Chi tiết bài viết

Nhân tài với thịnh suy của đất nước

GS Hồ Ngọc Đại với những phát biểu đầy tâm huyết
 
 
Không thể chấn hưng nền giáo dục bằng “Phong trào”, “Đề án”
 
Các đại biểu cho rằng, vấn đề nào được bàn nhiều hiện nay, có nghĩa vấn đề đó còn đang thiếu, yếu và gây bức xúc. Do đó, tên gọi của hội thảo đã nói lên phần nào những mong mỏi của những người có tâm huyết và dư luận xã hội. Mở đầu những tham luận, ông Vũ Ngọc Phương, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam, phát biểu: nhân tài là một khái niệm theo nghĩa rộng. Cho đến nay, chúng ta hầu như đều giới hạn nhân tài theo nghĩa tài năng hướng thiện và chỉ tập trung vào nhân tài lãnh đạo. Đó là sự phiến diện của quan điểm xã hội. Nhân tài lãnh đạo sẽ bị cô lập, diệt vong nếu không có nhân tài ở nhiều cấp độ khác nhau phù trợ…
 
Đi sâu hơn vào phân tích sứ mệnh quan trọng của giáo dục trong việc bồi dưỡng nhân tài, GS Chu Hảo - Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ cho rằng: các bậc danh nhân tài, hiền tài và thiên tài đều là “Nguyên khí của quốc gia”. Trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước, chúng ta rất cần ba loại nhân tài là: nhà lãnh đạo xuất sắc, doanh nhân cự phách, nhà Khoa học công nghệ (KH-CN) và văn học nghệ thuật (VH-NT) tài ba.
 
Nhưng không một nền KH-CN, VH-NT nào có thể phát triển trên cơ sở một nền giáo dục quốc dân bất cập như hiện nay. Cũng không thể có một đội ngũ lãnh đạo xuất sắc và tầng lớp doanh nhân giỏi giang với một nền giáo dục còn quá nhiều vấn đề phải khắc phục...
 
Không thể chấn hưng nền giáo dục bằng các “Phong trào”, “Đề án” mà phải tiến hành đổi mới một cách toàn diện, triệt để. Mà trước hết, phải đánh giá một cách toàn diện, khách quan nền giáo dục.
 
Đừng nhầm lẫn giữa bằng cấp và người tài
 
Tuy không tham gia tham luận nhưng GS Hồ Ngọc Đại đã có lời phát biểu đầy tâm huyết: “Muốn phát hiện được người tài, thì trước hết người đó phải là người tài. Chúng ta đang rất nhầm lẫn giữa bằng cấp và người tài. Nên chọn người tài từ trong cuộc sống hơn là người tài từ trong các phòng thi. Những người vượt qua “bão táp” phòng, chưa chắc đã “đứng vững” ngoài đời”.
 
Người tài trong công tác tổ chức là người biết rõ công việc đó phù hợp với ai. Nếu người tài đó đỗ bằng A nhưng ra làm việc B thì đó là vô nghĩa. Chúng ta thường căn cứ vào những thứ hình thức, trong hoàn cảnh như nhau, người tài làm việc tốt hơn chứ đòi hỏi trong hoàn cảnh tốt hơn để làm tốt hơn thì điều đó quá dễ. Khó khăn là khó khăn chung của đất nước, của thời đại, chứ không phải khó khăn của riêng ai. Nếu ai coi trọng khó khăn của riêng mình thì người đó bất tài. Cần nhìn nhận người tài rộng rãi hơn. Một người thợ mộc giỏi nhất cũng là người tài. Do đó, chúng ta nên thay đổi khẩu hiệu thành: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, trọng dụng nhân tài. Nền giáo dục thế kỷ 20 đã hoàn thành nghĩa vụ của nó và cần có nền giáo dục của thế kỷ 21, với những nguyên lý mới, tư duy mới – GS Hồ Ngọc Đại thẳng thắn bày tỏ.
 
Đánh giá về môi trường xã hội, nơi nảy sinh tài năng, GS. TS Hồ Sĩ Quý, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội cho rằng: tài năng và môi trường xã hội của tài năng là một chủ đề tranh luận không dễ ngã ngũ. Nhân tài thời nào cũng có, tuy nhiên không mấy ai bằng lòng với thực trạng tài năng, nhân tài, nguồn nhân lực có trình độ cao còn đang rất thiếu như hiện nay.
 
“Không thể mơ đến sự xuất hiện của tài năng ở nơi mà điều kiện không cho phép xuất hiện. Đại học đẳng cấp quốc tế không thể xuất hiện ở những nơi mua bằng, bán điểm. Nhà nghiên cứu tầm cỡ không thể xuất hiện từ những người làm khoa học quay lưng với thành tựu bên ngoài. Nhà quản lý tài ba không thể trở tay được trong thiết chế gồm toàn những người chú tâm đến lợi ích nhóm… Hiện tại, môi trường cho tài năng ở Việt Nam còn nhiều điều bất hợp lý, thậm chí nhức nhối, cần phải giải quyết trong khuôn khổ của Chiến lược quốc gia về nhân tài. Mọi tài năng, có lẽ trừ tài năng kiệt suất mới có thể phát triển bình thường trong môi trường như vậy.
 
Cũng trên quan điểm đó, GS Chu Hảo cho rằng: hiện nay chúng ta đang áp dụng một hệ thống tiêu chuẩn chung chung, thay vì tiêu chuẩn cụ thể cho từng cương vị. Công tác tuyển chọn nhân sự trở nên không dễ dàng, gây ra sự lãng phí những người tài. Do đó, những điều kiện thiết yếu để nhân tài xuất hiện có thể là một nền giáo dục quốc dân lành mạnh và thực học; phát huy dân chủ để phát triển tài năng; áp dụng phương pháp tuyển chọn nhân sự khoa học và thực hiện cơ chế sử dụng nhân tài hợp lý.
 
Dù có hơn 70 bài tham luận đăng ký nhưng trong khuôn khổ một buổi hội thảo, các bài phát biểu tập trung làm rõ vai trò của nhân tài đối với thịnh suy của đất nước, các bài học từ lịch sử và Việt Nam; Hồ Chí Minh đối với trọng dụng nhân tài; kinh nghiệm trọng dụng nhân tài từ các nước; cơ sở lý luận và kiến nghị chính sách phát hiện, trọng dụng nhân tài trong ổn định kinh tế và hội nhập quốc tế.
 
 
theo qdnd.vn