Chi tiết bài viết

NGƯỜI LAO ĐỘNG 4.0

Ngày 1-5, Ngày Quốc tế lao động, là ngày gợi nhắc nhân loại nói chung, mỗi người nói riêng về giá trị của lao động, về sự tôn vinh, trân trọng người lao động... Giữa dòng chảy - đã khởi sự ở nhiều quốc gia và đã có sự xác lập về nhận thức để chủ động có sự chuẩn bị ở Việt Nam - của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 1-5 còn là một điểm nhấn nhiều gợi mở:

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có những tác động như thế nào đến thế giới, đến từng quốc gia? Phải có những tiêu chí gì để trở thành lao động 4.0? Người lao động 4.0 sẽ có vị thế như thế nào trước những biến chuyển to lớn mà thời cuộc mang lại?...

Cách mạng công nghiệp 4.0, dù còn những cách tiếp cận với quan điểm khác nhau, đã bắt đầu từ 5-6 năm gần đây, tập trung vào sản xuất thông minh dựa trên các “trụ cột” - thành tựu đột phá về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano... mà nền tảng là công nghệ số. Công nghệ số đã, đang và sẽ tác động trực tiếp, sâu rộng tới phương thức sản xuất cũng như người lao động. Nói cách khác, sự lên ngôi của tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (rô bốt, hệ thống máy tính siêu thông minh...) mang lại những thách thức to lớn và trực diện đối với vai trò của con người nói chung, vai trò của người lao động nói riêng trong hệ thống sản xuất.

Nhiều nghiên cứu đã đưa ra những dữ liệu, số liệu rất đáng để suy ngẫm: Chẳng hạn, Giáo sư Klaus Schwab trong cuốn “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã nêu, hàng triệu người sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, đặc biệt là nhân công trong ngành vận tải, kế toán, môi giới bất động sản hay bảo hiểm. Khoảng 47% công việc hiện tại ở Mỹ có thể biến mất vì tự động hóa.

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới với tiêu đề “Tương lai của việc làm” (năm 2016) cũng đánh giá quá trình sản xuất sẽ có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo và máy tự học, người máy, công nghệ nano, in 3D, công nghệ gene và công nghệ sinh trắc học... Sự phát triển của khoa học, công nghệ một mặt tạo ra năng suất cao hơn nhưng cũng khiến quá trình dịch chuyển lao động, sự biến mất của những vị trí việc làm cũ diễn ra nhanh hơn. Cạnh tranh lao động không chỉ diễn ra giữa người với người mà còn diễn ra giữa con người với máy móc (rô bốt, trí tuệ nhân tạo). Ở góc nhìn hẹp hơn, theo Tổ chức Lao động quốc tế, 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa. Trong đó, 86% lao động các ngành may mặc, da giày của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa...


Cả cơ hội và thách thức cùng mở ra. Cả thuận lợi và khó khăn cùng buộc người lao động 4.0 phải có quá trình chuẩn bị để thích nghi, chuẩn bị để nắm bắt, tận dụng cơ hội. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu thế tất yếu, diễn ra ở tất cả quốc gia trên thế giới. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập một cách tích cực, sâu rộng và sự chuẩn bị một cách chủ động nhằm đón bắt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được bắt đầu. Cùng với bước xác lập về nhận thức và hành động của Chính phủ và các bộ, ngành, lĩnh vực, người lao động - để trở thành những lao động 4.0 - không thể đứng ngoài xu thế tất yếu ấy.

Tuy nhiên, những khó khăn, rào cản có thể nhìn thấy rõ. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng. Song, cơ cấu lao động chưa phù hợp với yêu cầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế khi lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn (41,9%). Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo năm 2016 mới đạt 20,6%. Tay nghề, thể lực lao động còn hạn chế; kỷ luật, tác phong công nghiệp chưa cao. Đồng thời, năng suất lao động là vấn đề đáng lo ngại khi đang thua xa ngay cả lao động các nước trong khu vực như Philippines, Indonesia, Thái Lan...

Đáng chú ý, số lao động có trình độ đại học bị thất nghiệp lên tới gần 200.000 người. Giờ đây, nước ta đã phải xuất khẩu cả những cử nhân, kỹ sư đi làm việc không đúng chuyên môn ở nước ngoài - tín hiệu cho thấy sự không tương thích giữa đào tạo với thị trường. Trong khi đó, hiệu quả làm việc, năng suất lao động chính là thước đo, là chỉ số cạnh tranh nhân lực giữa người với người, giữa người với máy móc. Đây cũng là vấn đề đặt ra không chỉ với đối tượng lao động khu vực doanh nghiệp mà cả những lao động làm việc trong lĩnh vực hành chính, sự nghiệp khi tình trạng “sáng cắp ô đi tối cắp về”, "thất nghiệp trá hình" không phải không phổ biến.

Quá trình khởi sự, tích tụ những điều kiện cần thiết để đón bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải tận dụng cơ hội, có giải pháp hạn chế thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0. Sự chuẩn bị đó phải đến từ toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, các tổ chức. Các bộ, ngành cần triển khai các nhiệm vụ với tinh thần quyết liệt, chủ động các nội dung liên quan cách mạng công nghiệp 4.0 trong chiến lược phát triển của bộ, ngành mình.

Có thể thấy, để trở thành lao động 4.0, mỗi người đều có trách nhiệm theo kịp, đón bắt cách mạng công nghiệp 4.0. Để “chắp cánh” cho người lao động, các bộ Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội phải nghiên cứu, đưa ra được giải pháp cụ thể, phù hợp. Từ đó, mỗi cá nhân người lao động nỗ lực tự vượt qua chính mình, trước hết là tư duy, tập quán, lề thói tiểu nông, sau đó là tự học tập, tự trang bị kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Quá trình tự thân của mỗi cá nhân cũng là quá trình tự thân của mỗi doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức. Bởi lẽ, tự đổi mới, tự nâng cao là yêu cầu tất yếu nhằm tồn tại và phát triển trong một thế giới mà khoa học - công nghệ đang có những bước tiến như vũ bão.

Tập trung đào tạo, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế là một định hướng trọng tâm trong quá trình phát triển mà Đại hội lần thứ XII của Đảng, Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội đã đặt ra. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, định hướng đó càng rõ tính thời sự. Thực hiện tốt định hướng đó mới có thể có được đội ngũ lao động 4.0.

Đó sẽ là đội ngũ lao động tự khẳng định được vị thế của mình xét về năng lực cạnh tranh; tự khẳng định được vị thế của mình trong công cuộc phát triển đất nước cũng như dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra.

Bình Nguyên
 
Theo hanoimoi.com.vn