Chi tiết bài viết

MÙA GIẢI NOBEL 2015

Mùa giải Nobel 2015 đã khai màn, với giải Nobel Y học thuộc về 3 nhà khoa học William Campbell, Satoshi Omura và Youyou Tu.
 


3 nhà khoa học chia nhau giải Nobel Y học (Ảnh: AFP)

3 nhà khoa học chia nhau giải Nobel Y học (Ảnh: AFP)

Ông William Campbell sinh tại Ireland, ông Satoshi Omura tới từ Nhật Bản và bà Youyou Tu từ Trung Quốc đã được trao giải Nobel Y học cho những phát hiện của họ trong việc điều trị các ký sinh trùng.

Ủy ban Nobel tại Stockholm, Thụy Điển cho biết Campbell và Omura được tôn vinh vì các phát hiện liên quan tới phương pháp điều trị chống lại các bệnh nhiễm trùng gây ra do giun tròn ký sinh, trong khi bà Youyou Tu được vinh danh về những phát hiện liên quan tới một phương pháp điều trị bệnh sốt rét.

Mỗi giải thưởng Nobel trị giá 960.000 USD sẽ được trao cùng với một huy chương và bằng chứng nhận. Hai nhà khoa học Campbell và Omura sẽ chia nhau một nửa giá trị giải thưởng, trong khi bà Tu nhận nửa giá trị giải thưởng còn lại.

Theo Guardian, Bà Youyou Tu là người Trung Quốc đầu tiên giành giải Nobel Y học và là người phụ nữ thứ 12 giành giải thưởng cao quý này.

Các giải Nobel, do nhà khoa học người Thụy Điển Alfred Nobel sáng lập, được trao tặng lần đầu tiên vào năm 1901. Ban đầu giải thưởng chỉ có 5 hạng mục bao gồm các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Hòa bình. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đã đưa thêm vào một giải về lĩnh vực kinh tế.

Mỗi giải thưởng bao gồm một huy chương vàng, một giấy chứng nhận và số tiền thưởng trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 960.000 USD).

Giáo sư Nhật và Canada được trao Nobel Vật lý 2015

Giáo sư người Nhật Takaai Kajita và người Canada Arthur B.McDonald với công trình nghiên cứu về hạt neutrino hôm qua được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tuyên bố đoạt giải Nobel Vật lý.

"Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định trao giải Nobel Vật lý 2015 cho Takaai Kajita và Arthur B. McDonald với công trình nghiên cứu về hạt neutrino, chứng tỏ hạt này có khối lượng", người đại diện trao giải Nobel nói trong đoạn video.

Theo Guardian, hạt neutrino không mang điện tích, từ lâu được cho là có khối lượng nghỉ bằng không. Tuy nhiên, giáo sư Kajita ở đại học Tokyo và McDonal ở đại học Queen, đã chứng minh điều ngược lại.

Sự tồn tại của hạt neutrino được công nhận lần đầu năm 1930 nhưng phải đến năm 1956, hai nhà vật lý người Mỹ mới tìm tìm thấy dấu vết của hạt. Tuy nhiên, hạt neutrino vẫn còn là bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu khoa học.

Năm 1998, nhóm nghiên cứu của Kajita phát hiện ra neutrino trong tia vũ trụ chiếu vào khí quyển Trái Đất. Năm 2001, nhóm của McDonal cũng phát hiện neutrino được tạo ra từ Mặt Trời. Bằng cách sử dụng máy dò cực nhạy được lắp sâu dưới lòng đất, các nhà khoa học phát hiện hạt neutrino có thể dao động, biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác khi xuyên qua không gian, chứng tỏ nó có khối lượng.

"Phát hiện này thay đổi hiểu biết của chúng ta về các hoạt động ở tận trong cùng của vật chất và có thể thay đổi quan điểm của chúng ta về vũ trụ", theo thông cáo của ủy ban trao giải Nobel.

Phát hiện này cho thấy, mô hình chuẩn của vật lý hạt (thuyết miêu tả về tương tác mạnh, tương tác yếu, lực điện từ cũng như những hạt cơ bản tạo nên vật chất) được phát triển vào những năm đầu của thập niên 1970 không phải là lý thuyết hoàn chỉnh, giải thích đầy đủ được tính chất những thành tố cơ bản của vũ trụ.

Neutrino là một trong số những hạt dồi dào nhất trong vũ trụ. Hàng nghìn tỷ neutrino lướt qua chúng ta mỗi giây mà chúng ta không hề hay biết. Giờ đây, các nhà khoa học đã chứng minh được neutrino có khối lượng lớn hơn một triệu lần khối lượng của electron. Vì số lượng dồi dào, nên ước tính tổng trọng lượng của các hạt netrino trong vũ trụ tương đương trọng lượng của tất cả các ngôi sao con người quan sát được.

Nữ văn sĩ Belarus giành giải Nobel Văn học 2015

Sự nghiệp văn chương của nữ văn sĩ Svetlana Alexievich khắc họa đầy đủ Liên bang Xô Viết trong lịch sử nhân loại.

Đúng như dự đoán của giới cá cược, nữ văn sĩ Svetlana Alexievich trở thành chủ nhân giải Nobel Văn học thứ 112 trong lịch sử. Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố: “Giải Nobel Văn học 2015 được trao cho Svetlana Alexievich để tôn vinh những dòng văn phức điệu của bà. Văn của bà là tượng đài tri ân sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta. Những dòng văn phi thường giúp nhân loại hiểu biết sâu sắc hơn về cả một thời đại của thế giới - thời đại Liên bang Xô Viết". 

Svetlana Alexievich là nhà văn nữ thứ 14 được trao giải thưởng này. Sinh ngày 31/5/1948 ở thị trấn Ivano-Frankivsk nước Ukraine, bà có cha là người Belarus còn mẹ là người Ukraine. Alexievich lớn lên ở Belarus, nơi cả cha mẹ bà làm nghề giáo. Bà học báo chí ở Đại học Minsk từ năm 1967 đến 1972. Sau khi tốt nghiệp, bà hoạt động trong nghề báo ở biên giới Ba Lan rồi chuyển về thủ đô Minsk làm việc. 

Trong sự nghiệp làm báo, bà từng phỏng vấn hàng nghìn nhân chứng trải qua những sự kiện chấn động nhất khối Liên Xô gồm Thế chiến II, Chiến tranh Liên Xô - Afghanistan (1979 - 1989), sự sụp đổ của Liên Xô (1991) và thảm họa hạt nhân Chernobyl (1985). Những tác phẩm của bà được coi là biên niên sử bằng văn chương và bằng cảm xúc về lịch sử cũng như con người Xô Viết. 

nu-van-si-belarus-gianh-giai-nobel-van-hoc-2015

Svetlana Alexievich trưởng thành từ nghề báo.

Cuốn sách đầu tiên của văn sĩ là War's Unwomanly Face, lấy nguyên liệu từ những cuộc phỏng vấn của tác giả với hàng trăm phụ nữ từng tham gia Thế chiến II. Tiểu thuyết là những dòng tự sự của các nhân vật nữ từng trải qua chiến tranh. Từng câu chuyện của mỗi nhân vật ghép nên bức tranh giàu chi tiết và mới mẻ về Thế chiến II. Sau khi xuất bản năm 1985, sách được tái bản hơn hai triệu cuốn. Ngoài mô tả chiến tranh qua góc nhìn nhân vật nữ, bà cũng viết về chiến tranh bằng góc nhìn trẻ em trong cuốn The Last Witnesses: the Book of Unchildlike. 

Tiểu thuyết nổi bật khác của bà là Zinky Boys (1992), đề cập trực tiếp những trải nghiệm về chiến tranh Liên Xô - Afghanistan. Ngoài ra, bộ truyện Voices from Chernobyl của bà cũng được giới chuyên môn đánh giá cao khi xoay quannh thảm họa hạt nhân Chernobyl. 

nu-van-si-belarus-gianh-giai-nobel-van-hoc-2015-1

Bìa cuốn sách "Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ".

Hầu hết tác phẩm văn chương của Alexievich hợp thành tuyển tập có tên Voices of Utopia - khắc họa đầy đủ lối sống con người khối Xô Viết trong chiến tranh và sau khi Liên bang tan rã. Cuốn mới nhất thuộc tuyển tập này là Second-hand Time: The Demisse of the Red (Wo)man – hoàn thành năm 2013.

Tác phẩm của Alexievich đã được xuất bản ở hơn 19 quốc gia như Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản, Thụy Điển, Pháp, Trung Quốc, Bulgary, Ấn Độ. Ngoài viết văn, bà cũng viết kịch và dựng phim.

Năm 1987, tiểu thuyết War's Unwomanly Face được Nguyên Ngọc dịch sang tiếng Việt với nhan đề Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ (Nhà xuất bản Đà Nẵng).

Nobel Hòa bình thuộc về nhóm đối thoại quốc gia Tunisia

Nhóm trung gian Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia đoạt giải Nobel Hòa bình 2015 vì những đóng góp của họ cho quá trình chuyển đổi dân chủ ở nước này.
 
nhom-doi-thoai-quoc-gia-tunisia-doat-giai-nobel-hoa-binh

Các thành viên nhóm Bộ tứ, từ trái sang, gồm chủ tịch công đoàn người sử dụng lao động Tunisia (UTICA) Wided Bouchamaoui, tổng thư ký Liên đoàn Lao động Tunisia (UGTT) Houcine Abbassi, chủ tịch Liên đoàn Nhân quyền Tunisia (LTDH) Abdessattar ben Moussa và chủ tịch Hiệp hội Luật sư Quốc gia Tunisia Mohamed Fadhel Mahmoud chụp ngày 21/9/2013 Ảnh: AFP.

Giải Nobel Hòa bình 2015 được trao cho Bộ tứ Đối thoại Quốc gia "vì những đóng góp mang tính quyết định trong việc xây dựng một nền dân chủ đa nguyên ở Tunisia sau Cách mạng Jasmine năm 2011", trang nobelprize.org đưa tin.

Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia thành lập vào hè năm 2013. Nhóm đã hỗ trợ tiến trình dân chủ hóa ở Tunisia khi quốc gia này có nguy cơ sụp đổ.

"Nhóm thiết lập một tiến trình chính trị hòa bình thay thế vào thời điểm Tunisia trên bờ vực nội chiến", Reuters dẫn lời Kaci Kullman Five, đứng đầu ủy ban, nói. "Giải thưởng là sự khích lệ đối với người dân Tunisia, những người đã vượt qua nhiều thách thức để đặt nền móng cho một quốc gia đoàn kết. Ủy ban hy vọng đây sẽ là hình mẫu để các quốc gia khác học tập".

Ủy ban Nobel Na Uy mong muốn giải thưởng năm nay còn góp phần bảo vệ nền dân chủ ở Tunisia, đồng thời là nguồn cảm hứng cho những người muốn thúc đẩy hòa bình, dân chủ ở Trung Đông, Bắc Phi và trên toàn thế giới.

Giải Nobel Hòa bình trị giá 8 triệu crown Thụy Điển (972.000 USD) sẽ được trao vào ngày 10/12 tại thủ đô Oslo, Na Uy.

Nghiên cứu về tiêu dùng và nghèo đói nhận Nobel kinh tế 2015

Nhà khoa học gốc Scotland - Angus Deaton vừa được trao giải Nobel Kinh tế 2015 nhờ nghiên cứu về mối quan hệ giữa tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi.

Vào 18h ngày 12/10 (giờ Hà Nội), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển vừa công bố chủ nhân của giải Nobel Kinh tế học năm nay, thuộc về nhà khoa học gốc Scotland, đồng thời là Giáo sư Đại học Princeton (Mỹ) - Angus Deaton. Nghiên cứu đạt giải của ông đề cập đến tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi.

nghien-cuu-ve-tieu-dung-va-ngheo-doi-nhan-nobel-kinh-te-2015

Giáo sư Angus Deaton - chủ nhân giải thưởng Nobel kinh tế 2015. Ảnh: The Guardian

Giáo sư Angus Deaton năm nay 69 tuổi. Ông sinh ra tại Edinburg (Scotland), nhưng hiện giảng dạy tại Trường Woodrow Wilson, thuộc Đại học Princeton. Tại đây, ông nghiên cứu về sự thịnh vượng và phát triển kinh tế. Được hỏi về cảm giác sau khi nhận được cuộc điện thoại báo tin đạt giải, ông hài hước nói mình chỉ cảm thấy buồn ngủ, do chênh lệch múi giờ (ông Deaton đang ở Mỹ). Nhưng cũng như những người khác, ông rất ngạc nhiên và vui mừng. 

Trước khi nhận giải Nobel, các nghiên cứu trước đây của Giáo sư Deaton từng giúp xây dựng hiểu biết về mô hình tiêu dùng và cách con người chi tiêu tùy vào thu nhập. Công trình gần đây nhất của ông về khảo sát các hộ gia đình đã giúp thay đổi kinh tế học phát triển, từ mức độ lý thuyết dựa trên số liệu tổng sang mức độ thực nghiệm dựa trên số liệu chi tiết về các cá nhân.

Cũng trong cuộc điện đàm tại lễ công bố, Giáo sư Deaton đã nhận được câu hỏi về giải pháp cho việc hàng trăm năm phát triển không đồng đều giữa các nước đã đẩy khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Nhiều quốc gia bị bỏ lại phía sau và những người muốn có cuộc sống tốt hơn đang phải chịu áp lực rất lớn. Ông cho biết việc giảm nghèo tại các quốc gia sẽ giải quyết được vấn đề này, nhưng sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Trong ngắn hạn, bình ổn chính trị tại các vùng đang có chiến tranh sẽ giúp cải thiện tình trạng này.

Trả lời về vấn đề ông có cho rằng tình trạng nghèo cùng cực trên thế giới đang giảm dần, Giáo sư Deaton nhận xét điều này là đúng. Tuy nhiên, ông không muốn mình là “kẻ lạc quan mù quáng”. Vì có rất nhiều người trên thế giới vẫn đang nghèo đói. Nhiều người lớn và cả trẻ em đều đang mắc các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Nhận xét về nghiên cứu của ông Deaton, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết: “Để thiết kế chính sách kinh tế hỗ trợ phúc lợi và giảm nghèo, đầu tiên chúng ta phải hiểu sự lựa chọn tiêu dùng của mỗi cá nhân. Hơn ai hết, Angus Deaton đã nâng tầm nhận thức này. Bằng việc liên kết lựa chọn cá nhân với tổng thu nhập, nghiên cứu của ông đã giúp cải tổ lĩnh vực kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô và kinh tế học phát triển”.

Theo cơ quan này, 3 đóng góp lớn nhất của nghiên cứu đạt giải là: Tìm ra cách người tiêu dùng phân bổ chi tiêu vào các loại hàng hóa khác nhau; Thu nhập của xã hội được phân chia thế nào giữa tiêu dùng và tiết kiệm; Cuối cùng là tìm ra phương pháp tối ưu để đo lường và phân tích sự giàu có – nghèo khổ.

Kinh tế là giải thưởng cuối cùng được trao trong mỗi mùa Nobel hàng năm, sau Nobel Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học và Hòa bình. Nobel cho lĩnh vực kinh tế không thuộc cơ cấu giải thưởng ban đầu trong di chúc của nhà khoa học Thụy Điển - Alfred Nobel. Riêng giải dành cho kinh tế được bổ sung từ năm 1968, nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Ngân hàng Trung ương Thụy Điển - Sveriges Riksbank, cũng là đơn vị đóng góp quỹ cho giải thưởng này.

Dù vậy, quy trình đề cử, chọn lọc và trao giải Nobel Kinh tế vẫn tương tự các lĩnh vực khác. Nhà khoa học giành Nobel Kinh tế sẽ được trao 8 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 980.000 USD).

Tuy vậy, Nobel Kinh tế cũng có những nét riêng so với các lĩnh vực khác, "Kinh tế không phải là khoa học ứng dụng", Peter Englund – cựu Tổng thư ký Hội đồng chấm giải Nobel cho biết trên website Nobel Foundation. Giải thưởng này luôn gây tranh cãi từ khi ra đời, do nhiều người cho rằng nó mang tính chính trị hơn là kinh tế. Hằng năm, những người chỉ trích đều nhắc lại rằng Alfred Nobel ngay từ đầu đã không có ý định trao giải cho các nhà kinh tế học, AFP cho biết.

nghien-cuu-ve-tieu-dung-va-ngheo-doi-nhan-nobel-kinh-te-2015-1

Người giành giải Nobel Kinh tế năm ngoái - nhà khoa học Pháp Jean Tirole. Ảnh: AFP

Họ cho rằng những người này không hề đáng tin trong việc phán đoán các cuộc khủng hoảng kinh tế và biến động tài chính. Và đến giờ, các nhà kinh tế học cũng vẫn chưa tìm ra cách giải quyết tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Người chiến thắng năm ngoái - nhà khoa học Pháp Jean Tirole lại được trao giải nhờ nghiên cứu về cách thức quản lý, điều tiết những đế chế kinh doanh lớn trên thị trường. 

Năm nay, giới phân tích từng cho rằng hội đồng trao giải sẽ vinh danh một nhà kinh tế học vừa có nghiên cứu lý thuyết, vừa có trải nghiệm thực tế qua khủng hoảng tài chính, như Olivier Blanchard (Pháp) - cựu kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ben Bernanke (Mỹ) - cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Dù vậy, một số cái tên khác cũng từng được kỳ vọng nhiều là giáo sự thuộc các trường đại học tên tuổi của Mỹ, như Avinash Dixit (Ấn Độ) của Đại học Princeton, Robert Barro (Mỹ) của Đại học Harvard hay Bengt Holmstrom (Phần Lan) của Học viện Công nghệ Massachusetts.

VP TW Hội tổng hợp theo dantri.com va vnexpress.net