Chi tiết bài viết

Người vùng cao 'lên đời' nhờ cam

 
Cam ở huyện Chiêm Hóa chủ yếu tập trung ở xã Trung Hà, nhiều nhất là vùng Khuôn Nhòa, Khuôn Pồng, Khuôn Quáng, Khuổi Đinh, Khuổi Hỏi, Bản Tháng, Bản Ba với trên 600 hộ có vườn, tổng diện tích khoảng 400ha. Một số xã khác cũng trồng cam như Trung Hòa, Hòa an, Ngọc Hội, Hồng Quang…
Cam được trồng quanh nhà người dân tộc, các trang trại nhỏ trong núi với quy mô hộ ít vài trăm cây, hộ nhiều nhất tới 3.000 cây, cho thu lãi từ vài triệu đồng tới vài trăm triệu đồng.
Nhờ có loại đất đá vôi màu mỡ, mát mẻ, có nhiều mỏ nước từ các hang đá cao mà cây cam ở đây luôn xanh tốt, sai quả, quả to, chín đỏ đẹp, chất lượng thơm ngon.
Với người nông dân nơi đây mà chủ yếu là các dân tộc thiểu số như người Tày, Dao thì cây cam thực sự là cứu tinh, không chỉ mang lại công ăn việc làm, giúp họ xóa đói giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Song còn một thực tế đáng buồn là người nông dân ở đây làm cam quá manh mún, thiếu sự đầu tư, không thâm canh tăng năng suất dẫn tới bà con “sống trên vàng” mà vẫn còn rất nhiều những hộ nghèo. Có hộ "chán" trồng cam lại phá đi trồng ngô, nhất là trong những thời kỳ giá cam rẻ.
Năm ngoái, thời điểm mà giá cam ở mức 4- 5 ngàn đồng/kg, người nông dân ngán ngẩm chặt bỏ để trồng ngô. Tết vừa rồi cam bán đắt như tôm tươi, kịch giá lên tới 17.000đ/kg tại vườn thì chuyện của người trồng cam lại khác, gặp nhau là cười. Họ hồ hởi và ước mong vụ này cam lại được giá, đâu đó có người còn “làm liều”, đốt rừng làm nương dù đó là đất của lâm trường hay đất rừng tự nhiên.
Ông Bộ – một nông dân giỏi, một triệu phú “chân đất” thực sự nơi đây, cho rằng cây cam là loại cây ăn quả rất phù hợp với mảnh đất này, có tiềm năng kinh tế lớn, song cần phải biết áp dụng triệt để các biện pháp khoa học kĩ thuật, quy mô phải lớn theo hướng thâm canh và phải biết tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây chính là diều bà con dân tộc còn thiếu.
 
Theo vnexpress.net