Ngược dòng lịch sử, có thể thấy, ngu dân là một trong những chính sách mà thực dân, phong kiến áp dụng để dễ bề thống trị. Trước Cách mạng tháng Tám, trên 90% dân số Việt Nam mù chữ. Tuy có 5.755 trường phổ thông, nhưng có tới 5.680 trường là tiểu học và vỡ lòng; chỉ có 72 trường trung học cơ sở, 3 trường trung học phổ thông. Cả nước chỉ có 4 trường trung cấp chuyên nghiệp, với 175 giáo viên và khoảng 3.000 học sinh. Trên toàn cõi Đông Dương, có 3 trường đại học với 60 giảng viên và khoảng 1.222 sinh viên. Tổng số người đi học khoảng 725.000, bình quân 1 vạn dân chỉ có 321 người. Đáng lưu ý, hầu hết số người đi học bậc trên là con em của những người làm việc trong bộ máy thống trị của thực dân, phong kiến, rất hiếm có con em người lao động.
Sau Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trong những năm kháng chiến chống ngoại xâm lần thứ nhất và trong những năm chống chiến tranh phá hoại, Đảng và Nhà nước đã đưa hàng vạn con em người lao động đi học tập, đào tạo ở nước ngoài để chuẩn bị cho công cuộc kiến thiết đất nước sau này. Nếu khoa học, công nghệ là động lực của tăng trưởng và phát triển đất nước, thì giáo dục đào tạo là chìa khoá của khoa học, công nghệ. Giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu xuất phát từ vai trò này.
Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện mục tiêu tổng quát của chiến lược phát triển kinh tế- xã hội thời kỳ 2011- 2020 là cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trên cơ sở phát triển khoa học- công nghệ và giáo dục- đào tạo là một đột phá chiến lược.
Chính vì vậy, thực hiện tốt 3 khâu đột phá Chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011- 2016. Theo đó, trong 5 năm tới, phải tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai chương trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt.