Chi tiết bài viết
Lãnh đạo APEC bàn về an ninh lương thực
Với tư cách là Chủ tịch APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương), Nga đã soạn thảo và đề xuất với các đối tác một loạt sáng kiến nhằm tiếp tục làm việc cùng nhau một cách hiệu quả để cải thiện an ninh lương thực. Nga mời các đối tác tham gia 20 dự án nông nghiệp, bao gồm cả vùng Viễn Đông. Đặc biệt, đó là các dự án khai thác nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn hiện giờ chưa sử dụng. Khối lượng đầu tư được phía Nga đánh giá lên đến hàng chục tỷ USD.
Thu hoạch lúa mì ở Vasyurinskoe (Nga). |
Vấn đề đảm bảo lương thực, thực phẩm cho dân số thế giới đang trở nên ngày một cấp bách hơn trong những năm gần đây. Khoảng 1 tỷ 300 triệu người trên thế giới thường xuyên không đủ ăn. Phần đáng kể những nạn nhân của nạn đói rơi vào các nước châu Á. Theo Ngân hàng Thế giới, từ năm 2000, giá lương thực đã tăng hơn 3 lần. Thêm vào đó, những yếu tố thiên tai không thể tiên đoán trước xảy ra làm phần lớn vụ mùa ở một số vùng bị thất thu nặng nề do chịu ảnh hưởng của lũ lụt hay hạn hán.
Đài Tiếng nói Nước Nga nhận định, nước Nga ngày hôm nay là một trong những “tay chơi” lớn trên thị trường ngũ cốc thế giới. Quốc gia này sở hữu một trong những chỉ số lớn nhất thế giới về diện tích đất canh tác, nơi thường xuyên đạt mức thu hoạch rất cao.
Trên thị trường thế giới, Nga cung cấp 10% tổng nguồn cung ngũ cốc, tương đương khoảng 20 triệu tấn một năm. Thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu hiện vẫn là những đối tác nhập khẩu ngũ cốc chủ chốt của Nga, trong khi đó thị phần khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ chiếm phần rất nhỏ trong tổng khối lượng. Tuy nhiên, do nhu cầu ngày càng tăng ở châu Á đối với nguồn tài nguyên này, Nga có thể tăng cường xuất khẩu lúa mì đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Giám đốc Trung tâm quốc tế phát triển khu vực Igor Melamed cho biết, ngũ cốc Nga hiện đang có mặt trên thị trường châu Á từ những nguồn cung cấp điểm. Những thị trường theo truyền thống nhiều hứa hẹn nhất của Nga ở châu Á là Indonesia và Nhật Bản. Những nước này có mối liên hệ tương tác rất tốt với các công ty của Altai đang tích cực chào mời giới thiệu sản phẩm của họ. Ngũ cốc Altai có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.
Thương mại ngũ cốc đến châu Á sẽ đặc biệt phát triển sau khi hoàn thành xây dựng kho chứa ngũ cốc lớn nhất ở vùng Viễn Đông. Việc thực hiện ý tưởng này đang được tích cực thúc đẩy ở Nga. “Bên cạnh các nước Indonesia và Nhật Bản, Nga có thể tập trung vào Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Malaysia - những nước tiêu dùng lúa mì lớn nhất ở châu Á - Thái Bình Dương” - ông Igor nhận định.
Liên minh ngũ cốc Nga đang soạn thảo dự án cung cấp ngũ cốc bằng đường sắt từ Siberia đến các cảng Viễn Đông. Từ đó, chúng sẽ được vận chuyển bằng tàu thủy đến các nước châu Á. Dự án bao gồm việc xây dựng 4 kho lưu trữ với tổng công suất lên đến 5 triệu tấn mỗi năm. Theo dự án, sẽ có hàng ngàn toa xe lửa tham gia cung cấp ngũ cốc đến châu Á. Theo các chuyên gia, Nga hoàn toàn có tiềm năng phát triển ảnh hưởng của mình trong thị trường thực phẩm châu Á, trước hết là nhờ việc gia tăng sản lượng.
theo danviet.vn