Chi tiết bài viết

Những gương mặt lãnh đạo trẻ

Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 của nhiều tỉnh thành xuất hiện các Bí thư, Phó bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy thuộc diện trẻ nhất từ trước đến nay. 

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Đà Nẵng

Trưa 16/10, Ban chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng khóa 21 đã họp phiên thứ nhất bầu Ban thường vụ, Bí thư và Phó bí thư. Ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Phó bí thư Đà Nẵng, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, được bầu giữ chức Bí thư.

nhung-guong-mat-lanh-dao-tre

Tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng 39 tuổi Nguyễn Xuân Anh. Ảnh: Nguyễn Đông

Sinh năm 1976, ông Nguyễn Xuân Anh (quê xã Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng) được xem là một trong những Bí thư Thành ủy trẻ nhất nước. Với trình độ tiến sĩ Quản trị Kinh doanh, ông từng kinh qua nhiều vị trí quan trọng của Đà Nẵng như Phó bí thư ở tuổi 38, Phó chủ tịch UBND thành phố ở tuổi 35.

Phát biểu sau khi nhậm chức, ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng: "Sự tín nhiệm của các đồng chí, sự tin yêu của nhân dân thành phố với tôi chính là sự tin tưởng giao phó trọng trách cho thế hệ trẻ được sinh ra và trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất. Đó là mệnh lệnh không điều kiện, đòi hỏi bản thân phải đem hết trí tuệ và tâm sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân".

Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận việc quản lý thành phố còn nhiều khuyết điểm, nhưng "chúng ta phải biết sửa sai vì một bộ phận nhân dân vẫn còn nghèo khó". "Lãng phí là xúc phạm đến lòng tin của dân, tham nhũng là có tội với nhân dân. Phải làm sao để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng trở thành trào lưu mới của thành phố", ông Xuân Anh trăn trở.

Tân Bí thư 39 tuổi của Đà Nẵng khẳng định sẽ kiên quyết chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực, không khoan nhượng với nạn "chạy chức, chạy quyền", kiên quyết chống "thị trường ngầm và thương mại hàng hóa công tác tổ chức cán bộ". Ông cho rằng mỗi cấp ủy viên đều có chức vụ cụ thể, có quyền lực nhất định, song không cho phép lợi dụng chức quyền để vun vén cá nhân. 

Ông Nguyễn Xuân Anh là con trai cả của nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Chi. 

Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Kiên Giang 

nhung-guong-mat-lanh-dao-tre-1

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang 39 tuổi Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Cửu Long

Nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị vừa được bầu giữ chức Bí thư nhiệm kỳ 2015-2020. Trước đó tháng 3/2014, ông được luân chuyển về làm Phó bí thư Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.

Trao đổi với báo chí sau khi nhậm chức, ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian tới Kiên Giang sẽ tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển kinh tế nhanh và thực sự bền vững, đảm bảo an sinh xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế theo mô hình đặc khu kinh tế tại đảo Phú Quốc; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đảm bảo quốc phòng an ninh cũng như tình hình trật tự an toàn xã hội...

Tân Bí thư Kiên Giang cho hay, việc phát triển Phú Quốc thành đặc khu kinh tế là chủ trương của Trung ương và trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo xây dựng đề án trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Tỉnh xác định phát triển Phú Quốc theo mô hình đặc khu là mũi đột phá của Kiên Giang. 

Sinh năm 1976, ông Nguyễn Thanh Nghị là Tiến sĩ khoa học ngành Kỹ thuật Xây dựng (Đại học George Washington, Mỹ), nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Kiến trúc TP HCM. Ông nhậm chức Thứ trưởng Xây dựng từ cuối năm 2011 khi mới 35 tuổi và là thứ trưởng trẻ nhất Việt Nam.

Tại Đại hội Đảng XI (tháng 1/2011), ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Là con trai cả của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trả lời báo chí khi đó, ông khẳng định, thành công của mình nhờ truyền thống gia đình và nỗ lực của bản thân.

Hai Phó bí thư Thành ủy TP HCM

ong-Thuong-8632-1445221636-9414-14452258

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM Võ Văn Thưởng. Ảnh: Trung Sơn

Sáng 17/10, Đại hội Đảng bộ TP HCM công bố kết quả bầu Ban chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020. Trong số 4 Phó bí thư Thành ủy TP HCM, có 2 người trẻ là ông Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó bí thư; ông Tất Thành Cang, sinh năm 1971, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó chủ tịch UBND TP HCM. 

Cả hai ông Võ Văn Thưởng và Tất Thành Cang đều từng là Bí thư Thành đoàn TP HCM. Trong đó ông Võ Văn Thưởng là thạc sĩ triết học, từng đảm nhiệm Bí thư Quận ủy 12. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Tháng 1/2011, ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI và tháng 8/2011 được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; đến tháng 4/2014 về lại TP HCM làm Phó bí thư Thành ủy.

Ông Tất Thành Cang là thạc sĩ luật, từng đảm nhận Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND Quận 2. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11, ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Từ tháng 10/2012 đến tháng 6/2014, ông giữ chức Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM và từ tháng 6/2014 đến nay là Phó chủ tịch UBND TPHCM. 

nhung-guong-mat-lanh-dao-tre-3

Ông Tất Thành Cang, Phó bí thư Thành ủy TP HCM.

Thay mặt Ban chấp hành Đảng bộ TP HCM nhiệm kỳ mới, Phó bí thư thường trực Võ Văn Thưởng bày tỏ quyết tâm giữ vững truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo... để cùng nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết đảng bộ lần thứ 10 đề ra.

Ông Võ Văn Thưởng cho biết, theo yêu cầu về công tác nhân sự, Đảng yêu cầu phải bảo đảm có ba độ tuổi là dưới 40, từ 40 đến 50 và trên 50. "Tuổi cao có thế mạnh của tuổi cao, tuổi trẻ cũng có thế mạnh của tuổi trẻ nhưng người trẻ sẽ có nhiều điểm yếu của cán bộ trẻ. Vì vậy, trong một tập thể có đủ 3 độ tuổi là cần thiết để bổ sung cho nhau và Đảng bộ thành phố đã làm đúng theo quy định", ông Thưởng nói.

So với những người tiền nhiệm từng được bầu giữ chức Phó bí thư Thành ủy TP HCM, hai ông Võ Văn Thưởng và Tất Thành Cang đều thuộc thế hệ dưới 50 tuổi. Trước đó, ông Lê Thanh Hải được bầu giữ chức Phó bí thư Thành ủy TP HCM năm 2001 khi 51 tuổi; ông Nguyễn Minh Triết đảm nhiệm chức vụ này năm 1997 lúc 55 tuổi.

Là thành phố lớn có vị trí quan trọng nhất cả nước, TP HCM đang chờ Bộ Chính trị phân công Ủy viên Bộ Chính trị về làm Bí thư. 

27 tuổi vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định

nhung-guong-mat-lanh-dao-tre-4

Ông Nguyễn Minh Triết 27 tuổi được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định. Ảnh: PL TP HCM

Sáng 16/10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định công bố danh sách 55 thành viên được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 19, nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Triết là thành viên trẻ nhất.

Sinh năm 1988, ông Nguyễn Minh Triết tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh. Cuối tháng 6/2014, khi đang là Phó Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển sinh viên Việt Nam, ông được Ban bí thư Trung ương Đoàn cử về làm Phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Định, nhiệm kỳ 2013-2017. Cuối năm đó ông Triết được Trung ương Đảng chỉ định tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015.

Ông Nguyễn Minh Triết là con trai út của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư 30 tuổi

Ngày 23/9, UBND tỉnh Quảng Nam công bố quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam sau đó đã bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ 2015-2020, tân Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trở thành tỉnh ủy viên trẻ nhất tỉnh Quảng Nam.

nhung-guong-mat-lanh-dao-tre-5

Ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam. Ảnh: Tiến Hùng.

Sinh năm 1980, ông Lê Phước Hoài Bảo trở thành Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trẻ nhất nước. Là con trai ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Bảo từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng, sau đó học thạc sĩ chuyên ngành quản trị tài chính tại Mỹ.

Sau khi về nước, năm 2012 ông Lê Phước Hoài Bảo được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư của Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, tháng 3/2014 được bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình và đến tháng 4/2015 về làm Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam.

Trao đổi về việc nhiều cán bộ trẻ được bổ nhiệm vừa qua, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho hay, đây là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy chủ trương đúng đắn nhằm thu hút người được đào tạo cơ bản, có năng lực tham gia vào bộ máy nhà nước. "Nên khách quan với những người được bổ nhiệm còn trẻ tuổi. Không nên cứ thấy bổ nhiệm người trẻ là nghi ngờ. Chúng ta sống phải có niềm tin và niềm tin là cơ sở, động lực để chúng ta làm việc", ông Tuấn nói.

Trước đó năm 2006, ba chức vụ cao cấp nhất của Việt Nam đã được trao cho các ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng; Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội. Cả 3 vị lãnh đạo này đều trẻ hơn so với thế hệ lãnh đạo cũ. Ở tuổi 56, tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã trở thành Thủ tướng trẻ nhất của Việt Nam kể từ năm 1975.

Theo vnexpress