Chi tiết bài viết

Lần đầu công bố gần 100 châu bản triều Nguyễn về vùng biển Đà Nẵng

Chiều 24/3, UBND huyện Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức triển lãm "Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn".

 
Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn - Ảnh 1.

Cắt băng khai mạc triển lãm - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Triển lãm được chia thành 3 phần gồm: Vịnh cảng vùng biển Đà Nẵng - vị thế giao thương quan trọng thời Nguyễn; hoạt động đảm bảo an ninh vùng biển Đà Nẵng – Quảng Nam thời Nguyễn; thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa thời Nguyễn.

Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng cho hay, triển lãm "Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới - Châu bản triều Nguyễn" góp phần tái hiện bức tranh chân thực về truyền thống vươn khơi bám biển của tiền nhân. Triển lãm lần đầu công bố gần 100 văn bản lưu hình dấu và bút tích vua phê - những sử liệu tín thực góp phần làm sáng tỏ vai trò, vị thế của vùng biển Đà Nẵng trong lịch sử.

 
Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn - Ảnh 2.

Triển lãm giới thiệu nhiều tư liệu lịch sử quý - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Bên cạnh tư liệu Châu bản triều Nguyễn, triển lãm lần này cũng giới thiệu các hình ảnh, bản đồ về Hoàng Sa. Trong đó có bản đồ huyện đảo Hoàng Sa mới nhất bằng tiếng việt và tiếng anh của Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam.

Triển lãm cũng giới thiệu hình ảnh về thành phố biển Đà Nẵng cùng các hoạt động kinh tế biển sôi động, hình ảnh vươn khơi bám biển Hoàng Sa của các ngư dân, hoạt động bảo vệ vùng biển của các lực lượng chức năng, cứu hộ trên biển; hoạt động huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

 
Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn - Ảnh 3.

Triển lãm thu hút đông đảo công chúng - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Phát biểu tại buổi triển lãm, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết, Châu bản triều Nguyễn là những văn bản hành chính được hình thành trong quá trình quản lý nhà nước của vương triều Nguyễn. Hội tụ đầy đủ các tiêu chí về tính độc đáo, xác thực, duy nhất và có tầm ảnh hưởng quốc tế, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới vào năm 2017.

 
Đà Nẵng nhìn từ biển qua Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn - Ảnh 4.

Tư liệu Báo Điện tử Chính phủ tại buổi triển lãm - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Đối với Đà Nẵng, có rất nhiều châu bản thể hiện chính sách của triều Nguyễn về đô thị, đặc biệt đánh giá cao vai trò của Đà Nẵng về kinh tế, thương mại, quân sự và quốc phòng.

"Chính sách quản lý nhà nước đối với vùng biển Đà Nẵng của nhà Nguyễn và truyền thống vươn khơi bám biển của cha ông ta còn lưu dấu trên châu bản, cho thấy vai trò, vị thế của vùng biển Đà Nẵng và bức tranh chân thực về tinh thần, ý chí bảo vệ biển khơi của người xưa. Đó không chỉ là câu chuyện của lịch sử mà còn là sợi dây gắn kết quá khứ với hiện tại và tương lai, như ngọn hải đăng soi tỏ hải trình cho hậu thế", Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho biết.

Triển lãm diễn ra từ ngày 24 - 31/3 tại nhà trưng bày Hoàng Sa, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.

Lưu Hương

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ