Chi tiết bài viết

MINH BẠCH TRONG TUYỂN DỤNG, BỔ NHIỆM SẼ CHỌN ĐƯỢC NGƯỜI TÀI

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.Ảnh: P.V

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.Ảnh: P.V

Liên quan đến việc dư luận xôn xao về tình trạng “cả họ làm quan” tại huyện Kim Thành (Hải Dương) và huyện An Dương (Hải Phòng), trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng, việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ vẫn có sự nể nang nhau, vì người nhà lãnh đạo tuyển dụng vào cơ quan thì mọi người sẽ ngại “chê”, vì cho rằng, nếu “chê” là động chạm đến lãnh đạo. Tuy nhiên, tôi cho rằng thà mất lòng nhau để được lòng dân, đó mới là điều tốt.
 
- Biểu hiện vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích, là một trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ cần được ngăn chặn, đẩy lùi đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Tôi cho rằng việc đưa người thân vào cơ quan và giữ vị trí chủ chốt nếu được thực hiện một cách công tâm, khách quan, minh bạch trong tuyển dụng và bổ nhiệm cũng sẽ lựa chọn được người tài giỏi vào cơ quan công quyền. Việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ trước tiên phải tính đến việc công tâm để chọn được người tài, giỏi, đạo đức tốt sẽ có lợi cho cơ quan, đơn vị, có lợi cho Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận một điều nếu người lãnh đạo mà đưa người thân có trình độ kém, không đúng tiêu chuẩn thì sẽ làm giảm lòng tin của người dân vào cơ quan công quyền. Tôi nhấn mạnh, muốn bổ nhiệm, tuyển dụng ai thì điều trước tiên người cán bộ đó phải đủ tiêu chuẩn theo quy định. Bác Hồ từng nói phải lựa chọn “cán bộ phải vừa hồng, vừa chuyên”. Chuyên ở đây là đạo đức tốt, đạo đức mà tốt thì trước hết người cán bộ phải có tư tưởng đổi mới mang lại lợi ích cho dân cho nước. Khẩu hiệu của chúng ta là phải đảm bảo cho dân giàu nước mạnh, thì người cán bộ luôn phải nghĩ làm sao để cống hiến cho dân, cho nước. Muốn lựa chọn người tốt phải dựa trên tiêu chuẩn chứ không chỉ dựa trên quan hệ.

Như ông vừa nói, quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ chúng ta đã có đầy đủ, tuy nhiên việc tuyển chọn chưa được minh bạch, vậy theo ông, chúng ta có nên rà soát lại để chọn cán bộ không, thưa ông?

- Đúng vậy, chúng ta cần giao cho các địa phương công khai rà soát lại đội ngũ cán bộ của mình, chỗ nào chưa hợp lý, chưa đúng đối tượng, chưa đúng tiêu chuẩn thì phải điều chỉnh lại ngay, thậm chí xử lý các cán bộ liên quan đến vi phạm đừng để người dân, xã hội bức xúc. Nếu mình thực hiện tốt thì người dân sẽ tin tưởng hơn. Đây là việc làm ai cũng mong muốn, Đảng cũng mong muốn, nhân dân cũng mong muốn. Các cấp chính quyền, cấp ủy Đảng, địa phương đều rà soát lại cùng một lúc, làm sao từ giờ đến cuối năm chấm dứt được tất cả các hiện tượng đã xảy ra tại các địa phương. Còn nếu đơn vị nào không tự rà soát và cho rằng, cơ quan mình không có sai phạm nhưng nếu bị phát hiện thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, có như thế mới lấy lại niềm tin của nhân dân vào việc chọn cán bộ của Đảng.

Đó là vấn đề hậu kiểm, còn giải pháp để ngăn chặn việc “cả nhà làm quan”, theo ông là gì?

- Để việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ được minh bạch thì trước khi bổ nhiệm cần phải công khai các cán bộ để lấy ý kiến cán bộ nhân viên trong cơ quan, thậm chí bỏ phiếu kín xem người được đề bạt được tín nhiệm ở mức độ nào. Tôi nhấn mạnh, việc tuyển dụng, bổ nhiệm đã có đầy đủ quy định, quan trọng là các cơ quan có làm đúng theo quy trình hay không mà thôi. Còn tuyển dụng, bổ nhiệm mà cứ nể nang, du di thì sẽ dẫn đến cán bộ không chất lượng mà còn khiến người dân nghi ngờ.

Có ý kiến cho rằng, để dẫn đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm không đúng quy trình có một phần vai trò của chi bộ, cấp ủy. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

- Hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ vẫn có sự nể nang nhau, vì người nhà lãnh đạo tuyển dụng vào cơ quan thì mọi người sẽ ngại “chê”, vì cho rằng nếu “chê” là động chạm đến lãnh đạo. Tuy nhiên, thà mất lòng nhau để được lòng dân đó mới là điều tốt.

Bác Hồ đã dạy: Cán bộ phải trung thực, thẳng thắn, phải đấu tranh phê bình để cho nhau tiến bộ chứ không phải đấu tranh phê bình là để dìm nhau không tiến bộ được. Tất cả cái này Trung ương, Nhà nước đã chỉ rõ rồi, có điều là chúng ta thực hiện ra sao thôi, hay chỉ nói một đường làm một nẻo. Điều quan trọng là nói phải đi đôi với làm. Do đó, chúng ta phải thẳng thắn, bảo vệ cái đúng và phải có quyết tâm cao để tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, sớm đưa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII vào cuộc sống.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Hải

Theo laodong.com.vn