Chi tiết bài viết

Mẩu bánh mì thừa và Nghị định thư Kyoto

 "Ho Đất khách quê người, lại là nơi quá xa xôi với người thân, đất nước, ai cũng vậy, để tồn tại được thì phải học hỏi và lao động nhiều hơn một chút. Để đến trường lớp thì không có điều kiện. Thôi thì mình thấy người ta làm thế nào thì bắt chước, học theo những cái hay. Không làm theo những cái mà mình thấy chưa hay. 

Tuy nhiên có những cái lúc đầu mình thấy chưa hay nhưng sau này mình thấy hay thì lại làm theo. Có những cái thì là hành động cụ thể, có những cái là lối suy nghĩ, có những cái là tác phong. Có những cái thì mình thấy nó rất to tát, mình có học cũng chả để làm gì thì mình “bóp” cho nhỏ lại “vừa” với mình, theo cách suy nghĩ đơn giản của một người lao động như tôi

Mẩu bánh mì thừa và Nghị định thư Kyoto 

Tôi sang đến Đức vào mùa đông. Ngày nghỉ bên ngoài toàn tuyết trắng, đường lại trơn trượt. Chẳng muốn đi đâu. 

Ngày chủ nhật nhìn ra cửa sổ không thấy một bóng người, chỉ thấy bà cụ già ở tòa nhà đối diện cầm túi rác đi rất chậm rãi ra khỏi nhà, về phía thùng rác. Vứt rác xong bà lại chậm rãi quay về. 

Đường rất trơn nên mãi bà cụ mới đi đến trước cửa nhà. Khi thò tay vào túi áo khoác (chắc là để lấy chìa khóa) thì như chợt nhớ ra điều gì, cụ đưa tay lên vỗ mạnh vào trán rồi quay trở lại. Tôi nghĩ chắc cụ lại quên, vất luôn cả chùm chìa khóa vào thùng rác rồi? 

Không biết tôi có hồ đồ không khi nghĩ rằng Đức sẽ không hoàn thành các chỉ tiêu của nghị định thư Kyoto; nếu vào cái ngày tôi vừa kể, cụ già kia không quay lại thùng rác tìm mẩu bánh mì?

Thùng rác thì rất to và cao. Loay hoay một lúc tôi mới thấy cụ lấy lại được cái túi rác nhỏ vừa vứt của mình. Mở túi rác, cụ lục lọi rồi lấy ra một mẩu bánh mì thừa, nhỏ xíu. Cụ vứt túi rác trở lại, còn mẩu bánh mì thì cụ tiến thêm mấy bước đến thùng rác BIO (chuyên chỉ để vứt thức ăn thừa) vứt vào.

Té ra cụ chẳng quên chìa khóa mà chỉ là quên không vứt một mẩu bánh mì bé tí xíu vào đúng chỗ.

Bây giờ những chuyện thế này đối với tôi đã trở thành bình thường. Nhưng cách đây 22 năm khi mới từ VN đặt chân đến đây, chuyện ấy đã gây ấn tượng rất lớn cho tôi.

Năm 1997 nước Đức tham gia vào việc ký kết Nghị định thư Kyoto và nghị định này có hiệu lực vào năm 2005. Đến năm 2008, họ đã tuyên bố hoàn thành các chỉ tiêu về giảm thiểu khí thải (do nghị định này quy định phải hoàn thành vào năm 2012).

Tôi không thể hiểu được cặn kẽ Chính phủ Đức đã có những chính sách khôn ngoan thế nào để làm được điều kỳ diệu đó. Nhưng không biết tôi có hồ đồ không khi nghĩ rằng họ sẽ không thể làm được điều kỳ diệu; nếu vào cái ngày tôi vừa kể, cụ già kia không quay lại thùng rác tìm mẩu bánh mì? Một người nhỏ nhoi như tôi làm sao hiểu được cặn kẽ Nghị định thư Kyoto do LHQ chủ trì và có những 175 nước tham gia.

Và làm sao biết được mình phải làm gì? Nhưng cụ già kia đã dạy cho tôi cách “bóp” những chuyện to lớn để cho nó nhỏ lại chỉ bằng một mẩu bánh mì tí xíu.

THẤY HAY THÌ HỌC

Ta có thể học được gì qua chuyện anh Quý vừa kể? Đơn giản vậy mà khó! Xin kể hai mẩu chuyện nhỏ:

1: Cái thùng rác và xe rác đoàn kết

Ở ta, cũng có phân rác ra thành hai loại khác nhau (rác dễ phần hủy và khó phân hủy). Chỉ có điều họa hoằn lắm mới có nơi đặt hai thùng rác để phân biệt rác như vậy. 

Thêm nữa, cô (chị, bác, bà) vệ sinh môi trường đi lấy rác cuối chiều thì chỉ có mỗi cái xe rác và một cái chổi, cái xẻng. Rác kiểu gì thì cô cũng vứt đại vào một cái thùng xe đấy thôi. Lâu dần, chắc ai đó có ý định phân loại rác cũng phải chặc lưỡi: “Ôi dào, kệ họ! Ở chung cho nó đoàn kết”.


Rác nào cũng đổ vào đây!

2: Lá chuối

Quê tôi vốn là làng vườn. Hồi trước, các bà mang rổ tre đi chợ, thực phẩm (từ mắm, muối, cá thịt, rau, dưa) đều được gói trong lá chúa. Giờ thì nilon tất. Đến cả giò, xôi cũng gói bằng nilon. Những tàu lá chuối già thì vàng, héo, rồi khô dần đổ rủ xuống đất. Không được “thay áo” thường xuyên, cây chuối cũng vì thế mà cho buồng ít nải hơn, nải ít quả hơn, từng quả cằn xấu dần...

Bây giờ đa số các làng quê đều gói xôi, gói giò bằng nilon. May ra ở Hà Nội, Sài Gòn, vì có nhiều người mua hoài cổ hoặc sành ăn không chịu được kiểu gói xôi, giò bằng nilon nên lá chuối chưa bị thất truyền....