất được tạo điều kiện tối đa. Từ việc giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà, cung cấp các giải pháp cho vay sáng tạo đến việc được thỏa sức phát huy các ý tưởng táo bạo. Nếu người dân được khích lệ bởi các cơ hội làm giàu chính đáng, việc đầu cơ tích trữ (vào đô la, chứng khoán, bất động sản) sẽ trở nên kém hấp dẫn. Muốn vậy, một chính sách vĩ mô ổn định, lấy sản xuất kinh doanh thực chất là ưu tiên hàng đầu, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân sẽ giúp làm tăng niềm tin của người dân vào nền kinh tế.
Củng cố niềm tin của người dân vào chính sách góp phần nâng cao niềm tin vào chính phủ. Uy tín của chính phủ gắn liền với uy tín của đồng nội tệ. Người dân dõi theo các diễn biến chính sách cùng với những kỳ vọng về năng lực điều hành của chính phủ. Một chính phủ quản trị tốt, biết chịu trách nhiệm, ra tay với tham ô tham nhũng sẽ giúp người dân tự tin và lạc quan hơn với những quyết định kinh doanh của mình.
Khi ấy, giữ và giao dịch nội tệ sẽ không còn là một rủi ro.