Chi tiết bài viết
Ngoại trưởng Mỹ: Không nên dùng vũ lực ở Biển Đông
Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong, Hội nghị EAS lần này có sự tham dự của ngoại trưởng 18 nước, gồm 10 nước thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Australia và Ấn Độ.
Các bộ trưởng tại Hội nghị EAS. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hor Nam Hong nhấn mạnh, kể từ khi ra đời tháng 12.2005, EAS đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận trên 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên là năng lượng, giáo dục, tài chính, quản lý thảm họa và dịch bệnh.
Tại Diễn đàn ARF, trước đại diện của 27 nước tham dự, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã thúc giục các ngoại trưởng nỗ lực cùng nhau để giải quyết hàng loạt các vấn đề không chỉ có khu vực mà cả thế giới đang phải đối mặt, trong đó có các vấn đề về khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu và an ninh khu vực.
Bà H.Clinton: Giải quyết bất đồng không có áp lực
Cùng ngày, trong bản thông cáo tại Diễn đàn ARF, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi các nước có tuyên bố chủ quyền đối nghịch nhau tại Biển Đông không nên giải quyết tranh chấp bằng hình thức cưỡng ép. Bà Clinton nhấn mạnh, các quốc gia nên “giải quyết bất đồng không có áp lực, không đe dọa và không dùng vũ lực”.
Ngoại trưởng Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ dàn xếp song phương trên "những khu vực có thể", song cảnh báo: Việc áp dụng phương thức đàm phán hoàn toàn riêng rẽ với từng nước trong những vấn đề lớn hơn liên quan đến các tuyến hàng hải và quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên có thể "dẫn tới tình trạng rối loạn và thậm chí là đối đầu".
Cũng theo văn bản trên, bà Hillary đã kêu gọi ASEAN giúp gia tăng sức ép đối với Iran và tháo gỡ bế tắc ngoại giao liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này. Bà Clinton cũng kêu gọi những tiến triển trong việc thông qua bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), một bộ quy tắc vốn đã bị trì hoãn từ lâu. Việc này là nhằm tránh những sự mơ hồ và thậm chí là đối đầu trong những quyền đánh cá cũng như di chuyển tại Biển Đông, vùng biển có vị trí quan trọng và được đánh giá có trữ lượng tài nguyên lớn.
Tại cuộc gặp bên lề ARF giữa Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 12.7, phía Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng "tăng cường" đối thoại với Washington. Ông Dương Khiết Trì khẳng định: "Quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục đà phát triển trong năm nay" và nhấn mạnh rằng hai bên nhất trí "thúc đẩy đối thoại... để tiếp tục nới rộng các điểm tương đồng".
Ngoại trưởng Dương Khiết Trì còn ngỏ ý một cách dè dặt với người đồng cấp Hillary rằng Bắc Kinh có thể tham gia cuộc họp với các quốc gia Đông Nam Á về COC. Những bình luận của ông Dương được đưa ra trong bối cảnh quốc tế đang theo dõi sát sao cách thức Trung Quốc giải quyết một loạt tranh cãi lãnh thổ với các quốc gia láng giềng, trong đó có một số đồng minh chủ chốt của Mỹ.
Về phần mình, bà Hillary hoan nghênh cuộc gặp này, nói rằng một loạt sáng kiến chung về giảm thiểu thiên tai, chính sách lâm nghiệp và kiểm soát dịch bệnh, là "tín hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ và Trung Quốc không chỉ có thể mà sẽ hợp tác với nhau ở châu Á".
Việt- Trung nhất trí giải quyết bất đồng bằng đàm phán hòa bình
Trước đó, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 45 (AMM45), chiều 11.7, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì.
Hai bên nhất trí cho rằng, trong thời gian tới hai bên cần tiếp tục duy trì các hoạt động trao đổi đoàn các cấp giữa hai nước, đặc biệt là tăng cường trao đổi và tiếp xúc cấp cao; thúc đẩy giao lưu hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước, nhất là giữa các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại cũng như thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên còn nhiều tiềm năng...
Về vấn đề trên biển, hai bên khẳng định giải quyết mọi bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị, cùng tôn trọng và quan tâm tới lợi ích chính đáng của nhau, căn cứ những nhận thức chung đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã nêu quan ngại của Việt Nam đối với những diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông, phản đối việc thành lập thành phố Tam Sa và việc công khai mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; khẳng định phải tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
theo danviet.vn