Chi tiết bài viết

NHÌN LẠI 5 NĂM XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Để xây dựng nông thôn mới thành công đòi hỏi: Xây dựng nông thôn mới phải gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, kinh tế xã hội phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng, giữa nông thôn và thành thị...

Sau 5 năm (2010 – 2015), cả nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng, giao thông có bước tiến mới, đời sống của người dân được cải thiện, thu nhập bình quân có tăng lên,... Đến nay đã có 2071 xã, chiếm 23% tổng số xã trong cả nước, và 27 đơn vị cấp huyện đạt tiêu chí nông thôn mới.

Tuy nhiên theo kết quả kiểm tra của Quốc hội và tin tức được đăng tải trên các phương tiện truyền thông cho thấy xây dựng nông thôn mới đang còn có những bất cập: 

Một là, nợ đọng xây dựng cơ bản 52/62 tỉnh, thành phố có trên 15.292 tỷ đồng, trong đó Bắc Ninh 1.600 tỷ, Phú Thọ 200 tỷ, Quảng Bình 470 tỷ, Nghệ An 887 tỷ,... hiện nay rất khó khăn để tìm nguồn trả nợ.

Hai là, một số địa phương chạy theo thành tích, xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị hóa, kiên cố hóa, tập trung nhiều vào cơ sở hạ tầng, giao thông, trụ sở cơ quan hành chính, chợ búa, trường học, huy động quá sức dân, vượt qua khả năng tài chính, nguồn lực của chính mình, cùng với quản lý yếu kém, cơ sở hạ tầng xuống cấp, lãng phí, tham ô, nợ đọng tăng cao. 

Ba là, một số địa phương còn xem nhẹ trong tái cơ cấu nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn văn hóa làng xã. Dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, kinh tế giảm sút, tệ nạn xã hội gia tăng. Việc áp dụng nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới một cách rập khuôn, thiếu sáng tạo, chưa tìm ra cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với từng vùng từng địa phương. Do đó, kết quả xây dựng nông thôn mới có sự chênh lệch giữa các vùng: Đông Nam Bộ đạt 46,4%, Đồng bằng sông Hồng đạt 42,8%, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 16,7%, Tây Nguyên đạt 13,2%, miền núi phía Bắc chỉ đạt 8,2%...

Để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thời kỳ 2016 – 2020, đòi hỏi cả hệ thống chính trị quán triệt và tổ chức triển khai Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII, sớm kiện toàn về nhân sự, trước mắt là bộ máy Ban chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương, đồng thời phải thay đổi tư duy cho các cấp lãnh đạo và người dân: xây dựng nông thôn mới phải gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sống ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn nền văn hóa làng xã, giữ gìn bản sắc dân tộc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo công ăn việc làm cho người dân, kinh tế xã hội được phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng, giữa nông thôn và thành thị,... đây chính là nền tảng, là mục tiêu của xây dựng nông thôn mới... 

Trên cơ sở đó tập trung rà soát, hoàn thiện bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới và các chính sách, cơ chế đặc thù cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm của các vùng miền: ven biển, hải đảo, ven đô thị, đồng bằng miền núi, làm rõ sự khác nhau, giống nhau giữa tiêu chí xây dựng nông thôn mới của cấp xã và cấp huyện. Đối với cấp huyện nông thôn mới cần bổ sung tiêu chí về liên kết giữa các xã, các huyện trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, cùng chung sử dụng hợp lý cơ sở hạ tầng, các công trình đã được đầu tư để tiết kiệm trong xây dựng cơ bản... 

Mặt khác, đòi hỏi các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cùng phối hợp rà soát, bổ sung, điều chỉnh các chính sách, cơ chế, các quy định liên quan đến huy động các nguồn lực, phối hợp sử dụng các nguồn vốn, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn, bao gồm các nguồn vốn của nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, vốn huy động trong dân để đầu tư đúng mục đích, tránh chồng chéo, dàn trải, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi trong quá trình lập dự án và tổ chức thực hiện tại các địa phương cũng như phát huy quyền làm chủ của cộng đồng trong giám sát, phản biện,... 

Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng Nông thôn mới các cấp cần tăng cường công tác truyền thông, thường xuyên theo dõi phát hiện các đơn vị điển hình trong số các huyện, xã đạt tiêu chí nông thôn mới để phổ biến, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, nhân rộng các mô hình tiên tiến.

Hi vọng rằng trong triển khai xây dựng chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đến, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khuyết điểm và tồn tại trong thời gian qua, phát huy tính chủ động, sáng tạo, huy động được mọi nguồn lực để đưa sự nghiệp xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển./.


TS. Hồ Văn Hoành
Phó Chủ tịch TW Hội Khoa học phát triển
nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam

Theo tuyengiao.vn (