Chi tiết bài viết
LÀM GÌ ĐỂ TẬN DỤNG THỜI KỲ “CƠ CẤU DÂN SỐ VÀNG”
Mỗi một quốc gia cơ hội dân số “vàng” duy nhất chỉ đến có 1 lần, là thời kỳ số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ gấp đôi so với người phụ thuộc. Cơ hội dân số “vàng” có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội và giải quyết việc làm... Việt Nam đang bước vào thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động lớn nhưng chất lượng nguồn nhân lực thấp, tốc độ già hóa nhanh, mất cân bằng về giới tính… Việt Nam phải làm gì và làm như thế nào tận dụng cơ hội này để tiến bước vào nền kinh tế tri thức?
Đến nay dân số nước ta hơn 90 triệu người, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 14 thế giới. Có hơn 60 triệu người đang ở độ tuổi lao động. Hàng năm sinh thêm gần 1 triệu người và có khoảng 1 triệu người bước vào tuổi lao động. Nước ta bước vào thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” từ năm 2007, có nghĩa là cứ 2 người trong tuổi lao động (từ tuổi 15 đến tuổi 64) gánh 1 người phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 64 tuổi). Thời kỳ này kéo dài khoảng 35 năm, nếu biết hoạch định chính sách điều chỉnh sẽ kéo dài hơn nữa.
Thách thức lớn đối với nước ta hiện nay là còn khoảng 70% lao động chưa được đào tạo nghề và có khoảng 70% dân số ở nông thôn, nông dân hiện nay mới sử dụng 40% thời gian cho sản xuất nông nghiệp, còn lại 60% thời gian là nông nhàn. Thu nhập thấp, thiếu việc làm, chất lượng sống và chất lượng dân số chưa cao, tốc độ già hóa nhanh, tuổi thọ bình quân của nam giới là 73 tuổi, nữ giới là 74 tuổi, chi phí an sinh xã hội lớn, người cao tuổi cả nước chiếm hơn 10% dân số. Lực lượng trẻ ở nông thôn ra thành phố tìm việc làm chủ yếu là lao động giản đơn. Mới có 15 triệu người có hợp đồng lao động. Giáo dục đào tạo đang còn yếu kém. Tỷ lệ mù chữ ở đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn ở mức cao, hệ thống giáo dục quốc dân chưa hợp lý, thiếu đồng bộ, quan tâm đến số lượng mà chưa chú ý đến chất lượng, tư duy giáo dục chưa được đổi mới nhất là trong bối cảnh đang phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế… Đối với nước ta thời kỳ cơ cấu dân số vàng chỉ đến có một lần, nếu chúng ta không có chiến lược, chính sách, biện pháp để tranh thủ thời cơ thì nước ta sẽ tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới,…
Để khắc phục những thách thức trên đòi hỏi cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện 6 giải pháp sau:
Một là, tập trung rà soát lại, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới vào các nhóm chiến lược chính sách có ý nghĩa quyết định để kéo dài thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” đó là: chính sách giáo dục đào tạo; chính sách lao động, việc làm, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; chính sách xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời; chính sách về thị trường lao động và chuyển dịch lao động; chính sách dân số và y tế; chính sách an sinh xã hội;...
Hai là, các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương khẩn trương triển khai có hiệu quả đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo mà Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã đề ra: Kết quả cuối cùng của đào tạo là mỗi người được đào tạo ở bất cứ môi trường nào đều phải có một nghề, có ngoại ngữ, có kỹ năng sống, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, thị trường lao động trong nước và ngoài nước. Đồng thời có đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, có chương trình và sách giáo khoa tiên tiến ở tất cả các cấp học.
Ba là, nước ta có khoảng 70% dân số làm nông nghiệp, nên cần giải quyết việc làm cho nông dân trong thời gian nông nhàn bao gồm đa dạng hóa các ngành nghề, dạy nghề tại chỗ theo phương châm cầm tay chỉ việc, phát triển kinh tế rừng, vườn đồi, thủy sản, chế biến nông sản, sản xuất thủ công mỹ nghệ,… Thực hiện “mỗi gia đình, mỗi làng có một sản phẩm”, “mỗi xã, mỗi huyện có một thương hiệu”, tạo ra các sản phẩm cạnh tranh tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng sống,...
Bốn là, thời kỳ dân số vàng và già hóa dân số ở nước ta diễn ra cùng một lúc đòi hỏi nhà nước, trung ương, địa phương cần có những chính sách nhằm tận dụng ở mức cao nhất đối với bộ phận dân số là người cao tuổi để tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với độ tuổi từ 55 đến 75 còn có sức khỏe, đặc biệt đối với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân, nghệ nhân, bác sỹ,... và những người sau khi nghỉ hưu vẫn còn có khả năng lao động tham gia vào các lĩnh vực mà xã hội đang có nhu cầu để họ có thể tiếp tục đóng góp công sức phát triển kinh tế. Đồng thời nhà nước, trung ương và địa phương cần chuẩn bị tốt nhất các chính sách an sinh xã hội cho dân số già ở nước ta trong tương lai không xa.
Năm là, có biện pháp thiết thực để biến cả nước “thành một xã hội học tập”. Mục đích xã hội học tập là phải nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra việc làm có thu nhập cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi dòng họ ở nông thôn, xã, phường. Xây dựng được những mô hình xã hội học tập phù hợp cho từng đối tượng như người cao tuổi, công nhân, nông dân sản xuất nông nghiệp, thanh niên, phụ nữ, cán bộ, nhân viên, lãnh đạo các cấp,... Xác định được đầu ra của các mô hình đó là mọi người đều có việc làm, xóa đói giảm nghèo và xây dựng thành công nông thôn mới,...
Sáu là, phải xây dựng chế độ “học tập suốt đời”, đòi hỏi mọi công nhân, viên chức, người lao động đảm bảo sẽ nhận được các nguồn thông tin liên quan đến việc tham gia học tập, huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp, tìm kiếm sự hỗ trợ thiết thực từ việc làm ổn định thông qua các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên và các trung tâm nghề nghiệp,…
Cần nhận thức sâu sắc rằng giáo dục trong nhà trường rất quan trọng song đó mới chỉ là giai đoạn ban đầu của đời một con người nhằm trang bị một số kiến thức cơ bản, phương pháp tìm kiếm thông tin,... Do đó mỗi cá nhân phải luôn luôn nhận thức học tập là cả cuộc đời, phải tự học, phải được đào tạo lại thông qua các lớp học tại chỗ, ngắn hạn, tập trung do các cơ quan của nhà nước, tư nhân, các doanh nghiệp tổ chức nhằm cập nhật những kiến thức của nhân loại. Kiến thức đó sẽ trở thành nội lực để tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Cơ hội “dân số vàng” ở nước ta chỉ phát huy tác dụng khi có nguồn “nhân lực vàng”. Không chỉ đòi hỏi những người trẻ trong độ tuổi lao động khỏe về thể chất, tinh thần, mạnh về trí lực mà còn bao gồm các nhà hoạch định chính sách, các cấp lãnh đạo, công nhân, nông dân, những người cao tuổi ở các vùng miền của tổ quốc đều phải không ngừng học tập, học tập suốt đời, cả nước phải trở thành xã hội học tập. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số, kéo dài thời kỳ “dân số vàng”, phát huy nguồn lực của 90 triệu người dân Việt Nam.
TS. Hồ Văn Hoành
Phó chủ tịch Hội khoa học phát triển
nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam