Chi tiết bài viết

LẦN ĐẦU TIÊN CÔNG BỐ BẢNG XẾP HẠNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM....

Lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng đại học Việt Nam

Trong lần đầu công bố, Nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam đã xếp hạng 49 trường đại học có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường mà nhóm thu thập được từ năm 2014.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần thăm ĐHQG Hà Nội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một lần thăm ĐHQG Hà Nội

Chiều nay, 6-9, tại Hà Nội, Nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam sẽ phối hợp với Tạp chí Tia Sáng tổ chức buổi tọa đàm công bố Bảng xếp hạng đại học Việt Nam đầu tiên do nhóm tiến hành. Buổi tọa đàm sẽ có các diễn giả tham dự là TS Lưu Quang Hưng, TS Giáp Văn Dương và TS Nguyễn Ngọc Anh.

Đây là lần đầu tiên một bảng xếp hạng tổng thể đại học Việt Nam được xây dựng và công bố bởi một nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước.

Theo Nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam, nhìn chung, cho đến nay, đại học Việt Nam chưa được xếp hạng một cách định lượng. Trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới như Times Higher Education (THE), World University Rankings (QS), Webometrics... Việt Nam chưa có trường đại học nào lọt vào danh sách Top 1.000. Trong khi đó, bảng xếp hạng phân tầng đại học thành ba hạng theo Nghị định do Chính phủ ban hành từ năm 2015 cũng chưa thấy được công bố.

Vì vậy, Nhóm Xếp hạng đại học Việt Nam - một nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước, đã tiến hành đề án xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với kỳ vọng báo cáo xếp hạng sẽ trở thành nguồn tham khảo uy tín cho xã hội, tạo ra động lực cải cách cho các trường. Đồng thời, việc xếp hạng sẽ mở ra phương pháp và tiền lệ đánh giá xếp hạng đại học cho các năm tới.

Thành viên của nhóm gồm sáu người: TS Lưu Quang Hưng, nhà nghiên cứu làm việc tại Melbourne, Australia (chủ biên báo cáo xếp hạng); TS Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc và nhà kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách DEPOCEN (đồng chủ biên báo cáo); TS Giáp Văn Dương, nhà nghiên cứu độc lập, Chủ tịch Công ty GiapGroup (đề xuất dự án xếp hạng); TS Ngô Đức Thế, nhà nghiên cứu đang làm việc tại Đại học Manchester, Anh; Thạc sĩ Trần Thanh Thủy, nhà nghiên cứu tại DEPOCEN; Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, nghiên cứu sinh tại Đại học East Angila, Anh.

Trong lần đầu công bố, nhóm đã xếp hạng 49 trường đại học có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường mà nhóm thu thập được từ năm 2014.

Đề án xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam của nhóm được bắt đầu tiến hành từ năm 2014, thông qua nhiều bước, bao gồm: xây dựng tiêu chí, thử nghiệm mẫu số nhỏ, tối ưu hóa tiêu chí, thu thập số liệu ở số lượng mẫu quy mô lớn, xử lý số liệu và thiết lập bảng xếp hạng.

Nhóm chuyên gia độc lập đã tiến hành thu thập số liệu, xây dựng bộ tiêu chí xếp hạng đại học toàn diện tương tự như các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới. Tiêu chí xếp hạng dựa trên các nguyên tắc: phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, định lượng, khả tín, khách quan và hướng tới chuẩn mực quốc tế.

Việc đánh giá được dựa trên chất lượng kết quả của các hoạt động nghiên cứu (đo bằng kết quả nghiên cứu đã công bố, đề tài khoa học...); chất lượng của các hoạt động đào tạo (đo bằng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, chất lượng đầu vào...); quy mô cơ sở vật chất, chất lượng quản trị của nhà trường.

Tiêu chí xếp hạng của nhóm dựa trên 2 nhiệm vụ chính của nhà trường, bao gồm đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hai nhiệm vụ này được đánh giá quan trọng như nhau, nên mỗi bên đều chiếm 40% trọng số. Cơ sở vật chất, chất lượng quản trị nhà trường chiếm 20% trọng số còn lại.

Kết quả xếp hạng đại học của nhóm được cho là có vài bất ngờ. Kết quả cho thấy, các đại học quốc gia và đại học vùng đều có thứ hạng cao. 3 trong tổng số 5 trường top đầu là các đại học quốc gia và vùng ở trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, bao gồm Đại học Quốc gia Hà Nội (số 1), Đại học Đà Nẵng (thứ 4) và Đại học Quốc gia TPHCM (số 5). Trong Top 10 trường hàng đầu còn có sự góp mặt của các đại học lớn khác là Học viện Nông nghiệp (thứ 3), Đại học Cần Thơ (thứ 6), Đại học Bách khoa Hà Nội (thứ 7), và Đại học Sư phạm Hà Nội (thứ 10).
Điều gây ngạc nhiên là một số trường đại học trẻ, ít được biết đến hơn lại chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng, bao gồm Trường Đại học Tôn Đức Thắng (thứ 2) và Trường Đại học Duy Tân (thứ 9). Thứ hạng cao chủ yếu đến từ thành tích về công bố quốc tế, phản ánh thành quả của chính sách đầu tư và khuyến khích xuất bản của các cơ sở giáo dục đại học này.

Đáng chú ý, các trường đại học thuộc khối kinh tế có tiếng lâu nay và là lựa chọn của nhiều sinh viên giỏi đều có xếp hạng trung bình, như các trường Đại học Ngoại thương (thứ 23), Đại học Thương mại (thứ 29), Đại học Kinh tế Quốc dân (thứ 30) và Học viện Tài chính (thứ 40). 

Nguyên nhân được xác định là do sự hiện diện của các trường này trên các ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt, đồng thời có thể quy mô đào tạo lớn hơn so với năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ (đo bằng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên sinh viên). Các trường sẽ cần vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt trong công bố quốc tế, nếu muốn vươn lên vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng thời gian tới.

Đây là lần đầu tiên một bảng xếp hạng tổng thể đại học Việt Nam được xây dựng và công bố bởi một nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước.

PHAN THẢO

Theo: sggp.org.vn

Phải làm quen với xếp hạng

Lần đầu tiên, một bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam được nhóm chuyên gia độc lập công bố.

Ngay tại buổi công bố kết quả này, nhóm chuyên gia đã bày tỏ quan điểm sẵn sàng nghe góp ý và cả "gạch đá" vì họ đã lường trước những phản ứng có thể xảy ra khi chuyện "xếp hạng" còn xa lạ với Việt Nam.

Và đúng như nhóm chuyên gia dự đoán, phản ứng trái chiều xảy ra ngay tại tọa đàm công bố bảng xếp hạng khi có đại diện nhiều trường đại học có mặt và lên tiếng bênh vực trường mình. Trên các trang mạng, tranh luận về "xếp hạng" cũng bắt đầu ồn ào. 

Có một luồng ý kiến khá lớn tỏ ra nghi ngại nguồn dữ liệu, phương pháp đo lường của nhóm chuyên gia khi kết quả gần như đảo lộn thứ hạng của các trường sáng giá.

Hãy khoan nói về tính thuyết phục của phương pháp và bộ tiêu chí của nhóm chuyên gia này, mà chỉ nói đến thái độ đón nhận. Rõ ràng người VN đã quá quen với những báo cáo thành tích, những danh hiệu thi đua khác nhau nên tỏ ra khá xa lạ với chuyện "xếp hạng", khiến nhiều người liên quan chưa đủ tâm thế để đón nhận một cách bình tĩnh.

Hành trình thu thập dữ liệu mà nhóm chuyên gia trần tình tại buổi công bố cũng cho thấy một hiện trạng phức tạp và "thật giả lẫn lộn" ở VN, khi cùng một nội dung nhưng số liệu của trường công bố trên các kênh khác nhau có độ chênh lớn. 

Việc cập nhật và minh bạch thông tin của nhiều trường cũng chưa có sự quan tâm thích đáng. Cả khi nhóm nghiên cứu tập hợp dữ liệu và gửi lại trường để xác nhận thì cũng có trường không đoái hoài đến. Vì "xếp hạng" là chuyện nhỏ, những lợi ích trước mắt, cách thu hút nhiều nhất người học vào trường mới đang là điều quan tâm số một của rất nhiều trường.

Nhóm chuyên gia cũng khẳng định bảng xếp hạng chỉ phản ánh một phần chất lượng đào tạo của các trường đại học theo thang đo mà nhóm đề ra. Còn trên thực tế, tùy theo sứ mệnh đào tạo của mỗi trường mà có thể đặt ra những mục tiêu chất lượng khác nhau. 

Điều này cũng lý giải cho việc có những trường luôn đứng ở vị trí số một của các nhóm ngành nhưng lại "rớt hạng" ở bảng xếp hạng này. Kết quả đó khiến những ai có thói quen "xếp hạng" theo kiểu cảm tính, lấy sức hút đầu vào làm tiêu chí chính không khỏi phản ứng. Nhóm chuyên gia đặt ở vị trí quan trọng tiêu chí về nghiên cứu khoa học dựa trên công trình khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín. 

Đây là quan điểm gây nhiều tranh cãi nhưng rõ ràng họ có lý, bởi những cơ sở đào tạo đại học có thứ hạng cao nhất định phải là nơi có bề dày nghiên cứu khoa học, sáng tạo tri thức và giải quyết các bài toán đặt ra trong xã hội, chứ không chỉ là nơi cung cấp các sản phẩm đào tạo cho thị trường lao động.

"Bảng xếp hạng" của những người dũng cảm đi đầu và những ồn ào xung quanh nó đã mở ra một vấn đề cực kỳ nghiêm túc là tới lúc VN cần nhiều hơn các tổ chức độc lập và có uy tín để xếp hạng trường đại học nói riêng và cơ sở giáo dục nói chung theo các thang đo khác nhau. 

Và dù còn nhiều tranh cãi về phương pháp đánh giá nhưng ít nhất đó cũng là hồi chuông cảnh báo với các trường về chất lượng đào tạo, đồng thời tạo ra động lực, tăng tính cạnh tranh và buộc các trường phải vận động, phát triển.

Theo : tuoitre.vn