Chi tiết bài viết

Lấy phiếu tín nhiệm hàng năm với chức danh trong Đảng

Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã khai mạc sáng 27/2 tại Hà Nội. Đây là hội nghị lớn nhất về phổ biến một Nghị quyết chuyên đề của trung ương từ trước đến nay, với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu gồm các Ủy viên Bộ Chính trị, Uỷ viên trung ương, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ban, ngành và tỉnh, thành...

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái". Ảnh: TTXVN

Phát biểu chỉ đạo, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, ngay sau khi ban hành, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên cho rằng Nghị quyết trung ương 4 đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng, đề ra đúng các giải pháp để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.

"Tuy nhiên, dư luận cũng đang chờ đợi và có phần băn khoăn, lo rằng liệu Nghị quyết lần này có được tổ chức thực hiện hiệu quả hay lại rơi vào tình trạng không đạt yêu cầu như nhiều lần trước. Tâm trạng đó là chính đáng và cũng là điều day dứt, trăn trở chung của chúng ta", Tổng bí thư nói.

Theo Tổng bí thư, Nghị quyết trung ương 4 không bàn toàn diện mà chỉ chọn một số vấn đề cấp bách nhất về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay để tập trung chỉ đạo thực hiện với mong muốn khắc phục những cách làm dàn trải trước đây, tạo ra bước chuyển biến cụ thể, thiết thực trong thực tế.

Vấn đề thứ nhất là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Vấn đề thứ hai là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vấn đề thứ ba là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

"Hiện nay cái làm cho quần chúng oán thán nhất, gây mất lòng tin nhất, làm xói mòn bản chất Đảng đó chính là sự suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Trung ương thống nhất xác định vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất', Tổng bí thư nêu rõ.

Theo Tổng bí thư, trên vấn đề thứ nhất, Trung ương đã nghiêm khắc chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và suy thoái về đạo đức, lối sống.
Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc... Trong những biểu hiện đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đương chức, hoặc thôi chức.

Trên vấn đề thứ hai, Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một số khuyết điểm trong công tác tổ chức, cán bộ. Đội ngũ cán bộ cấp trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng, nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa xây dựng được quy hoạch ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.

Trên vấn đề thứ ba, Trung ương chỉ ra tình trạng không rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị và mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho các việc làm tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN


Trên cơ sở các vấn đề trên, Trung ương chỉ ra 4 nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên; Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng; Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

"Những việc cần và có thể làm ngay là: Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là từng ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ", Tổng bí thư nói.

Theo Tổng bí thư, trong các nhóm giải pháp, có một số điểm mới. Sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương lần này sẽ duy trì nghiêm túc nền nếp, chế độ tự phê bình, phê bình hằng năm gắn với kiểm điểm theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Quy định việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể. Đồng thời kiến nghị với Quốc hội sớm có hướng dẫn để thực hiện quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Xúc tiến việc xây dựng quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2020; tích cực tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham mưu, chuyên gia cấp chiến lược. Thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý chủ trì cấp trên nói chung phải qua chức vụ lãnh đạo quản lý chủ trì ở cấp dưới.

Triển khai thực hiện việc chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp uỷ các cấp. Ban hành quy chế để hằng năm Ban Chấp hành Trung ương góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ban chấp hành đảng bộ các cấp góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên ban thường vụ cấp uỷ cấp mình.

Tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện; gắn với xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực sự có hiệu quả, ngăn chặn sự lạm quyền, độc đoán. Sơ kết, rút kinh nghiệm để có chủ trương về việc đại hội đảng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở trực tiếp bầu cấp uỷ có số dư. Thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương.

Thí điểm việc giao quyền cho bí thư cấp uỷ lựa chọn, giới thiệu để bầu cử uỷ viên thường vụ cấp uỷ; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo quản lý; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

theo vnexpress.net