Chi tiết bài viết

Lập Hội đồng tiền lương quốc gia để “quản” lương tối thiểu

Sau nhiều lần chỉnh lý, quan điểm sửa đổi luật đã thống nhất hướng quy định lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tùy theo từng thời kỳ, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng.

Khi chỉ số giá sinh hoạt thay đổi làm cho tiền lương thực tế của người lao động bị giảm sút, thì Hội đồng tiền lương quốc gia khuyến nghị Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu để bảo đảm tiền lương thực tế của người lao động.

 

Không phải đại biểu QH nhưng Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền vẫn có mặt với tư cách cơ quan soạn thảo dự luật.

Hội đồng tiền lương quốc gia là một cơ quan mới sẽ được thành lập gồm các đại diện là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Công đoàn Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở TƯ.

Tán thành quan điểm này, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động VN Đặng Ngọc Tùng (đại biểu Đồng Nai), cho rằng cần đưa ra mức lương tối thiểu làm sao sát với thực tế hơn, bởi mức lương tối thiểu hiện nay mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Việc đưa ra mức lương tối thiểu sát với thực tế là điều kiện tiên quyết để giảm xung đột trong quan hệ lao động, đình công, tranh chấp lao động…

Đại biểu Trần Thanh Hải (TPHCM) đánh giá, thay đổi quy định về lương tối thiểu là một điểm rất tiến bộ, tạo cơ sở niềm tin về việc thay đổi mang tính chất cơ bản tiền lương, thu nhập của người lao động trong tương lai.

Ông Hải chỉ kiến nghị “chỉnh” điều luật về Hội đồng tiền lương quốc gia để cơ quan này có thể căn cứ vào thay đổi giá thị trường, tình hình kinh tế- xã hội và tiền lương trên thị trường lao động để khuyến nghị Chính phủ thay đổi mức lương tối thiểu.

Về việc này, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) lại lập luận, Hội đồng tiền lương quốc gia gồm nhiều các nhóm quyền lợi khác nhau nên không tránh khỏi những bất đồng để đưa đến khuyến nghị cuối cùng. Do đó, đại biểu đề nghị khi chưa thống nhất được khuyến nghị cuối cùng thì cũng vẫn nên trình lên Chính phủ để xem xét, quyết định, nếu không việc điều chỉnh sẽ rất chậm so với thực tế liên tục thay đổi.

Về chế độ tiền thưởng, dự thảo luật đề xuất hướng quy định cụ thể, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định, công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại doanh nghiệp.

 

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng: "Lương tối thiểu hiện chỉ đáp ứng 60% nhu cầu sống tối thiểu".

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề xuất quy định rõ hơn để tránh hiện tượng doanh nghiệp “vin” vào việc làm ăn thua lỗ để không thưởng cho người lao động, nhất là tiền thưởng cuối năm. Ngược lại, nhiều đơn vị lỗ lớn nhưng mức thưởng vẫn “khủng” vì xài tiền nhà nước.

Nội dung về thời giờ làm thêm, hầu hết các ý kiến phát biểu đều bác bỏ hướng quy định tăng thời gian làm thêm lên 360 giờ/năm, đồng tình giữ phương án quy định về giờ làm thêm như hiện hành: không quá 50% số giờ trong một ngày và 200 giờ/năm. Các đại biểu nhận định, đây là phương án là phù hợp với xu hướng tiến bộ, điều kiện và thể chất của người Việt Nam; đồng thời hạn chế tình trạng người sử dụng khai thác tối đa sức lao động của người lao động.

Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động VN Cù Thị Hậu phân tích, nếu làm thêm đến 360 giờ/năm, tức người lao động mỗi năm đi làm thêm 97 ngày, cả năm chỉ được nghỉ 7 ngày thứ bảy, chủ nhật, không biết tái tạo sức lao động ra sao.

Bà Hậu cũng dẫn thêm thực trạng nhiều đơn vị sử dụng lao động đang lợi dụng quy định về vấn đề làm thêm để bắt công nhân tăng ca, tăng giờ, tận dụng được nguồn nhân lực trong khi lại tránh được khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng nếu tuyển thêm lao động. Người lao động khi đó bị "vắt chanh bỏ vỏ" vì nai lưng làm thêm giờ vì lương quá thấp. Khi sức khỏe giảm sút lại bị chủ sa thải để tuyển lao động mới.

 

theo dantri.com