Chi tiết bài viết

Những kỷ niệm thiêng liêng ngày Độc lập

 


Lễ đài nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945

Thời khắc lịch sử ngày 2/9/1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cách nay đã 66 năm. Những người chiến sỹ trẻ nhiệt huyết, hăng hái xung phong, tích cực tham gia vào các hoạt động cách mạng ở Hà Nội năm xưa, nay đã trở thành những người lính già đầu bạc, mắt mờ và đi lại cũng khó khăn. Những người còn lại còn rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay.

Trong câu chuyện với chúng tôi về ngày độc lập đầu tiên ấy, mỗi người lính già đều không giấu nổi niềm tự hào. Có thể thấy ở họ vẫn toát lên tinh thần sục sôi cách mạng, ý chí chiến đấu để thoát khỏi ách áp bức nô lệ mà khi đó, họ đã là những nhân chứng sống, nhân chứng lịch sử của ngày tháng hào hùng không thể nào quên…

Tiếng Bác Hồ rung động mãi trong tim…

Tiếp chúng tôi trong căn phòng rộng hơn 20m2 nằm sâu trong ngõ Vĩnh Tuy, Hà Nội, ông Phạm Thế Cường (tức Phạm Đình Cảnh – tên gọi lúc tham gia hoạt động cách mạng) năm nay đã ngoài 80 tuổi. Tuổi cao khiến việc đi lại của ông Cường trở nên khó khăn, nhưng trí nhớ thì vẫn còn minh mẫn.

Ông bảo, những đồng đội cũ cùng lứa tuổi với ông giờ đã ra đi gần hết, những người còn sống sức khỏe đã yếu, vài người có bệnh tai biến, phải sống cuộc sống thực vật. Rồi cũng có người vừa mới hôm qua còn gọi điện cho ông hẹn hò tham dự buổi hòa nhạc “Còn mãi với thời gian” vào ngày 2/9 tới, giấy mời còn chưa đến tay thì đã ra đi mất rồi…

Đột nhiên ông hạ giọng nói: “Thời gian đối với tôi vô cùng quý giá, nó có thể tính bằng giây, bằng phút. Hôm nay tôi còn có thể nói chuyện được với anh chị, nhưng không biết ngày mai có còn không?”… Ngừng một lát, ông bồi hồi kể lại hồi ức về quãng đời hoạt động của mình cách đây 66 năm…

 

Ông Phạm Thế Cường

“Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bố mẹ mất sớm phải ở với chị họ. Năm 16 tuổi, tôi tham gia hoạt động trong Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu. Đây là một đơn vị bộ đội địa phương do Xứ ủy và Thành ủy trực tiếp chỉ đạo, mang danh nghĩa như một đoàn thể quần chúng có vũ trang. Thành viên của đội đều là những đoàn viên đã được rèn luyện và thử thách của đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh.

Lúc đầu, đội được sử dụng để bảo vệ các cơ quan lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Mặt trận Việt Minh ở cấp Trung ương, Xứ ủ­­­­­y Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội, bảo vệ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác. Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu được giao cử 2 đơn vị (Đơn vị Tô Hiệu và Trần Quốc Toản) đến Quảng trường Ba Đình dự lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945.

Đơn vị Tô Hiệu của ông Cường có vinh dự đặc biệt là đứng ngay ở hàng đầu sát lễ đài, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, như một hàng rào danh dự, trực tiếp bảo vệ lễ đài. Tất cả anh em đều rất xúc động một phần vị sự tin cậy của Đảng, một phần vì lòng náo nức được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ kính yêu, người lãnh tụ tối cao của dân tộc Việt Nam. Mọi người rất phấn khởi. Anh em số đông là thanh niên trẻ, sôi nổi”.

Ông Cường nhớ lại, ngày 2/9 cách đây 66 năm: “Hôm ấy, tham dự mít tinh gồm đủ mọi thành phần, mọi tầng lớp xã hội: công nhân, dân quân, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, các cụ phụ lão, các nhà sư...

Ánh mắt ông Cường rực sáng lên khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam: “Ngày hôm đó trời nắng, oi bức, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trong trang phục giản dị, áo ka ki cao cổ, chân đi dép cao su trắng. Cả biển người im phăng phắc lắng nghe Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Lời Người điềm đạm, nhưng cương quyết, từng lời nói đi vào tâm khảm người nghe, tràn đầy tình cảm sâu sắc và ý chí kiên quyết”.

Có lẽ với ông Cường, tiếng hô “Xin thề!” của hàng vạn chiến sỹ đồng bào và câu hỏi chân tình “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” của Bác Hồ trong giờ phút thiêng liêng ấy là điều mãi mãi không thể nào quên. Ông Cường chia sẻ: “Có nhiều người dân vừa khóc vừa hô “Xin thề!” và tôi hiểu rằng, những người như chúng tôi, từ thân phận đói nghèo, nô lệ, nay trở thành người dân của nước Việt Nam độc lập. Đấy là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao mà chỉ những ai đã trải qua mới thấu hiểu”.

“Đó là những ngày tháng gian khổ, hào hùng nhưng cũng hạnh phúc nhất cuộc đời tôi. Những tư tưởng mới trong bản Tuyên ngôn Độc lập đã thấm sâu trong tâm trí chúng tôi. Chúng tôi đã thấy giá trị của độc lập, thấy trách nhiệm thiêng liêng phải bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập mới giành được…” - Ông Cường nói trong xúc động.

Dòng ký ức hùng tráng làm ông Cường như quên đi thực tại, một hồi lâu ông mới kể tiếp, sau ngày 2/9/1945, ông Cường tiếp tục tham gia tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu. Năm 1986, ông về nghỉ hưu và được phong hàm Đại tá.

Trải qua 41 năm trong quân ngũ, dù có nhiều khó khăn, nhưng niềm tự hào nhất của ông là được chiến đấu cho đến ngày giành độc lập 30/4/1975. Ông Cường có 4 người con, trong đó có người trai đầu đã hy sinh vì Tổ quốc. Và cha ông cũng là liệt sĩ.

Tất cả như vừa mới hôm qua…

Rời nhà ông Cường, chúng tôi tìm gặp bà Lê Thị Thanh, nguyên là Hiệu phó trường Cao đẳng sư phạm mẫu giáo Trung ương. Trong những ngày mùa thu cách mạng năm 1945, bà Thanh tham gia Hội phụ nữ cứu quốc, rồi trở thành nữ chiến sỹ của Trung đoàn Thủ đô có mặt trong 60 ngày đêm chiến đấu quyết tử bảo vệ Hà Nội.

Cũng giống như ông Cường, bà Thanh hồ hởi khi kể về kỷ niệm của một thời oanh liệt: “Là học sinh yêu nước trường Trung học Nguyễn Huệ - Hà Nội, tôi sớm được giác ngộ cách mạng. Năm 16 tuổi, tôi được phân công làm tình báo, liên lạc viên và đi rải truyền đơn ở nhiều nơi. Có lần, trong khi làm nhiệm vụ, tôi phải đi qua những ngôi mộ của các đồng đội đã hy sinh, tôi sợ lắm! Nhưng, tôi tự trấn an tinh thần bằng cách nghĩ về họ lúc còn sống và khe khẽ cất tiếng hát. Sau đó một thời gian, trong một đợt địch càn quét, tôi đã dũng cảm bắn chết 1 tên giặc Pháp và được tham gia các buổi mít tinh ở Làng Cót, Hà Nội…”.

 

Bà Lê Thị Thanh

Trong cuộc đời mình, có lẽ giây phút được tham gia và chứng kiến không khí của ngày chiến thắng, ngày độc lập 2/9 cách đây 66 năm là điều hạnh phúc và cảm giác khó tả đối với không chỉ riêng bà Thanh mà với nhiều người. Cảm xúc đó còn lưu lại mãi cho đến tận bây giờ.

Bà Thanh hồi tưởng: “Tôi nhớ ngày 2/9/1945, lúc đó quần chúng đi lại rất đông ở các khu phố của Hà Nội, các cửa hàng cửa hiệu phần lớn là đóng cửa và treo cờ hoa mừng ngày độc lập. Những đoàn người rầm rập kéo về Quảng trường Ba Đình: Phụ nữ nội thành mặc áo dài trắng, phụ nữ ngoại thành áo nâu quần đen, chít khăn mỏ quạ. Thanh niên áo sơ mi cộc tay, quần soóc, công nhân quần áo xanh, các đoàn tu sĩ thiên chúa giáo áo đen, các em thiếu nhi áo trắng, quần soóc xanh…”.

“Buổi sáng 2/9, tôi cùng các chị em trong đoàn phụ nữ cứu quốc đến từng gia đình vận động họ tham gia cuộc mít tinh vào buổi chiều cùng ngày. Đến 14h, đoàn phụ nữ cứu quốc tiến về quảng trường Ba Đình rực rỡ cờ hoa với những tiếng hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Minh!”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh!”. Đoàn phụ nữ cứu quốc của chúng tôi được đứng vị trí đầu tiên. Khoảng 14h30, bà Dương Thị Thoa (tức Lê Thi) trong đoàn được Ban Tổ chức cử lên kéo cờ độc lập cùng với bà Đàm Thị Loan”.

Cả biển người bỗng im phăng phắc để lắng nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Lần đầu tiên được nhìn thấy Người, tôi đã nhận thấy ở Người sự giản dị và gần gũi…” – Bà Thanh hào hứng kể.

Câu chuyện của bà Thanh kể về ngày Độc lập như vừa mới đây thôi. 66 năm trôi qua, nay bà Thanh đã bước sang tuổi 81 nhưng tinh thần vẫn vô cùng minh mẫn. Bà phục vụ trong quân ngũ đến khi 53 tuổi mới chuyển sang ngành giáo dục và làm Hiệu phó của trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương cho tới khi nghỉ hưu. Giờ đây, cứ mỗi dịp tháng 8 hàng năm, bà và các đồng đội cũ lại gặp nhau, ôn lại kỷ niệm xưa. Thi thoảng, ngày Độc lập đầu tiên ấy lại bà và đồng đội ôn lại như để tiếp thêm ý chí, nghị lực cho thế hệ con cháu…

Câu chuyện của những người lính đã đi qua ngày tháng hào hùng như ông Phạm Thế Cường, bà Lê Thị Thanh cùng biết bao người chiến sỹ khác về ngày 2/9/1945 sẽ không chỉ là dòng sự kiện trong trang sử vàng vẻ vang của dân tộc. Ký ức Cách mạng mùa thu tháng Tám cùng hình ảnh Bác Hồ trong ngày độc lập đầu tiên ấy, chắc hẳn sẽ còn đọng mãi trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. Đó như một bài học truyền thống, soi rọi cho các thế hệ sau tiếp nối truyền thống của cha anh trên con đường cách mạng, sống, chiến đấu, lao động, học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Theo VOV.vn