Chi tiết bài viết
Niềm tin và khát vọng trẻ
24 bạn trẻ trong độ tuổi 18-24 đã tham gia vào IChallenged 2012, trau dồi các kỹ năng tư duy, tranh luận và hùng biện
(Ảnh: HNV)
Rèn luyện tư duy, tranh luận và hùng biện
IChallenged 2012 đã khép lại nhưng dư âm của nó thì vẫn còn lại. Nhiều ngày liền, trên các mạng xã hội, các bạn trẻ về thảo luận sôi nổi về “sân chơi trí tuệ đầy thú vị” này. Nó được xem như là một hoạt động đặt nền móng và truyền cảm hứng cho người trẻ rèn luyện, chia sẻ các kỹ năng tư duy tranh luận và hùng biện, góp phần thiết thực trong công tác tìm kiếm, đào tạo và phát triển các tài năng trẻ Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Nguyễn Thị Hương Giang (sinh năm 1996), học sinh chuyên Amsterdam- Hà Nội, 1 trong 24 cá nhân và là thành viên nhỏ tuổi nhất tham gia hùng biện tại chương trình đã chia sẻ: Sự phát triển kỹ năng của con người cần rất nhiều thời gian, nhiều công sức do đó, mỗi người cần nắm bắt tất cả những cơ hội mình có thể. Dù tham gia IChallenged 2012 trong một quãng thời gian ngắn nhưng đây quả thực là hành trang thú vị, bổ ích bởi chương trình đã tạo cơ hội cho mỗi cá nhân biết cách để tỏa sáng trên sân khấu trong vai trò tranh luận, hùng biện trên khả năng tư duy về các vấn đề thời sự xã hội được quan tâm hiện nay.
Trước ý kiến cho rằng, nhiều người ngồi dưới lắng nghe phần trình bày của các bạn trẻ đều tin rằng các em còn quá trẻ, còn thiếu kinh nghiệm nên khó có thể đưa ra và bảo vệ chính kiến của mình một cách đầy đủ và đúng đắn, cô học sinh chuyên Ams này thẳng thắn bày tỏ, tuổi tác không bao giờ là vấn đề quyết định thành công của con người. Minh chứng là nhiều doanh nhân, nhà hùng biện, nhà khoa học... thành công khi ở lứa tuổi rất trẻ. Đối với kỹ năng hùng biện, bản chất của việc làm này là thuyết phục người khác và nó hoàn toàn khác với sự thuyết trình. Vì thế, bất cứ ai bước vào khán phòng của IChallenged 2012 đều có quyền có những suy nghĩ riêng và có thể có những băn khoăn..., thậm chí có thể không tin nhưng ít nhất họ cũng có thể có một số nhận thức nhất định về nội dung mà các thành viên chúng tôi khi tranh luận, hùng biện.
Cùng chung quan điểm này, sinh viên Đào Minh Châu, phụ trách xây dựng chương trình Ichalenged 2012 cho rằng, bằng việc tham gia chương trình, cá nhân Châu đã thu được nhiều kinh nghiệm quý nhưng điều quan trọng hơn cả là chương trình đã triển khai tốt, truyền cảm hứng và thực sự tạo hứng thú cho những người trẻ tham gia.
Cơ hội để trưởng thành, rèn luyện bản lĩnh
Khẳng định đây là một sân chơi thiết thực và bổ ích, PGS.TS Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, thành viên Ban cố vấn chương trình cho rằng, chương trình đã đáp ứng được việc tiếp tục bồi dưỡng một lớp trẻ thế hệ mới, lớp cán bộ nguồn có năng lực thuyết trình, thuyết phục và tư duy. Theo PGS.TS Đào Duy Quát, hiện nay, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn thiếu và yếu về kỹ năng thuyết phục, tranh luận, phản biện. Mặc dù đây chỉ là “ sân chơi” thi đấu tranh luận, hùng biện nhưng quan trọng hơn cả “sân chơi”, đó là một hình thức bồi dưỡng, giúp các em học sinh, sinh viên có động lực để học tập, tư duy, nâng tầm tranh luận, hùng biện thành một nghệ thuật trình bày, thảo luận, thuyết phục... Có thể nói, các em đã được trưởng thành từ những hoạt động này để có thể tự tin bước vào đời.
Trong khi đó, GS.TS Dương Phú Hiệp, Nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Viện trưởng Viện Châu Á – Thái Bình Dương, một thành viên khác của Ban cố vấn nhận định: đây là một chương trình tốt, nó tạo cơ hội giúp giới trẻ rèn luyện về cách ăn nói, cách hùng biện. Nói nôm na là giúp các bạn trẻ học cách nói để thu hút người nghe, với nội dung nói đi vào lòng người. GS.TS Dương Phú Hiệp cũng cho rằng, đây còn là một hình thức để rèn luyện kỹ năng tranh luận cho người trẻ bởi ở nước ta truyền thống thường là tư duy theo một chiều, ít tranh luận. Do đó, với việc tạo ra diễn đàn trên, cũng chính là cách tạo cho thanh niên thế hệ mới quan niệm mở và thoáng hơn về tranh luận. GS.TS Nguyễn Phú Hiệp khẳng định, tranh luận là quyền tự do ngôn luận và biểu hiện của dân chủ. Tuy nhiên, tự do tranh luận là để bảo vệ chính kiến nhưng cũng không phải vì thế mà hỗn láo với người lớn tuổi hay khoe khoang, thể hiện cái tôi quá nhiều. Điều quan trọng là sau chương trình, các bạn trẻ có kỹ năng và tự tin dám tranh luận với những lý lẽ thuyết phục khẳng định cái tôi đúng, có ích cho số đông.
theo dangcongsan.vn